Bát canh lá ớt, một ban công rau…

Thứ Tư, 03/11/2021, 10:02

"Ăn gì bây giờ?", câu hỏi đáng sợ ấy luôn vang lên đúng lúc. "Ừ thì có gì ăn nấy thôi. Cứ phiên phiến đi", câu trả lời bâng quơ cũng đáng sợ như sự đáng sợ của câu hỏi. Dám cá, đó là một cuộc đối thoại thuộc diện bình thường nhất của rất nhiều gia đình bình thường.

Giữa trăm công ngàn việc, giờ cơm ập đến, câu hỏi của sự không-kịp-chuẩn-bị dù đã chuẩn-bị-quá-nhiều sẽ bật ra như một thói quen. Đó là sự không kịp chuẩn bị về mặt tinh thần trong khi những tích trữ gần như là quá đủ đầy. Và chính sự "lơ đễnh" bữa ăn này cũng là yếu tố dẫn đến nhiều cãi vã, mà có khi trầm trọng là đổ vỡ.

Bát canh lá ớt, một ban công rau… -0

Nhà tôi cũng hay gặp tình huống "lơ đễnh" kiểu ấy. Thực chất, có phải là lúc đó mình muốn ăn gì đó không hay chỉ là một thói quen, một lịch trình, một-cảm-thấy-cần-phải-ăn-rồi? Cãi vã cũng có, nặng nhẹ đủ cả, cho đến khi tôi khẳng định luôn với "bà thân sinh" của sắp nhỏ rằng "anh rất dễ ăn. Nhà có gì ăn nấy. Đừng để chuyện ăn uống nó lẩn quẩn suốt".

Rồi thì tiếng xoong chảo, tiếng dao đũa lách cách cũng vang lên. Chắc "bà thân sinh" đang nấu món gì đó, với một thứ thực phẩm nào đó cấp đông sẵn trong tủ lạnh. Tôi tiếp tục với trang sách. Để rồi chưa kịp đắm chìm trong nó thêm chút nữa thì lại nghe vang lên "Anh ơi, chết dở. Nhà hết rau rồi. Nấu canh trứng được không?".

Đến nước này thì tôi không còn "nhịn" được nữa. Nhưng thay vì cãi vã, tôi bước xuống tầng dưới của căn hộ, mở tủ lạnh ngó nghiêng. Những khi bực lên kiểu này tôi chọn phương án mình sẽ thò tay vào cùng làm bếp với "bà thân sinh". Thứ nhất, để đỡ to tiếng. Thứ hai, làm mẫu một lần để lần sau "bả" biết mà có phương án.

Hết rau thật. Chả lẽ xuống siêu thị chung cư để mua? Mà giờ này không biết có còn rau không để mua? Từ hôm mười sáu (Chỉ thị 16), cứ đầu giờ chiều là siêu thị chẳng còn rau gì. À, đây rồi, tôi sực nhớ đến cái ban công nho nhỏ nhà mình. Ngoài đó có mấy khóm ớt um tùm. "Em làm thịt bò à? Để lại cho anh 1 rẻo anh nấu canh lá ớt".

Bát canh lá ớt, một ban công rau… -0

Ngắt vội đám lá ớt bánh tẻ, áng chừng một rổ con, tôi rửa sạch, vò sơ sơ rồi để ráo. Tỏi phi lên cho thơm, bỏ thịt bò vào đảo đảo, rồi ném nắm lá ớt vào đảo chung. Châm nước. Đợi sôi rồi nêm nếm. Nhoắng một cái, nhoằng một tẹo, cỡ hai chục phút cả nhà đã có tô canh lá ớt nóng hổi.

"Canh gì vậy ba?", con gái tôi hỏi. "Canh lá ớt con". "Trời ơi, tui không ăn được ớt, tui sợ cay lắm ông ba ơi", thằng con trai sáu tuổi đế vào. Nhoẻn cười, "không hề cay con nhé, ngon cực", tôi nháy mắt. Chừng như thằng nhỏ chưa tin lắm. Tôi bèn chấm nhẹ cái muỗng con vào tô canh rồi cho nó liếm thử. "Ô dze, không có cay mà cái mùi nó cay cay", ông "ranh con" như nghiệm ra điều gì. Và bữa cơm trôi qua ngon lành, tô canh sạch bách.

Bát canh lá ớt, một ban công rau… -0

Cũng đã nhiều lần tôi nấu canh lá ớt cho bạn bè ăn, nhất là mấy bữa ghé nhà họ nhậu. Liếc thấy cây ớt, sẵn còn cái bếp lẩu, nấu luôn tại bàn nhậu cho bằng hữu húp canh giã rượu. Nấu cho người lớn ăn thì thường tôi ném thêm vào một hai trái ớt hiểm, xanh lét, bé xíu để ngoài cái thơm mùi ớt nó còn cái cay thực sự nữa. Và lần nào nấu xong, bè bạn đều khen món này đặc biệt mà không cầu kỳ. Ông nào cũng gật gù "chắc phải trồng dăm cây ớt" nhưng sau cơn say, chắc chẳng mấy ai nhớ mà trồng.

