Sự trỗi dậy của Hồi giáo: Niềm tin tôn giáo có phải là nguyên nhân?

Thứ Hai, 06/09/2021, 09:04

Trong dòng chảy các sự kiện lịch sử quốc tế, không ít điểm nóng địa chính trị - tiêu biểu là Jerusalem trong cuộc tranh chấp giữa Palestine và Israel, hay nói rộng ra là lịch sử khai sinh, chia cắt và định hình Trung Đông hiện đại cũng như các cuộc chiến liên quan đến nó - thường bị quy nạp một cách giản lược về nguyên nhân duy nhất: Những khác biệt và mâu thuẫn về tôn giáo hay tín ngưỡng. Tuy vậy, trong mắt các sử gia, ngay từ khi Hồi giáo bắt đầu trỗi dậy vào thế kỷ thứ VII, những yếu tố cốt lõi đã không phải là cách thờ phụng hay gọi tên Thượng Đế như thế nào.

Ba tôn giáo, một danh từ

Một cách ngắn gọn, cả Do Thái giáo, Ki-tô giáo (phiên âm từ "Jesus Christo", bao gồm cả ba nhánh Chính thống giáo Đông phương, Thiên Chúa giáo La Mã và Tin Lành) cùng Hồi giáo đều thờ duy nhất một Thượng Đế (Thiên Chúa, Đức Chúa Trời) - Thượng Đế được ghi trong kinh thánh cổ xưa nhất của người Do Thái, tức là Cựu ước. Người Do Thái gọi vị Thượng Đế ấy là Jehovah (hay Yahweh), rồi đến khi Constantinus Đại đế thừa nhận đạo của Jesus - một người Do Thái - cùng các tông đồ là quốc giáo La Mã (nhằm tận dụng thần quyền để phụ trợ thế quyền) thông qua Tân ước, thì vị Thượng Đế ấy trở thành Thiên Chúa Ba Ngôi Nhất Thể.  

Năm 570, trên bán đảo Arab - miền đất thuộc về các bộ lạc du mục theo tín ngưỡng đa thần - người về sau này trở thành giáo chủ lập giáo của Hồi giáo (Islam) Mohammed ra đời, trong một gia đình nghèo khổ thuộc bộ lạc Kuraish. Các sử gia biên soạn cuốn “Văn minh phương Tây” (Civilazation in the West, bao gồm tập thể các giáo sư thuộc Đại học Harvard và Đại học Rochester) đều không thống nhất được "lý do vì sao Mohammed tin rằng mình là người khai sáng một tôn giáo mới".

Tuy nhiên, những câu chuyện được truyền lại thì khá thống nhất. Sau những chuyến buôn bán xa (mà chắc chắn trong đó Mohammed có tiếp xúc với các tín đồ Ki-tô hay Do Thái giáo), Mohammed trở về, kiêng ăn cữ ngủ, để đến một ngày tuyên bố rằng ông đã được Thiên Chúa mặc khải. Tiến trình mặc khải đó được ông ghi lại bằng văn bản - thứ văn xuôi giàu nhịp điệu, dễ nhớ, bao gồm cả các mẩu chuyện trong “Cựu ước” lẫn những câu chuyện dân gian Arab. Sau này, chúng trở thành Kinh Koran (Qur'an). Trong cuốn kinh ấy, thay thế tín ngưỡng đa thần giáo cũ, Mohammed xác nhận các tài liệu từ Ki-tô giáo và Do Thái giáo, để "tổng hợp tất cả mọi sự thật về Thiên Chúa" - vị Thượng Đế mà ông xưng tụng là Allah (Đấng Toàn năng).

Như vậy, xét cho cùng, Do Thái giáo, Ki-tô giáo và Hồi giáo đều phát sinh từ một gốc - Cựu ước của người Do Thái. Giới nghiên cứu thường xếp chung ba tôn giáo này vào một nhóm, khác biệt hoàn toàn với những tôn giáo khác trên thế giới, với khái niệm định danh: Độc thần Giáo (nghĩa là chỉ thờ phụng một vị Thượng Đế tối cao duy nhất).

