Thử thách của lương tri

Thứ Năm, 12/08/2021, 14:29

Có lẽ chưa bao giờ hiện hữu một kẻ thù chung đủ khả năng hủy diệt để đe dọa đến sự tồn vong của loài người ở mọi châu lục, mọi khu vực, mọi quốc gia, mọi ngóc ngách trên Trái đất như virus SARS-CoV-2 và các biến thể của nó trong hiện tại. Trong đoạn đường vòng nghiệt ngã này, loài người càng thấy rõ hơn sự khó khăn khi phải đối diện một lựa chọn không hề đơn giản: Đặt lợi ích riêng lên trên tất cả, hay chấp nhận hy sinh để phụng sự lợi ích của cộng đồng?

Từ một lời  khẩn cầu

Là một lời kêu gọi nhưng hiểu chính xác, ngày 4-8, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã phải đưa ra một lời cầu van dành cho những nước “giàu”: "Tôi hiểu mối quan tâm của tất cả các chính phủ là nhằm bảo vệ người dân trước biến thể Delta. Nhưng, thật khó chấp nhận rằng có những quốc gia sử dụng hầu hết nguồn cung vaccine trên toàn cầu".

Do đó, đại diện cho WHO, Tedros Ghebreyesus mong muốn các nước tạm ngừng triển khai việc tiêm bổ sung liều tăng cường vaccine ngừa COVID-19 thứ ba cho những người đã tiêm đủ 2 liều, ít nhất là đến cuối tháng 9. Theo ông, việc trì hoãn này nhằm đảm bảo rằng các quốc gia trên thế giới sẽ có ít nhất 10% dân số được tiêm chủng ngừa COVID-19 - một tỷ lệ nhỏ nhoi đến “tội nghiệp”.

Thử thách của lương tri -0
 Trong khoảng thời gian loài người còn đang mắc kẹt giữa những xung đột quyền lợi nan giải ấy, tử thần vẫn tiếp tục cuộc rong chơi.

Bên cạnh ông, Giám đốc phụ trách vấn đề miễn dịch, vaccine và sinh học của WHO - bà Katherine O'Brien làm rõ thêm: "Chúng ta cần tập trung vào những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, những người có nguy cơ mắc bệnh và tử vong vì căn bệnh này, để họ có thể có được liều vaccine đầu tiên và thứ hai". Đó là điều nên làm và cần phải làm, dĩ nhiên là thế, để mọi người dân trên thế giới từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương, từ dãy Himalaya đến rặng Andes có thể được bảo vệ trước mối hiểm họa kinh khủng mang tên đại dịch COVID-19.

Vấn đề là, hiện tại, cho dù cơ chế COVAX đã triển khai hoạt động vô cùng khẩn trương từ năm ngoái, thế giới vẫn không có đủ vaccine ngừa COVID để cung cấp cho các nước nằm ở phần dưới bảng xếp hạng phát triển. Hay nói đúng hơn, vaccine không khan hiếm đến độ như vậy nhưng các quốc gia phát triển - “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” - đã thâu tóm hầu hết số lượng vaccine đó, để lo cho công dân của mình trước. Chuyện đó không có gì phải bàn cãi. Đó là lợi ích chính đáng cũng như quyền tiếp cận sớm hợp pháp của các cường quốc, nhất là nếu xét cả đến phương diện tầm nhìn cũng như khả năng lên kế hoạch dài hạn nhằm đầu tư thúc đẩy nghiên cứu để sớm bảo đảm nguồn cung vaccine - những tiến trình đã được hoạch định ngay từ năm ngoái, giữa bối cảnh tê liệt và hỗn loạn. Tuy vậy, trong các tuyên bố trước đây, các chuyên gia hàng đầu của WHO cho biết rằng chưa có cơ sở khoa học nào cho thấy cần phải tiêm vaccine liều tăng cường để ngừa COVID-19.

Theo WHO, các loại vaccine trong danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) của cơ quan này đều có khả năng bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của virus SARS-CoV-2 nếu người đó đã được tiêm đầy đủ. Do đó, WHO khẳng định các quốc gia giàu có không nên đặt mua thêm vaccine phòng COVID-19 để tiêm nhắc lại cho những người dân vốn đã được tiêm chủng đầy đủ, trong bối cảnh nhiều nước khác vẫn mỏi mòn chờ đợi. Một số quốc gia và khu vực đang đặt mua hàng triệu liều tăng cường, trước khi các quốc gia khác kịp nhận vaccine để tiêm chủng cho các nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương nhất.

Thế giới vốn không bình đẳng. Nhưng, khoảng cách chênh lệch rất không đồng đều về vaccine này, đặt trước chủ thể duy nhất là sinh mạng con người nói chung, có thể xem là một sự bất công. Hoặc hơn thế, một sự tàn nhẫn, với chính đồng loại của mình.

Đến lựa chọn của tử thần

Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt tiêm mũi vaccine thứ ba ngừa COVID-19. Thời gian tiêm bắt đầu từ ngày 1-7, dành cho lực lượng y tế và người trên 50 tuổi. Israel cũng đã triển khai tiêm liều thứ ba, với vaccine của Pfizer, cho người trên 60 tuổi hồi tuần trước, trong đó người tiên phong trong chiến dịch tiêm liều tăng cường này là Tổng thống Isaac Herzog.

