Thực phẩm biến đổi gen: Tranh cãi và vẫn dè chừng

Thứ Ba, 06/09/2016, 14:30
Thực phẩm biến đổi gen là một thành tựu trong lĩnh vực công nghệ sinh học nhằm mục đích đảm bảo vấn đề lương thực trên toàn thế giới. Tuy vậy, độ an toàn của loại thực phẩm này đang gây tranh cãi giữa các quốc gia với nhiều ý kiến và quan điểm lo ngại khác nhau về việc ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Giới khoa học và các nhà môi trường tiếp tục khẩu chiến nảy lửa xung quanh công nghệ biến đổi gen sinh vật. Trong khi Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) phản đối thực phẩm biến đổi gen, thì hơn 100 học giả đoạt giải Nobel đã đứng về phía các sinh vật biến đổi gen khi đồng ký tên vào một lá thư chỉ trích Tổ chức Hòa bình xanh.

Theo đó, Greenpeace cần ngưng chiến dịch ngăn chặn sự phát triển của một chủng lúa biến đổi gen mới mà theo những người ủng hộ, nó có thể kháng lại sự thiếu hụt vitamin A và hạn chế khả năng gây mù lòa hoặc tử vong ở trẻ em ở những quốc gia đang phát triển.

Hâm nóng cuộc chiến

Tổ chức Hòa bình xanh gần như là nhóm duy nhất phản đối thực phẩm biến đổi gen trên toàn cầu. Trong bức thư, những người đoạt giải Nobel cho rằng Greenpeace đã nỗ lực để ngăn chặn "một sản phẩm tuyệt vời". Greenpeace dẫn đầu phe chống lại "gạo hạt vàng" - một loại thực phẩm có khả năng làm giảm hoặc loại bỏ những cái chết và các căn bệnh do thiếu hụt vitamin A (VAD). 

Báo cáo năm 2012 của AAAS cho biết, ngô biến đổi gen hoàn toàn không có hại.

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có khoảng 250 triệu người bị VAD, trong đó 40% là trẻ em dưới 5 tuổi ở các nước đang phát triển. Hằng năm có tổng cộng 1 đến 2 triệu trường hợp tử vong do VAD khi hệ thống miễn dịch bị tổn thương.

Bức thư phản đối Greenpeace cho rằng, những gì tổ chức này đã và đang thực hiện là phản khoa học. Thực chất Greenpeace, và sau đó một số đồng minh, đã tính toán để "bịp" dư luận, từ đó quyên tiền cho các hoạt động của tổ chức. Bức thư kêu gọi tổ chức này và những người ủng hộ từ bỏ chiến dịch chống lại các sinh vật biến đổi gen nói chung và giống "gạo hạt vàng" nói riêng. 

Bên cạnh đó, các học giả đã ký tên vào bức thư yêu cầu Greenpeace công nhận những phát hiện khoa học về tính an toàn và hữu ích của thực phẩm biến đổi gen. Họ hi vọng sau khi đọc bức thư, tổ chức môi trường phi chính phủ này sẽ thừa nhận sai lầm và tập trung hơn vào những gì vốn được họ làm tốt.

Lý do giới khoa học chọn "gạo hạt vàng" có thể do tính tương đồng giữa sản phẩm này với các giải pháp tiềm năng đang được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Loại gạo này được thay đổi gen để mang thêm beta carotene, khi vào cơ thể người sẽ chuyển hóa thành vitamin A. 

Tuy nhiên, Greenpeace mới đây phản hồi rằng "gạo hạt vàng" đã thất bại ngay cả khi được nghiên cứu hơn 20 năm, sau thừa nhận không thể chứng minh sản phẩm này giải quyết được vấn đề thiếu vitamin A của Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế. Các công ty đang quá thổi phồng "gạo hạt vàng" để mở đường cho sự chấp thuận toàn cầu đối với các cây trồng biến đổi gen mang lại nhiều lợi nhuận hơn.

Greenpeace có lý lẽ của họ vì kể từ lần đầu được giới thiệu vào năm 1999, "gạo hạt vàng" đến nay vẫn trong giai đoạn trồng thử nghiệm ở Bangladesh và Philippines. Tổ chức Hòa bình xanh khẳng định, giải pháp bảo đảm duy nhất chống suy dinh dưỡng là một chế độ ăn phong phú và lành mạnh, tiếp cận công bằng với lương thực và nông nghiệp sinh thái.

Tổ chức Hòa bình xanh phản đối thực phẩm biến đổi gen khi cho rằng việc đưa các sinh vật biến đổi gen vào thế giới tự nhiên là một dạng của "ô nhiễm di truyền".

Ủng hộ nhờ… khoa học

Bức thư của các chủ nhân giải Nobel dẫn chứng số liệu của Liên Hiệp Quốc rằng sản lượng lương thực sẽ phải tăng gấp đôi vào năm 2050 mới đáp ứng nhu cầu của thế giới. Trong khi diện tích đất trồng trọt có thể giảm, và dân số ngày càng đông thì thực phẩm biến đổi gen là một giải pháp hợp lý. 

Thực tế ngày nay, ngành nông nghiệp Mỹ sử dụng khoảng 100 loại cây trồng biến đổi gen, và hầu hết cây bông vải trồng ở Ấn Độ hay Trung Quốc cũng như các giống đậu nành và ngô thế giới đang trồng cũng là biến đổi gen. 

Nếu công nghệ biến đổi gen biến mất hoàn toàn khỏi bức tranh nông nghiệp thế giới, con người sẽ không có được rau củ chứa chất chống ung thư, giống ngô chống hạn hán, đậu phộng không gây dị ứng hoặc giống gà kháng cúm gia cầm.