Sự trỗi dậy của Hồi giáo: Niềm tin tông giáo có phải là nguyên nhân? -0
Giáo lý của Nhà tiên tri Mohammed được đặt trên nền tảng là sự mặc khải về Cựu ước.

Từ ba nhánh chính, Thiên Chúa Độc Thần giáo sơ khai, cho đến hiện tại, đã phát triển thêm thành rất nhiều hệ phái. Ta có thể kể tới Cuộc ly giáo Đông - Tây chia cắt Chính Thống giáo Đông phương (có ảnh hưởng rộng lớn từ Byzantine cổ đến tận nước Nga) với Thiên Chúa giáo La Mã, đến cuộc Cải cách tôn giáo ở các tiểu bang Bắc Đức dẫn đến sự ra đời của Tin Lành, hay những mâu thuẫn trầm trọng sau khi Mohammed qua đời - điều tạo nên hệ phái Sunnite và hệ phái Shi'ite xem nhau là tử thù trong lòng Hồi giáo.

Cùng thờ một Thượng Đế, nhưng giữa các tôn giáo và các hệ phái, chi phái vẫn luôn có sự cạnh tranh, luôn có mâu thuẫn, luôn có xung đột. Điều này tô đậm thêm câu hỏi: Thực chất, khác biệt về niềm tin tôn giáo có phải nguyên nhân duy nhất dẫn đến nhiều cuộc chiến tranh hay không?

Những vòng tròn giao thoa

Câu hỏi này có thể có nhiều câu trả lời, nhưng tựu trung là "Có" và cả "Không". Tuy vậy, nhìn lại những cuộc chinh phạt đầu tiên của Hồi giáo, có lẽ sẽ là cách để dễ hình dung hơn về nguyên nhân then chốt đích thực.

Năm 662 được lịch Hồi giáo xác định là Năm thứ nhất, năm khởi đầu, khi Mohammed tập hợp được một lực lượng lớn tín đồ ở trọng trấn al Medina. Năm 630, Mohammed chinh phạt thành công La Mecca, vứt bỏ mọi tượng thần trừ một phiến đá đen huyền tích. Năm 632, Mohammed qua đời, nhưng hơn nửa thế giới Arab đã theo Hồi giáo. Năm 693 và năm 640, quân Arab Hồi giáo hai lần chiếm Ai Cập. Trước đó, họ đã tràn ngập Iraq, Syria và Palestine, thậm chí xâm lăng Ba Tư ngay trong thập niên đầu tiên sau khi Mohammed tạ thế.

Từ Ai Cập, hải quân Arab chiếm đảo Chyprus, bắt đầu tấn công miền nam Italia. Năm 698, thiết kỵ Arab vượt Bắc Phi "Tây chinh" chiếm Carthage (Tunisia ngày nay). Năm 711, quân Hồi vượt eo biển Gilbraltar tiến chiếm bán đảo Iberia (Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha). Năm 724, từ Ba Tư, quân Hồi đánh sang tận Ấn Độ, chạm đến biên thùy phía Tây của Trung Hoa, đồng thời từ Ai Cập tiến xuống Trung Phi. Năm 725, quân tiền phong Hồi giáo vượt rặng Pyrenee vào đất Pháp, lúc đó thuộc quyền kiểm soát người Frank. Năm 732, họ đánh trận Tours nổi tiếng với quân đội của Charles Martel.

Tiến trình bành trướng thần tốc này khó có thể chỉ phát sinh từ những lý tưởng tôn giáo thuần túy, cũng như các cuộc Thập Tự chinh mà Thiên Chúa giáo La Mã thực hiện ở chiều ngược lại. Nó giống với mọi quá trình bành trướng của các đế quốc cổ kim, bất kể có yếu tố gắn đến tôn giáo hay không. Cho dù khó có thể phủ nhận: Niềm tin tôn giáo là chiêu bài hữu hiệu để sách động tinh thần chiến đấu, thì lợi ích kinh tế vẫn cứ là nguyên nhân đích thực của mọi cuộc xâm lăng hay chinh phạt.

