Cộng hòa Texas – một thông lệ đặc biệt

Chủ Nhật, 31/07/2022, 10:06

Nhà phản biện chính trị nổi tiếng người Mỹ Noam Chomsky từng viết trong cuốn “Tham vọng bá quyền”, đại ý: Chính Hợp chúng quốc Hoa Kỳ là cường quốc tạo nên rất nhiều tiền lệ, và chúng trở thành những thông lệ tiêu cực cho dòng chảy lịch sử quan hệ quốc tế hiện đại.

Một trong những thông lệ như thế, đầu tiên, không thể không nhắc đến, là vụ sáp nhập Texas làm tiểu bang thứ 28 của nước Mỹ.

Từ Cách mạng Texas đến Hiệp ước Velasco

Cách mạng Texas có một cái tên khác nữa: Cuộc chiến tranh giành độc lập của Texas khỏi Mexico. Cuộc chiến ấy diễn ra từ ngày 2-10-1835 đến 21-4-1836. Nguyên nhân bùng nổ của cuộc chiến, không gì khác, là xung đột lợi ích, kèm theo các vấn đề về chủng tộc.

Cộng hòa Texas – một thông lệ đặc biệt -0
Tổng thống Mỹ John Tyler - kiến trúc sư của tiến trình sáp nhập Texas.

Vào thời điểm đó, tại Texas, những người định cư nói tiếng Anh và chịu ảnh hưởng bởi nền văn hóa mang đậm màu sắc Anglo – Saxon (nghĩa là giống với người Mỹ) đã trở thành một cộng đồng đông đảo, nhưng lại khác biệt so với nền tảng văn hóa Latin với phong cách và ngôn ngữ Tây Ban Nha phổ biến ở Mexico.

Hơn thế, đó cũng là thời điểm mà Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đang bành trướng mạnh mẽ trên lục địa Bắc Mỹ, sau khi đã chính thức giành được độc lập từ đế quốc thực dân Anh sau cuộc Chiến tranh Cách mạng Mỹ (1775 – 1783). Vị trí cường quốc số 1 Tân Thế giới xem như đã nằm trong tay Washington, nhất là sau chiến thắng (một lần nữa) trước “cựu mẫu quốc” Anh, trong cuộc chiến tranh 1812-1815, nhằm mở rộng vùng lãnh thổ Hoa Kỳ ở phía Tây Bắc (giáp Canada).

Ngược lại, quyền lực của chính quyền trung ương Mexico, bởi rất nhiều lý do, mỗi lúc một trở nên lỏng lẻo tại các vùng biên địa như Texas. Chính phủ Mexico đã cố gắng thay đổi tình trạng mất kiểm soát này, với việc ban hành Hiến pháp Tập trung năm 1835, được gọi là Bảy Đạo luật mới, nhằm thay đổi từ một chính phủ liên bang sang hình thái của một cơ chế trung ương tập quyền.

Tuy nhiên, chính những đạo luật mới ấy lại trở thành cái cớ thuận lợi cho những ý tưởng ly khai bùng lên ở rất nhiều khu vực của Mexico. Những cư dân Texas, quyết rời bỏ sự cai trị (thiếu hiệu quả và có phần hà khắc) của Mexico, đã khởi đầu cuộc hành trình phản kháng bằng trận đánh Los Gonzalez. Sau đó, họ tiến chiếm các thị trấn La Bahía và San Antonio Béjar, trước khi bị đẩy lui bởi quân đội chính quy Mexico.

Tuy nhiên, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ không “tọa thủ bàng quan”, mà chủ động can dự vào thời cuộc, nhằm nắm lấy những cơ hội trời cho. Những đoàn lính Mỹ, dưới sự chỉ huy của tướng Samuel Houston, nhanh chóng vượt sông Rio Grande sang đất Mexico, để tiếp ứng cho quân ly khai Texas.

