COP 27 liệu có là “bước ngoặt quyết định”?

Chủ Nhật, 11/09/2022, 13:08

Đặc phái viên về khí hậu của Nhà Trắng - ông John Kerry đã có mặt ở Ai Cập, nhằm tiếp tục các cuộc thảo luận với các đối tác chính phủ và khu vực tư nhân về kế hoạch tăng tốc hợp tác khí hậu toàn cầu, trước thềm Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (gọi tắt là COP 27).

Trong bối cảnh cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine đã và đang khiến giá dầu tăng tới 60%, còn giá khí đốt tăng tới gần 400% ở châu Âu, dường như, trước những lộ trình và mục tiêu đã được xác định sẵn cho COP 27 lại xuất hiện thêm nhiều “chướng ngại vật” đầy thách thức.

Tâm điểm Ai Cập, với những “nỗi niềm châu Phi”

Chuyến thăm của ông John Kerry tới Cairo diễn ra vào thời điểm Ai Cập tiếp tục tham vấn chuyên sâu với các đối tác quốc tế, để thúc đẩy hành động khẩn cấp về khí hậu trước thềm Hội nghị COP 27 mà nước này sẽ đăng cai (từ ngày 6 đến 18-11 tại thành phố Sharm El-Sheikh, ở Biển Đỏ).

COP 27- Liệu có là “bước ngoặt quyết định”? -0
Nước Đức đã buộc phải cho phép một số nhà máy điện than hoạt động trở lại.

Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ, bên lề những cuộc làm việc chính thức trong hai ngày 7 và 8-9, Đặc phái viên Kerry còn tham gia Diễn đàn Hợp tác quốc tế[1]Ai Cập (Egypt-ICF) 2022 lần thứ hai, cũng như Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Môi trường châu Phi.

Có một điểm đáng chú ý: Với trữ lượng khí đốt tự nhiên (khoảng 2.222 tỷ m3 , theo AFP), Ai Cập không còn chỉ là một “niềm hy vọng”, mà đã trở thành một trong “ứng viên” hàng đầu đối với phương Tây, trong việc tìm kiếm nguồn cung thay thế khí đốt từ Nga.

Từ hồi tháng 4, châu Âu đã nỗ lực tìm cách đa dạng hóa các nguồn cung, nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga về mặt năng lượng. Trữ lượng khí đốt tự nhiên khổng lồ của Ai Cập, cộng thêm vị trí địa lý thuận lợi (ngay ở bờ bên kia Địa Trung Hải) của đất nước Bắc Phi này khiến Ai Cập trở thành một trong những lựa chọn thay thế tốt nhất.

Hơn nữa, ngoài khí đốt tự nhiên, chính quyền Cairo cũng tỏ ý sẵn sàng “thử sức” sản xuất hydro, để đáp ứng cả nhu cầu của châu Âu lẫn tiến trình chuyển đổi sang năng lượng sạch toàn cầu. Theo Oil Price, Chính phủ Ai Cập đã bắt đầu tiến hành đánh giá các khả năng, để thực hiện dự án sản xuất hydro trị giá 40 tỷ USD.

Đặt những “đường nét quyến rũ” này cạnh tầm quan trọng của COP 27, không có gì bất ngờ khi giới quan sát quốc tế dự đoán: Ai Cập sẽ trở thành tâm điểm chú ý của thế giới, trong quãng thời gian từ nay đến tháng 11. Và, từ ngày 12-3, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) - bà Patricia Espinosa đã bày tỏ hy vọng rằng COP 27 sẽ là “bước ngoặt quyết định hành động vì khí hậu”.

Vấn đề là, cũng trong cuộc hội kiến đó với Thư ký UNFCC, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi tuyên bố, đại diện cho châu Phi: Châu lục này không phải là tác nhân tạo nên cuộc khủng hoảng môi trường đang đe dọa sự tồn vong của loài người (với chỉ khoảng 3,8% tỷ lệ phát thải toàn cầu), song họ vẫn phải gánh chịu những hậu quả tiêu cực nhất trên các mặt trận kinh tế, xã hội, an ninh và chính trị.

Rõ ràng, chủ đề này sẽ còn được “lật đi lật lại” từ bây giờ đến COP 27. Và, nếu không có những “hồi âm đáng giá”, theo cách này hay cách khác, từ các nước phát triển, công cuộc chung tay chống biến đổi khí hậu có lẽ vẫn sẽ khó đạt được đồng thuận rộng rãi.

Bên cạnh đó, còn không ít những câu hỏi được các nhà phân tích quốc tế đặt ra, giữa những tương quan và các mối liên hệ đa chiều, đa lĩnh vực, có thể gắn kết và tác động tương hỗ đến nhau như những bánh răng trong cỗ máy vận động của thời đại “thế giới phẳng”. Ví dụ, liệu các nước châu Phi sở hữu nguồn khí đốt có thể tham gia để cung cấp nhu cầu chưa được đáp ứng ở châu Âu hay không? Điều này có nên được thực hiện từ các mỏ khí hiện có? Hay cuộc khủng hoảng có thể biện minh cho việc mở các mỏ khí mới - nghĩa là đẩy mạnh khai thác nhiên liệu hóa thạch, trái với những nghị quyết đã có của UNFCC? Chúng có thể hoạt động trong bao lâu mà vẫn tôn trọng “quota khí carbonic” toàn cầu? Và, các quốc gia châu Phi sẽ sử dụng khí đốt trong nước, như một loại nhiên liệu chuyển tiếp, theo hướng nào?

