Xin lỗi, rồi sao nữa?

Đằng sau lời xin lỗi

Thứ Năm, 07/04/2016, 11:48
Chỉ trong vòng 1 tuần, đã có 2 lời xin lỗi từ giới chức trách được đưa ra và báo chí đã công khai đưa tin về 2 lời xin lỗi ấy.


Thứ nhất là lời xin lỗi của ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, với ngư dân Sầm Sơn. Thứ nhì là lời xin lỗi của bà Văn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc Sở Du Lịch TP HCM và của lãnh đạo chính quyền, Công an phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM, đối với nữ du khách người Ai Cập, cô Alaa Mohammad Abdu Ali Aldoh. 

Có lẽ, lâu lắm rồi chúng ta mới đọc được một tin về chuyện nhà chức trách gửi lời xin lỗi tới một ai đó, bất chấp cái sai, cái quấy của những người đang nắm cương vị đại diện cho bộ máy hành chính nhà nước vẫn còn rất nhiều. Và bởi vậy, hai lời xin lỗi kia có giá trị rất lớn trong bối cảnh xã hội hiện nay, bối cảnh mà chúng ta đang vô cùng lo ngại về sự xuống cấp đạo đức đến mức người Việt gần như đã quên cách nói “cảm ơn” hay “xin lỗi”.

Ngư dân Sầm Sơn, sau cuộc gặp với bí thư tỉnh ủy của mình, lắng nghe lời nhận lỗi của bí thư, đã trở về với đời sống thường nhật, không còn tập trung khiếu nại nữa. Còn cô Aldoh, người đã khóc nức nở sau khi bị cướp, đã nở được nụ cười thật lòng, và vẫn nói những lời tốt đẹp về Việt Nam, con người Việt Nam. 

Minh họa: Hữu Khoa.

Lời xin lỗi với cô Aldoh còn giá trị hơn khi Saigon Tourism ngỏ ý muốn tài trợ cho cô một kỳ nghỉ ở một danh thắng bất kỳ tại Việt Nam mà cô thích, như thể muốn xoa dịu những tổn thương mà du khách ấy phải gánh chịu vì vụ cướp giật trên đường phố kia.

Nghĩa cử ấy đẹp và nghĩa cử ấy cần phải được trở thành một hình mẫu ứng xử của nhiều địa phương, nhiều ngành nghề khi đón khách. Lời nói đôi khi chỉ là lời nói, nhưng nhiều khi, ở đúng thời điểm và hoàn cảnh của nó, lời nói lại có thể khiến con người ta mở lòng vị tha bất chấp trước đó họ phải long đong, lận đận, khổ sở chừng nào.

Nhưng đằng sau lời xin lỗi ấy là gì, đó mới là điều đáng nghĩ, đáng bàn và đáng phải làm ngay lúc này, như một hình mẫu khác cho hành động, sau khi đã có một hình mẫu ứng xử như trên.

Dân có cần được xin lỗi hay không, vì vụ cướp của cô Aldoh? Có chứ. Dân không muốn nạn cướp bóc công khai xảy ra như cơm bữa ở những trung tâm được coi là văn hóa nhất nhì nước nhà. Một khách du lịch có thể không là gì cả nhưng họ đại diện cho những khách hàng của dân, những người đang mưu sinh bằng nghề dịch vụ, kinh doanh dựa vào nguồn khách du lịch đổ về địa phương mình. 

Mất một khách nghe không to tát lắm nhưng khi một khách ấy có khả năng kéo theo nhiều khách khác, ngành du lịch chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Và khi du khách càng hiếm hoi hơn, những người dân sống dựa trên dịch vụ, kinh doanh du lịch sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng. Đó là còn chưa kể đến những cư dân khác, những người có thể chẳng liên quan đến những du khách kia về mặt lợi ích trực tiếp nhưng họ cũng bị tổn thương danh dự khi địa phương mà lẽ ra mình được tự hào lại vấy bẩn vì những vấn nạn như thế. 

Thậm chí, ngay cả những cư dân bình thường trong địa phương ấy cũng có thể là nạn nhân của cướp bất kỳ lúc nào. Họ phải sống trong bất an, tại sao họ không được quyền nghe lời xin lỗi?