Nhờ vậy, cán cân lực lượng hoàn toàn thay đổi. Giá trị tác chiến của phe ly khai được nâng lên rõ rệt nhờ tính tổ chức cũng như khí tài quân sự có được từ nước Mỹ. Trong khi đó, lính Mexico vẫn chỉ được trang bị sơ sài, và thậm chí phải ra trận trong điều kiện hậu cần được tổ chức một cách tệ hại. Không gì có thể giúp được họ, kể cả khi nhà độc tài Antonio Lopez de Santa Anna đích thân cầm quân.

Và cuộc chiến kết thúc tương đối nhanh gọn, với thất bại của quân Mexico tại Jacinto. Santa Anna, hầu như không thể hiện được chút “tài thao lược” nào, buộc phải nhìn quân đội của mình vỡ vụn trước quân ly khai. Bản thân ông cũng bị bắt làm tù binh sau trận đánh này, và buộc phải ký vào một văn kiện ô nhục mang tên Hiệp ước Velasco. Theo văn bản ấy, Cộng hòa Texas, độc lập với Mexico, chính thức được thành lập.

Tuy nhiên, Quốc hội Mexico kiên quyết không thừa nhận tính chính danh của nền cộng hòa – thực thể chính trị này. Họ lập luận rằng văn bản đó được ký bởi một tổng thống đã bị cầm tù, và do đó không có giá trị pháp lý. Bởi vậy, từ năm 1842 đến năm 1844, quân đội Mexico liên tiếp tổ chức những đợt tấn công nhằm tái thu hồi lãnh thổ.

Song, với sự hậu thuẫn của nước Mỹ cũng như với giá trị tác chiến không được cải thiện của quân đội Mexico (trong tương quan lực lượng càng lúc càng chênh lệch), những nỗ lực quân sự này đều trở thành vô nghĩa.

Năm 1845, Texas chính thức gia nhập Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, với cương vị là tiểu bang thứ 28.

Cộng hòa Texas – một thông lệ đặc biệt -0
Ngày Texas trở thành tiểu bang thứ 28 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

Quyền lực của những lá phiếu trưng cầu

Tiến trình sáp nhập Texas được đặt trên hai điểm cốt lõi: Sự đồng thuận của người dân Texas, và ý chí chính trị của chính phủ Washington. Ngược lại, các căn cứ pháp luật khác, bao gồm cả sự phản đối tuyệt vọng của Mexico, đều không được đếm xỉa. Tất nhiên, vào thời điểm đó, hệ thống công pháp quốc tế vẫn chưa được hoàn thiện như hiện tại. Song, dù sao, cuối cùng thì sức mạnh đàn áp về mặt quân sự cũng vẫn chiếm thượng phong so với các công cụ ngoại giao khác.

Theo trình tự thời gian được tiến hành vô cùng gấp gáp, ngày 28-2-1845, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua một đạo luật, cho phép sáp nhập Cộng hòa Texas. Ngày 1-3-1845, Tổng thống Mỹ khi đó là John Tyler ký ban hành đạo luật này. Ngày chính thức “đón Texas về với nước Mỹ” được ấn định là 29-12 năm đó.

Cùng lúc, hai quan chức ngoại giao đặc trách quan hệ với Texas - Charles Elliot của nước Anh cùng Alphonse de Saliny của nước Pháp – đến Mexico City. Tại đây, sau cuộc thảo luận (hay nói đúng hơn là gây sức ép) với Bộ trưởng Ngoại giao Mexico, một “Đạo luật ngoại giao” được ký, theo đó Mexico đồng ý công nhận một Texas độc lập với biên giới được ấn định qua sự trung gian của Anh và Pháp.

Trong một cuộc họp tiếp nối, Tổng thống lâm thời của Cộng hòa Texas – Anson Jones – đưa ra cả những đề xuất của Mỹ lẫn Mexico. Tuy nhiên, nếu các đề nghị của Mỹ nhanh chóng được chấp thuận chỉ với một phiếu chống, thì đòi hỏi của phía Mexico thậm chí còn không được Texas đưa ra biểu quyết.

