Không phải đầu tiên, cũng chưa thể là cuối cùng

Thứ Năm, 10/08/2023, 15:13

Thêm một thủ lĩnh cao cấp nữa đã bị “xóa sổ”, đó là điều chính Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thừa nhận. Song, vẫn sẽ là quá lạc quan, để bất cứ nhà phân tích quốc tế nào có thể dự báo rằng “ngày tàn” của tổ chức khủng bố ấy đã cận kề.

Bất chấp mọi thiệt hại trong suốt những năm qua, IS vẫn chưa thể nào bị tận diệt. Bởi lẽ, những mầm mống của nó vẫn có đủ điều kiện để hồi sinh, trong những vòng quay ngày càng bất an mà thế giới đang trải qua.

Một chuỗi những cái tên

Ngày 3/8/2023, trên tài khoản mạng xã hội Telegram, người phát ngôn của IS - Abu Umar al-Muhajir thông báo: Abu al-Hussein al-Husseini al-Qurashi - người được IS lựa chọn làm thủ lĩnh tối cao (caliph), thay thế cho người tiền nhiệm Abu al-Hasan al-Hashimi al-Qurashi (tên thật là Amir Mohammed Said Abd al-Rahman al-Mawla) vào tháng 11/2022 - đã bị tiêu diệt trong cuộc đấu súng với Hayat Tahrir al-Sham (HTS), nhóm Hồi giáo Thánh chiến nắm giữ quyền lực tại thành trì của phe đối lập ở Tây Bắc Syria.

Không phải đầu tiên, cũng chưa thể là cuối cùng -0
Sự tồn tại dai dẳng của IS xuất phát từ tình trạng thiếu tập trung quyền lực, từ bất công, từ mâu thuẫn tôn giáo và từ hận thù.

"Thủ lĩnh Qurashi bị giết sau khi HTS cố bắt ông làm con tin. Ông đã chiến đấu với chúng cho đến khi chết vì vết thương", người phát ngôn IS hé lộ, đồng thời cáo buộc HTS đã “bắt tay” và chỉ điểm cho tình báo Thổ Nhĩ Kỳ.

Thực ra, từ hồi tháng 4/2023, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recepp Tayyip từng tuyên bố về cái chết của Abu al-Hussein al-Husseini al-Qurashi, sau những cuộc truy sát của tình báo Thổ Nhĩ Kỳ. Song, đến tận lúc này, thông tin ấy mới được phía IS xác nhận.

Như vậy, tính đến lúc này, đã có 4 thủ lĩnh tối cao của IS bị truy đuổi và tiêu diệt. Người kế tiếp nắm giữ vị trí này, như các thông tin từ IS, là Abu Hafs al-Hashimi al-Qurashi (phụ danh al-Qurashi thường được gắn thêm vào tên của tất cả các thủ lĩnh tối cao của IS, với hàm ý nối tiếp dòng dõi bộ tộc Quraysh của nhà tiên tri Muhammad - người sáng lập đạo Hồi, nhằm nhấn mạnh và khẳng định tính “chính danh”).

Xin nhắc lại: Sau khi trỗi dậy và gieo rắc tang thương, trong vòng vây cũng như sự đồng lòng nhất trí hiếm hoi của cộng đồng quốc tế (đặc biệt là hai cường quốc Nga - Mỹ), IS bắt đầu bị đẩy lùi, bị bao vây và đánh mất dần quyền kiểm soát các lãnh thổ ở Iraq và Syria từ năm 2014.

Kể từ khi mất thành trì cuối cùng tại miền Đông Syria hồi tháng 3/2019, tàn quân IS buộc phải rút vào ẩn náu trong sa mạc, chỉ còn thỉnh thoảng tiến hành tập kích nhằm vào lực lượng người Kurd và chính quyền Syria.

Thủ lĩnh tối cao đầu tiên của IS - Abu Bakr al-Baghdadi bị tiêu diệt trong một chiến dịch đột kích của đặc nhiệm Mỹ tại Idlib (Syria) vào tháng 10/2019. Kế nhiệm hắn, Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurashi, cũng bị giết tại Idlib vào tháng 2/2022.

