Loại bỏ tư tưởng bàn lùi:

Tiếng nói kẻ dưới ngựa thức tỉnh người trên yên (bài 4)

Thứ Ba, 11/07/2023, 19:27

Thay cho tư tưởng bàn lùi, thay vì suy nghĩ “dừng lại, bắt thế đủ rồi”, mỗi cán bộ, đảng viên hãy nhìn vào các vụ án, nhìn vào các bị cáo trước tòa và suy ngẫm, đúc rút những bài học thiết thân, sâu sắc. Đừng nghĩ những vụ án, những lời khai báo trước tòa hôm nay là “chuyện của người ta”, là của “những kẻ ngã ngựa” mà hãy coi đó là bài học thức tỉnh cho chính mình, thức tỉnh “kẻ trên yên”... Với các bản án thấu tình, đạt lý thì bài học răn đe, cảnh tỉnh có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.

“ Kẻ dưới ngựa” hay “ngã ngựa”, có thể hiểu đó là cách sử dụng hình ảnh của dân gian để nói về cán bộ, quan chức vì liên quan đến sai phạm mà bị cách chức, bị xử lý hành chính hoặc hình sự. “Trên yên ngựa” và “dưới chân ngựa” là hai vị trí đối lập nhau, do đó tư tưởng, tâm thế của họ là hoàn toàn khác nhau. Thường thì “kẻ chân ngựa” bị coi đã hết thời, bị tước bỏ chức quyền, phải trả giá về lỗi lầm mình mắc phải, nhiều khi còn bị người đời mỉa mai, khinh ghét nếu lý do “ngã ngựa” là sự suy thoái, đớn hèn về phẩm cách. Tuy nhiên, khoảng cách giữa chân và yên ngựa vốn không phải quá ngăn cách, nếu như “người trên yên” không giữ được mình, không lấy bài học của người làm bài học của mình, để rồi sa ngã...

Nhìn lại những vụ án mà bị can, bị cáo vốn trước đó giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy cơ quan Đảng, Nhà nước, dư luận thường có nhiều góc nhìn. Thứ nhất là hành vi phạm tội, dư luận quan tâm số tiền, thủ đoạn mà những bị can, bị cáo này đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tư túi, tham nhũng, trục lợi. Thứ hai là thái độ, lối sống, người đó thuộc típ quan liêu, hách dịch, xa rời dân chúng, bòn rút, vơ vét tiền của để phục vụ thói ăn chơi sa đọa hay chỉ là những vi phạm nhất thời, phạm tội do hoàn cảnh “không giữ được mình”, sai phạm về hành vi chứ không sa ngã về đạo đức, tư cách. Thứ ba là thái độ của người dân đối với bị can, bị cáo, họ có thực tâm ăn năn, hối cải, xa xót về những năm tháng mình đã trót để chủ nghĩa cá nhân biến thành “virus độc hại”?

Tiếng nói kẻ dưới ngựa thức tỉnh người trên yên (bài 4) -0
Phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Quang Tuấn, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh: CTV.

Chiều 18/4/2023, phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Quang Tuấn (cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, còn gọi Tuấn “tim”) và 11 đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” kết thúc phần tranh luận. Được nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Quang Tuấn gửi lời xin lỗi và bày tỏ: “Ngay khi xảy ra sai phạm tại Bệnh viện Tim Hà Nội, bị cáo đã cảm thấy rất ăn năn. Hành vi của bị cáo đã làm tổn thương họ, làm ảnh hưởng đến uy tín của hai bệnh viện”. Nói về bản thân mình, ông Tuấn kể vốn thi đỗ Đại học Y Hà Nội và đủ tiêu chuẩn đi học ở nước ngoài nhưng ông đã lựa chọn đi bộ đội. Sau đó được đào tạo y học và vào ngành tim mạch. Quá trình công tác, ông được cử đi Mỹ, Pháp và một số nước trong khu vực, tiếp thu những kỹ thuật can thiệp tim mạch tiên tiến để chuyển giao công nghệ hiện đại về Việt Nam phục vụ chữa bệnh. “Trong quá trình làm Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, bị cáo cùng các đồng nghiệp nhiều lần đi từ thiện, khám và phát hiện nguy cơ bệnh tim mạch cho hàng trăm bệnh nhi. Bị cáo cũng góp tiền ủng hộ các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn ở nhiều nơi. Sau gần 8 năm làm Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, bị cáo cùng đồng nghiệp đã giúp cho hơn 3.000 cháu bé được trở về cuộc sống với trái tim mạnh khỏe hơn”, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội trải lòng.