Châu Âu với những lựa chọn “mới mà cũ”

Ai Cập nói riêng và châu Phi nói chung có thể cung cấp khí đốt hay hydro hoặc nhiều loại năng lượng xanh - sạch khác.

Song, với cơ sở hiện tại, đó vẫn chỉ là câu chuyện của tương lai, xa hoặc gần. Châu Âu và các nước phát triển, vào lúc này, vẫn phải vật lộn tự giải quyết các vấn đề mà họ đang đối diện, thậm chí là theo những phương thức đi ngược lại các mục tiêu chung về chống biến đổi khí hậu toàn cầu (đã liên tục được đưa ra và tái khẳng định qua các kỳ họp kể từ COP 21 năm 2015, với Thỏa thuận Paris).  Những bồn dự trữ khí đốt hóa lỏng đang được lấp đầy với tốc độ chóng vánh nhất có thể, nhằm sẵn sàng cho một mùa đông khắc nghiệt, ở Đức, Pháp hay Hà Lan...

Song, việc nước Nga tuyên bố “đóng van” hoàn toàn hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc 1, đặt cạnh hình ảnh 70.000 người xuống đường biểu tình chống chính phủ tại Prague (thủ đô Cộng hòa Czech) vẫn khiến cho lời tuyên bố “Chúng ta sẽ trụ vững!” của Thủ tướng Đức Olaf Scholz trở nên có gì đó gượng gạo.

COP 27- Liệu có là “bước ngoặt quyết định”? -0
Nhiều điều đã thay đổi chóng mặt sau COP 26 diễn ra cuối năm ngoái.

Kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của nước Nga ở Ukraine bùng nổ, đã có không chỉ một chính phủ châu Âu sụp đổ: Italy, Bulgaria và thậm chí là cả Chính phủ Anh của cựu Thủ tướng Boris Johnson. Giá nhiên liệu (dầu mỏ và khí đốt) tăng vọt kéo theo chi phí sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh cùng mức độ lạm phát đều tăng phi mã. Thiếu khí đốt từ Nga, đến cả điện cũng trở nên đắt đỏ. Hệ quả: Châu Âu đang bắt buộc phải quay trở lại với những hình thức sản xuất năng lượng từng bị chính họ từ chối, như điện than và điện hạt nhân - những nguồn năng lượng có khả năng gây phát thải cao và ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường - nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng tối thiểu cho các nhóm công dân dễ bị tổn thương.

Ai cũng hiểu, tái tạo chính là tương lai của không chỉ ngành năng lượng thế giới, mà còn là phương thức “sống còn” của cả hành tinh. Song, trong bối cảnh cụ thể hiện tại, châu Âu chưa chuẩn bị sẵn sàng cho một hệ thống năng lượng tái tạo nào khả dĩ xoay chuyển được tình thế. Nước Đức vẫn phải cho các nhà máy điện than hoạt động trở lại, đồng thời sửa đổi chính sách từ bỏ điện hạt nhân, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ đảng Xanh trong liên minh cầm quyền.

Nước Pháp - quốc gia đồng lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), mới đây thôi, cũng đã dự trù kế hoạch cung cấp năng lượng cho mùa đông tới theo hình thức phân phối mang tính “tem phiếu”. Và cả EU cũng vẫn quay cuồng tìm những nguồn cung khí đốt mới, từ Mỹ, Na Uy, Ai Cập... hay là mua lại dòng khí đốt mà những cường quốc châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ mua được từ... Nga, với những mức giá chênh lệch không hề “dễ chịu”.

Bởi vậy, lời kêu gọi “Thế giới phải từ bỏ cách tiếp cận đơn lẻ đối với các hành động khí hậu” mà Đại diện cấp cao về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc tại Ai Cập, ông Mahmoud Mohieldin, nhấn mạnh ngày 13-7, trong niềm lạc quan về thành công của COP 27 lại trở nên có gì đó “duy ý chí”.

Như những gì đang xảy ra trong hiện thực, trong nghịch cảnh, các nước “nhà giàu” không hề sẵn sang “hy sinh”, mà ngược lại, luôn để ngỏ những cánh cửa quay lại với những nguồn năng lượng phát thải, bởi chúng gắn bó mật thiết với cả mặt bằng chi phí sinh hoạt trong xã hội lẫn đà tăng trưởng kinh tế - nghĩa là những yếu tố tác động mạnh mẽ nhất đến bất cứ chính trường nào.

Trong khi đó, thích ứng với biến đổi khí hậu là một nhiệm vụ cực kỳ tốn kém, đòi hỏi những chương trình hành động toàn diện và đồng bộ. Các nước nhỏ cũng như các nước đang phát triển rất khó có đủ nguồn tài chính để thực hiện quá trình chuyển đổi ấy. Họ không thể tiến hành những cuộc chiến đấu bảo vệ hành tinh, mà thiếu sự “sát cánh kề vai” của các nước phát triển.

Và, bên cạnh đó, cũng phải đợi đến khi có kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ ở nước Mỹ, các nhà quan sát mới có tạm đủ cơ sở để đánh giá: Liệu chính quyền của đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden có còn nắm giữ đủ những điều kiện thuận lợi, để tiếp tục thực hiện cam kết đưa nước Mỹ trở lại vai trò dẫn đầu công cuộc kìm giữ nền nhiệt toàn cầu không tăng cao thêm nữa hay không...

Đông Phong
.
.