Bracero – phần bị lãng quên của chiến thắng

Thứ Năm, 18/08/2022, 14:36

Đã từng có những thời điểm mối quan hệ ngoại giao Mỹ - Mexico rơi xuống mức rất thấp, xuyên suốt chiều dài lịch sử của hai quốc gia láng giềng Bắc - Trung Mỹ ấy. Song, ít nhất là ở nửa cuối của Đại chiến thế giới lần thứ hai, một thỏa thuận hợp tác giữa họ - mang tên Chương trình Bracero (Bracero Program) - đã góp phần củng cố tiềm lực quốc gia ở hậu phương Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, qua đó bảo đảm nguồn hậu cần cho các lực lượng binh sĩ chiến đấu bên kia Đại Tây Dương.

Và Bracero Program, hiển nhiên, là sự khẳng định hùng hồn về nhu cầu tất yếu của việc "bán anh em xa, mua láng giềng gần", như cách diễn đạt theo tục ngữ Việt Nam.

Chặng đường ba thập niên

Trước khi những thỏa thuận ngoại giao giữa hai bên được luật hóa bằng văn bản để trở thành Chương trình Bracero ngày 4-8-1942, thực ra, đã tồn tại một chặng dài bất đồng về vấn đề lao động nhập cư từ Mexico vào Mỹ.

canvas2.png -0
Một chuyến tàu đưa các braceros đến Mỹ.

Một cách giản lược, theo Văn khố Quốc hội Hoa Kỳ (Library of Congress) liệt kê, quá trình này bao gồm các mốc thời gian: Từ 28-7-1914 đến năm 1919, tình trạng thiếu lao động trong Thế chiến thứ nhất khiến nước Mỹ trở nên phụ thuộc vào nguồn lao động phục vụ nông nghiệp gốc Mexico.

Song, 10 năm sau, năm 1929, cuộc Đại suy thoái kinh tế toàn cầu bắt đầu. Tình trạng thất nghiệp lan tràn khắp nước Mỹ. Do đó, những người Mexico nhập cư và cả nhiều người Mỹ gốc Mexico bị trục xuất - một lựa chọn lạnh lùng và khắc nghiệt, nhằm bảo đảm quyền lợi cho những công dân Mỹ còn lại.

Mười năm sau nữa, năm 1939, Đại chiến Thế giới thứ hai bùng nổ. Đó là thời điểm cuộc Đại suy thoái đã lùi khá xa vào quá khứ. Nhưng dù sao, dù mới chỉ ở giai đoạn gián tiếp, nước Mỹ cũng đã lại bị cuốn vào một vòng xoáy khốc liệt mới. Họ có những hợp đồng cung cấp hàng hóa cho các nước tham chiến ở châu Âu, đặc biệt là với đạo luật Lend-Lease nổi tiếng. Họ cần phải đẩy nhanh hơn nữa các guồng máy sản xuất của mình, để bảo đảm hoàn thành các cam kết, và cả vì lợi nhuận.

Đến năm 1942, cục diện đã trở nên tương đối rõ ràng. Ngày 7-12-1941, nước Mỹ rung chuyển bởi cuộc tấn công mang tên Trân Châu Cảng, và bị kéo thẳng vào mặt trận Thái Bình Dương, đối đầu với đế quốc Nhật Bản. Trong tình trạng chiến tranh, nhân lực hiển nhiên phải được ưu tiên cho quân đội, và sau đó là các nhà máy công nghiệp quốc phòng.

Chương trình Bracero là gì?

Trong tiếng Tây Ban Nha, "bracero" nghĩa là "việc lao động chân tay", và do đó, "braceros" là "những người lao động thủ công". Chương trình Bracero được hiểu là một loạt các luật và các thỏa thuận ngoại giao, có hiệu lực từ ngày 4-8-1942, khi Hợp chúng quốc Hoa Kỳ ký Thỏa thuận Lao động nông nghiệp với Mexico.

