Guadalcanal - địa ngục lửa trên Thái Bình Dương
Khi cùng nhà sản xuất (cũng chính là tài tử điện ảnh gạo cội) Tom Hanks tạo nên một trong những serie phim truyền hình đắt đỏ và giàu tiếng vang nhất trong lịch sử, đạo diễn lừng danh Steven Spielberg nhận xét: “Mặt trận Thái Bình Dương khốc liệt không kém gì các trận đánh (trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai) diễn ra ở châu Âu).
Và địa danh được chọn cho tên của tập mở màn (trong số 10 tập phim thuộc bộ Pacific/Mặt trận Thái Bình Dương) lừng lẫy đó, là Guadalcanal.
Buổi sáng thanh bình
Ngày 8/2/1943, Thiếu tướng lục quân Mỹ Alexander Patch – mới chỉ vừa đến thay thế người tiền nhiệm là tướng Alexander Vandegrift trong vai trò chỉ huy các lực lượng quân đội Mỹ tại Guadalcanal từ tháng 1/1943 – vẫn đang chờ đợi một cuộc tấn công mới từ phía quân đội Nhật Bản.
Song, đến sáng hôm sau (9/2), ông nhận ra rằng không còn người lính Thiên hoàng nào đứng chắn trước mặt các đơn vị của mình nữa. Chỉ còn lại những vị trí phòng thủ bị bỏ trống, những bộ quân phục cũ nát, hay những thùng quân nhu rỗng bị vứt bỏ… Đến lúc ấy, Alexander Patch hiểu rằng chiến dịch Guadalcanal đã khép lại, sau sáu tháng mảnh đất này trở thành một thứ “rừng xương biển máu”. Và điều đó cũng có nghĩa là ông có thể tuyên bố một thắng lợi. Guadalcanal, một điểm cầu quan trọng trên Thái Bình Dương, đã chính thức thuộc về quân Đồng minh.
Trước khi chiến dịch khốc liệt này diễn ra, Guadalcanal là gì?
Đó là hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Solomon, một nhóm gồm 992 hòn đảo và đảo san hô vòng, trong đó 349 đảo có người sinh sống ở Nam Thái Bình Dương. Đang là một thuộc địa của nước Anh, quần đảo Solomon bị Nhật Bản xâm chiếm vào ngày 6/7/1942, và nhanh chóng xây dựng một sân bay chiến lược, nhằm phục vụ cho các hoạt động quân sự với mục tiêu khống chế hoàn toàn Nam Thái Bình Dương, sau khi đã tạo được khí thế “sấm vang chớp giật” với trận tập kích Trân Châu Cảng vào hải quân Mỹ đang đóng ở căn cứ Hawaii (ngày 7/12/1941).
Nhưng, cũng chính vì vậy, như nhiều nhà nghiên cứu lịch sử quân sự quốc tế đánh giá rằng ở Trân Châu Cảng, Nhật Bản đã “đánh thức một người khổng lồ đang ngủ”, nên Mặt trận Thái Bình Dương tất yếu phải rực lửa. Và Guadalcanal cũng tất yếu phải trở thành một chiến địa bị giằng đi giật lại. Quân đội Thiên hoàng muốn giữ bằng được cứ địa ấy, thì quân lực Hoa Kỳ cũng bằng mọi giá phải triệt phá mối hiểm họa kề cận đó.
Hải chiến Guadalcanal
“Tôi chưa bao giờ được đọc hay nghe về kiểu chiến đấu này. Những con người ấy từ chối đầu hàng” – trang History dẫn lời một tướng Mỹ, khi ông chứng kiến sức kháng cự của những người lính Thiên hoàng đang bị binh sĩ Mỹ tập kích trong cuộc hành quân Watchtower (chiến dịch đổ bộ đồng loạt lên 5 hòn đảo, bao gồm Guadalcanal), cho dù hoàn toàn bị bất ngờ.
Các tướng lĩnh Đồng minh (ở mặt trận này là Mỹ và Anh) nhận thấy rằng các máy bay Nhật Bản xuất phát từ sân bay xây dựng ở Guadalcanal chắc chắn sẽ uy hiếp nghiêm trọng các căn cứ New Hebrides ở New Caledonia cũng như Port Moresby ở New Guinea. Lập tức, các kế hoạch phản kích nhằm đánh đuổi quân Nhật được xây dựng và tiến hành, với sự tham gia của hầu hết các lực lượng sẵn có tại Nam Thái Bình Dương (theo Britannica).