Điều này được thể hiện rõ ràng từ sau cuộc Thập Tự Chinh thứ tư, khi Giáo hoàng ở La Mã hứa hẹn sự cứu rỗi dành cho cả những ai chống lại các kẻ thù Ki-tô giáo như những người từng lên đường chiến đấu chống lại quân Hồi giáo. Sau đó, cuộc Thập tự chinh thứ sáu, thỏa thuận đình chiến được hoàng đế Thánh chế La Mã của người Đức Frederic II ký với vua Hồi dựa trên các thỏa hiệp về thương mại hàng hải, bảo trợ hành hương và cả sự hoàn trả Jerusalem. Bên cạnh đó, cũng từng có những tiểu vương quốc Ki-tô giáo bị tàn phá và cướp bóc bởi…chính các đoàn Thập tự quân, khi nhiều tướng lĩnh Thập tự quân khác lại kết thân và "chè chén" với các quý tộc Hồi giáo.

Sự trỗi dậy của Hồi giáo: Niềm tin tông giáo có phải là nguyên nhân? -0
Khi được đảm bảo về lợi ích, các tiểu quốc Ki-tô vẫn có thể chung sống hòa bình với thế giới Hồi giáo ở Trung Cận Đông.

Sự giao thoa văn hóa cuối cùng cũng làm bật lên tinh thần khoan dung, cũng như trạng thái "chung sống hòa bình", miễn là khi quyền lợi cả hai bên được bảo đảm. Như một số nhà chuyên môn đánh giá: Thập tự chinh, ở nhiều khía cạnh, có thể xem là một phong trào thực dân mang màu sắc tôn giáo.

Và ngược lại, nếu như ban đầu tôn giáo của Mohammed là thứ chất kết dính các cộng đồng Arab để tạo nên sức mạnh, thì trên đường chinh phạt, chẳng những hấp thụ và gìn giữ mọi tinh hoa văn minh, họ cũng không bỏ qua các cơ hội chung sống hòa bình để cùng phát triển thương mại. Thực tế không phải lúc nào giữa hai khối tín đồ, từ cuộc Thập tự chinh đầu tiên đến cuộc Thập tự chinh cuối cùng, cũng là mối thâm thù đại hận "một sống một chết", mà có rất nhiều khoảng thời gian đình chiến - nghỉ ngơi - chung sống, cho đến khi lợi ích lại lên tiếng.

Nếu không có sự phóng khoáng về tư tưởng của những đoàn quân chinh phạt và những nhà cai trị đầu tiên của Đế chế Hồi giáo, có lẽ rất nhiều thành tựu của các nền văn minh cổ đại đã bị thiêu hủy. Người Arab Hồi giáo đã giữ lại những kiến thức vô giá từ thời Lưỡng Hà hay Hy Lạp cổ đại, mà sau này qua đường Thập Tự chinh lại từ phương Đông trở ngược về châu Âu để làm nên thời Phục Hưng rạng rỡ.

Nhưng, cũng không thể phủ nhận những tính cách cực đoan trong các giáo lý - một công cụ tất yếu vẫn luôn được sử dụng hữu hiệu, vào thời điểm cần thực hiện những cuộc tranh đoạt lợi ích bằng bạo lực. Như khi Vị tiên tri Mohammed đoàn ngũ hóa và khuếch đại sức mạnh của những bộ lạc du mục Arab lạc hậu quanh Medina, để kiến tạo một đế chế hùng cường.

"Điểm khác biệt lớn nhất trong cách diễn giải về niềm tin tôn giáo của Mohammed với Ki-tô giáo chỉ là: Ông xem Ba ngôi Thiên Chúa của tín đồ Ki-tô giáo cũng như việc thờ phụng tượng thánh là đa thần và mù quáng, và như vậy là đi ngược niềm tin độc thần, nghĩa là sai trái. Còn với Do Thái giáo, Mohammed và các nhà thần học Hồi giáo kế tục chỉ ra (theo kinh Qur'an) rằng: Chuyện người Do Thái xem mình là giống dân duy nhất được Thượng Đế chọn lựa là không có căn cứ.

"Đối với tín đồ Hồi giáo ban đầu, người Ki-tô giáo và Do Thái giáo không hề bị khinh miệt như những "kẻ dị giáo" hay "bọn vô đạo" đích thực. Những nhóm người này được tín đồ Hồi giáo xem là "các sắc dân được viết trong Kinh (Qur'an)".

Thiên Thư
.
.