Mở cửa giữa những ngày giông bão

Thứ Tư, 16/03/2022, 21:38

Giữa những ngày Việt Nam ghi nhận gần 200.000 ca nhiễm mỗi 24h, cán mốc 4 triệu người nhiễm, xếp thứ 2 Đông Nam Á chỉ sau Indonesia, việc mở cửa du lịch ngày 15/3 tới thật sự trở thành bài toán khó. Ai sẽ đến Việt Nam, nơi mà số ca nhiễm vẫn cao như thế?

Cửa đã mở nhưng ai sẽ vào?

Tin tốt là thống kê Google Destination Insights, công cụ theo dõi xu hướng điểm đến, từ tháng 12/2021 đến nay, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam tăng hơn 75%. Đây là mức tăng cao nhất toàn cầu. Xếp sau Việt Nam là Chile với mức tăng 50-75%. Lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không đến Việt Nam tăng nhanh, con số tăng trưởng tháng 12/2021 là 19%, đến đầu tháng 2 lên 133% và đạt đỉnh 557% vào ngày 8/2. Lượng tìm kiếm về chỗ ở tại Việt Nam cũng tăng nhanh, đạt 228% vào ngày 1/2 và đạt đỉnh 426% vào 3/2. Các con số đều được so sánh với cùng kỳ năm 2021. Nhu cầu đã có nhưng đúng lúc này thì việc bùng phát COVID tại Việt Nam thực sự trở thành trở ngại với khách du lịch quốc tế khi chọn đến Việt Nam.

Mở cửa giữa những ngày giông bão -0
Ảnh: St.

Giấc mơ tái lập đỉnh điểm 1 tỉ USD mỗi 2 tuần mà khách quốc tế chi ở Việt Nam hồi 2019, trước dịch, có lẽ lại xa thêm nữa. Chưa hết, hôm 3/3 vừa rồi, trong tọa đàm Giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế đến TP Hồ Chí Minh năm 2022, ông Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch, nói: Sau phúc đáp của Bộ Y Tế về dự thảo “Phương án mở cửa hoạt động du lịch” tôi thấy bàng hoàng, tưởng mọi chuyện đã xong, hóa ra vẫn chưa. Với các điều kiện như vậy thì chúng ta sẽ không có khách, kế hoạch bị bỏ ngang". Bộ Y tế Việt Nam vẫn kiên quyết từ chối kết quả test nhanh và chỉ chấp thuận test PCR, vẫn giữ quan điểm cách ly khách quốc tế 72 giờ sau khi nhập cảnh. Khi bài báo này đến tay độc giả, không biết quyết định cuối cùng sẽ là thế nào, nhưng chắc chắn còn đó những ngổn ngang và khó khăn cho việc du lịch Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế.

Trong những ngày qua, trên mọi tờ báo Việt Nam, câu chuyện  ngày 15/3 mở cửa đón khách du lịch là câu chuyện tâm điểm thu hút người đọc. Bên cạnh sự hào hứng, háo hức, hy vọng và sẵn sàng của người làm du lịch thì còn cả sự trăn trở của chính người dân, đặc biệt là với những người còn giữ tâm lý “zero COVID”. Sự trăn trở càng gay gắt hơn khi số ca nhiễm mỗi ngày tăng với tốc độ chóng mặt như thế. Đặc biệt với người dân Hà Nội, khi mà liên tục mỗi ngày gần 20.000 ca nhiễm mới. Bản thân tôi, 7 lời mời làm diễn giả trong các buổi lễ mừng 8/3 tại 7 cơ quan, công ty cũng đã bị hủy vì “ca F0 tăng mạnh quá, mong anh thông cảm” hay: “Công ty em nhiều F0 quá nên lãnh đạo quyết định hủy buổi nói chuyện của anh, mong anh thông cảm”. Và chính  bản thân tôi, hôm 22/2/2022, ngày 200 năm mới lặp lại nhiều số 2 như thế, cũng chính thức trở thành một F0, cũng đành từ chối những lời mời làm diễn giả. Trên khắp các mặt báo, câu chuyện nhiều F0 quá khiến nhiều công ty phải ngừng sản xuất, đóng cửa tạm thời đếm không kể xiết. Thế thì làm sao 15/3 có thể mở cửa du lịch như kế hoạch chính phủ đề ra? Ít nhất là chúng ta liệu có đủ hướng dẫn viên du lịch, nhân sự làm du lịch để đáp ứng khách quốc tế đến Việt Nam?

Khép cửa chống dịch hay mở toang rồi thích ứng?

