Những ngổn ngang trên bậc thềm COP 27

Thứ Tư, 12/10/2022, 08:08

Một tháng nữa thôi sẽ diễn ra Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 27). Song, ngày 4/10 vừa qua, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed vẫn phải kêu gọi các quốc gia phát triển đưa ra một lộ trình rõ ràng, nhằm khởi động việc phân bổ các gói tài chính đã cam kết tài trợ cho các quỹ thích ứng với khí hậu tại Hội nghị COP 26 ở Glasgow hồi năm ngoái.  Nghĩa là, dường như chưa có gì thực sự bắt đầu, trên một tiến trình liên quan đến sự tồn vong của toàn nhân loại.

Không thể trì hoãn

Cụ thể, trong bài phát biểu của mình, bà Amina Mohammed lưu ý: Vào năm ngoái, các quốc gia phát triển đã hứa sẽ tăng gấp đôi tài trợ cho các chương trình thích ứng với khí hậu lên mức 40 tỷ USD/năm, đến năm 2025. Tuy nhiên, theo bà, con số 40 tỷ USD cũng mới chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số 300 tỷ USD hằng năm mà các nước đang phát triển cần để thích ứng với biến đổi khí hậu vào năm 2030.

Không chỉ vậy, từ năm 2009, các nước phát triển đã cam kết phân bổ 100 tỷ USD mỗi năm vào năm 2020 nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, tuy nhiên cam kết này đã không được thực hiện một cách đầy đủ. Do đó, bà Amina Mohammed hối thúc: Cần phải đạt được “những tiến bộ có ý nghĩa” để giải quyết những mất mát và thiệt hại liên quan đến khí hậu. Bà cũng nhấn mạnh thêm rằng: “Việc tài trợ cho những tổn thất và thiệt hại là một vấn đề không thể trì hoãn được nữa”.

Những ngổn ngang trên bậc thềm COP 27 -0
Vụ đường ống Nord Stream rò rỉ khí methane là thảm họa môi trường.

Bà Amina Mohammed cũng kêu gọi các nước hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các nỗ lực của Liên hợp quốc, nhằm đảm bảo rằng các hệ thống cảnh báo sớm đối với biến đổi khí hậu có phạm vi phủ sóng toàn cầu 100% trong vòng 5 năm tới. Theo bà, 60% dân số châu Phi không được tiếp cận với hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả - một công cụ cơ bản nhất để cứu sống và bảo vệ sinh kế của người dân.

Đây chính là một điểm nhức nhối mà có lẽ mọi lời kêu gọi thống thiết đều chưa được đáp lại tương xứng. Cần phải nhấn mạnh rằng, trong thời gian qua, các nhà lãnh đạo quốc gia châu Phi đã thay nhau lên tiếng về việc “lục địa đen” hoàn toàn không phải tác nhân tạo nên hiệu ứng nhà kính, khi lượng phát khí thải ở châu Phi là không đáng kể. Thế nhưng, cuối cùng, chính châu Phi vẫn là khu vực dễ bị tổn thương nhất, phải đối diện với những nguy cơ và hệ lụy trầm trọng nhất của tiến trình biến đổi khí hậu, môi trường toàn cầu, thí dụ như khủng hoảng lương thực và các thảm họa nhân đạo.

Không phải ngẫu nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry, người đồng thời là chủ tịch được chỉ định của COP 27, cũng kêu gọi các nước phát triển tôn trọng cam kết về khí hậu để tránh phá vỡ bầu không khí đáng tin cậy của Hội nghị COP 27. Phát biểu trước hơn 60 bộ trưởng từ khắp nơi trên thế giới, ông Shoukry tuyên bố rằng các nước công nghiệp phát triển vẫn chưa thực hiện đầy đủ cam kết tài trợ hằng năm 100 tỷ USD, đồng thời làm rõ: Bản thân cam kết này là biểu tượng của trách nhiệm và sự tin cậy. Nghĩa là, đang thực sự hiện hữu những vấn đề hoài nghi trong cộng đồng quốc tế về trách nhiệm và lòng tin ở lĩnh vực “sinh tử” này.

Những quỹ đạo mông lung

Thực tế, từ giữa tháng 9, đã xuất hiện những kết luận đáng sợ về cách loài người ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu và đặt thêm cho chương trình nghị sự của COP 27 (sẽ được tổ chức ở Ai Cập từ ngày 6-18/11 tại thành phố nghỉ mát Sharm El-Sheikh bên bờ Biển Đỏ) những vấn đề hóc búa.

Theo Tổ chức Khí hậu thế giới (WMO), ngày 13/9/2022, trong báo cáo United in Science công bố cùng ngày, thiên tai sẽ trở nên phổ biến nếu thế giới không cắt giảm lượng khí carbon theo mức mà giới khoa học cho là cần thiết để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của tình trạng ấm lên toàn cầu.

