Quyền lực của nỗi bất an

Thứ Hai, 29/11/2021, 14:44

Không phải ngẫu nhiên mà hồi hạ tuần tháng 10, trả lời phỏng vấn tờ Sunday Telegraph (Anh), Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg - dù hoan nghênh các nỗ lực phòng thủ của Liên minh châu Âu (EU) nhưng vẫn phải lưu ý rằng “những nỗ lực đó không thể thay thế được NATO”.

Song, ngược lại, có lẽ cũng chẳng phải vô cớ mà EU luôn ôm ấp ý tưởng về một “quân đội châu Âu” riêng của mình. Càng ngày, ý tưởng đó càng được cụ thể hóa rõ nét hơn trong hiện thực. Và, dường như điều này cũng phản chiếu khá rõ những nỗi bất an trong thực tế.

“Nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, linh hoạt hơn”

Một cuộc họp đã diễn ra tại Brussels ngày 16-10. Cuộc họp rất được chờ đợi, bởi ở đó, các Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên EU bàn thảo về một vấn đề quan trọng: Thành lập lực lượng phản ứng nhanh EU. Theo dự kiến, văn bản cuối cùng và mang tính quyết định về lực lượng phản ứng nhanh này có thể được chính thức ra đời vào tháng 3-2022. Nó gắn liền với kế hoạch then chốt mang tên “La bàn chiến lược (Strategic Compass)”.

Quyền lực của nỗi bất an -0
“Quân đội EU” không còn là một ý tưởng mơ hồ.

“La bàn chiến lược”, như diễn giải của Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại -  Josep Borrell - là chiến lược phòng thủ mới của EU, yêu cầu toàn khối phải "nhanh hơn, mạnh mẽ hơn và linh hoạt hơn để thực hiện toàn bộ các nhiệm vụ quản lý khủng hoảng quân sự". Phục vụ “La bàn chiến lược”, do đó, Lực lượng phản ứng nhanh EU gần như chắc chắn sẽ được thành lập, tạo thành từ các bộ phận trên bộ, trên biển và trên không, đồng thời có thể hoán đổi với bất kỳ lực lượng thường trực nào tùy thuộc vào cuộc khủng hoảng. EU hy vọng, chương trình này sẽ giúp đối phó tốt hơn với các cuộc khủng hoảng bên ngoài, bảo vệ EU, công dân của EU và tận dụng các cơ hội sẵn có một cách hiệu quả hơn.

Điều này có nghĩa là cho dù Nhà Trắng đã đổi chủ và cho dù những chính sách đối ngoại cứng rắn khắc nghiệt đến cả với các đồng minh truyền thống - mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng - bắt đầu được thay đổi hay đảo ngược bởi đương kim Tổng thống Joe Biden, thì cựu lục địa vẫn không từ bỏ ý định đầu tư và xây dựng một đội quân - một thứ lá chắn quốc phòng để tự bảo vệ mình, độc lập và không phụ thuộc vào NATO, tổ chức hiệp ước quân sự mà quyền lãnh đạo thuộc về nước Mỹ.

“Châu Âu đang đối diện với rất nhiều hiểm họa” - ông Josep Borrell nhấn mạnh. Bởi vậy, điều quan trọng đối với EU là việc các quốc gia thành viên cam kết "cung cấp các tài sản liên quan và các yếu tố hỗ trợ chiến lược cần thiết" cho “La bàn chiến lược”, kể cả khi không phải cả 27 nước thành viên đều cần phải tham gia chiến lược này và kể cả khi chuyện phê duyệt cho phép triển khai bất kỳ hoạt động quân sự nào cũng phải có sự đồng thuận trong khối.

Quyền lực của nỗi bất an -0
Josep Borrell: “Châu Âu đang đối diện với nhiều mối lo”.

Cho đến hiện tại, đã có 60 dự án quân sự chung của EU đang được phát triển, bên cạnh các năng lực khác. Còn sau ngày 16-11, đã có thêm 14 dự án nữa được phê duyệt.

Một cách ngắn gọn, sau khi nước Anh kiên quyết dứt áo ra đi bằng cánh cửa Brexit, sau khi đã chứng kiến chủ nghĩa biệt lập cùng khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump giành được nhiều sự ủng hộ thế nào - chỉ dấu rất đáng lo ngại từ hiện trạng xã hội Mỹ và sau khi nước Đức khép lại “kỷ nguyên Angela Merkel”, nâng cao năng lực tự bảo vệ mình là con đường mà châu Âu đã, đang và vẫn sẽ phải chú trọng.

“La bàn chiến lược” hay Lực lượng phản ứng nhanh EU - với quân số dự kiến đạt 5.000 binh sĩ vào năm 2025 - chưa thể xem là “quân đội châu Âu” đúng nghĩa. Song, trong lịch sử nhân loại, từng có rất nhiều quân đội hùng mạnh được xây dựng từ khởi điểm chỉ là “một nhúm người”.

Có chăng, sự tan rã của NATO?

Từ tháng 11-2018, dưới áp lực không khoan nhượng - đòi các quốc gia EU phải đóng góp nhiều hơn vào ngân sách chi cho hệ thống phòng thủ chung của phương Tây - mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ (thậm chí là bằng những cách thức và ngôn từ phi ngoại giao), đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề xuất thành lập lực lượng quân đội chung mới với tên gọi “Sáng kiến can thiệp châu Âu”, hoạt động độc lập với Mỹ và chịu trách nhiệm về an ninh của chính mình.