Bình oxy của du lịch hiện nay là khách nội địa. Nhưng đến cả khách nội địa cũng bắt đầu ngán ngẩm. Hà Nội những ngày này dù mở toang nhưng trên đường phố vẫn đìu hiu. Món “đặc sản tắc đường” lâu rồi không còn được nghe thấy trên VOV Giao thông. Thích ứng an toàn thật khó khi mỗi ngày mở mạng xã hội ra là hình ảnh những que test 2 vạch nhiều đến mức 8/3 vừa qua đánh bạt ảnh hoa, ảnh thiệp, lời chúc. F0 đầy đường là điều mà ai cũng nói. Nếu trước đây, khi xét nghiệm ra mình là F0 mà còn ra đường sẽ bị phạt hành chính theo quy định phòng chống dịch, nhưng nay, F0 vẫn ra đường để lên trạm y tế nhận thuốc, xin giấy. Cả nhà đều F0 nên F0 vẫn phải đi chợ. Vậy nên việc ca nhiễm gia tăng cũng là điều dễ hiểu. Chúng ta vẫn tự an ủi nhau rằng đã tiêm đủ liều, F0 không triệu chứng nhiều hơn F0 ốm sốt. Chúng ta vẫn nói đùa với nhau rằng biến thể Omicron là vaccine tự nhiên để miễn dịch cộng đồng. Nhưng con số ca nhiễm tăng mạnh dù con số tử vong hay trở nặng giảm thì nó vẫn là cản trở cho việc phục hồi kinh tế. Và rõ ràng nhất đó là việc 15/3 tới, mở cửa du lịch sẽ chỉ là mở ra để đó. Những con phố “tây ba lô” như Hàng Gai, Bùi Viện, Tạ Hiện… sẽ tiếp tục đóng cửa, tiếp tục tiêu điều. Nhiều công ty đã trở lại WFH, làm việc online. Trường học, tất nhiên, tiếp tục đóng cửa. Vậy nên mở toang thích ứng giờ chẳng khác nào khép cửa chống dịch. Bộ Y Tế có cơ sở để đưa ra những phản hồi mang tính thắt chặt kiểm dịch như thế. Tất cả lại quay về thời nín thở đợi đạt đỉnh.

Trong điều kiện thế này, thật khó để chúng ta có thể làm một điều gì đó. Đến doanh nghiệp nhà tôi những ngày qua cũng trở lại làm việc online khi mà hết thợ lắp F0 đến kinh doanh F0. Thợ may, thợ lắp hết F0 thì đến lượt nhà khách hàng có người F0. Việc may lắp rèm phải đình trệ. Nhiều khách hàng kể nhà họ phải dán giấy báo cửa sổ phòng ngủ vì chưa lắp được rèm. Nhìn những đơn hàng bị dừng lại thật không khỏi thở dài buốt túi. Nhưng đó cũng là tình hình chung ở khắp nơi trên đất Hà Nội này. Nhiều quán xá phải đóng cửa vì nhân viên F0 hết, vì không có khách. Mở cửa thích ứng nhưng dịch đuổi hết khách chỉ toàn là gió vào nhà trống vậy.

Làm sao để đi qua những ngày này?

Tôi an ủi bà xã mình: Tranh thủ lúc này chúng ta có thể đào tạo nhân viên, nghiên cứu và nâng cấp sản phẩm. Bởi đằng nào chúng ta cũng không thể làm gì khác. Tôi nghĩ du lịch Việt Nam cũng vậy, mở cửa vẫn mở cửa nhưng hãy biến khoảng thời gian này để chuẩn bị cho một cú bật nén lò xo. Là xây dựng một Việt Nam 2022 khác với Việt Nam 2019. Bởi nhìn những gì ngành du lịch chuẩn bị cho thời điểm 15/3, nói thật lòng, tôi vẫn chưa thấy khác biệt.

 Chúng ta vẫn chỉ là Việt Nam 2019, thời chưa có dịch. Trong khi nhìn các nước lân cận, họ đã chuẩn bị rất nhiều cho cuộc lột xác của họ. Không phải là câu chuyện giảm giá tour, càng không phải chỉ là dọn dẹp điểm đến sạch sẽ hơn, bày ra đôi ba trò chiêu mới hấp dẫn khách. Mà phải là tầm nhìn xa hơn, là sản phẩm độc đáo và hấp dẫn hơn. Tại sao khách du lịch phải chọn Việt Nam 2022 mà không phải là Bali hay Krung Thep Maha Nakhon (tên mới của Bangkok)? Và ngay trước mắt là làm sao để khách du lịch vượt qua sợ hãi dịch bệnh để tới Việt Nam? Điểm đến an toàn không thể chỉ là thông điệp 5K mà nó còn phải là cảm giác an toàn. Mà muốn vậy, từ chính mỗi người dân của chúng ta, đại sứ du lịch của quốc gia, phải vượt qua nỗi sợ hãi. Nói như Tổng thống Joe Biden trong thông điệp liên bang hôm 2/3/2022: Đã đến lúc chúng ta không để COVID quyết định cách chúng ta sống. Một cuộc cách mạng vượt qua nỗi sợ phải được bắt đầu từ mỗi người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 3/3/2022 đã nói: “Việt Nam sẽ tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả; tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu”. Chỉ khi chúng ta coi COVID như bệnh đặc hữu thì mọi thứ mới có thể thay đổi. Là F0 vẫn có thể tiếp tục đi làm, đi học nếu không có triệu chứng hay khi đã âm tính. Là mỗi người dân đều được trang bị kiến thức thông qua mỗi tổ dân phố, đến từng người dân. Là thuốc đặc trị chỉ được dùng trong trường hợp nào, mọi người dân phải được biết, được hiểu thay vì nghe trên mạng. Một làn sóng dịch bệnh tăng cao thế này có thể được coi như một đợt tập dượt, huấn luyện để có kiến thức. Dù có thể là đau thương đấy, nhưng chúng ta đâu thể khép chặt cửa chống dịch như thuở ban đầu COVID? Ngành du lịch Việt Nam đón khách quốc tế để thực hành và chứng minh Việt Nam an toàn trước COVID-19. Là chúng ta không để COVID quyết định cách chúng ta sống, đối xử hay điều khiển chúng ta nữa. Lạc quan nhưng không chủ quan, chúng ta sẽ đón khách quốc tế bằng nụ cười thay vì những khuôn mặt phờ phạc vì chiến đấu với dịch bệnh, vì nỗi lo lắng dịch bệnh.

Với cá nhân tôi, bằng bài báo này, tôi đóng góp một lời chào Việt Nam đến thế giới. Welcome Việt Nam!

Hoàng Anh Tú
.
.