Lời hẹn cuối ngày, tiếng gọi đầu hôm

Thứ Năm, 19/08/2021, 21:05

Chỉ thị 16, bốn âm tiết ấy đủ khiến người ta hình dung ra bao nhiêu thứ. Nhất là mấy ông chân chạy, vốn ra đường nhiều hơn ở nhà, nếu nghe tới Chỉ thị 16 chắc mặt dài như cái bơm.

Nhưng ở cái hoàn cảnh dịch bệnh căng thẳng thế này, thực sự bố bảo chả ai dám ra đường. Con virus nó lơ lơ lửng lửng ở đẩu ở đâu chả ai biết. Vô hình, không mùi vị, nó thâm nhập lúc nào chẳng biết. Chủ quan cái là “toi” ngay.

Thật ra, thói quen nào cũng dễ tập thôi. Từng có một lý thuyết nói rằng nếu lặp đi lặp lại một hành vi nào đó trong 21 ngày liên tục, nó sẽ hình thành một thói quen ngay. Tôi cũng từng thử và thấy lý thuyết ấy nó đúng, chí ít là với riêng bản thân mình. Chả là cách đây đúng 19 năm, tôi có hứa với một người chuyện bỏ thuốc lá.

Lời hẹn cuối ngày, tiếng gọi đầu hôm -0
Ảnh: St.

Thế là vứt sạch thuốc, bật lửa, gạt tàn ra khỏi căn phòng trọ nho nhỏ. Kèm vào đó là làm các tờ giấy nhắc dán vào ví, đặt tin nhắn báo thức có kèm thông điệp “Không hút thuốc lá nữa” để tự kỷ ám thị mình. Thế mà chỉ qua 2 tuần tròn, tôi đã không còn thèm thuốc nữa. Từ ấy, bỏ thuốc hẳn được những 5 năm. 5 năm sau, cũng chỉ vì ham vui hút lại dăm ba hơi, sau cũng chừng nửa tháng, thói quen “mới mà cũ” đã hình thành. Tái nghiện.

Từ trước Chỉ thị 16, thật ra tôi đã tập quen ở nhà, hạn chế ra đường từ trước lễ Thống nhất 30/4. Chẳng gì, công việc của tôi cũng có đặc thù riêng là làm việc ở địa điểm nào cũng được, miễn sao ra kết quả tốt. Nhưng thú thực, vốn cũng là chân đi, bản tính ham chơi, việc tập thói quen ở lỳ trong nhà cũng hơi vất.

Có những buổi, cứ đúng cữ 6g chiều, vốn là giờ tụ tập chiến hữu lai rai, cũng thấy “bồi hồi” ra phết. Cứ đi đi lại lại trong nhà, hết lên lầu lại xuống trệt, kiềm chế mãi mới không cầm điện thoại lên í ới rủ rê ai đó. Thật sự, nỗi sợ nó cũng giúp rèn mình. Nghĩ đến Covid-19, nghĩ đến chuyện phải đi cách ly tập trung, thôi thì tự cách ly mình trong nhà, chơi với con chẳng sướng hơn ư?

Rồi khi thói quen ở nhà thành hình, một thói quen mới cũng bắt đầu nhen nhóm. Đó là “nhậu online”. Kể ra, công nghệ thông tin thật sự hữu ích một cách đa dạng. Những ứng dụng vốn được dùng để họp trực tuyến bỗng được trưng dụng thêm để nhậu trực tuyến.

Thế là cứ hai bữa một bận, dăm ba anh em thân thân lại í ới nhau. Ai có gì dùng gì, ai có nấy dùng nấy. Ông thì bia, ông thì rượu vang, ông thì whisky, ông lại rượu thuốc… đủ thức hết thảy. Cũng hò dzô “đồng khởi”, cũng “tôi với bác sầu riêng một cái” chả khác gì ra quán. Vui đáo để.