Vậy là ngày 7/8/1942, lính Mỹ rầm rập đổ xuống quần đảo Solomon, theo Kế hoạch Watchtower. Lúc đầu, tình thế tiến triển khá thuận lợi. Hơn 11.000 thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ thành công lên Guadalcanal, và phải 24h giờ sau, quân Nhật Bản mới biết đến sự hiện diện của họ. Các lực lượng Hoa Kỳ đã nhanh chóng chiếm lấy mục tiêu chính của họ là sân bay, và quân Nhật mặc dù đông hơn đã phải rút lui, nhưng điều đó không kéo dài. Lực lượng tiếp viện được đưa tới, và một trận đánh giáp lá cà quyết liệt đã diễn ra sau đó.
Ngay trước 2 giờ sáng ngày 9/8, quân Nhật đã tấn công dữ dội vào hải quân Đồng minh đang “trợ chiến” từ phía biển. Một lực lượng gồm các tàu tuần dương và tàu khu trục Nhật Bản đã giao chiến với hạm đội Đồng minh trong Hải chiến đảo Savo. Kết quả là một thảm họa cho quân Đồng minh. Trong khoảng nửa giờ, quân Nhật đã đánh chìm các tàu tuần dương Hoa Kỳ Astoria, Quincy và Vincennes và làm tê liệt tàu tuần dương Australia mang tên Canberra, trong khi chỉ chịu thiệt hại không đáng kể.
Và đó mới chỉ là đoạn “nhập đề”. Lính Mỹ vẫn giữ được sân bay dã chiến (mà họ đặt tên là Sân bay Henderson), nhưng không quân (cũng như không quân hải quân và pháo hạm) Nhật liên tục oanh kích nó.
Đỉnh điểm của những cuộc giao tranh trên biển là Hải chiến Guadalcanal (12–15/11/1942). Ngày 11 và 12/11, Mỹ đổ bộ lực lượng tiếp viện cũng như số lượng hàng tiếp tế khá lớn lên đảo. Gần như cùng lúc, một hạm đội vận tải của Nhật Bản, mang theo khoảng 7.000 người, từ Rabaul tiến về phía nam với sự hộ tống của một số thiết giáp hạm và một hạm đội lớn gồm các tàu tuần dương và tàu khu trục. Tất nhiên, những cuộc giao tranh trên biển nhanh chóng diễn ra.
Ngay sau nửa đêm ngày 13/11, lực lượng đặc nhiệm Hoa Kỳ dưới sự chỉ huy của Chuẩn Đô đốc Daniel Callaghan giao chiến với tàu Nhật do Phó Đô đốc Abe Hiroaki chỉ huy. Nối tiếp là một cuộc hỗn chiến tàn khốc kéo dài 24 phút, nơi chứng kiến các tàu chủ lực của cả hai bên lao đi ở cự ly cực gần. Người Nhật mất thiết giáp hạm Hiei, trong khi Hoa Kỳ mất các tàu tuần dương USS Atlanta và USS Juneau cũng như một số tàu khu trục. Callaghan và Chuẩn đô đốc Norman Scott tử trận; những sĩ quan cao cấp hiếm hoi của Hải quân Hoa Kỳ thiệt mạng trong một cuộc giao chiến trên mặt nước trong Thế chiến thứ hai.
Ngày 14/11, các tàu tuần dương và tàu khu trục Nhật Bản đã pháo kích vào sân bay Henderson, và một lực lượng xâm lược khác đã được phát hiện ở phía bắc Guadalcanal. Các tàu Nhật Bản đã phải hứng chịu các cuộc không kích suốt cả ngày, và trong đêm đó, chúng bị các thiết giáp hạm USS Washington và USS South Dakota đón đánh. Khoảng nửa đêm, một trận đánh ác liệt khác xảy đến. Quân Nhật mất thiết giáp hạm Kirishima và tàu tuần dương hạng nặng Kinugasa, còn Mỹ mất thêm ba tàu khu trục.
“Lò nướng quân” trên đảo
Lực lượng Nhật Bản trên đảo đạt đến đỉnh điểm quân số là 36.000 quân vào tháng 10/1942, nhưng họ không thể áp đảo vành đai phòng thủ của quân Mỹ và chiếm lại sân bay.