Cũng mới ngày 9/7/2023 vừa qua,  Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ ra tuyên bố cho biết họ đã tiêu diệt Usamah al-Muhajir, một thủ lĩnh IS ở miền Đông Syria, bằng một cuộc không kích.

Không phải đầu tiên, cũng chưa thể là cuối cùng -0
Abu al-Hussein al-Husseini al-Qurashi - kẻ vừa được xác nhận đã bị tiêu diệt.

Trước đó, cũng theo thông tin từ phía Mỹ, ngày 25/4, lực lượng Taliban đang nắm quyền tại Afghanistan đã tiêu diệt một thành viên IS, chi nhánh IS-K (chân rết của IS tại Afghanistan), kẻ chủ mưu đằng sau vụ tấn công liều chết vào sân bay quốc tế ở Kabul năm 2021, khiến 13 binh sĩ Mỹ và nhiều dân thường thiệt mạng.

Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby, khi ấy, cho biết: “Đối tượng này là một thành viên chủ chốt của IS-K trực tiếp tham gia các hoạt động lên kế hoạch như vụ Abbey Gate (nơi xảy ra vụ nổ ở sân bay Kabul) và giờ thì y không còn có thể lên kế hoạch hoặc tiến hành cuộc tấn công nào nữa".

Cuối tháng 2/2022, theo hãng tin AFP, người phát ngôn Chính phủ Afghanistan, ông Zabihullah Mujahid cho biết Taliban đã tiêu diệt Qari Fateh - "chỉ huy hoạt động và nhóm tình báo" của IS trong khu vực, một chỉ huy hàng đầu của IS, kẻ bị cáo buộc lên kế hoạch tấn công các cơ quan ngoại giao ở thủ đô Kabul.

Rất nhiều những cái tên gây kinh hoàng đã bị gạch chéo. Thế nhưng, nói như chính tướng Michael “Erik” Kurilla, chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM): “Chúng tôi đã nói rõ rằng chúng tôi vẫn cam kết đánh bại IS trên toàn khu vực. IS vẫn là một mối đe dọa, không chỉ đối với khu vực mà còn trên toàn thế giới”.

Từ đáy sâu nghèo đói và hận thù

Nhận định của Michael Kurilla cũng chính là sự quan ngại của giới quan sát quốc tế nói chung về khả năng tiêu diệt hoàn toàn những mầm mống hồi sinh của đoàn quân mang lá cờ đen chết chóc ấy.

IS, cũng như chủ nghĩa khủng bố quốc tế nói chung (đặc biệt là các tổ chức khủng bố mang tính chất cực đoan về tôn giáo), không tự nhiên sinh ra, cũng không phải không có lý do mà cứ mãi tiếp tục tồn tại. Chúng thoát thai từ lòng hận thù, từ những mâu thuẫn đối kháng về tín ngưỡng hay tôn giáo hoặc là tâm lý bài phương Tây (điều thực ra lại có căn nguyên sâu xa là sự áp đặt các hệ giá trị Thiên Chúa giáo Ki-tô, cũng như quá trình xúc phạm những tín điều Hồi giáo), từ cả những khoảng cách chênh lệch về mức sống trong xã hội, lẫn những khoảng trống quyền lực - tiền đề của rất nhiều tham vọng, điều đã được thể hiện ngay trong lòng thế giới Arab Hồi giáo Bắc Phi - Trung Đông đầu thập kỷ trước, sau khi cơn bão mang tên “Mùa xuân Arab” quét qua.

Hồi tháng 2/2023 này, sau trận động đất lịch sử tàn phá Thổ Nhĩ Kỳ và một phần Syria, các chuyên gia thuộc giới chức Syria đã lập tức bày tỏ sự lo ngại, về nguy cơ “có “hàng nghìn phần tử cực đoan đang ẩn náu dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và số này đang tìm cách thâm nhập vào Thổ Nhĩ Kỳ hoặc tiến hành các vụ tấn công dọc biên giới hai nước”. Họ đánh giá rằng cuộc khủng hoảng nhân đạo đang tạo ra khoảng trống về an ninh đối với khu vực biên giới kéo dài 500 km và đây là cơ hội để các tổ chức khủng bố cực đoan như IS trỗi dậy tập hợp lực lượng.

