Liên minh châu Âu: Tìm chỗ đứng trên điểm nóng

Thứ Ba, 19/10/2021, 08:55

Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đang thu hút sự chú ý của nhiều cường quốc trên thế giới. Điều này đòi hỏi Liên minh châu Âu (EU) cũng cần đưa ra tiếng nói của mình để không trở thành kẻ đứng ngoài cuộc chơi.

EU vào cuộc

Sau một thời gian dài xây dựng và bàn thảo, cuối cùng EU cũng chính thức công bố chính sách của mình đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương hôm 16-9 vừa qua. Việc EU xây dựng một chiến lược riêng cho khu vực vốn không tác động trực tiếp tới mình như Ấn Độ - Thái Bình Dương cho thấy một tầm nhìn mới rộng lớn hơn của liên minh này về vị trí, vai trò của họ trên phạm vi toàn cầu.

Trước hết, cần phải xác định, Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ là tâm điểm trong thời gian tới khi đây vừa là khu vực phát triển năng động nhất, vừa đồng thời tiềm ẩn những nguy cơ xung đột giữa các cường quốc. EU - với tư cách là liên minh kinh tế, chính trị lớn nhất thế giới - không thể đứng ngoài vòng ảnh hưởng của những vấn đề phát sinh từ khu vực này. Quan trọng hơn, EU nhận thức được vai trò của khu vực đối với tương lai kinh tế của mình. Để đảm bảo lợi ích, họ không thể tách rời nó khỏi chiến lược chung với các bước đi về đối ngoại, an ninh.

Liên minh châu Âu:  Tìm chỗ đứng trên điểm nóng -0
Ông Josep Borrell công bố chiến lược của EU với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Việc công bố chiến lược chung chính thức là bước đi nối tiếp khi mà lần lượt các quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn trong khối như Pháp, Đức, Hà Lan đều đã đưa ra quan điểm riêng. EU cần khẳng định sự thống nhất trong hành động của cả khối. Đây cũng là bước đi tương xứng khi những đồng minh, đối tác lớn của EU là Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ và Anh đều đã công bố chiến lược với khu vực này. Thực tế, trước khi được Cao ủy Chính sách an ninh và đối ngoại của EU, ông Josep Borrell công bố hôm 16-9 vừa qua thì văn bản "Chiến lược của EU hợp tác ở Ấn Độ - Thái Bình Dương" cũng đã được đưa ra bàn thảo tại Hội đồng EU từ tháng 4-2021.

Bình mới rượu cũ

Thời điểm "chiến lược mới" của EU được công bố khá nhạy cảm, khi Mỹ bất ngờ ra mắt Hiệp định Đối tác tăng cường an ninh 3 bên (AUKUS) trước đó một ngày. AUKUS không chỉ tác động mạnh tới EU mà còn hướng thẳng sự chú ý tới khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương với những bước đi tiềm ẩn nguy cơ mở ra một cuộc chạy đua vũ trang ở đây. Thế nên, khi EU đưa ra tuyên bố về "chiến lược mới", nó đã thu hút sự chú ý.

Mặc dù việc công bố chiến lược mới về Ấn Độ - Thái Bình Dương được EU thực hiện khá “rình rang”, khi đi kèm với bài phát biểu thông điệp Liên minh của bà Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, thực chất những tuyên bố của EU không gây bất ngờ. Với những lời lẽ mềm dẻo, bản chiến lược không đề cập nhiều đến những bất đồng mà hướng đến hợp tác của EU. Theo đó EU dựa vào các mối quan hệ đối tác đã được thiết lập từ trước đồng thời phát triển các quan hệ đối tác mới với các quốc gia trong khu vực ở Ấn Độ - Thái Bình Dương để đảm bảo vai trò và sự hiện diện ngày càng tăng của mình ở khu vực.

Trọng tâm của việc hợp tác vẫn là ở lĩnh vực kinh tế, khi văn bản chính sách của EU khẳng định: Ấn Độ - Thái Bình Dương với châu Âu là "đối tác kinh tế tự nhiên”. EU là nhà đầu tư hàng đầu trong khu vực, sẽ có rất nhiều gắn kết về lợi ích với thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của họ. Do đó, cả EU và các quốc gia trong khu vực đều có trách nhiệm bảo vệ mối quan hệ tốt đẹp này.

Thế nhưng, từ trước khi đưa ra chính sách mới, EU đã rất chủ động trong việc tăng cường giao thương với các đối tác kinh tế quan trọng ở khu vực này cụ thể bằng các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với một loạt quốc gia như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Thông qua những hiệp định này, kinh tế EU với các quốc gia trong khu vực đã gia tăng sự kết nối vượt mặt được nhiều đối thủ. EU sẽ tiếp tục thúc đẩy các FTA với Australia, Indonesia và New Zealand trong thời gian tới. Những quốc gia được ưu tiên ký kết FTA là những cánh cửa quan trọng để EU đi sâu vào những thị trường khác nhằm xây dựng các chuỗi giá trị toàn cầu bền vững và linh hoạt hơn. Đây vốn là bước đi chủ động của EU được thúc đẩy từ năm 2019 tới nay.

