Những mùa bão đi qua

Thứ Tư, 21/12/2022, 13:19

Năm nào thì cũng có những trận bão quét qua vùng chiêm trũng quê tôi,  bởi qua bên kia cầu Tân Đệ, quê tôi giáp với Thái Bình, có biển; qua cầu Đò Quan, đi mấy chục cây số là cũng chạm mặt biển Nghĩa Hưng, Hải Hậu. Những cơn bão bao giờ cũng đến từ phía biển…

Trận bão đầu tiên mà tôi nhớ, gió ngang ngược vặt mất nửa số quả  trên cây mít cổ thụ, đúng sau ngày ông nội vừa mất. Mẹ tôi nói, rằng cây mít chịu tang ông, nên nó buồn, không đủ sức mà ôm quả nữa. Sáng ra, gió ngớt, mưa lớn xối xả, chị tôi mặc áo tơi, lội sang vườn, nghển cổ lên cây mít mà khóc. Mưa chưa hết thì cả làng giật thột nghe kẻng báo động cấp 2, tức là mực nước sông Hồng đang dâng lên cao, bà con cảnh giác. Nhưng rồi mưa tạnh, năm ấy quê tôi không bị lụt.

4758_mua-mua-bao-1729-065295.jpg -0

Trận bão lớn thứ hai, là năm 1985. Nửa đêm gió giật, lột hết cái nóc mái rạ. Bố tôi vốn bệnh phổi, lúc này run cầm cập vì mưa ướt. Mẹ tôi lấy cái thuyền tôn úp qua mấy chồng bao thóc, tôi và bố co ro ngồi dưới mái thuyền. Cái thuyền từng khiến mẹ tôi lao đao thương lượng vì mua đúng lúc diễn ra sự kiện đổi tiền trước khi bão đến, lúc này, nó giúp mẹ tôi bơi chèo trong lũ, đơm rọ cua để trang trải qua ngày. Tôi nhớ nước ngập lưng sân, rá gạo phải vo trong nước sân ngầu đục, sau cùng lấy ca múc nước mưa hứng tạm mà tráng cho sạch rồi thổi cơm.

Bài thơ "Bão qua làng" sau này tôi viết có đoạn: "Mẹ tôi thả rọ cua/ Nơi góc vườn cây táo đang úa lá/ Ngập trong nước những quả non xanh lạ/ Đã vàng da rời cuống rụng về trời/…/ Vườn ngập trắng/ Sân cũng đầy những nước/…/ Rá gạo trắng thơm ngồi bờ hè thả xuống/ Ngâm đãi một hồi vàng nhuốm phù sa/ Bát cơm đơm lên rớm nghẹn cả nhà…".

Con sông Hồng viền quanh địa phận cuối xã tôi, ngày ấy nó không khô cạn và hiền lành như bây giờ. Vào mùa mưa, sông vô cùng hung dữ. Cứ mỗi lần bão đến, mẹ tôi vừa nghe ngóng sức gió, vừa dò hỏi tin tức đê điều. Hai trận bão kể trên, tuy có gây ngập lụt kéo dài cả tuần lễ, nhưng chưa đến nỗi khiến cuộc sống đảo lộn như lần đê dọa vỡ năm 1978.

Khi đó tôi bốn tuổi, còi dí còi dị, ốm nhách như cái giẻ vắt vai. Mẹ thường đặt tôi vào cái thúng, lúc lắc gánh một bên quang, bên kia là thóc gạo hay món đồ gì đó. Sau này mẹ kể là "năm ấy thế nước núng lắm", kẻng báo động cứ mấy tiếng lại gióng lên ba hồi. Theo cách hiểu bây giờ, thì tức là tin lũ khẩn cấp, nước trong sông đạt mức báo động cấp 3 và còn tiếp tục lên. Tính mạng người dân trong vùng đang bị đe dọa.

Cả xã được lệnh cấp tập chạy lũ, nghĩa là sơ tán lên mặt đê. Tôi nhớ mang máng mẹ nhảy vào chuồng lợn, lừa con lợn ỉn vào rọ. Gà thì nhốt chung trong rọ lớn, chúng thò cổ ngáo ngác ra ngoài. Cái xe cải tiến ba chị tôi kéo đẩy, chất đầy thóc gạo, củi rơm, xoong nồi, bát đĩa, mấy ông đầu rau. Tôi lại được mẹ đặt vào cái thúng, gánh lên đê. Bố tôi đi bộ, xách cái túi gì nhỏ nhỏ. Sau này lớn thêm chút nữa, tôi mới biết bố tôi bệnh nặng, luôn luôn là hình ảnh yếu đuối nhất nhà.