Trong năm 2022, quân đội Mỹ và các lực lượng đối tác ở Iraq và Syria đã tiến hành 313 chiến dịch truy quét (trong đó 108 cuộc hành quân tảo thanh được tiến hành ở Syria và 191 chiến dịch ở Iraq), tiêu diệt và bắt sống hơn 1.000 tay súng IS. Song, theo thông cáo của CENTCOM, mặc dù IS đã suy yếu đáng kể nhưng tư tưởng của tổ chức cực đoan này chưa được kiểm soát. Chúng vẫn cần phải tiếp tục được “để tâm” trấn áp, thông qua những biện pháp hợp tác. Bởi chắc chắn, IS không ngừng chiêu nạp và tuyển mộ những thành viên mới.

Chưa nhà quan sát quốc tế nào quên, ngày 20/1/2022, IS đã tiến hành cuộc tấn công lớn nhất trong vòng 3 năm kể từ khi bị đẩy bật khỏi các đô thị lớn, với việc tấn công nhà tù Ghwayran ở thành phố Hasakeh, phía Đông Syria nhằm giải thoát thành viên, cuộc giao tranh khiến hơn 370 người thiệt mạng. Một động thái thể hiện rằng IS “đã lấy lại được động lực”, theo cách nhìn của ông Damien Ferre, Giám đốc Công ty tư vấn Jihad Analytics.

Và, hiện tại, khi thế giới đang phân cực mạnh mẽ, những điều kiện để tổ chức khủng bố này đẩy mạnh hoạt động lại càng trở nên rõ ràng. Đơn cử, sự thiếu thốn tại những vùng đất nghèo đói của châu Phi (cả vùng Sahel Tây Phi lẫn khu vực Sừng châu Phi phía Đông, với rất nhiều cuộc khủng hoảng nhân đạo đang hình thành, do cả biến đổi khí hậu lẫn bất ổn chính trị) sẽ là “mảnh đất màu mỡ” để IS kích hoạt tâm trạng bất mãn trong xã hội, cài đặt vào đó tâm lý thù hằn và gieo rắc những tư tưởng cực đoan đầy tính chất bạo liệt.

Nhìn vào cách các đoàn công tác của những tổ chức nhân đạo thuộc Liên hợp quốc liên tiếp bị cướp phá ở Sudan, bất cứ ai cũng có thể hình dung được “sức nóng” của những đốm lửa mới manh nha này.

Song, trên tầm cao, mọi chuyện còn có thể trở nên tồi tệ hơn, với những xung đột ngày càng gay gắt giữa cộng đồng Hồi giáo và thế giới phương Tây. Chúng ta đang nói đến làn sóng phẫn nộ lan tỏa khắp các quốc gia Trung Đông và khắp các cộng đồng tín đồ Hồi giáo trên thế giới, khi liên tiếp những sự vụ bị xem là báng bổ Kinh Koran (kể cả đốt bộ kinh thiêng liêng này của Hồi giáo) hiện hữu tại hai quốc gia: Đan Mạch và Thụy Điển.

Thậm chí, ngày 31/7, tại hội nghị trực tuyến của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), Iran đã kêu gọi các nước Hồi giáo hạ thấp hoặc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Thụy Điển và Đan Mạch nếu những sự vụ ấy tái diễn. Đây thực sự là một bài toán hóc búa đối với hai nước Bắc Âu và thế giới phương Tây nói riêng, khi trước đây họ đã luôn chấp nhận những hành động (bị đánh giá là khiêu khích và phỉ báng) như thế, với sự xác nhận rằng đó quyền tự do cá nhân hợp hiến.

Và, chắc chắn, IS sẽ “tận dụng” lỗ hổng của quyền tự do đó, để tự nuôi lớn mình trở lại bằng những nỗi căm phẫn và trở lại trong hình dạng của những đoàn quân hoặc chỉ là những con “sói đơn độc” điên cuồng.

Vì thế, dù người kế vị thủ lĩnh vừa bị tiêu diệt là ai thì hướng đi ấy vẫn sẽ không thay đổi...

Đông Phong
.
.