Chương trình Bracero hoạt động như một cơ chế hợp tác giữa Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động cùng Vụ Nhập cư và Nhập tịch (INS) thuộc Bộ Tư pháp. Theo thỏa thuận này, những người lao động được hứa điều kiện sống (mà phía Mỹ cho là) tốt trong các trại lao động, chẳng hạn như chỗ ở đầy đủ, thực phẩm và vệ sinh, cũng như được trả lương tối thiểu là 30 xu một giờ,  cùng các biện pháp bảo vệ khỏi việc bị cưỡng bức nhập ngũ. Một phần tiền lương được đảm bảo sẽ đưa vào một tài khoản tiết kiệm tư nhân ở Mexico. Chương trình Bracero cũng cho phép nhập khẩu lao động hợp đồng từ Guam, như một biện pháp tạm thời trong giai đoạn đầu của Đại chiến Thế giới thứ hai.

Chương trình bắt đầu tại Stockton, bang California, vào tháng 8-1942. Thỏa thuận cũng quy định rằng các nhóm người lao động Mexico sẽ không bị phân biệt đối xử, như việc bị cách ly khỏi các khu vực "da trắng". Mục tiêu của Chương trình Bracero là nhằm lấp đầy sự thiếu hụt lao động trong ngành nông nghiệp, do hoàn cảnh chiến tranh.

Như một số nhà nghiên cứu nhận định tổng quát: Trong khi phụ nữ và nam giới ở mọi lứa tuổi phải làm việc suốt ngày đêm trong các nhà máy, thì những người Mỹ trẻ trung, sung mãn và khỏe mạnh nhất phải ra chiến trường. Khi các công nhân nông trại Mỹ tham gia quân đội hoặc nhận công việc được trả lương cao hơn trong ngành công nghiệp quốc phòng, Hoa Kỳ đã tìm đến Mexico như một nguồn cung lao động sẵn sàng lấp đầy các khoảng trống.

Chính nhờ vậy, rất nhanh sau khi nhận cú đòn choáng váng ở Trân Châu Cảng, nước Mỹ đã thực sự trở thành "gã khổng lồ thức giấc" - như điều Đô đốc Nhật Bản Isoroku Yamamoto, người chỉ huy cuộc tấn công Trân Châu Cảng, lo sợ. Để rồi, chỉ bốn năm sau, hai quả bom nguyên tử dội xuống Hiroshima và Nagaski, xác lập chiến thắng cuối cùng cho quân đội Mỹ cũng như toàn phe Đồng Minh.

canvas.png -0
Một người nông dân Mexico thu hoạch củ cải đường ở Mỹ, năm 1943.

Mặt trái của thành công

Tuy vậy, xét cho cùng, chính Library of Congress cũng phải thừa nhận: "(Cho dù) Hoa Kỳ và Mexico đã đồng ý về một tập hợp các giao thức sẽ bảo vệ Braceros khỏi sự phân biệt đối xử và mức lương thấp, song tình trạng phân biệt đối xử vẫn tiếp diễn, và thậm chí Braceros phải chịu các khoản phí phụ về tiền ăn ở, bị trừ lương cũng như phải tiếp xúc với các loại hóa chất chết người".

Bên cạnh đó, "Chương trình Bracero kết thúc vào ngày 31-12-1964, khi tiến trình cơ giới hóa trở nên phổ biến hơn. Cuối cùng, chương trình đã dẫn đến một làn sóng lao động không có giấy phép. Đó là 22 năm với nguồn cung lao động giá rẻ từ Mexico, song hành với dòng tiền (USD) chuyển về Mexico của các Braceros".

Cụ thể hơn, một nghiên cứu năm 2018 cho thấy "chương trình Bracero không có bất kỳ tác động tiêu cực nào đến kết quả thị trường lao động của những người lao động phổ thông sinh ra ở Mỹ. Sự kết thúc của chương trình Bracero không tăng lương hoặc việc làm cho các công nhân nông nghiệp gốc Mỹ.

