Đại bàng trên đôi cánh gãy

Thứ Tư, 17/08/2022, 10:49

Đã tròn 250 năm, kể từ dấu mốc suy tàn đầu tiên của một trong những trung tâm quyền lực có thời cường thịnh hàng đầu cựu lục địa: Khối Thịnh vượng chung (hay gọi ngắn gọn là Liên bang) Ba Lan – Lithunia (Litva). Vào ngày 5-8-1772, Cuộc phân chia Ba Lan lần thứ nhất diễn ra, dưới áp lực của ba đại kình địch láng giềng: Đế chế Habsburg, Đế quốc Nga và Vương quốc Phổ. Những mảnh lãnh thổ Ba Lan, lần đầu tiên, bị xâu xé, nhằm phục vụ cho một mục tiêu quen thuộc của các cường quốc: Sự cân bằng quyền lực ở vùng Trung – Đông Âu ấy.

Sự bất lực của Ba Lan

Vào thời điểm ấy, uy danh của những đoàn “kỵ binh có cánh” Hussars – niềm tự hào bất diệt của lịch sử chiến trận Ba Lan – đã chỉ còn là những vàng son quá vãng. Không phải vì họ đánh mất những phẩm chất gắn liền với các ngọn thương dài kopica của mình, mà bởi đến thế kỷ XVIII, thời cuộc đã khiến những ngọn thương kopica ấy trở nên thất thế trước các họng súng trường bộ binh, cùng những chiến pháp tân tiến.

Đại bàng trên đôi cánh gãy -0
Cuộc phân chia Ba Lan (người phụ nữ bên trái) lần thứ nhất trong tranh cổ.

Nhưng, song song với những cơn gió đổi thay ấy, như Britanica vừa đánh giá, vừa giải thích ngắn gọn về việc lãnh thổ Ba Lan bị phân chia lần thứ nhất: “Frederick II (Frederick Đại đế) của nước Phổ, nhằm ngăn chặn leo thang chiến tranh Nga – Ottoman, đã quyết tâm làm dịu quan hệ Áo – Nga (đang dần trở nên căng thẳng) bằng cách dẫn dắt tiến trình mở rộng lãnh thổ của đế quốc Nga từ các phần đất tranh chấp với Ottoman sang Ba Lan, nơi không chỉ có một chính quyền trung ương yếu kém, mà còn bị tàn phá bởi một cuộc nội chiến cũng như sự can thiệp của Nga kể từ năm 1768; và do đó, không có khả năng kháng cự”.

Tất nhiên, chúng ta cũng có thể hình dung: Trong bối cảnh ấy và sau chặng dài trượt dốc ấy, dưới sự quản lý yếu kém ấy, việc những người lính “kỵ binh bay” lừng danh không được trang bị đầy đủ, không được thao luyện kỹ càng và dần dần biến thành đội tiêu binh chỉ còn làm những nhiệm vụ mang tính danh dự (như trong các cuộc diễu binh) cũng không phải là điều gì bất ngờ. 

Một cách ngắn gọn, vào thời điểm đó, từ vị thế của một trong “Âu lục liệt cường”, Liên bang Ba Lan – Litva đã chỉ còn là một quốc gia trung bình, một kiểu “vệ tinh” chịu ảnh hưởng to lớn từ triều đình Moscow. Điều hoàn toàn không may mắn dành cho họ, là trong thế kỷ XVIII ấy, khi Hoàng gia Habsburg vẫn còn nắm quyền cai trị cả một lãnh thổ rộng lớn gồm cả đất Áo lẫn Vương quốc Hungary tiếp giáp với Ba Lan, thì tại phía Tây – Bắc, Vương quốc Phổ cũng trỗi dậy đầy tham vọng. Và Ba Lan bị kẹp giữa tiềm lực cũng như đà bành trướng của cả ba thế lực ấy.

Bài toán của các cường quốc

Vì sao khi Nga giành được những chiến thắng ấn tượng trong cuộc chiến tranh với Ottoman (năm 1768-1774), Vương quốc Phổ lại đề xuất ý tưởng phân chia Ba Lan? Vì cũng như Hoàng gia Habsburg, có nhiều lý do để Frederick II nước Phổ cảm thấy bất an trước tiềm lực quân sự của Sa hoàng, và họ đều tìm kiếm một “vật tế thần” để tránh phải đụng độ trực tiếp với đại cường tương lai ấy.