WMO nhấn mạnh: Sau gần 3 năm đại dịch COVID-19, cơ hội để các chính phủ đánh giá lại cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thì đến hiện tại, các quốc gia lại đối mặt với tình trạng ô nhiễm như trước đây. Những số liệu được đưa ra nhằm chứng minh cho luận điểm này là việc sau khi lượng khí thải giảm 5,4% - mức giảm chưa từng có - vào năm 2020 do các lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại toàn cầu vì dịch bệnh, dữ liệu sơ bộ từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay cho thấy lượng khí CO2 phát thải toàn cầu đã cao hơn 1,2% so với trước khi đại dịch bùng phát. Theo đánh giá, con số này chủ yếu là lượng khí phát thải tăng hằng năm ở Mỹ, Ấn Độ và hầu hết các nước châu Âu.

Nói cách khác, như Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas nhận xét, rõ ràng thế giới đang “đi sai hướng” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, môi trường toàn cầu, với nồng độ khí thải nhà kính mỗi lúc một cao, tỷ lệ thuận với nền nhiệt của hành tinh. Báo cáo của WMO ước tính có tới 93% khả năng kỷ lục về năm nóng nhất trên toàn cầu - hiện tại là năm 2016 - sẽ bị phá vỡ trong vòng 5 năm tới. WMO cũng cảnh báo việc tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch đồng nghĩa với việc có tới 48% khả năng nhiệt độ toàn cầu trung bình hằng năm tạm thời vượt quá 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, trong một năm nào đó ở quãng 5 năm tới.

Những ngổn ngang trên bậc thềm COP 27 -0
Theo Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed, hằng năm, các nước đang phát triển cần tới 300 tỉ USD để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Và, không thể không nhắc đến một diễn biến nóng bỏng: Sự cố rò rỉ (bị đặt nghi vấn là do một cuộc tấn công với mục đích phá hoại chưa xác định được bên thực hiện) tại đường ống dẫn khí đốt mang tên Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) 1, đoạn dưới đáy biển Baltic, đã và đang khiến giới nghiên cứu khoa học dậy lên mối lo lắng về một “thảm họa môi trường” chưa từng có trong lịch sử.

Không ai dám chắc đã có bao nhiêu tấn khí methane giải phóng vào đáy đại dương cũng như khí quyển ở những đoạn rò rỉ. Người ta chỉ biết rằng, khí methane tác động tới khí hậu gấp 82 lần so với CO2 trong vòng 20 năm, gấp 29 lần trong 100 năm và là nguyên nhân gây ra khoảng 1/3 hiện tượng nóng lên toàn cầu từ thời kỳ tiền công nghiệp. Bởi vậy, Manfredi Caltagirone, người đứng đầu đài quan sát phát thải khí methane (IMEO) của Liên hợp quốc nhận định: "Đây có thể là vụ phát thải lớn nhất từng được phát hiện. Nó giáng một đòn nặng nề, trong thời điểm thế giới đang tìm mọi cách để giảm lượng khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu".

Lối thoát nào cho Trái đất?

Nước chủ nhà COP 27 đã và đang hoạt động rất tích cực, với hàng loạt các hội nghị khởi động cho sự kiện chính, với sự tham gia của nhiều ủy ban cũng như đại diện cấp cao của Liên hợp quốc.

Dù vậy, việc có tiến triển đích thực nào được đưa ra và thống nhất tại COP 27 hay không vẫn còn là một mệnh đề để ngỏ. Nguyên nhân, xét cho cùng, vẫn vô cùng đơn giản nhưng lại cũng vô cùng nan giải: Mức đóng góp tài chính của cộng đồng quốc tế vào “sự nghiệp cứu địa cầu - mái nhà chung của nhân loại”, một vấn đề hết sức “tế nhị”, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn chưa kịp hồi phục tốc độ tăng trưởng sau đại dịch thì đã bị đe dọa bởi những bóng ma suy thoái (xuất phát từ những hệ lụy tiêu cực của cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine, như giá năng lượng và chi phí sản xuất hay vận chuyển).

Có lẽ, cũng cần nhắc lại, kể từ Thỏa thuận Paris tại COP 21 năm 2015, vấn đề ngân sách dành cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu vẫn luôn là chủ đề nóng tại mọi cuộc hội nghị COP thường niên, suốt 6 năm qua. Điều đó có nghĩa là trong khi tình trạng khí hậu và môi trường càng lúc càng trở nên tồi tệ và khắc nghiệt hơn thì những nỗ lực của loài người nói chung dường như vẫn còn khá hạn chế và không đủ để tạo nên những thay đổi bứt vọt.

Trên cương vị chủ nhà COP 27, Ai Cập kỳ vọng sẽ biến các cam kết liên quan đến khí hậu thành hành động để tạo điều kiện thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh, nhằm giảm phát thải khí nhà kính độc hại và thích ứng với biến đổi khí hậu, với một loạt sáng kiến trong các lĩnh vực lương thực, thực phẩm, nước sạch và năng lượng.

Vấn đề là, các sáng kiến ấy cũng cần những khoản ngân sách khổng lồ để tiến hành một cách toàn diện và đồng bộ trên diện rộng khắp các châu lục. Vậy thì, liệu các cường quốc hàng đầu đang tìm mọi cách khôi phục đà tăng trưởng kinh tế có sẵn lòng “mở két” chi thêm cho những cuộc chuyển đổi tốn kém ấy? Hay là, câu chuyện này vẫn sẽ kéo dài, ít nhất là đến tận COP 28 vào cuối năm 2023?

Đông Phong
.
.