Trong bản công bố, EU cũng đề cập tới cạnh tranh địa chiến lược ở khu vực với những điểm nóng trên biển gây ảnh hưởng tới an ninh và thịnh vượng của châu Âu khiến họ phải quan tâm. Vẫn như thường thấy, EU đề cao các quốc gia và tổ chức trong khu vực, cam kết hợp tác với tất cả dù đó là Trung Quốc, ASEAN hay các nước QUAD (Bộ tứ kim cương - một liên minh do Mỹ xây dựng để gia tăng ảnh hưởng trong khu vực gồm Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Australia) để giải quyết vấn đề.

EU cũng không quên nhấn mạnh những thách thức tới từ biến đổi khí hậu hay an ninh phi truyền thống mà họ sẽ tham gia hợp tác giải quyết. Về căn bản, những vấn đề được đề cập tới không mới khi EU từ lâu đã tham gia vào những lĩnh vực này như một đối tác lớn trong khu vực. Ngay trong văn bản của mình, EU đã nhấn mạnh tới từ "hợp tác". Đây có thể coi là chiến lược chủ đạo của họ đối với khu vực này.

Nếu có điểm gì mới trong chiến lược được công bố lần này thì đó là việc EU nhiệt tình chào mời các đối tác trong và ngoài khu vực tham gia hợp tác với mình để cùng giải quyết các vấn đề. Nói cách khác, "chiến lược mới" của EU chỉ là sự mở rộng của một "chiến lược cũ" đã được thực thi từ nhiều năm qua, để phù hợp với tình hình ở khu vực hiện thời, khi có sự xuất hiện của nhiều hơn những bên liên quan.

Liên minh châu Âu:  Tìm chỗ đứng trên điểm nóng -0
Sự xuất hiện của EU đem đến một lựa chọn mới đầy hứa hẹn cho các đối tác trong khu vực.

Đối tác tốt?

Từ lâu, EU đã giữ được hình ảnh là một đối tác tốt trong khu vực, khi tập trung vào những hoạt động hợp tác và hỗ trợ cùng phát triển. Dĩ nhiên, điều này đem lại lợi ích cho cả hai phía. Sự xuất hiện của EU được nhiều quốc gia và tổ chức khu vực rất hoan nghênh. Chính vì vậy, dù không có gì thực sự mới mẻ nhưng việc EU đưa ra một "chiến lược mới" vào lúc này cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm.

Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đang đứng trước cơ hội và thách thức lớn khi trở thành trung tâm trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai siêu cường là Mỹ và Trung Quốc. Các quốc gia trong khu vực đều đứng trước một lựa chọn khó khăn phải "chọn phe" trong cuộc chơi này. Vì vậy, sự có mặt nhiều hơn của EU sẽ giúp cân bằng lại sức ép. Bởi xét về tiềm lực, chỉ EU mới có thể so sánh được với Mỹ và Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu. Sự hiện diện của EU, về mặt nào đó, có thể trở thành “kênh thoát hiểm” hữu dụng cho các đối tác khu vực.

Từ phía EU, họ cũng nhận thức được vai trò của mình ở khu vực này. Dù là đồng minh truyền thống của Mỹ nhưng EU vẫn có mối quan hệ khá tốt với Trung Quốc trong thời gian qua. Thêm vào đó, việc chính quyền hiện tại của Mỹ tiếp tục thể hiện màu sắc đơn phương trong chính sách đối ngoại - khi gạt EU ra khỏi những tính toán mà thay vào đó là những kết nối mới trong khuôn khổ nhóm QUAD hay liên minh AUKUS - càng thúc đẩy EU phải độc lập hơn để bảo vệ vị thế. Công bố "'chiến lược mới" ở Ấn Độ - Thái Bình Dương là một lời khẳng định về vị thế ấy của EU.

Thực tế, chiến lược của EU với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương khá giống với bất cứ khu vực nào mà họ hiện diện. Tuy nhiên, việc công bố một chiến lược cụ thể cho thấy EU đã sẵn sàng tham gia vào cuộc chơi lớn hơn trên quy mô toàn cầu mà họ, đứng ở vị trí độc lập có thể trở thành đối tác giúp cân bằng ảnh hưởng tại các điểm nóng. Ngay việc thống nhất được chiến lược chung của 27 quốc gia thành viên cũng đã là thành công của chính họ. Đây có thể coi là bước tiến lớn của EU trên con đường xây dựng khối độc lập, thống nhất.

Tử Uyên
.
.