Từ năm 1942 đến năm 1947, chỉ có một số lượng tương đối nhỏ thợ làm thuê được nhận vào, chiếm chưa đến 10% lao động làm thuê ở Mỹ. Tuy nhiên, cả người sử dụng lao động Hoa Kỳ và Mexico đều trở nên phụ thuộc nhiều vào những người lao động sẵn sàng làm việc. Bởi vậy, hối lộ là một cách phổ biến để có được hợp đồng trong thời gian này. Do đó, một vài năm của thỏa thuận ngắn hạn đã dẫn đến sự gia tăng người nhập cư không có giấy tờ, đồng thời ngày càng có xu hướng thích hoạt động ngoài các khuôn khổ mà chương trình đặt ra".

Và trang Lifehack hé lộ: "Trong suốt những năm tồn tại, Chương trình Bracero bị bao vây bởi những lời buộc tội từ các nhà hoạt động dân quyền rằng nhiều braceros đã bị ngược đãi thô bạo, đôi khi rất gần với chế độ nô lệ của người Mỹ. Các braceros phàn nàn về chất lượng nhà ở không an toàn, nạn công khai phân biệt chủng tộc, những khiếu nại về tiền lương không được trả, hay chuyện thiếu sự chăm sóc sức khỏe cũng như những người đại diện.

Trong một số trường hợp, công nhân phải cư ngụ ở những nơi không có nước sạch hoặc thiết bị vệ sinh. Họ thường bị dồn vào những chiếc xe buýt hay xe tải cũ nát và không được điều khiển một cách an toàn để được đưa đến và rời khỏi các cánh đồng. Mặc dù vậy, ai cũng cố gắng chịu đựng, với hy vọng kiếm được nhiều tiền hơn mức có thể ở Mexico".

Nhưng dù sao, Chương trình Bracero vẫn để lại những di sản thành công. Một trong những điểm đáng chú ý nhất, là sự tác động tích cực lâu dài đến chính sách nhập cư cũng như lao động ở Mỹ. Nhờ những kinh nghiệm có được từ Bracero, nhiều hiệp hội người lao động đã hình thành, làm tăng hiệu quả thị trường lao động, giảm chi phí lao động, tăng mức lương trung bình của cả các lao động nhập cư lẫn người Mỹ. Ví dụ, mức lương trung bình cho những người thu hoạch chanh ở Hạt Ventura, California, đã tăng từ 1,77 USD/ giờ vào năm 1965 lên 5,63 USD vào năm 1978.

Một hệ quả tích cực khác là sự gia tăng nhanh chóng trong việc phát triển cơ giới hóa trang trại, để tạo nên hiệu suất công việc rất cao. Cuối cùng, Chương trình Bracero đã dẫn đến sự liên hiệp của các công nhân nông trại. Được thành lập vào năm 1962, lần đầu tiên, United Farm Workers, đứng đầu là Cesar Chavez, đã tổ chức các công nhân nông trại Mỹ thành một nghiệp đoàn gắn kết và mạnh mẽ. Theo nhà khoa học chính trị Manuel Garcia y Griego, Chương trình Bracero đã để lại một di sản quan trọng cho các nền kinh tế, mô hình di cư và chính trị của Hoa Kỳ và Mexico. 

* "Vào ngày 23-7-1942, Mexico tuyên chiến với phe Trục, và trên thực tế, trở thành đồng minh tự nhiên của Mỹ ở Mặt trận Thái Bình Dương. Không chỉ cung cấp nhân lực lao động cho ngành nông nghiệp Mỹ, một số đơn vị quân đội Mexico cũng tham gia chiến đấu.

* "Thực tế, Chương trình Bracero kéo dài 22 năm, cung cấp hợp đồng lao động cho 5 triệu người lao động nhập khẩu tại 24 tiểu bang của nước Mỹ - trở thành chương trình lao động nước ngoài lớn nhất trong lịch sử Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

Thiên Thư
.
.