Qua khỏi con dốc dài trơn ướt khiến mẹ tôi phải gò lưng bấm cong mười ngón chân mới gánh được tôi lên, cả một biển nước ngầu hồng mênh mông cuồn cuộn, như muốn nuốt lấy mình chìm nghỉm vào trong nó. Tôi bất ngờ khóc thét vì sợ hãi, mẹ dúi vội tôi vào tay cô nào đó đang ngồi trong điếm canh. Mấy đứa trẻ khác cũng khóc ré. Bên ngoài đê, đồ đoàn của nhiều nhà chỏng chơ trên vải bạt. Trí nhớ lúc đó vẫn lõm bõm, nhưng sông đúng như con thuồng luồng khổng lồ hung dữ mà mẹ tôi thường đem dọa. Tôi nhớ những con lợn hếch mõm nằm trong cũi, ngoan ngoãn không phá phách gì. Trong điếm canh chật ních người, họ nói rất to và ai cũng vội.

Tối ấy ăn ở điếm canh, nồi cơm nguội ngắt, nhưng vẫn có lạc vừng rang, cá kho, nước cua muối mặn. Tức là nhà tôi mang theo đủ cả. Đêm ngủ chung với trẻ con các nhà khác. Người lớn rải manh chiếu ngay cửa điếm, hoặc vạ vật ngủ ngồi. Tôi không nhớ gì thêm nữa, kể cả lúc nước xuống rồi, đê không vỡ, mọi nhà lục tục khuân vác trở về làng.

Sau này, không thấy có trận báo động nào dữ dội như lần ấy, nhưng bãi bờ, sóng cuộn, con dốc dài hun hút từ mặt đê đổ xuống, để lại trong tôi nhiều ám ảnh. Cuốc bộ lên đê thì thở cả hai tai, xe đạp thì đương nhiên phải gò lưng, cong mông mà đẩy bộ; xe cải tiến đi không cũng phải người nai lưng kéo người cong mông đẩy mới lên được. Chiếc xe chở nặng nông sản mà lao xuống dốc thì phải huy động thêm gấp năm lần sức người, không phải để đẩy mà để níu lại, để xe không lao xuống quá nhanh, chân người chạy không kịp thì xe đè lên người, chỉ có nước gãy cổ.

Tôi run nhất là khi chiếc xe chở cây đay, chất chồng như núi mà lao dốc. Thứ cây mà thuở giặc Nhật bắt dân ta nhổ lúa để trồng nó, gây ra nạn đói Ất Dậu khủng khiếp, đến những năm cuối thập niên 80, nó được trồng lại một thời gian trên bãi sông Hồng quê tôi, gọi là đay Bỉ.

Mùa xuân gieo hạt cây đay, khi cây lên khoảng vài ba gang tay thì tỉa bớt cây yếu, để lại cây khỏe. Giống đay dễ trồng, chẳng cần chăm bón, cứ phù sa đất bãi như thế mà nó lớn. Khi đay còn nhỏ thì xen canh với nó là ngô, vừng, đỗ; thu hoạch xong ngô, đỗ thì đay đã lút đầu người, có thể chặt được.

Đay chặt về đem tuốt lấy vỏ cây, buộc sóng từng chẹn tay, cuộn tròn lại, đem ngâm dưới sông cho rã vỏ. Khi dây đay ngâm nước bốc mùi chua thối, nước sông ngòi chuyển màu đen và cá tôm ngớp hết cả lên vì bị trúng độc, người dân chẳng quản nhọc nhằn, lội xuống mà giặt đay, lấy về phần tơ sợi lõi, tráng nước sạch sẽ, mắc lên các dây phơi cho khô. Tơ đay màu trắng ngà giăng mắc khắp làng, thơm thơm dần lên trong nắng. Lúc này có lẽ chả còn ai nhớ đến nỗi cực nhọc của những ngày chặt đay, ngâm đay, giặt đay trong nước sông đen ngòm bốc mùi đáng sợ. Chỉ còn niềm hi vọng sợi đay đem bán cho các công xưởng bện thừng, chão, dệt bao gai đựng thóc. Nghe nói có đem xuất khẩu, thì sẽ mang về cho bà con được một món.