Bữa nay, sau khi lục tủ lạnh thấy chơ vơ 3 quả cà tím mang ra bung vội với ít thịt ba chỉ, tía tô để nhậu online với mấy “quỷ sứ”, lúc thu dọn chiến trường rồi mới ngồi thững người. Được nhìn thấy nhau còn mạnh khoẻ, được trò chuyện rôm rả với nhau, được hỏi han nhau í ới “đã có giấy gọi đi tiêm vaccine chưa?” giữa lúc cách ly xã hội này mới thấy tình bằng hữu quý giá nhường nào.

Cũng đám anh em ấy, chỉ mấy bữa trước thôi, khi tôi gửi nhạc bản ca khúc mới sáng tác của mình, đứa thì cặm cụi “để em phối bài này cho anh”, đứa thì “để em thu guitar”, đứa thì nhận phần harmonica, đứa nhận phần lĩnh xướng… Thế là cứ “solo” tại nhà, giữa bốn bức tường, chỉ dăm hôm đã ghép lại thành một sản phẩm đủ hình hài.

Lời hẹn cuối ngày, tiếng gọi đầu hôm -0
Ảnh: St.

Sự tiện dụng của công nghệ hoá ra còn mang lại thêm một cái kênh khác, cái “kênh tình”. Tình anh em được lưu chuyển qua đó hết, từng góc, từng chút. Và nó làm tôi nhớ đến chuyện gần - chuyện xa, nhớ đến nao lòng.

Dăm bữa, nửa tháng trước thôi, sau khi Hà Nội vừa gỡ bỏ lệnh giãn cách, đã từng có cả một trào lưu “đi ăn phở” cho bõ nhớ đến mức độ cư dân mạng gọi vui ngày mở cửa trở lại của hàng quán là “Tết phở”.

Tự dưng, nghĩ đến bữa ấy, rồi liên tưởng về những bữa nhậu online như hôm nay, tôi nhớ đến chao chát cái tiếng gọi nhau của bè bạn những ngày còn thanh niên ở Hà Nội. Ngày ấy, điện thoại di động còn chưa có và không phải nhà nào cũng có điện thoại cố định nên bạn bè tìm nhau toàn đến thẳng nhà.

Sáng sớm ra, cữ 6-7 giờ là đã nghe thấy đầu hồi, đầu ngõ những tiếng gọi nhau í ới. Chỉ một tiếng “ơi” thôi là đã đủ khiến người ta phải thấy vội vã rồi. Xỏ tạm tấm áo, manh quần, đôi giày, vừa đi, vừa chạy ra đầu ngõ vừa xắn tay áo vì sợ bạn mình đợi lâu. Thế rồi rong ruổi chở nhau đi ngoằn ngoèo phố xá, sà vào hàng phở, hàng bún, tiệm bánh cuốn quen xì xụp vừa ăn vừa nói chuyện.

Mà chẳng hiểu sao chuyện gì lắm thế. Mới gặp nhau hôm qua đấy, thậm chí tối khuya còn mới đưa nhau về, sáng ra đã đầy một bụng toàn chuyện. Mà nhắc tới việc đưa nhau về sau một cữ chơi khuya, đa phần lời chia tay luôn là “Tao về đây. Mai dậy sớm đi ăn quà sáng”. Tại sao lại có một cái thuở thanh tao đến thế. Lời hẹn cuối ngày, tiếng gọi đầu hôm. Mới đấy đã mấy mươi năm rồi. Quay đi quay lại, lũ bạn chơi cùng ấy cũng đã biết nhau ít nhất là ba mươi năm.

Bọn trẻ bây giờ chơi với nhau có còn gọi nhau ời ời mỗi sáng như chúng tôi ngày xưa không? Hay chúng chỉ lẳng lặng dừng xe trước hiên nhà, nhắn một cái tin “Xuống nhanh” hoặc nháy máy một cái làm tín hiệu? Cũng là tiện nghi đấy. Cũng là công nghệ đấy. Tình cảm của chúng cũng dành cho nhau chưa chắc gì đã ít hơn anh em chúng tôi dành cho nhau ngày xưa.