Song, lời cũng vẫn chỉ là lời, đằng sau lời phải là hành động. Dân có thể không cần nghe lời xin lỗi kia nhưng dân đòi hỏi thành phố phải được làm sạch sau những gì đại diện chính quyền đã nói. Vậy mà chỉ một ngày sau khi cô Aldoh được xin lỗi, ở ngay vòng xoay Điện Biên Phủ, TP HCM, một người phụ nữ đến từ Hà Nội đã bị cướp, đúng lúc 16 giờ, giờ cao điểm của thành phố. Người phụ nữ đó, ai xin lỗi bà? Người phụ nữ đó, ai bù đắp lại những mất mát của bà?

Những ngư dân Sầm Sơn bám biển có hoàn toàn yên tâm sau lời xin lỗi của Bí thư Trịnh Văn Chiến không? Họ chỉ hoàn toàn yên tâm nếu thấy chính quyền tỉnh bắt tay vào thực hiện những điều có lợi cho dân, thuận cả tình, đạt cả lý. Những du khách nước ngoài vốn dĩ sợ nạn cướp đường ở Việt Nam có yên tâm sau lời xin lỗi cô Aldoh hay không? Họ sẽ chỉ hoàn toàn yên tâm nếu nhìn thấy thành phố mà họ tới vô cùng an toàn, không còn có những kẻ rình rập để chực chờ sơ hở mà cướp, mà giật. Họ không mong đến lúc có chuyện xảy ra với mình rồi mới nhận được những xin lỗi, bù đắp. 

Chẳng ai muốn bất trắc cả và bù đắp cho bất trắc cũng chỉ là cách “chữa bệnh” mang tính tạm thời mà thôi. Người ta cần “phòng bệnh” hơn, để bước ra phố an toàn hơn, thư thái hơn, đúng như điều mà họ trông đợi khi chọn một chuyến đi du hí.

Sẽ có người cho rằng, “Thực hiện khó lắm, đòi hỏi thời gian và công sức lâu dài. Thôi thì dù sao có xin lỗi còn hơn không bao giờ xin lỗi”. Đúng vậy, thực hiện khó nhưng cứ lần lữa không thực hiện thì sẽ ngày một khó hơn. Càng đúng hơn nữa là có lời xin lỗi còn hơn là không bao giờ. Nhưng tôi vốn nghĩ, thà đừng bao giờ có lời xin lỗi mới là tốt hơn cả. Đơn giản, nếu không để những việc đáng tiếc như thế xảy ra, chúng ta sẽ không cần phải nói lời xin lỗi.

Và tất cả, ai cũng muốn không bao giờ phải nhận lời xin lỗi vì điều đáng tiếc mà ai đó cố ý hay vô tình gây ra cho mình.

Để rồi, nghĩ tới những chuyện gần đây, tôi ước gì Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó Giám đốc Công an TP HCM, sẽ phải xin lỗi ngành Hải quan bởi nếu điều đó xảy ra, có nghĩa là ngành ấy còn giữ được niềm tin trong dân chúng vì lời phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác Phòng, chống tham nhũng, lãng phí năm 2015 do Thành ủy TP HCM tổ chức, khi Thiếu tướng Minh thẳng thắn “Hiện có 5 lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tiêu cực lớn, trong đó đứng đầu là lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, 50% vụ buôn lậu tại thành phố đằng sau là bóng dáng của nhân viên hải quan. 

Ngành tài chính ngân hàng cũng đang tiềm ẩn một số vụ án có thể khởi tố, vấn đề còn lại là lượng giá tác động của nó đối với ngành tài chính. Nước ta hiện có dấu hiệu tư bản tài chính lũng đoạn, có thể lũng đoạn tới một bộ phận quản lý”.

Nhưng tôi e rằng, thực tế khác hẳn. Thực tế chờ lời xin lỗi của chính ngành Hải quan với tướng Minh, cũng như với người dân, với các doanh nghiệp đã gặp gỡ ngành Hải quan cùng Bí thư thành ủy Đinh La Thăng trong một cuộc gặp mà lẽ ra thay vì xin lỗi “khách hàng” của mình, ngành Hải quan lại đổ lỗi cho cơ chế.

Hà Quang Minh
.
.