''Công cuộc củi lửa'' và những vấn đề thời sự

Bài 4: Lời sau cùng gửi lại

Thứ Năm, 14/07/2022, 09:29

Sau mỗi vụ án, tôi thường để tâm tới lời nói sau cùng của bị cáo trước tòa. Đây là khoảnh khắc thực sự ý nghĩa, là lúc con người ta có thể nói những điều thật lòng nhất, trắc ẩn nhất, những tâm tư khi đứng giữa hai ranh giới khác biệt. Sau lời nói này, tòa nghị án và một bản án sẽ được tuyên, bản án đưa bị cáo tới những tháng ngày "hơn nghìn thu ở ngoài", bản án khép lại những năm tháng trên ghế quyền lực, danh vọng. Và, điều sâu xa, lời nói sau cùng của bị cáo đâu chỉ có ý nghĩa với những người tham dự, lắng nghe lúc đó…

Lời sau cùng - sau cùng là bởi kết thúc lời nói ấy, một bản án sẽ được tuyên, cánh cổng ngoài đời tạm khép lại, cánh cổng trại giam mở ra. Pháp luật tố tụng hình sự quy định bị cáo được nói lời sau cùng trước tòa, sau khi kết thúc tranh tụng. Điều này thể hiện tính nhân đạo của pháp luật, là lúc sự chân thật, sự hối lỗi thể hiện với những khoảnh khắc xúc động. Tôi không nghĩ rằng, lời sau cùng chỉ là sự bộc bạch, giãi bày của bị cáo hay chỉ để những người theo dõi phiên tòa "nghe cho biết". Thực sự, đằng sau mỗi vụ án, đằng sau hành vi phạm tội và sự trừng phạt của luật pháp, đó là ý nghĩa cảnh tỉnh, thức tỉnh sâu xa, lời của một người mà có ý nghĩa thức tỉnh muôn người, thức tỉnh cho những ai đang đi trên con đường ấy, ngồi trên danh vọng và quyền lực, hãy biết tu chỉnh để ngẫm, để nghĩ chính bản thân mình, đừng phạm vào "lối ngược đường" như bị cáo đã phạm phải.

Những lời sau cùng để lại cho người đời nhiều suy ngẫm, nhiều trở trăn về quan trường, danh vọng, về thế sự cuộc sống. Làm quan, người ta có thể bị hoa mắt, bị mù quáng bởi những cám dỗ thường trực về tiền bạc, về tham vọng quyền lực, về những thứ đua chen, hơn thiệt, vì sự bao phủ của chủ nghĩa cá nhân. Nhưng, hôm nay đây, trước công đường, trước pháp luật, những bị cáo bị tước bỏ hết danh vọng, quyền lực, phải trả giá cho hành vi phạm tội thì lời sau cùng để lại là sự trăn trở, cả những xót xa, ân hận và nỗi niềm hướng về gia đình, tổ ấm, chốn quê...

Chiều muộn ngày đầu hè 2022, phiên xét xử sơ thẩm nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và 13 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Cục Quản lý dược, Bộ Y tế kết thúc phần tranh tụng. Trước khi vào nghị án, hội đồng xét xử cho các bị cáo nói lời sau cùng. "Đối với tôi, cả đời phấn đấu, rất ý thức về ngành dược, là ngành cấp phép rất nhạy cảm, rất tự rèn mình, ý thức mình nhưng có chuyện này xảy ra, dẫn đến hôm nay đứng ở vòng lao lý, đấy là nỗi mất mát lớn nhất, to lớn nhất không có gì so được. Vì vậy, xin quý tòa xem xét mọi khía cạnh, điều kiện sao cho tôi có mức án không mang thêm đau khổ cho tôi, gia đình tôi" - cựu thứ trưởng giọng chậm lại, đoạn ngước nhìn lên chủ tọa phiên tòa, ánh mắt tư lự.

Câu nói "mong mức án không mang thêm đau khổ" sau đó lan tràn trên mặt báo, mạng xã hội. Có người đọc với ý mỉa mai, cười trừ nhưng cũng có người đọc lời bị cáo mà như thắt lại, như ai đó cứa sâu vào lòng mình. Để "không mang thêm đau khổ", bị cáo khẩn cầu trước tòa, trước công đường. Đó là ý nghĩ, mong mỏi rất thật, rất con người. Và, tôi hiểu, lời nói ấy lan tỏa đâu chỉ với những người tham dự phiên tòa hôm ấy mà rộng lắm, rộng lắm, đến với bất cứ ai chốn quan trường, để có cuộc sống yên ổn, để không mang thêm đau khổ thì phải hành động thế nào, sống và làm việc ra sao...