Đầu tiên, đà chiến thắng trước Ottoman đe dọa trực tiếp đến vùng ảnh hưởng của Áo tại Trung Âu (các khu vực Wallachia và Moldavia). Do đó, nhà Habsburg lo lắng, đến độ đe dọa sẽ tham gia liên minh quân sự cùng Ottoman chống lại Nga. Tuy nhiên, kể cả trong trường hợp này, chuyện liên quân Habsburg – Ottoman có thể giành chiến thắng trước quân Nga hay không vẫn còn là một mệnh đề để ngỏ.

Trong khi đó, nước Phổ cũng có những toan tính riêng, nhằm phục vụ lợi ích của mình. Cũng như Áo, Phổ muốn tránh cho Ottoman bị đánh bại hoàn toàn bởi Nga, và muốn duy trì Ottoman như một đối trọng, hay ít nhất là một chốt chặn nhằm “ngáng đường” Nga hoặc Áo tại phía Đông Nam Âu. Sau đó, đang chiếm giữ được vùng Silesia của nhà Habsburg sau Chiến tranh Silesia, Phổ cũng muốn tìm kiếm một giải pháp hòa bình, nhằm tránh cho quốc lực bị suy kiệt, và cũng để không bắt buộc phải lựa chọn gia nhập liên minh quân sự với Nga.

Không chỉ vậy, từ Tây Âu, nước Pháp cũng đưa ra những đề xuất nhằm duy trì một cán cân quyền lực theo hướng có lợi nhất cho Paris, ở Đông Âu. Pháp, đang duy trì quan hệ hữu hảo với cả Ottoman, Phổ và Habsburg, gợi ý một loạt các điều chỉnh lãnh thổ để Ottoman không bị chia xẻ bởi Áo và Nga. Thay vào đó, Phổ có thể trả Silesia cho Áo, và nhận lại những phần đất khác thuộc lãnh thổ Ba Lan, bên rìa duyên hải phía Nam biển Baltic.

Dù Phổ không muốn “nhả” Silesia lại cho Áo, thì đây vẫn là một gợi ý đáng cân nhắc, khi nó hứa hẹn rằng vẫn có thể đạt được một thỏa thuận làm hài lòng tất cả các cường quốc. Và trên thực tế, sau liên tiếp những cuộc nổi dậy của người Cossack chống lại triều đình Warsaw, như phong trào Zaporozhian Cossack (1648-1657) đưa các phần đất tả ngạn sông Dnepr về quy thuộc Moskva; hay Cuộc nổi dậy Koliivshchyna (ngày 6-6-1768) của những người Cossack Haidamakas tại hữu ngạn sông Dnepr, Ba Lan gần như kiệt quệ. Họ thậm chí đã phải cầu cứu… Moscow.

Và đó cũng chính là lý do để từ trước năm 1772, Sa hoàng xem Ba Lan là một quốc gia mà Nga bảo hộ. Do đó, ba cường quốc Nga, Áo, Phổ dễ dàng đồng thuận rằng họ nên chia cắt bớt lãnh thổ Ba Lan, như hành động bồi thường dành cho việc đối phó với một nước láng giềng phiền phức, đồng thời đối phó hữu hiệu với tình trạng hỗn loạn ở Ba Lan. Rõ ràng, dù không nói ra, cả Nga, Áo, Phổ đều có những tham vọng mở rộng lãnh thổ, và đều cũng muốn duy trì một “trái độn” nho nhỏ giữa ba biên giới, nhằm đề phòng bất trắc.

Đại bàng trên đôi cánh gãy -0
Ba Lan, sau khi bị chia cắt hoàn toàn lần thứ ba (1795-1918).

Tiền lệ kinh hoàng

Ngày 5-8-1772, Nga, Phổ và Áo chính thức ký hiệp ước phân chia Ba Lan. Được Sejm – Quốc hội Ba Lan – chấp thuận vào ngày 30-9-1773, thỏa thuận đã tước đi của Ba Lan khoảng một nửa dân số và gần 1/3 (khoảng 211.000 km2) diện tích đất liền. Nga tiếp nhận toàn bộ lãnh thổ Ba Lan ở phía đông của giới tuyến được hình thành gần như bởi các sông Dvina và Dnepr. Phổ chiếm được một vùng rộng lớn rất giàu giá trị kinh tế, mà về sau gọi là khu vực Hoàng gia Phổ (Royal Prussia), ngoại trừ các thành phố Gdansk (Danzig) và Torun, đồng thời chiếm được phần phía bắc của khu vực Wielkopolska (hay còn gọi là vùng Đại Ba Lan). Áo mua lại các vùng Malopolska (Tiểu Ba Lan) ở phía nam sông Vistula, vùng đất phía tây Podolia, cũng như khu vực sau đó được sáp nhập vào Galicia.