Rất nhanh sau đó, đề nghị sáp nhập của Hoa Kỳ dành cho Texas được đưa ra trưng cầu dân ý trên toàn Cộng hòa Texas, như một thủ tục hợp thức hóa. Không mấy ai quan tâm đến kết quả kiểm phiếu ngày 13-10-1845, bởi kết quả ấy xem như đã được định đoạt từ trận Jacinto, như tất cả đều hiểu. Tất cả các công dân Cộng hòa Texas đều mong chờ đến ngày 29-12, để trở thành công dân Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Và, điều đó cũng có nghĩa là Texas đã được hưởng một quy chế đặc biệt: Ngay lập tức trở thành tiểu bang, chứ không phải trải qua thời gian chờ đợi như nhiều vùng lãnh thổ khác.

Tất nhiên, điều gì cũng có giá của nó. Sau khi trở thành tiểu bang thứ 28, Texas vẫn còn chưa giải quyết hết được các vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Mexico, và do đó, họ buộc phải đóng vai trò “tiền đồn” trong cuộc chiến tranh Mỹ - Mexico (1846-1848). Không chỉ vậy, do nợ chính phủ liên bang Hoa Kỳ khá nhiều trong cuộc chiến giành độc lập (một chỉ dấu khác thể hiện sự can dự sâu sắc của nước Mỹ), Texas phải chấp nhận để Washington cắt rất nhiều phần lãnh thổ của mình, để sáp nhập vào các tiểu bang khác.

Nhưng dù sao, ý chí ly khai khỏi Mexico của các cư dân Texas cũng đã được toại nguyện, và được bảo đảm bằng sức mạnh vượt trội toàn diện của nước Mỹ. Điều đó, thực tế, đã có vai trò như một thứ “tiền lệ pháp”, cho đến khi luật pháp quốc tế hiện đại nhấn mạnh đến nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ (Territorial Integrity) của các quốc gia, được quy định trong Điều 2 của Hiến chương Liên Hợp Quốc (ký ngày 26-6-1945).

Vấn đề là, trong những năm gần đây, giới nghiên cứu quan hệ quốc tế lại xuất hiện những luồng tư tưởng đề cao “Trách nhiệm bảo vệ”, theo đó đề cao quyền can thiệp vì lý do nhân đạo, trong một thế giới đang thay đổi từng ngày. Ý tưởng này, xét cho cùng, đi ngược lại nguyên tắc Territorial Integrity, và là sự biện minh hoàn hảo cho cách nước Mỹ sáp nhập Texas, hay đưa quân đến các quốc gia khác trong thế kỷ XX.

* Trong thời gian tồn tại ngắn ngủi của mình (1836-1845), Cộng hòa Texas tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ lãnh thổ bang Texas hiện nay, cộng thêm các phần lãnh thổ thuộc phạm vi của nhiều tiểu bang khác như New Mexico, Oklahoma, Kansas, Colorado và Wyoming.

* Theo tài liệu từ chính văn khố Hoa Kỳ (US Department of State Archive): “Hoa Kỳ mở rộng công nhận ngoại giao cho Texas, và không có thêm hành động nào liên quan đến việc sáp nhập cho đến năm 1844, khi Tổng thống John Tyler bắt đầu lại các cuộc đàm phán với Cộng hòa Texas. Những nỗ lực của ông đã lên đến đỉnh điểm vào ngày 12-4 trong một Hiệp ước sáp nhập, một sự kiện khiến Mexico cắt đứt quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Tyler đã không giành đủ số phiếu tại Thượng viện để phê chuẩn hiệp ước.

Không lâu trước khi rời nhiệm sở, Tyler đã thử một lần nữa, lần này là thông qua một nghị quyết chung của cả hai viện của Quốc hội. Với sự ủng hộ của Tổng thống đắc cử Polk, Tyler đã có được nghị quyết chung được thông qua vào ngày 1-3-1845”.

Thiên Phong
.
.