Loại bỏ tư tưởng bàn lùi

Luận giải những quan điểm khác, góc nhìn ngược (bài cuối)

Thứ Ba, 25/07/2023, 18:39

Khi chúng ta xử lý kiên quyết, nghiêm minh với hành vi tham nhũng, tiêu cực, bên cạnh sự đồng tình, ủng hộ rất lớn từ cán bộ, đảng viên và nhân dân thì trong dư luận xã hội cũng xuất hiện những quan điểm khác, những góc nhìn ngược. Từ những góc nhìn ngược này kéo theo tư tưởng bàn lùi, coi cái tồn tại lớn hơn cái được, cho rằng vì đấu tranh mạnh với tham nhũng, tiêu cực khiến kinh tế đình trệ, làm chậm sự phát triển. Các thế lực xấu vin vào những quan điểm lệch lạc này để thổi phồng, xuyên tạc, tạo cớ chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Có ý kiến cho rằng, thực chất việc xử lý tham nhũng không làm người vi phạm sợ và không có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh ai. Họ lý giải rằng, nếu biết sợ thì số vụ tham nhũng, tiêu cực đã giảm chứ không xảy ra nhiều như vậy, nhất là nhiều vụ có số lượng bị can, bị cáo lên tới hàng chục, hàng trăm người như vụ kit test Việt Á, vụ “Chuyến bay giải cứu” ... Đây là cách nhìn rất phiến diện bởi không phải vì xảy ra nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực nghĩa là “không ai sợ, không cảnh tỉnh được ai”.

Việc số lượng bị can, bị cáo lên tới hàng chục, hàng trăm người trong một số vụ án lớn gần đây do phạm vi vụ việc trải rộng, diễn ra trong thời gian dài và đặc biệt là quan điểm bóc gỡ, xử lý đến cùng vụ việc chứ không phải “ngắt đoạn”, “chặt đốt”, chỉ xử lý một góc mà bỏ lọt những vùng, mảng khác. Xử nghiêm chính là hình phạt để răn đe tội phạm, để những người khác không dám tham nhũng.

Các bị cáo có sợ không? Hãy quan sát lời khai, thái độ của các bị cáo tại phiên tòa cho thấy rõ câu trả lời. Hầu hết bị cáo nhận rõ lỗi lầm, cố gắng khắc phục hậu quả và cả những lời gan ruột, những giọt nước mắt xót xa, ân hận khi đánh mất cả sự nghiệp, danh dự chỉ vì không làm chủ được cám dỗ “đạn bọc đường”.

Luận giải những quan điểm khác, góc nhìn ngược (bài cuối) -0
Phiên tòa xét xử vụ “Chuyến bay giải cứu” thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Trong phiên tòa xét xử vụ án “Chuyến bay giải cứu”, nhắc đến quá trình cống hiến với 44 năm công tác, cựu Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn bật khóc trước bục khai báo. “Thật sự tôi rất thất vọng và đau khổ” - ông nói và nhắc đến truyền thống cách mạng của gia đình, về những người thân, đó là mẹ già 87 tuổi, người bác ruột 102 tuổi là cán bộ tiền khởi nghĩa đang phải phụng dưỡng trong khi bản thân bị cáo đang mắc bệnh ung thư thực quản...

Còn bị cáo Trần Văn Tân, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thừa nhận bản thân ý thức rất rõ sai lầm của mình, đã thành khẩn khai báo và nay trước tòa thực sự xót xa, day dứt, ân hận về hành vi của mình. Tủi hổ về hành vi của mình, ông gửi thông điệp thức tỉnh bằng hai câu Kiều: “Trót vì tay đã nhúng chàm/ Dại rồi còn biết khôn làm sao đây”...

Những lời gan ruột đó là nỗi day dứt, lo sợ của bản thân các bị cáo và thực sự có ý nghĩa cảnh tỉnh sâu xa, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Hầu hết các đối tượng bị xử lý đều nhận thức rõ sai phạm của mình và tâm phục, khẩu phục, tỏ rõ sự ăn năn, hối cải, xin lỗi Đảng, Nhà nước và nhân dân; có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ, được dư luận, nhân dân rất đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao”.

