Những cặm cụi chỉ có cây rừng mới biết…

Chủ Nhật, 05/12/2021, 10:57

"Đó là năm 2016, cô bé Sùng Chí Sua đang học lớp mầm non của tôi. Khi ấy, bố mẹ bé do thiếu hiểu biết đã vướng vào vòng lao lý, chịu án tù 9 năm. Ngày họ đi thụ án, chỉ biết dặn đứa trẻ 2 tuổi rưỡi rằng: "Con ngoan, ở nhà với thầy giáo Đức. Bố mẹ đi rồi sẽ về".

Thương đứa trẻ bé bỏng chịu cảnh bơ vơ, tôi mang con về nuôi. Mấy ngày đầu con nhớ mẹ, khóc suốt ngày đêm không tài nào dỗ nổi. Tôi phải bế con và làm đủ cách cho con nín khóc. Sau đó con quen dần, chịu ở với tôi. Những ngày nắng ráo, sáng tôi chở bé Sua vào điểm trường, chiều lại chở về nhà ngoài trung tâm xã. Hôm nào mưa gió bão lũ đi lại nguy hiểm, tôi chuẩn bị sẵn thức ăn rồi gửi con ở nhà người dân gần điểm trường. Gửi con rồi mà tôi vẫn phấp phỏng không yên, không biết con có khóc không, có chịu ăn không, chỉ mong trời sáng để mau xuống bản đón con. Cứ thế, bé Sua ở với tôi nửa năm thì người bác họ đến đón con về nuôi. Tôi chỉ mong con được chăm sóc tử tế để đợi đến ngày đoàn tụ cùng bố mẹ". Đó chỉ là một kỉ niệm đáng nhớ trong quãng thời gian 10 năm công tác của thầy Bàn Văn Đức - thầy giáo duy nhất dạy mầm non ở mảnh đất Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

"Sao nam giới lại đi dạy mầm non?"

Đó là câu đầu tiên mà vị hiệu trưởng Trường mầm non Nậm Kè đã thốt lên khi thầy giáo trẻ Bàn Văn Đức từ quê hương Sơn La lên nhận công tác năm 2011. Đáp lại, thầy giáo người dân tộc Dao chỉ cười. Chẳng biết từ khi nào, những ánh mắt thơ ngây, non nớt, tiếng cười trong trẻo của trẻ nhỏ đã làm dấy lên trong lòng chàng trai trẻ một tình cảm yêu thương đặc biệt. Ban đầu, thầy Đức chọn học ngành giáo dục tiểu học, nhưng rồi thầy quyết định lại, rẽ sang học giáo dục mầm non. Ngày đó và cả bây giờ, nhiều người vẫn bảo đó là quyết định khác người, bởi chả có người đàn ông nào có thể chăm được trẻ mầm non, mà lại là trẻ ở vùng núi cao khó khăn đặc biệt. Vậy mà 10 năm qua, thầy đã làm được điều không tưởng ấy.

Năm 2011 sau khi ra trường, thầy Đức quyết định rời quê lên Điện Biên công tác để gắn bó với các em nhỏ nơi vùng đất biên cương. Nộp hồ sơ, thầy được phân công về huyện Mường Nhé. Từ trung tâm tỉnh, vượt 200 cây số vào Mường Nhé, thầy đến nhận công tác ở xã Nậm Kè. Ngày đầu tiên đặt chân lên điểm trường lẻ của xã Nậm Kè, thầy giáo Đức thấy hụt hẫng bởi sự nghèo nàn và khó khăn của vùng đất này vượt quá sức tưởng tượng của thầy. Đường sá không có, tiếng Mông không biết để giao tiếp, bốn bề chỉ thấy núi cao và cây rừng, thầy Đức thực sự nản và muốn rời đi. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, ở nơi này, chắc hẳn bọn trẻ thiệt thòi nhiều lắm. Từng ngày trôi qua, thầy dặn lòng mình cố ở đây với các em, dần dần rồi sẽ quen.

Những cặm cụi chỉ có cây rừng mới biết… -0
Ngoài giờ dạy học, thầy Đức kiêm luôn việc nấu cơm cho các em học sinh ăn buổi trưa.