Trồng đay là thứ tôi ghét nhất bởi nó làm cho người làng tôi vô cùng cực nhọc. Tôi chỉ thích thú khi bãi bờ xanh ắp những ngô, khoai. Từ trong chân đê hay bất cứ nơi nào trên bãi, nhìn thấy người nhà mình thấp thoáng trong luống ngô đến kỳ thu hoạch, đã héo hết lá, chỉ còn những chòm hoa khô màu nâu cát phất phơ trên ngọn cây khẳng khiu đang cố mang vác những bắp vàng chín lựng. Hay giữa những luống khoai xanh xanh thẳng đều tăm tắp, trẻ con đến bãi không có cảm giác rợn ngợp và sợ hãi bị lạc cha mẹ hay anh chị em mình. Không như khi trồng đay, người nhà chui vào giữa luống đay là chịu, cứ như là đã bị ma bắt mất hút vào trong cái đống âm u xanh đến rợn gáy, gọi không tài nào nghe thấy, tìm thì chỉ có nước đi lạc giữa ma trận đay. Lạc ra đến mép sông, chỉ có nước ngồi khóc. Tỉnh táo thì tự quay lại chân đê, thể nào người nhà cũng gặp. Mà lang thang ở gần mép nước, nhỡ cát lở một cái thì coi như gửi mạng mình cho hà bá! Đã từng có người chết đuối ở sông và người ta đồn rằng, ma nấp trong bụi đay dìm người!

Chị tôi thường rủ cậu em họ mà chúng tôi gọi là cậu Hà lên bãi cùng hái đỗ cho bớt sợ, một hôm chị cho tôi đi cùng. Tôi vào giữa luống đay giúp chị, nhưng đi được một đoạn, ngộp thở không chịu nổi, mồ hôi đẫm đìa, tái mặt, chị cho tôi vào chân đê. Chị dặn cứ ngồi chỗ bóng râm đổ xuống từ căn điếm canh đê mà chờ chị. Tôi một mình chơi với mấy cái cỏ gà đã chán, bắt đầu khóc. Một người vác cuốc đi qua, có mang theo mấy bắp ngô luộc. Họ hỏi han, dỗ dành, cho tôi một bắp ngô ăn, dặn tôi nhất định cứ ngồi yên đó. Lúc sau, thì cả cậu Hà và chị tôi, mỗi người kéo theo một bao tải chứa đầy quả đỗ đen. Cả hai đều ướt đẫm từ đầu xuống chân, trông mệt lả vì ngộp thở. Ngồi bệt xuống vệ đê là lấy nước ra tu ừng ực hết chai rồi hóng mặt ra hướng gió, đến lúc hoàn hồn thì cùng nhau khênh tải đỗ chất lên chiếc xe cải tiến để sẵn trên mặt đê.

Tôi cũng ghét cay ghét đắng những ngày vỏ sợi đay rã trong nước. Tất cả các ngòi, sông quê tôi bình thường trong xanh là thế, mà khi ấy ngập trong mùi chua thối của nước ngâm đay. Riêng ao nuôi cá nên không nhà nào dám cho đay xuống, sợ cá chết.

Nhưng ám ảnh và buồn nhất là trong một vụ chặt đay quãng năm 87. Khi đó có rất nhiều tin đồn về những phích nước hay bật lửa trôi trên sông, giạt vào bờ bãi. Chiều hôm ấy, khi đồng loạt đay của các làng đã chặt ngả hết, trẻ con theo lên bãi đang chạy nhảy chơi đùa, thì đột ngột nghe có tiếng nổ lớn. Rồi tiếng khóc thét của một đứa con trai, tiếng kêu đau đớn của một người mẹ. Chúng tôi chạy về phía tiếng khóc. Người bạn học cũng là cháu họ của tôi đang bưng hai bàn tay vào một bên mắt ròng ròng máu chảy. Một người bế thốc bạn chạy về phía bờ đê. Bạn đã tò mò nhặt lên một chiếc bật lửa và nó phát nổ trên tay bạn. Từ đó, bạn bị mất đi một con mắt!

Dòng sông Hồng từ thuở tôi đến tuổi trưởng thành, có lẽ đã hiền hòa dần đi, bởi lượng nước trên sông ngày một vơi cạn. Cho đến bây giờ thì khó có thể nói rằng nước sông Hồng có nguy cơ gây vỡ đê. Tôi vẫn có cảm giác nhắm mắt lại là có thể mường tượng về mặt sông mùa lũ, sóng phù sa ngầu đỏ cuộn trôi ngun ngút từng mảng rác rều, chốc chốc lại xoáy tròn một đường rộng như cái nong giữa dòng nước xiết. Cả dòng sông hung dữ đến nỗi không một thuyền bè nào dám bén mảng. Cứ thế, trong tôi lần lượt sống lại những câu chuyện của sông nước, bãi bờ, có buồn vui, ám ảnh; có sợ hãi, âu lo. Những mùa bão đi qua trên quê nghèo, chẳng dễ gì quên được…

Trang Thanh
.
.