Có quan điểm lại cho rằng, bắt sâu này có sâu khác, thậm chí sâu sau còn nguy hiểm hơn sâu trước, do vậy nên coi sâu mọt là chuyện đương nhiên, không cần quá bận tâm bắt, trị. Quan điểm này cũng dẫn tới tư tưởng bàn lùi, từ coi việc không thể trị hết tham nhũng nên “sống chung”, dành thời gian chăm lo việc khác. Nhìn nhận như vậy rất tai hại, không thấy hết sự nguy hiểm của quốc nạn tham nhũng bởi nếu coi sâu mọt không thể bắt hết thì nó sẽ sinh sôi, nảy nở, không còn sự lo sợ, cảnh tỉnh nào, thử hỏi trong mấy chốc mà vườn cây bị sâu mọt hủy hoại sạch. Chúng ta biết rằng, tham nhũng còn nhiều nguyên nhân để nảy sinh, tồn tại, không thể trị hết nhưng việc xử lý nghiêm là cách ngăn ngừa hữu hiệu, dần dần hình thành thói quen không dám tham nhũng, người sau lấy bài học cảnh tỉnh của người trước làm gương. Còn vì sao bắt nhiều, xử nhiều mà tham nhũng vẫn phức tạp, chúng ta cần hiểu vấn đề tham nhũng, tiêu cực ở nước ta gắn với sự hình thành, phát triển kinh tế, văn hóa qua các triều đại phong kiến, chế độ thực dân cho đến ngày nay.

Vấn nạn tham nhũng đã hình thành từ lâu đời với những biểu hiện được dân gian đúc kết như: “Một người làm quan, cả họ được nhờ”, “con vua thì lại làm vua”, “nén bạc đâm toạc tờ giấy”, “cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”... Chúng ta xây dựng, cải tạo xã hội khi văn hóa, lối sống của con người vẫn mang những tập tục xa xưa, trong đó có những thói hư, tật xấu, thói tham lam, danh lợi, cá nhân chủ nghĩa... Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rõ những nguy cơ này nên ngay từ thời kỳ kháng chiến, kiến quốc, Người đã thường xuyên giáo huấn, giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên và coi trọng pháp trị. Việc ngăn ngừa, chống tham nhũng đã đặt ra từ lâu đời với những quy định khác nhau và ngày nay để loại bỏ thói quen tư lợi, chủ nghĩa cá nhân là cả quá trình gian nan, phức tạp, lâu dài.

Lại có suy nghĩ “đen thôi, đỏ quên đi”! Họ lấy dẫn chứng những vụ việc này bị bắt, bị xử lý “do đen” còn nhiều vụ việc khác cũng nghiêm trọng nhưng chưa bị phát hiện, xử lý. Đây cũng là cách nhìn thiển cận, chỉ cố biện minh cho việc xử lý tham nhũng là “do đen”. Chúng ta xây dựng nền pháp chế hướng tới mọi người chấp hành nghiêm luật pháp, việc đẩy mạnh phát hiện, điều tra, xử lý tham nhũng chính là hướng tới nguyên tắc đã vi phạm là phải bị xử lý. Tuy nhiên, thực tiễn còn nhiều hành vi phạm pháp khác ở dạng tội phạm ẩn. Chính quan điểm xử lý “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” là nguyên tắc ngăn chặn tội phạm ẩn, để cảnh tỉnh những ai tay trót nhúng chàm thì hãy biết dừng lại, biết rửa tay, sửa chữa trước khi quá muộn và không có khái niệm “đen - đỏ” để nghĩ rằng bắt ai chứ không phải mình! 