Từ thời điểm ấy, nhà lãnh đạo nước Pháp - một trong 2 cường quốc dẫn dắt EU cùng với Đức - đã làm rõ: Hiện nay, châu Âu đang phải đối mặt với không ít nỗ lực nhằm can thiệp vào không gian nội bộ của châu lục này. Đương nhiên, ông không quên lưu ý: EU cần tránh vết xe đổ “thành lập Quân đội chung châu Âu chỉ để làm công cụ của Mỹ” hoặc tránh việc các nước châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng nhưng cũng chỉ để mua thêm nhiều vũ khí Mỹ.

Đồng vọng với ông, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (European Council) khi ấy là Donald Tusk mỉa mai những đòi hỏi của NATO (cũng có nghĩa là của nước Mỹ): “Xét cho cùng, nếu có gì xảy ra, những người bạn duy nhất chúng ta có thể tin tưởng, không gì khác, chính là đôi tay của mình”. Song, ngày đó, cũng như Tổng Thư ký NATO hiện tại (nhưng theo cách kém “thanh lịch” hơn), cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump mỉa mai và thậm chí là miệt thị việc EU muốn có một quân đội riêng của mình, tách biệt khỏi “chiếc ô” NATO.

Kể từ đó, giữa hai bờ Đại Tây Dương, về mặt hợp tác quân sự, là một bầu không khí “bằng mặt nhưng không bằng lòng”. Cho đến năm 2021 này, khi những nỗ lực làm nồng ấm trở lại mối quan hệ truyền thống giữa Mỹ và những người bạn cũ ở cựu lục địa vẫn còn chưa kịp mang lại hiệu quả thì một sự kiện đã lại diễn ra: Mỹ cùng Anh và Australia thành lập liên minh AUKUS ở Thái Bình Dương, đi kèm với việc Australia hủy hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp, chuyển sang đặt mua tàu ngầm hạt nhân của Mỹ.

Đây không chỉ là câu chuyện về hàng tỷ và chục tỷ USD lợi nhuận. Khi Paris phát khùng và cho rằng họ bị “đâm sau lưng”, câu chuyện này còn liên quan đến vị thế địa chính trị. Nói một cách đơn giản, nước Pháp nói riêng cũng như châu Âu nói chung cảm thấy rằng họ trở thành những “kẻ ngoài rìa”, tại một khu vực “trọng địa” đang càng lúc càng trở nên quan trọng và nóng bỏng ở tầm mức toàn cầu.

Quyền lực của nỗi bất an -0
Nếu xây dựng thành công lực lượng vũ trang riêng, EU liệu còn cần NATO?

Ngày 7-9-2021, đảng Nhân dân châu Âu (EPP) - lực lượng chính trị chiếm đa số trong Nghị viện châu Âu (EP) - công khai tuyên bố trên trang Twitter của họ: "EU cần phải phối hợp một cách chặt chẽ hơn trong những công việc liên quan đến phòng thủ", trong khi vẫn duy trì mối quan hệ bền chặt với các đồng minh như NATO. Và trước đó, nếu như hồi tháng 11-2018 chỉ có 9 thành viên EU ủng hộ sáng kiến của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì đến tháng 6-2021, có tới 14 thành của liên minh này tán đồng.

Ngày 21-10-2021, 5 nước Đức, Phần Lan, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Slovenia tuyên bố sẽ thành lập lực lượng phản ứng nhanh trên toàn EU, để đối phó với những cuộc khủng hoảng quân sự trong tương lai. Theo nhóm 5 quốc gia ấy, các sự kiện gần đây, điển hình như cách nước Mỹ triệt thoái binh sĩ trong hỗn loạn và theo cách đơn phương ở Afghanistan đã cho thấy EU cần phải tăng cường sự chủ động.

Cùng lúc, tại Hội nghị NATO diễn ra vào ngày 21-22 tháng 10 tại Brussels, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói rằng Mỹ được hưởng lợi từ các cấu trúc quân sự bổ sung cho NATO. Trong khi đó, ở Pháp, một số chính trị gia ủng hộ việc nước này rút khỏi NATO. Họ cho rằng khối quân sự này đã tồn tại quá lâu, đã trở nên kém hữu dụng và không phù hợp với thực tế hiện đại.

Nếu kế hoạch “La bàn chiến lược” tiếp tục được triển khai trong tương lai, với sự khuếch trương và mở rộng thêm nữa của Lực lượng phản ứng nhanh châu Âu để càng lúc càng giống với một “Quân đội châu Âu”, dù muốn dù không, sự hiện diện của NATO sẽ không còn quá quan trọng nữa. Theo dự đoán của một số nhà quan sát, với quyết định thành lập lực lượng vũ trang của riêng mình, một châu Âu thống nhất có thể sẽ hướng tới việc dỡ bỏ các căn cứ quân sự và rút khỏi NATO.

Đương nhiên, Washington sẽ chẳng vui vẻ gì với viễn cảnh này. Nước Mỹ sẽ đánh mất quá nhiều, cả về ưu thế và vị thế địa chính trị lẫn tầm ảnh hưởng hay khả năng kiểm soát, ngay cả với những đồng minh truyền thống, thân thiết và gần gũi nhất. Mặc dù vậy, chuyện có cách nào để đảo ngược vòng xoáy phân rã, siết chặt lại các mối dây liên hệ, xua đi những nỗi bất an (của cả châu Âu và của chính nước Mỹ), thì lại không hoàn toàn chỉ phụ thuộc vào các nỗ lực (mà cho đến giờ vẫn chưa đủ mạnh mẽ) từ Washington...

Thiên Phong
.
.