Nhưng  có vẻ như những khô khốc và cộc lốc của “tiếng gọi mã hoá” nó khiến lòng mình như nguội lạnh. Và sực nhớ ra, chính mình cũng vậy rồi khi trách lũ trẻ thời nay. Chúng sinh ra, lớn lên đã được trang bị tiện nghi đủ đầy thì hà cớ gì chúng phải từ chối. Và ngay cả bản thân chúng tôi cũng bị tiện nghi phỉnh phờ cám dỗ để bao lâu rồi không í ới gọi nhau.

Tôi nhớ Hà Nội những năm 90. Cứ cữ 4g chiều lại có một ông bạn già của cha tôi rà xe ngang qua nhà. Cũng cất lên tiếng gọi, nhưng không lanh lảnh như của đám thanh niên chúng tôi, và cha tôi cũng vội. Người bước ra hồ hởi để lại lời nhắn sau lưng: “Ba đi uống bia”. Thế là hai ông già chở nhau vòng ra Tăng Bạt Hổ. Chẳng biết tửu lượng thế nào nhưng cữ 6g chiều là thấy bạn ông chở ông về, cũng kèm câu hẹn: “Mai tôi qua rủ ông đi ăn sáng”.

Buổi nhậu online đêm nay tôi có cà tím bung, cậu em có khô cá lóc một nắng nướng, ông anh ở block chung cư kế bên tôi thì có fromage để uống rượu vang. Cá biệt, có chú em Hà Nội lâu quá không được “ngồi với anh em Sài Gòn” thì vội vội vàng vàng cắm điện nhầm cháy luôn cả cái máy lọc không khí. “Vẫn vui anh ạ. Cháy mua máy khác. Chỉ sợ lên muộn quán nghỉ mất rồi”, cậu ấy tếu táo. Nó xưa mỗi lần vào nam ở nhà tôi suốt. Giờ dịch bệnh thế này, cách nhau càng cách thêm. Còn ông anh ở gần ngay sát bên. Hai anh em thân nhau như anh em ruột. Ấy vậy mà hơn 10 năm làm hàng xóm từ chung cư này qua chung cư kia, chưa bao giờ tôi lên í ới anh một tiếng buổi sáng đúng nghĩa là không hẹn hò gì để rủ anh đi ăn sáng. Mọi hẹn hò đều qua tin nhắn hết. Cái tiếng gọi nhau hình như mình bỏ quên đâu rồi. Đúng như kiểu vô tình tập một thói quen mới chỉ vì những tiện nghi mình có sẵn trong tay.

Nhớ gì hơn bằng nhớ tiếng gọi nhau lúc đầu ngày, ở ngay thời điểm này, nhà cách ly nhà, người cách ly người, vì cơn bạo dịch. Và trong nỗi nhớ đầy hoài niệm ấy, tôi thầm nhủ, “Rồi tất cả chúng ta sẽ ổn thôi”, để mong cái ngày dịch bệnh qua đi thật sớm, việc đầu tiên mà tôi sẽ làm là cất tiếng gọi một bằng hữu thân trong một buổi sáng an lành, để rủ anh đi ăn một bữa điểm tâm, không điện thoại, không nhắn tin, không facebook, không zalo, không tiện nghi nào cả…

Đó sẽ là một buổi sáng bình yên nhất, khi xung quanh mình cũng là những người đang ngồi rôm rả cùng bạn bè. Mọi người, chắc chắn cũng như tôi thôi, đều muốn tận hưởng ngày đầu tiên, buổi sáng đầu tiên, mới mẻ đầu tiên với người thân và bằng hữu…

Hãy thử một ngày như thế, cất điện thoại đi, í ới gọi nhau đầu hồi…

Hà Quang Minh
.
.