Một quan điểm khoa học đã được thống nhất rằng công nghệ chỉnh sửa gen trong phòng thí nghiệm không hề nguy hiểm hơn thay đổi thông qua phương pháp nhân giống truyền thống. Theo báo cáo vừa được công bố của Viện Nghiên cứu về Khoa học, Kỹ thuật và Y tế Mỹ, không có bằng chứng thuyết phục chứng minh những tác hại của cây trồng biến đổi gen đối với sức khỏe con người và môi trường. 

Nói chung, hầu hết các loại cây trồng và vật nuôi đều có thể đã được biến đổi gen. Cây trồng biến đổi gen bắt đầu trở nên phổ biến vào giữa thập niên 90 của thế kỷ trước và ngày nay, đa số các loại ngô, đậu tương và bông đều đã được "tinh chỉnh" để tăng cường khả năng kháng sâu bệnh, côn trùng hay chống chịu thuốc trừ cỏ.

Ngành thực phẩm biến đổi gen ngày nay vô cùng phát triển khi các nhà khoa học liên tiếp cho ra những dòng sản phẩm mới. Những quả cà chua biến đổi gen có thể trồng dưới thời tiết băng giá do được ghép gen từ loài cá bơn nước lạnh. Giống khoai tây và táo biến đổi gen cũng đã được nghiên cứu làm giảm độ enzyme gây ra màu nâu hoặc các vết bầm khi va đập, tạo ra dòng sản phẩm chống bầm giập. 

Báo cáo năm 2012 của Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ (AAAS) đã chỉ ra rằng ngô biến đổi gen là hoàn toàn an toàn và đây là minh chứng rõ nhất đối với những người ủng hộ công nghệ biến đổi gen. Thế nên, trường phái ủng hộ cho rằng các quan điểm phản đối thực phẩm biến đổi gen chủ yếu dựa trên cảm tính hơn là các bằng chứng khoa học.

Thế giới dè chừng

Thực phẩm biến đổi gen không phải là một giải pháp hoàn hảo khi vẫn tạo ra nhiều rắc rối, bên cạnh đó, tâm lý chung của dư luận về loại sản phẩm này còn khá dè dặt. Cuộc tranh cãi không hồi kết giữa các nhà khoa học và những nhà hoạt động không phải là điều mới lạ, vậy nên có rất ít lý do để tin rằng bức tâm thư với cả trăm chữ ký của các học giả chiến thắng giải Nobel sẽ có thể thuyết phục và thay đổi quan điểm của những người phản đối thực phẩm biến đổi gen.

Các nhà hoạt động xã hội chống đối thực phẩm biến đổi gen cho rằng, loại sản phẩm này có rủi ro tiềm tàng khi công nghệ can thiệp mã di truyền có thể tạo ra tác động tiêu cực cho cấu trúc sinh học nguyên thủy của thực vật và động vật. 

Các nước châu Âu thi hành một loạt quy định chặt chẽ về an toàn thực phẩm, bao gồm cả quy định dán nhãn sản phẩm biến đổi gen.

Bên cạnh đó, việc trồng và sản xuất thực phẩm biến đổi gen có thể tác động đến sự phát triển của dòng thực vật truyền thống thông qua quá trình thụ phấn, qua đó dẫn đến sự tuyệt chủng của dòng thực vật này.

Tổ chức Greenpeace nhận định, việc đưa các sinh vật biến đổi gen vào thế giới tự nhiên là một dạng của "ô nhiễm di truyền". Kỹ thuật di truyền cho phép những nhà khoa học tạo ra các thực vật, động vật và vi sinh vật bằng cách thao tác gen theo cách không xảy ra trong tự nhiên. 

Những sinh vật biến đổi gen có thể lây lan vào tự nhiên và giao phối với các sinh vật tự nhiên, do đó làm vấy bẩn môi trường không biến đổi gen và tạo ra thế hệ tương lai theo một cách không thể kiểm soát và lường trước được. 

Tổ chức này cũng cảnh báo những tác động lên kinh tế và xã hội của GMO trước sự thống trị của các tập đoàn lớn trong việc cung ứng lương thực và sự yếu thế cùng nguy cơ "trắng tay" của người nông dân.

Từ sau thập niên 80, các nước châu Âu thi hành một loạt quy định chặt chẽ về an toàn thực phẩm, bao gồm cả quy định dán nhãn sản phẩm biến đổi gen. Chính sách dán nhãn tồn tại trong suốt 15 năm cuối thế kỷ 20 bắt nguồn từ những nghi ngờ của các nhà khoa học, kèm theo là sự không tin tưởng ngày một lớn của chính phủ. Trong khi đó, dư luận tại các nước châu Âu cũng bắt đầu quan tâm đến những nguy hại mà thực phẩm biến đổi gen mang lại.

Người Anh thì gọi đây là thức ăn Frankenstein (lấy tên của con quái vật nổi tiếng được hình thành từ phương pháp biến đổi gen), trong khi Hà Lan cũng bắt đầu nổ ra nhiều cuộc biểu tình phản đối ngành công nghệ biến đổi gen.

Tại châu Á, Nhật Bản là nước đi tiên phong trong việc cam kết ủng hộ tối đa chiến dịch "Nói không với thực phẩm biến đổi gen" từ năm 1996, kêu gọi tẩy chay sản phẩm do các công ty chuyên biến đổi gen sản xuất. Tokyo cũng kiên quyết cấm trồng các loại cây biến đổi gen trên toàn quốc, đồng thời dán nhãn phù hợp trên các sản phẩm biến đổi gen. 

Với tiêu chí "dưỡng sinh bằng nguồn thực phẩm tự nhiên, lành mạnh", gần như người Nhật và châu Âu rất có ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe trước làn sóng trồng cây bằng công nghệ biến đổi gen lan rộng...

Phương Thảo
.
.