Đó thật sự là một tiền lệ mang tính kinh điển trong lịch sử quan hệ quốc tế, về việc các cường quốc hy sinh quyền lợi của nước nhỏ, nhằm bảo đảm quyền lợi của mình trên bàn cờ địa chính trị quốc tế.

Gần 20 năm sau, Ba Lan, quốc gia đã nỗ lực tự vực mình dậy thông qua cải cách nội bộ, đã thông qua một hiến pháp mới (ngày 3-5-1791), thường được gọi là Hiến pháp tự do. Tuy nhiên, chính hành động đó đã dẫn đến sự hình thành của phe bảo thủ Liên bang Targowica (14-5-1792). Phe nhóm này yêu cầu Nga can thiệp để khôi phục hiến pháp Ba Lan cũ. Không chỉ Nga đáp ứng, mà Phổ cũng lập tức gửi quân tiến vào Ba Lan.

Ngày 23-1-1793, tiền lệ được lặp lại. Hai cường quốc Nga - Phổ đồng ý với nhau về Phân chia Ba Lan lần thứ hai. Được xác nhận vào tháng 8 và tháng 9 năm 1793 bởi Thượng viện Ba Lan, trong tình thế bị bao vây bởi quân đội Nga, kế hoạch Phân chia Ba Lan lần thứ hai chuyển giao cho Nga phần còn lại chính của lãnh thổ Litva, khu vực Belorussia (Belarus hiện đại) và miền tây Ukraine, bao gồm Podolia cùng một phần của Volhynia. Nó cũng đồng thời cho phép Phổ tiếp thu các thành phố Gdansk và Torun cũng như toàn bộ Wielkoploska. Lần Phân chia Ba Lan thứ hai này lấy đi một diện tích khoảng 300.000 km2.

 Đã có lần thứ hai, ắt có những lần kế tiếp. Sau nỗ lực quật khởi bất thành vào năm 1794 của người anh hùng dân tộc Ba Lan – Tadeusz Kosciuszko, năm 1795, ba cường quốc Nga, Áo, Phổ một lần nữa tiến hành Phân chia Ba Lan lần thứ ba. Theo đó, phần còn lại của Ba Lan (khoảng 215.000 km2) được chia hết toàn bộ, không còn dấu vết của cả một vùng đệm tối thiểu nào trên bản đồ cựu lục địa.

Bất chấp việc Napoleon Bonaparte tái lập Công quốc Warsaw, thực chất, Ba Lan đã không còn là một quốc gia có chủ quyền, cho đến tận khi Đại chiến thế giới lần thứ nhất kết thúc và nước Cộng hòa Ba Lan được khôi phục (11-11-1918). Nhưng, sau đó, năm 1939, lại là một câu chuyện đau thương khác… 

* Thực ra, đến khoảng thời gian 1769-1771, cả Áo và Phổ đều đã tiếp quản một số lãnh thổ biên giới của Khối thịnh vượng chung Ba Lan – Litva. Áo chiếm vùng Szepes vào năm 1769-1770, còn Phổ thôn tính Lauenburg và Buetow.  Vào ngày 19-2-1772, hiệp định phân vùng sơ bộ giữa Áo và Phổ được ký kết tại Vienna. Một thỏa thuận trước đó giữa Phổ và Nga đã được thực hiện tại Saint Petersburg vào ngày 6-2-1772.

* Các lãnh thổ mới giành được sau lần Phân chia Ba Lan thứ nhất, kết nối Phổ với các tiểu quốc Đức, có tầm quan trọng cực lớn về kinh tế. Bằng cách chiếm toàn bộ vùng tây bắc Ba Lan, Phổ ngay lập tức tách Ba Lan ra khỏi biển Baltic, và giành quyền kiểm soát hơn 80% tổng giá trị ngoại thương của Khối thịnh vượng chung Ba Lan - Litva trước đó. Thông qua việc thu được những nguồn lợi khổng lồ từ thuế hải quan, Vương quốc Phổ đẩy nhanh thêm sự sụp đổ không thể tránh khỏi của cơ cấu liên bang Ba Lan - Litva.

Đông Thiên
.
.