Theo dõi vụ án cho thấy, khác với nhiều bị cáo trước tòa, ông Tuấn “tim” nhận được sự cảm thông, chia sẻ rất lớn từ dư luận xã hội. Trong vô vàn ý kiến sẻ chia, có lẽ chỉ ít người vốn từng gặp hay được vị bác sĩ này chữa bệnh, còn lại thể hiện sự cảm thông qua lời kể của người khác và phần nhiều cũng là từ những bài viết, bình luận trên mạng xã hội. Xem như thế đủ thấy, cách nhìn hai mặt vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn, xử lý để răn đe nhưng cũng tạo điều kiện để người có năng lực, trình độ, người “được lòng dân” sớm trở về với cuộc sống đời thường, tiếp tục nghề chữa bệnh cứu người.

Chiều cuối tháng 6, hội đồng xét xử Tòa án Quân sự Thủ đô đã cho bị cáo - cựu Trung tướng, Tư lệnh Cảnh sát biển Nguyễn Văn Sơn được nói lời sau cùng. Đứng trước bục khai báo, ông Sơn thừa nhận tội danh với vai trò chủ mưu, nguyên do “trong phút không giữ được mình mà mắc sai lầm”. “Bị cáo thấy có lỗi với nhân dân, với quê hương và dòng họ. Sai phạm của bị cáo làm mất rất nhiều thời gian của các cơ quan tiến hành tố tụng, đồng thời liên lụy tới người khác. Dù tòa chưa tuyên nhưng tòa án lương tâm đã tuyên, bản thân bị cáo sẽ không bao giờ tha thứ cho sai lầm này”, cựu Tư lệnh Nguyễn Văn Sơn nói và cho biết, bản thân đã có thời gian 40 năm phục vụ trong quân ngũ, hiện mang nhiều bệnh, mong tòa xem xét giảm nhẹ để sớm trở về với gia đình, cộng đồng. Cựu Chính ủy Cảnh sát biển Hoàng Văn Đồng thì chia sẻ, bản thân “ân hận vô cùng vì đã cống hiến 42 năm công tác, nay sắp về hưu thì phạm pháp, bị xử lý hình sự. Bị cáo cảm thấy đau lòng vì lỗi lầm gây ra và mong hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được giảm nhẹ hình phạt để sớm về với gia đình, xã hội”. Cựu Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Bùi Trung Dũng cũng bày tỏ sự xót xa, ân hận khi đã có hơn 44 năm quân ngũ, là thế hệ thứ hai trong gia đình phục vụ trong quân đội, con trai bị cáo là thế hệ thứ ba nhưng khi cha bị bắt đã xin ra khỏi ngành. “Tổn thất với gia đình, dòng họ từ vụ án rất lớn. Bị cáo mong hội đồng xét xử vận dụng các chính sách pháp luật để cho mình được hưởng lượng khoan hồng”...

