Trong bão tuyết Moskva

Thứ Tư, 29/12/2021, 21:32

Tháng 12/1941, nghĩa là cách đây tròn 80 năm, có một cơn thủy triều hung bạo đã hoàn toàn bị chặn đứng sau khi quét qua cả châu Âu lục địa, để rồi bắt đầu chính thức bị đẩy lùi. Sáu tháng sau khi bất thần xua quân vượt biên giới để tiến đánh Liên bang Xôviết, sáu tháng sau khi ngạo nghễ tuyên bố rằng đất nước ấy “sẽ không thể gượng dậy nổi”, nhà độc tài Đức Quốc xã Adolf Hitler đã phải cay đắng chấp nhận rằng dù chỉ còn cách chưa đầy 100km, quân đội của ông ta sẽ không bao giờ có thể duyệt binh trên Quảng trường Đỏ.

Và cuộc phản công Moskva đó, xét trên mọi khía cạnh, vẫn luôn là một trong những chiến công vĩ đại nhất trong quân sử thế giới.

Một huyền thoại vụn vỡ

Nói như William L.Shirer trong cuốn danh tác “Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế thứ Ba”, ngày 6/12/1941 là “một điểm ngoặt có tính định mệnh”, đối với Adolf Hitler và nước Đức Quốc xã. Shirer dẫn lời tướng Halder: “Huyền thoại về quân lực Đức đánh đâu thắng đó đã tan vỡ”.

Quả vậy. Suốt hai năm trước đó, trên khắp cựu lục địa, không đối thủ nào chịu đựng nổi những đòn tấn công sấm sét theo chiến lược “chiến tranh chớp nhoáng” (Blitzkrieg) mà quân đội Đức thực hiện. Đối thủ sở hữu lục quân hùng hậu nhất Tây Âu – nước Pháp – cũng đã phải cúi đầu nhanh chóng, sau khi Chiến lũy Maginot bị vô hiệu hóa bởi khả năng tập kích vu hồi thần tốc của những đoàn thiết giáp Đức. Một đại cường khác – nước Anh – chỉ có thể đứng vững và không bị tràn ngập nhờ thành lũy tự nhiên là eo biển Manche.

Ngay cả Hồng quân Liên Xô, trong giai đoạn chiến sự bùng nổ mùa hè 1941, cũng chỉ có thể bất lực nhìn từng khối lớn cả lãnh thổ lẫn nhân lực bị “nuốt chửng” bởi bánh xích xe tăng Đức Quốc xã. Đến đầu mùa thu, Hitler tin chắc rằng Liên Xô đã hoàn toàn bị đánh gục. Trên trận tuyến kéo dài 1.600 km từ biển Baltic đến Hắc Hải, Hồng quân Liên Xô liên tục bị đẩy lùi, trong bối cảnh hết đại đoàn này đến sư đoàn khác bị bao vây hoặc đánh tan rã.

b1ff28db3b02492c92316a51a1d57a76.jpg -0
Trận địa pháo binh trên Quảng trường Sovorov.

Đến ngày 20/10/1941, những đoàn xe tăng tiền phong của quân Đức chỉ còn cách Moskva 65 km. Song, đó là khi những trận mưa mùa thu bắt đầu đổ xuống, và cỗ máy chiến thắng bắt đầu khựng lại.

Moskva trong tầm mắt, nhưng chắn giữa quân Đức với thủ đô nước Nga là một mệnh lệnh quyết tử: “Không một bước lùi nào nữa! Sau lưng chúng ta là Moskva!” của những đoàn Hồng quân đi thẳng từ cuộc duyệt binh ở Hồng trường ra tuyến lửa.

Ở những miền đất đã từng bị khuất phục, quân đội Đức Quốc xã chưa từng phải đối diện với sự “lì lợm” và tinh thần chiến đấu dữ dội ấy. Như chính tướng Blumentritt nhận xét: “Ngay cả trong trận đánh lớn đầu tiên ở Minsk này, tinh thần chiến đấu của quân Nga cũng hoàn toàn khác biệt. Thậm chí khi bị bao vây, họ vẫn trụ vững mà chiến đấu”. Và: “Vào cuối tháng 10, đầu tháng 11, chúng tôi (các tướng lĩnh Đức) ngạc nhiên và thất vọng khi nhận ra rằng kể cả khi bị đánh bại, những người lính Nga vẫn không biết rằng lực lượng quân sự của họ không còn nguyên vẹn nữa”.