Mấy năm trước có một đồng nghiệp nam cũng về Mường Nhé dạy mẫu giáo. Nhưng 1 năm sau, thầy giáo ấy đã không trụ lại được ở vùng đất này. Từ đó đến nay, thầy Đức là thầy giáo duy nhất dạy mầm non ở huyện Mường Nhé. Từ những ngày đầu ngượng nghịu, chưa quen với việc múa hát, nhưng để dạy cho các con, thầy Đức vào mạng học cách múa, cách hát để dạy các em. Tuy thầy múa không thật dẻo, giọng hát không thật hay, nhưng tấm lòng thầy tận tâm và yêu thương các em hết mực. Bề ngoài, có thể nhìn thầy giáo khô khan, nhưng đôi tay của thầy vừa khoẻ lại vừa khéo léo. Chính đôi bày tay ấy đã đục đẽo, cưa xẻ để làm xích đu, bập bênh, cầu khỉ bằng gỗ đặt ở khoảng sân trước lớp học cho các con có đồ chơi. Cũng chính đôi bàn tay ấy vẽ tranh trang trí lớp, cắt tỉa hoa khéo léo vô cùng. Thầy bảo tính tình dù có nóng nảy đến mấy khi dạy các em cũng phải mềm mỏng, kiềm chế và kiên nhẫn hơn.

Hiện tại đàn con thơ của thầy Đức ở điểm trường Chuyên Gia 3 có 27 em từ 2 đến 5 tuổi. Ngày nào cũng vậy, 6 giờ sáng thầy ra khỏi nhà, nhận thực phẩm hỗ trợ bán trú cho học sinh rồi phóng xe máy vào điểm bản. Dạy các con đến 9 giờ, thầy xuống bếp nấu cơm. Chất bếp củi lên, thầy nấu nồi cơm, băm thịt, thái rau nhanh nhẹn như phụ nữ. Sau đó chia cơm cho học sinh. Giờ ăn, một mình thầy xoay như chong chóng, hết đút cơm cho em này lại lấy canh, san thức ăn cho em kia. Trò ăn xong, thầy ăn vội ăn vàng bát cơm rồi cho các em đi ngủ. Để quản được 27 đứa trẻ lóc nhóc và hiếu động, thầy phải nằm cùng các em để "giám sát". Khi bọn trẻ ngủ yên, thầy lại lúi húi nơi góc bếp rửa bát và dọn dẹp phòng ăn. Dọn xong thì cũng đến giờ học buổi chiều. Lại đánh thức bọn trẻ dậy, rửa mặt cho các con, chải đầu kết tóc cho các bé gái, rồi dạy các con múa hát, kể chuyện và dạy chữ. Vất vả nhất là chăm trẻ 2 tuổi, việc ăn ngủ, vệ sinh cá nhân đều một tay thầy chăm lo. Những lúc quần áo các em lấm bẩn, thầy giặt rồi phơi khô để chiều về các em có quần áo thay.

Có đủ thứ việc không tên khiến thầy Đức tất bật từ sáng cho đến khi các con tan lớp. Cuối chiều, thầy lại cặm cụi sắp xếp, dọn dẹp lại lớp học, khóa cửa rồi mới yên tâm rời trường về trung tâm xã. Từng ấy công việc cứ tuần tự diễn ra, cần sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, chú tâm một cách dài hơi. Mười năm nay, những gì các cô giáo làm được thì thầy Đức cũng cố gắng làm được. Những cặm cụi của thầy giáo nơi điểm trường chon von ấy, có lẽ chỉ có cây rừng, núi non thấu hiểu mà thôi… Rất thật lòng, thầy Đức nói rằng đã không ít lần vì áp lực công việc, vì những định kiến về nghề trông trẻ mà thầy có ý định chuyển về thành phố Điện Biên. Nhưng nếu thầy rời Nậm Kè thì bọn trẻ sẽ ra sao, liệu có cô giáo nào đủ sức bám trụ ở nơi heo hút này, chỉ nghĩ đến đó thôi là thầy không đành lòng cất bước…

"Tôi sẽ ở lại đây với các em"

"Trường Mầm non Nậm Kè có 12 điểm lẻ ở các thôn bản, điểm xa nhất ở bản Chuyên Gia 3 cách trung tâm xã 18km. Đường vào bản cũng là cung đường khó đi nhất, thử thách các thầy cô giáo. Thật may khi nhà trường có thầy giáo Đức đã xung phong phụ trách điểm trường này nhiều năm nay. Thầy Đức luôn hết lòng vì học sinh, nhiệt tình trong mọi công việc của nhà trường. Có thầy, các cô giáo cũng đỡ vất vả hơn ", cô Phạm Thị Hương - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ. Với nam giới, dạy mầm non không phải là thế mạnh, nhưng thật đặc biệt và tự hào, khi trường có một thầy giáo, cũng là thầy giáo dạy mầm non duy nhất ở huyện giáp biên Mường Nhé.