Cái món canh lá ớt này tôi cũng chỉ học lại từ một người anh ở Đà Lạt. Được ổng nấu cho ăn giã rượu cũng một bữa mưa lạnh nhậu say trên một rẻo đồi, ăn xong ấn tượng quá, tự hình dung ra cách nấu luôn. Ăn riết rồi thích, rồi tự hỏi ai là người đầu tiên nghĩ ra cái món canh lá ớt này nhỉ? Chắc chắn cũng là một người ruộng vườn rặt rồi nhưng khởi đi từ đâu, địa phương nào, có lẽ là điều chẳng ai biết.

Bát canh lá ớt, một ban công rau… -0

Chỉ biết, thật ra quả ớt nó gắn bó với ẩm thực Việt rất lâu rồi nhưng ít ai biết nó là một thứ rau trái ngoại lai. Ớt là thứ được mang từ châu Mỹ vào lục địa Á - Âu giống như cà chua, khoai tây, ngô nên chắc chắn nó phải có mặt trong ẩm thực phổ thông của nhân loại sau thời của Christophe Columbus. Điều này nói ra, chắc ít người tin nhưng nó là sự thật. Và nếu ta lục lại ca dao tục ngữ Việt, chúng ta sẽ thấy sự xuất hiện của ớt là rất hiếm.

"Đắng cay mặn ngọt đã từng/ Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau" chứ có ai nói là "ớt cay muối mặn" đâu. Mà rõ là ớt thì cay hơn các thức cay khác rất nhiều. Có thể nói, trong các gia vị cay, ớt là đầu bảng rồi. Thế thì tại sao cái thứ cay đầu bảng, cay ấn tượng nhất lại không đủ thành ấn tượng mà vào ca dao tục ngữ? Chắc tại nó xuất hiện sau gừng trong văn hoá Việt thôi, như hạt ngô vậy. Hạt ngô, sở dĩ có tên ấy là bởi nó đến Việt Nam từ bên… Ngô (Tàu). Hay khoai tây chẳng hạn. Đến từ phương tây nên gọi là khoai tây thôi. Còn ớt, tại sao lại là ớt? Tôi chịu…

Bát canh lá ớt, một ban công rau… -0

Những chi tiết kiểu này chúng ta vẫn hay bỏ qua lắm. Giống như cách đây có vài hôm thôi, tôi được một đạo diễn người Nhật nhờ góp ý dùm một kịch bản mà ông lấy bối cảnh Việt Nam thời chúa Sãi. Kịch bản hay, chỉ có đúng 1 thứ để góp ý là tên nhân vật. Vị đạo diễn đặt tên thân mật cho vài đứa trẻ trong kịch bản là "Óc chó", "Khoai Tây"…, những cái tên rất bình thường trong văn hoá Nhật Bản hay phương Tây.

Nhưng văn hoá Việt, đặc biệt ở thời chúa Sãi, thì chắc không quen với kiểu tên thân mật này rồi. Không ai gọi người khác là "óc chó" mà không mang ý miệt thị cả. Và nhất là "khoai tây", thời chúa Sãi, món khoai Tây này còn chưa hề phổ biến ở châu Âu thì làm sao nó thân mật ở xứ Đàng Trong? Rõ ràng, mỗi thường thức hàng ngày chúng ta quen đều mang một lịch sử thú vị của chúng cả. Có điều, ta có quan tâm đến nó hay không mà thôi…

Ta có quan tâm đến nó hay không mà thôi. Ừ nhỉ? Điều gì sẽ xảy ra với bữa cơm nhà tôi tối nay nếu cái ban công không được bày biện thành chỗ đặt vài chậu cây mà ở đó, "bà thân sinh" ươm vài khóm ớt? Sẽ là một loại canh trứng chán ngấy ở vào giai đoạn vitamine quý như vàng. Và tôi bước vội ra ban công, tiếng là để hút điếu thuốc nhưng thực là để "đía" lại địa hình. Ừ nhỉ. Chỗ này đặt được thêm vài cái chậu cây; chỗ kia treo được vài cái giàn cây nữa này.

Sực nhớ đến ông bạn thân, cũng ở cùng chung cư, cũng căn hộ y chang mình. Cái ban công nhà ông ấy đầy rau, từ rau gia vị đến rau sống, rau nấu canh. Chỉ là do người cả mà thôi. Chịu khó trồng một chút, chăm một xíu, tưới mỗi sớm, bận gì phải nghĩ đến những âu lo mỗi khi nhà trót lỡ quên mua rau???

Ăn xong bát canh ớt, tự dưng tôi mơ về một ban công rau. Dứt khoát, tôi sẽ phải có một ban công rau, thật xanh…

Hà Quang Minh
.
.