Trận giao tranh ác liệt nhất xảy ra vào ngày 24 và 25 tháng 10, khi chỉ có một tiểu đoàn Thủy quân lục chiến chặn giữa Sân bay Henderson với hai trung đoàn Nhật Bản. Đại tá Chesty Puller đã cùng những người lính dưới quyền mình đứng vững, không để bị tràn ngập, đồng thời gây cho quân Nhật mức thương vong nặng nề. Được tăng cường bởi Trung đoàn bộ binh 164, Thủy quân lục chiến của Puller đã giữ vững vị trí, sau những đợt công kích liên tục của kẻ địch. Đến tháng 11, Hải quân Hoa Kỳ đã có thể đổ quân tiếp viện lên Guadalcanal nhanh hơn so với quân Nhật, và các cuộc phản công của quân Đồng minh đã dần đẩy quân Nhật về góc tây bắc của hòn đảo.
Vào đầu năm 1943, sức mạnh chiến đấu của quân Đồng minh tại Guadalcanal là hai sư đoàn Lục quân Hoa Kỳ và một trung đoàn Thủy quân lục chiến, tổng cộng khoảng 44.000 quân. Họ liên tiếp mở những đợt tấn công, để tạo sức ép về phía kẻ địch. Họ hiểu, nhờ khả năng cung ứng và tiếp viện vượt trội, họ vẫn luôn nắm nhiều cơ hội chiến thắng hơn đối phương. Trong khi đó, lính Nhật chết dần chết mòn bởi thiếu thốn nhu yếu phẩm, khi cả đạn dược lẫn lương thảo đều chỉ có thể được tiếp tế nhỏ giọt bằng xuồng cao tốc.
Trong tuần đầu tiên của tháng 2/194, các tàu nổi hạng nhẹ bắt đầu di tản 12.000 quân Nhật còn lại khỏi Guadalcanal, theo kế hoạch mang tên Cuộc triệt thoái Ke – đưa tất cả lính Nhật rời khỏi quần đảo Solomon, theo một mật lệnh từ đích thân Thiên hoàng. Điều khá thú vị là bất chấp một số hoạt động giải cứu của các tàu Nhật Bản bị trinh sát Mỹ nắm được, các chỉ huy quân đội Mỹ vẫn cho rằng đó là những hành động nghi binh, để chuyển quân, sẵn sàng cho những đợt tấn công lớn kế tiếp.
Vào ngày 8/2/1943, gần đúng sáu tháng sau cuộc đổ bộ ban đầu, ổ kháng cự cuối cùng còn sót lại của Nhật Bản đã bị loại bỏ, và Guadalcanal cuối cùng đã nằm chắc trong tay quân Đồng minh. Kể từ đó, các vị trí quân sự quan trọng của quân Mỹ/ Đồng minh tại Nam Thái Bình Dương không bao giờ còn bị uy hiếp bởi quân đội Nhật Bản nữa. Từ trạng thái phòng ngự, quân Mỹ đã sẵn sàng bước sang giai đoạn phản công trên Mặt trận Thái Bình Dương.
Một thắng lợi mang tính then chốt, và căn bản, nó được tạo dựng nhờ hệ thống hậu cần hoạt động đầy đủ và hữu hiệu – bài học không bao giờ lỗi thời trong bất cứ sách giáo khoa về chiến tranh nào.
* Đảo quốc Solomon nằm ở phía đông bắc Australia và có 87 ngôn ngữ bản địa, được phát hiện vào năm 1568 bởi nhà hàng hải Tây Ban Nha Alvaro de Mendana de Neyra (1541-95). Năm 1893, Anh sáp nhập Guadalcanal, cùng với các đảo miền trung và nam khác của Solomon. Đức nắm quyền kiểm soát miền bắc Solomon vào năm 1885, nhưng đã chuyển giao những hòn đảo này, ngoại trừ Bougainville và Buka (những đảo cuối cùng sẽ thuộc về Australia) cho Anh vào năm 1900.
* Quân đội Nhật Bản mất tổng cộng 24.000 lính thiệt mạng trong Trận chiến Guadalcanal, trong khi phía Mỹ có 1.600 người chết, 4.200 người bị thương, cùng khoảng vài nghìn người chết vì bệnh sốt rét cũng như các bệnh nhiệt đới khác. Các trận hải chiến khác nhau khiến mỗi bên thiệt hại 24 tàu chiến: Nhật Bản mất 2 thiết giáp hạm, 4 tàu tuần dương, 1 tàu sân bay hạng nhẹ, 11 tàu khu trục và 6 tàu ngầm, trong khi Hải quân Mỹ mất 8 tàu tuần dương, 2 tàu sân bay hạng nặng và 14 tàu khu trục.