Những cặm cụi chỉ có cây rừng mới biết… -0
Thầy giáo Bàn Văn Đức cùng các em nhỏ ở điểm trường Chuyên Gia 3.

Mong mỏi lớn nhất của thầy Đức là có con đường thuận lợi để bọn trẻ ra được tới trung tâm xã, được giao lưu với các bạn nhỏ ở điểm trường chính. Đã có rất nhiều đứa trẻ sinh ra, lớn lên cho đến khi hết cuộc đời cũng không ra khỏi bản làng mình. Bởi thế mà thầy phải cố gắng vào với các em để kể cho chúng nghe về những vùng đất khác, nhen nhóm trong tâm hồn chúng những khát khao đi xa.

Thầy gắn bó với điểm trường Chuyên Gia 3 từ khi dãy nhà học còn ghép gỗ, lợp lá tạm bợ. Mùa đông, gió lùa bốn phía, nhìn những đôi môi trẻ thơ tím tái, thầy phải quây bạt cho lớp học kín hơn. Thầy đến bản từ khi quãng đường 18km chỉ là đường đất ngoằn ngoèo, dốc đứng, nhiều đoạn không có đường phải lội qua suối, nhiều đoạn nứt toác vào mùa mưa lũ. Đã bao lần địa hình hiểm trở thử thách thầy giáo trẻ. Xe máy không đi được, thầy Đức cho thực phẩm vào túi bóng buộc kín và lội qua suối để đến trường. Bởi nếu thầy không đến thì học sinh không có cái ăn, không ai chăm sóc.

Cái khó ló cái khôn, các em nhỏ là động lực cho thầy Đức vượt khó khăn. Năm 2018, được sự quan tâm của các cấp chính quyền và phòng giáo dục huyện, điểm trường đã có phòng học kiên cố. Lớp học đẹp rồi, nhưng sân vẫn là sân đất, ban giám hiệu nhà trường cùng thầy Đức huy động bà con góp sức đổ sân bê tông cho các con chơi. Mấy năm trước nguồn nước hiếm hoi, thầy và nhiều học sinh lớn phải cầm bom đi đến nhà dân xin nước. Thấy các em vất vả quá, thầy xin nhà trường hỗ trợ kinh phí mua ống nhựa rồi tự kéo nước từ nguồn về trường. Chiều tối trước khi về, thầy Đức hứng nước vào hai chiếc thùng 200 lít, để ngày hôm sau thầy trò có nước nấu cơm.

Từ ngày thầy Đức đến bản, điểm trường Chuyên Gia 3 dần đổi thay. Dân bản giờ đây yên tâm gửi con cho thầy để lên nương từ sáng tới chiều. Món quà vô giá thầy nhận lại chính là tình cảm gắn bó, quý mến của bà con thôn bản dành cho. Quý đến nỗi dân bản giữ thầy bằng được, không cho thầy chuyển đi điểm trường khác. Còn thầy Đức cũng không nỡ xa trường. Đã nhiều lần nhà trường có ý định luân chuyển giáo viên để thầy được về dạy ở trung tâm, nhưng thầy từ chối. Thầy bảo cả trường có mình thầy là nam giới, thầy sẽ nhận phần khó khăn nhất, để các đồng nghiệp nữ đỡ vất vả.

Giờ đây, thầy Đức đã có tổ ấm hạnh phúc ở chính mảnh đất Nậm Kè. Thầy xác định gắn bó dài lâu với bà con dân bản. Thầy muốn nhìn thấy những lứa học sinh mà thầy chăm bẵm từ bé sẽ lớn lên, trưởng thành như thế nào. Lứa học sinh đầu tiên của thầy năm nay đã học lớp 9. Cuối tuần, học sinh vẫn đến nhà thầy chơi, lăng xăng giúp thầy quét nhà, quét sân. Điều cảm động nhất, là dù học thầy Đức từ khi còn là một đứa trẻ, nhưng khi lớn lên các em vẫn tìm đến thầy để chia sẻ, hỏi han như một người anh, người cha thân gần tin tưởng. 

Thái Hưng
.
.