Nói cách khác, lòng ái quốc của người Nga là lý do tiên quyết để chiến lược Blitzkrieg của quân Đức Quốc xã hoàn toàn bị phá sản. Và rồi, khi Nguyên soái Alexander Vasilyievski chỉ huy cuộc phản công mạnh mẽ ngày 5/12/1941, đẩy bật quân Đức ra khỏi khu vực ngoại vi Moskva, xem như đã có một bước ngoặt cho cả Đệ nhị Thế chiến được xác lập.

Vấn đề là, ngoài nguyên nhân cốt lõi ấy, còn lý do nào dẫn đến việc đà chiến thắng của quân Đức bị chặn lại, để tiến trình sụp đổ - kéo dài đến tận khi lá quân kỳ của Hồng quân phấp phới bay trên nóc Tòa nhà Quốc hội Đức – chính thức bắt đầu?

goyof0dnuoa41.jpg -0
Vinh quang bất diệt: “Sau lưng chúng ta là Moskva!”.

Tử huyệt của Hitler

Không thể có kết luận nào khác. Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thất bại của quân đội Hitler ở Mặt trận phía Đông, chính là… Adolf Hitler.

Ta cần biết là ngay từ ngày 29/9/1941, nhà độc tài ấy đã ra một chỉ thị cho thuộc cấp, trong đó nêu rõ: “Lãnh tụ (Fuehrer) đã quyết định san bằng Saint-Petersburg (lúc đó mang tên là Leningrad). Sự tồn tại của thành phố này là vô nghĩa, khi Liên Xô sụp đổ. Ý định là bao vây thành phố, rồi san thành bình địa bằng pháo binh cũng như không kích liên tục”. Thậm chí, chỉ thị còn nhấn mạnh: “Phải từ chối việc bàn giao thành phố, bởi chúng ta (Đức Quốc xã) không thể và không nên giải quyết vấn đề sinh sống của cư dân, cũng như cung cấp thực phẩm cho họ”. Sự kiêu ngạo đã lộ rõ trong tâm trí người nắm trọn vẹn cả quyền quân chính của nước Đức – Đại Thống chế, Tổng tư lệnh duy nhất trên thực tế của nước Đức như vậy.

Cũng chính bởi sự ngạo mạn ấy, và chính vì nắm trong tay nhiều quyền lực đến như thế, Adolf Hitler ép quân đội dưới tay mình phạm sai lầm chiến lược: Không chỉ phải tiêu diệt các tập đoàn quân Liên Xô phòng thủ Moskva, ông ta còn muốn các tướng lĩnh của mình “cứu viện” cho đồng minh Ý ở Hy Lạp và Bắc Phi, cũng còn đòi hỏi họ phải chiếm đóng các vùng công nghiệp đáng giá, cũng như những khu vực dầu mỏ vô giá của nước Nga ở gần Kavkaz. Hơn thế, ông ta còn muốn lá cờ thập ngoặc của mình ngạo nghễ cắm trên “hai thành phố thiêng liêng của chủ nghĩa cộng sản: Leningrad và Stalingrad”.

Nói cách khác, thay vì có thể tập trung lực lượng đánh đòn quyết định, các tướng lĩnh Đức bắt buộc phải phân tán đội hình. Trong khi đó, những lời “can gián” của họ - vốn hiểu rõ tình hình mặt trận hơn là vị bạo chúa chỉ đến Tổng hành dinh Đông Phổ - bị đáp lại bởi một thái độ đầy tính sỉ nhục, khi Hitler chỉ trích các danh tướng ở Bộ Tư lệnh Lục quân là “rặt những đầu óc cứng nhắc và phản động”. Sự căm ghét cũng như các biểu hiện khinh miệt giới sĩ quan cao cấp, như Raymond Cartier viết trong cuốn “Hitler và các danh tướng Đức Quốc Xã”, là điều nhà độc tài nước Đức chưa từng che giấu hay tự kiềm chế chính mình.

retreatfrommoscowhed-1200x0-c-default.jpg -0
Quá nhiều quyết định sai lầm “tử huyệt” của quân đội Đức Quốc xã chính là… Hitler.