Còn nhớ, buổi chiều muộn ngày đầu hè 2022, phiên xét xử sơ thẩm nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và 13 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, kết thúc phần tranh tụng. “Đối với tôi, cả đời phấn đấu, rất ý thức về ngành dược, là ngành cấp phép rất nhạy cảm, rất tự rèn mình, ý thức mình nhưng có chuyện này xảy ra, dẫn đến hôm nay đứng ở vòng lao lý, đấy là nỗi mất mát lớn nhất, to lớn nhất không có gì so được. Vì vậy, xin quý tòa xem xét mọi khía cạnh, điều kiện sao cho tôi có mức án không mang thêm đau khổ cho tôi, gia đình tôi” - cựu Thứ trưởng giọng chậm lại, đoạn ngước nhìn lên chủ tọa phiên tòa, ánh mắt tư lự. Câu nói “mong mức án không mang thêm đau khổ” sau đó lan tràn trên mặt báo, mạng xã hội, có người đọc với ý mỉa mai, cười trừ nhưng cũng có người đọc lời bị cáo mà như thắt lại, như ai đó cứa sâu vào lòng mình. Để “không mang thêm đau khổ”, bị cáo khẩn cầu trước tòa, trước công đường. Đó là ý nghĩ, mong mỏi rất thật, rất con người. Và, tôi hiểu, lời nói ấy lan tỏa đâu chỉ với những người tham dự phiên tòa hôm ấy mà rộng lắm, rộng lắm, đến với bất cứ ai chốn quan trường, để có cuộc sống yên ổn, để không mang thêm đau khổ thì phải hành động thế nào, sống và làm việc ra sao...

Lời sau cùng - sau cùng là bởi kết thúc lời nói ấy, một bản án sẽ được tuyên, cánh cổng ngoài đời tạm khép lại, cánh cổng trại giam mở ra. Pháp luật tố tụng hình sự quy định bị cáo được nói lời sau cùng trước tòa, sau khi kết thúc tranh tụng. Điều này thể hiện tính nhân đạo của pháp luật, là lúc sự chân thật, sự hối lỗi thể hiện với những khoảnh khắc xúc động. Tôi không nghĩ rằng, lời sau cùng chỉ là sự bộc bạch, giãi bày của bị cáo hay chỉ để những người theo dõi phiên tòa “nghe cho biết”. Thực sự, đằng sau mỗi vụ án, đằng sau hành vi phạm tội và sự trừng phạt của luật pháp, đó là ý nghĩa cảnh tỉnh, thức tỉnh sâu xa, lời của một người mà có ý nghĩa thức tỉnh muôn người, thức tỉnh cho những ai đang đi trên con đường ấy, ngồi trên danh vọng và quyền lực, hãy biết tu chỉnh để ngẫm, để nghĩ chính bản thân mình, đừng phạm vào “lối ngược đường” như bị cáo đã phạm phải.

Khi phải nói đến bệnh tật, nói đến tình cảnh bố mẹ già, con thơ, nói đến quê hương và dòng họ, đến “neo đậu bến quê”, ấy là lúc con người ta đã trở về với bản ngã của mình. Lúc trên đỉnh cao danh vọng, hẳn cái bóng của quyền lực và bổng lộc khiến không ít quan chức đánh mất chính mình, dễ dẫn tới sự lạm dụng, khẳng định quyền uy mà coi nhẹ những điều tưởng như thân thiết, giản dị nhất. Gia đình, mẹ già, vợ và con thơ, lúc này đây, lúc sa cơ ngã ngựa thì chính đó là chốn con người ta cần quay về và tìm đến như một lẽ tự nhiên, như lúc còn thơ đói lòng ngả vào vòng tay của mẹ.

Mong muốn “được trở về” vốn dĩ rất bình thường nhưng nay với bị cáo là nỗi khát khao, mong mỏi.

Thực sự khát khao, mong mỏi...

Bởi thế, từ những vụ án nổi cộm gần đây, từ “công cuộc củi lửa” với những bản án nghiêm minh, thấu tình đạt lý, từ lời hối lối của bị cáo trước tòa, chúng ta cần loại bỏ tư tưởng bàn lùi, đừng nghĩ rằng “bắt nhiều quá, lấy ai làm việc”, “dừng chống tham nhũng để lo phát triển kinh tế”! Thay vào đó là bài học cảnh tỉnh “vật chất chỉ là phù vân”, “danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”, rằng “đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận...”.

(Còn nữa)

Đăng Trường
.
.