Tại Đức, Bộ Y tế đã đề xuất cho nhóm đối tượng người cao tuổi và người dễ bị tổn thương như người suy giảm miễn dịch được tiêm mũi vaccine thứ ba từ ngày 1-9. Mũi thứ ba này sẽ sử dụng vaccine của hãng Pfizer/BioNTech hoặc của Moderna. Pháp cũng chủ trương tiêm mũi thứ ba cho những người bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng như người được cấy ghép, người mắc bệnh ung thư, người đang chạy thận nhân tạo và người cao tuổi. dự kiến từ đầu tháng 9 tới. Trong khi đó, Anh dự kiến tiến hành tiêm mũi thứ ba cho mọi đối tượng. Thời gian tiêm cũng từ đầu tháng 9 kéo dài đến cuối năm.

Thử thách của lương tri -0
 100.000 người đã ngã xuống vì COVID-19 tại Indonesia.

Chính phủ Nhật Bản dự kiến khuyến khích tiêm mũi thứ ba vào năm 2022, trong khi Mỹ cũng đang xem xét tiêm liều vaccine thứ ba này. Tháng trước, Washington đã ký một thỏa thuận với liên doanh Pfizer - BioNTech (Đức), theo đó mua 200 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 để tiêm chủng cho trẻ em cũng như các mũi tiêm nhắc lại đối với người trước đó đã được tiêm đủ 2 liều.

Cùng lúc đó, ngày 4-8, Malaysia thiết lập một “kỷ lục tang tóc” kể từ đầu mùa dịch, với 19.819 ca mắc mới và 257 ca tử vong. Người láng giềng của họ ở ASEAN - Indonesia vượt ngưỡng 100.000 người tử vong do COVID-19. Và tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với các nước đối tác (PMC) diễn ra ngày 4-8, Thứ trưởng Ngoại giao Indonesia - ông Mahendra Siregar khẳng định: Sự “phân biệt đối xử” về vaccine có thể cản trở các nỗ lực phục hồi, gây tác động rộng lớn. Để khắc phục điều này, Indonesia đề xuất thăm dò hợp tác nghiên cứu và sản xuất vaccine giữa ASEAN và các công ty ở các nước đối tác có giấy phép sản xuất vaccine và thuốc chữa trị COVID-19.

Nhưng, ASEAN vẫn còn là một khu vực năng động và giàu tiềm lực - một “chiếc động cơ mới của nền kinh tế thế giới”, một khu vực tương đối yên bình và không phải chịu đựng sự tàn phá ghê gớm của chiến tranh hay đói nghèo. Nói cách khác, “có lực” để chống chọi như ASEAN (hay trước đó là Ấn Độ) còn “tan hoang” như vậy thì ở những khu vực kém hơn nhiều về trình độ phát triển, người dân và các chính phủ sẽ phải xoay xở ra sao?

Câu trả lời đơn giản đến bất nhẫn: Trông chờ vào viện trợ - nghĩa là việc các nước phát triển “rủ lòng thương xót” hoặc nếu không thì đành phó mặc cho “số trời”. COVAX là một cơ chế quốc tế được hình thành để tạo nhịp cầu nối cho “lòng trắc ẩn” đó. Nó giúp các nước kém phát triển hơn cũng có điều kiện tiếp cận với các nguồn cung vaccine. Tuy vậy, nguồn cung ấy vẫn còn là quá ít ỏi, với độ “phủ sóng” hạn chế. Và thực ra, để có được nguồn cung ít ỏi đó, COVAX cũng đã phải chấp nhận trả chi phí cao hơn nhiều cho các “đại gia” ngành dược.

Cuối tháng trước, tại cuộc họp Đại hội đồng Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) diễn ra ở Geneva, WTO vẫn không thể đạt được đồng thuận về đề xuất tạm dừng quyền sở hữu trí tuệ các loại vaccine ngừa COVID-19. Tất cả 164 quốc gia thành viên WTO thừa nhận việc tăng sản lượng vaccine ngừa COVID-19 là điều cần thiết nhưng lại bất đồng về cách thức để đạt được mục tiêu này. Phần lớn các quốc gia tin rằng việc miễn trừ bản quyền sẽ giúp các nước nhanh chóng sản xuất lượng lớn vaccine phục vụ chủng ngừa quy mô lớn, song một số nước còn lại quả quyết: Bản quyền không phải rào cản chủ chốt trong việc gia tăng sản lượng.

Nói gì thì nói, vaccine ngừa COVID-19 hiện đang và vẫn sẽ là những “mỏ vàng”. Từ tháng 1-2021, Pfizer đã tuyên bố sẽ tăng giá. Đến lúc này, giới chuyên môn dự đoán doanh thu bán vaccine của ngành dược sẽ vượt xa mục tiêu 70 tỷ USD trong năm 2021, mà trong đó Pfizer/BioNTech và Moderna chiếm phần lớn.

Sẽ rất khó để các đại gia dược phẩm từ bỏ “mỏ vàng” đó, gần như là không thể. Cũng tương tự, rất khó để ép các cường quốc ngưng tiếp tục đặt hàng chục triệu liều vaccine bổ sung nhằm chăm lo cho các công dân của họ. Hơn thế, cho dù vaccine để lâu thì sẽ hết hạn nhưng số vaccine dư thừa lại vẫn có thể được sử dụng như những công cụ ngoại giao hữu hiệu nhằm “ra ân ra uy” và phục vụ những tính toán tranh giành ảnh hưởng địa chính trị. 

Bài toán trở nên phức tạp gấp bội. Giả sử các “đại cường” ngừng đặt các hãng dược cung cấp vaccine nữa thì liệu các nước nghèo có đủ cơ sở tài chính để tự trang bị cho mình?

Đông Phong
.
.