Không chỉ vậy, trong sâu thẳm, Hitler còn có một niềm tin mãnh liệt, rằng theo đà tiến công của quân Đức, sẽ có những biến động chính trị nổ ra tại Liên Xô. Để thúc đẩy điều này, một viên tướng Liên Xô phản bội – Andrey Vlasov – đã được dựng lên như một thứ bù nhìn chính trị, nắm cái gọi là Quân đội Giải phóng nước Nga được Đức Quốc xã hậu thuẫn, đóng vai trò như một kiểu Trần Ích Tắc trong dòng lịch sử Việt. Hitler đã từng nói với sĩ quan tùy viên của mình – Đại tướng Jodl: “Chúng ta chỉ cần đá cái cửa, rồi cả cấu trúc mục ruỗng sẽ đổ sập”.

Song, đó là một phán đoán quá thiếu cơ sở. Guderian – vị tướng thiết giáp tiền phương kể lại, rằng đã có một tù binh Liên Xô, một cựu tướng lĩnh từ thời Nga hoàng nói với ông: “Nếu các ông đến đây 20 năm về trước, có thể chúng tôi đã dang rộng hai tay chào đón. Nhưng giờ, chúng tôi vừa bắt đầu đứng trên đôi chân của mình thì các ông lại muốn chúng tôi làm lại mọi việc từ đầu. Bây giờ, chúng tôi chiến đấu vì nước Nga, và điều đó gắn kết chúng tôi”.

Guderian bay tức tốc từ mặt trận về tổng hành dinh, với mong muốn đưa ra những tham vấn quân sự hữu ích, chỉ để bị Thống chế Von Brauschitsch “cảnh cáo”: “Tôi cấm anh đề cập vấn đề Moskva với Fuehrer. Chỉ thị đã được ban hành, và công việc chỉ còn là làm thế nào thi hành được chỉ thị ấy. Thảo luận cũng chẳng ích gì đâu!”.

Chỉ thị ấy là chia quân đánh Kiev, chiếm vùng đồng bằng Ukraine. Quân Đức chiến thắng ở đó, tháng 9/1941. Song, họ không bao giờ còn cơ hội hợp quân để hy vọng xuyên thủng phòng tuyến thép bảo vệ Moskva nữa. Chưa kể những bước sa lầy ở Stalingrad. Chưa kể bản hùng ca Leningrad.

Và mùa đông nước Nga ập xuống, như đã từng ập xuống Đại quân của Napoleon.

* Bắt đầu ngày 5/12/1941, cuộc phản công Moskva đẩy lùi  quân Đức khỏi ngoại vi thủ đô Moskva khoảng 150-300km. Đây là thất bại đầu tiên của Đức Quốc xã kể từ khi Đệ nhị Thế chiến bắt đầu. Sau trận thua này, tình thế thay đổi ngay ở những khẩu lệnh. Không phải “Không một bước lùi nào nữa, sau lưng chúng ta là Moskva!”, mà chính Hitler kiên quyết đòi hỏi các đơn vị Đức Quốc Xã tiền phương “không được lùi một bước nào nữa”, nhằm ngăn chặn thảm họa “vỡ trận” như Napoleon.

* Sáng 6/12, Nguyên soái Gheorgi Zhukov (khi ấy mới đeo quân hàm Đại tướng, vừa thay Nguyên soái Timoshenko làm Tư lệnh Mặt trận Trung tâm được sáu tuần) tung ra bảy Đại đoàn và hai quân đoàn kỵ binh, tổng cộng khoảng 100 sư đoàn, trên phòng tuyến rộng khoảng 360 km. Khối binh lực này, được giữ bí mật đến tận lúc lâm trận và đã được huấn luyện kỹ để chiến đấu trong giá buốt, làm bất ngờ hoàn toàn các tướng lĩnh Đức cũng như chính Hitler, tạo nên một đòn phản kích mãnh liệt, không thể ngăn cản.

Mây Linh
.
.