Một quan điểm nữa cũng khiến tư tưởng bàn lùi nảy nở khi cho rằng, bắt bớ, xử lý nhiều thì “hết cán bộ, lấy ai làm việc”, đồng thời cảnh báo “đốt lò mạnh” sẽ gây đình trệ kinh tế, bất ổn xã hội (!?). Từ đó, những ý kiến này đề nghị nên dừng lại công cuộc “đốt lò”, dành thời gian để phát triển kinh tế, xã hội; cổ xúy quan điểm không xử hình sự mà chỉ cần xử lý hành chính, nhẹ hơn thì nhắc nhở, răn đe là đủ... Quan điểm nói trên là sai lệch, các thế lực xấu cũng đã lợi dụng điều này để thổi phồng nhằm hướng lái dư luận hiểu sai vấn đề. Việc xử lý cán bộ tham nhũng, suy thoái không nên lo sợ “bắt hết, lấy ai làm việc” bởi đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ là quá trình thanh lọc, những người sai phạm bị xử lý cũng là cách để người tiến bộ có điều kiện phấn đấu vươn lên.

“Không phải như một số ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm nhụt chí, chùn bước những người dám nghĩ, dám làm, làm chậm sự phát triển đất nước mà hoàn toàn ngược lại, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đặc biệt là góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Với việc xuất hiện những quan điểm khác, góc nhìn ngược cũng khiến các thế lực xấu vin vào để thổi phồng, xuyên tạc, tạo cớ chống phá. Các tổ chức, cá nhân chống phá rêu rao rằng, chống tham nhũng chỉ là ngụy tạo, việc “trảm” người này, người kia là chỉ dấu cho thấy nội bộ Đảng đang lục đục, đang có sự đấu đá, chia phe cánh “thanh trừng, triệt hạ” lẫn nhau. Một số trang web bên ngoài đưa ra các bài viết xuyên tạc, bôi nhọ, dùng những từ ngữ mang tính quy kết, miệt thị, hướng lái dư luận có cách nhìn sai trái, tiêu cực về chế độ, về Đảng, Nhà nước ta. Đây là kiểu chống phá trơ trẽn “lưỡi không xương” bởi trước đây, khi những vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn chưa được xử lý hoặc xử chưa nghiêm thì số này rêu rao “đảng chỉ tắm từ cổ”, trừ ra “vùng cấm”, phê phán việc bao che, dung túng cho tham nhũng. Nay, khi chúng ta xử lý nghiêm minh, rốt ráo thì cũng chính những tổ chức, cá nhân đó lại vu cáo nội bộ “đấu đá, triệt hạ”!

Các đối tượng tiếp tục quy kết nguyên nhân dẫn tới tham nhũng ở Việt Nam phức tạp là do chế độ một đảng, hướng lái thành “tham nhũng là bản chất của cộng sản”, Đảng Cộng sản cầm quyền, lãnh đạo thì “đẻ ra tham nhũng” nên không thể chống! Từ đó, các đối tượng tuyên truyền nhằm “dụ” người đọc rằng, muốn chống tham nhũng thì phải xóa bỏ chế độ một đảng; cổ xúy người dân chống tham nhũng bằng tư tưởng đa nguyên, đa đảng. Đây là luận điệu xuyên tạc hòng phủ nhận bản chất, quyết tâm chính trị của Đảng ta.

Thực chất, tham nhũng là một vấn đề nan giải, một căn bệnh nhức nhối ở các quốc gia với chế độ chính trị khác nhau. Một đảng hay nhiều đảng, nếu không tự tu dưỡng, luyện rèn, không tăng cường kiểm tra, giám sát, không đấu tranh kiên quyết với thói hư, tật xấu, với chủ nghĩa cá nhân thì nguy cơ dẫn tới cán bộ, đảng viên tha hóa, tham ô, nhũng nhiễu là khó lường. Do vậy, quá trình xây dựng, phát triển, Đảng ta thấy rõ những khiếm khuyết, những hạn chế, tồn tại để làm trong sạch nội bộ, để Đảng vững mạnh, thấy rõ tham nhũng là quốc nạn, nếu không được ngăn chặn sẽ ảnh hưởng tới sự tồn vong của chế độ.

Đăng Trường
.
.