Bài 4: Lời sau cùng gửi lại -0
Bị cáo Trương Quốc Cường nói lời sau cùng tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: CTV.

Lại nhớ, mấy năm trước, khi các bị cáo trong vụ án MobiFone mua AVG nói lời sau cùng. Khi đó, cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đối diện án phạt tử hình theo đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát. Lịch sử tố tụng cho thấy, án phạt tù giam thì khó đếm nhưng án tử hình với bị cáo từng giữ chức vụ bộ trưởng thì quả thực xưa nay hiếm. Hôm ấy, tay chắp lại trước bục khai báo, ông Nguyễn Bắc Son bày tỏ, bản thân bị cáo đã nhận rõ sai phạm của người đứng đầu và thấy đây là bài học vô cùng đắt giá trong cuộc đời. "Hơn 45 năm chiến đấu, công tác của tôi đã bị trả giá đắt, thậm chí phải trả bằng cả sinh mạng như bản luận tội của Viện Kiểm sát", ông ăn năn và thừa nhận "những tham vọng của bản thân đã gây bức xúc".

Với ông Trương Minh Tuấn, người kế nhiệm ông Nguyễn Bắc Son ở vị trí Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhưng thật trớ trêu, hôm nay cả hai cùng ra tòa và lần lượt nói lời sau cùng. Ông bày tỏ: "Sau nhiều năm công tác, chưa bao giờ nghĩ rằng mình lại phải có ngày, có kết cay đắng như hôm nay, phải đứng trước tòa nói lời sau cùng với bản án sắp tới". Ông thừa nhận sai phạm và "tôi thấy rằng, trách nhiệm, sai phạm của mình thật là lớn"; vụ án "để lại vết sẹo cho mình, trong tâm hồn tôi cho đến hết cuộc đời".

Chiều 30-12-2021, Hà Nội cuối năm phố xá chìm trong giá lạnh. Phiên xét xử sơ thẩm cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và đồng phạm trong vụ án can thiệp giúp Công ty Nhật Cường trúng gói thầu số hóa dữ liệu kết thúc phần tranh luận. Nói lời sau cùng, ông Nguyễn Đức Chung lộ rõ sự mệt mỏi trên khuôn mặt. Đoạn, ông trầm giọng: "Tôi ý thức rõ mình với cương vị Chủ tịch UBND TP Hà Nội và Trưởng Ban Chỉ đạo công nghệ thông tin, phải chịu trách nhiệm những tồn tại, cụ thể là những sai phạm trong vụ án này... Tôi rất mong muốn hội đồng xét xử sẽ bổ sung những nội dung phát sinh mới tại tòa để xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện, cho chúng tôi được hưởng chính sách nhân văn, khoan hồng của pháp luật". Rồi ông kể về bệnh tình của mình, cho biết đã 2 lần đi mổ ung thư vào năm 2015 và năm 2016. Suốt những năm qua và hiện nay, ông vẫn đang duy trì việc chữa bệnh. Cùng với tình trạng bệnh tật, ông cũng bày tỏ "cho tôi có thêm cơ hội được trở về chăm sóc bố mẹ già đã trên 90 tuổi".  

Lại nhớ phiên tòa cũng ngày giáp Tết cách đây 4 năm. Hôm đó, sáng 17-1-2018, phiên xét xử sơ thẩm ông Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí - PVN) và 21 bị cáo bước sang ngày làm việc thứ 10. Nói lời sau cùng, ông Thăng kể về cuộc đời từ thời trai trẻ cách đây 35 năm, sau khi tốt nghiệp đại học, ông cùng bạn gái (giờ là vợ) lên nhận công tác tại công trường xây dựng sông Đà. Sau 33 năm, trải qua nhiều cương vị công tác, ông cho biết luôn nỗ lực cố gắng cùng tập thể phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. "Bị cáo không bao giờ nghĩ mình đứng trước phiên tòa để nói lời cuối cùng hôm nay. Đây thực sự là điều đau xót và bất hạnh đối với bị cáo và gia đình" - ông nghẹn ngào và kể rằng, mỗi khi Tết đến, vợ con khi nào cũng hỏi "Anh đi công trường nào?" mà không bao giờ hỏi "Tết này anh có ở nhà không?". "Bị cáo còn nợ nhân dân quá nhiều với những ước mơ và khát vọng chưa thực hiện kịp. Những ước mơ, công việc mà bị cáo muốn làm đã khép lại. Sau khi vào tù, bị cáo mới cảm nhận được rõ hơn sự lớn lao của tự do" - ông chia sẻ.

Tôi nhớ, hồi mới lên làm Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, ông Đinh La Thăng có tổ chức buổi giao lưu trực tuyến. Trong cuộc giao lưu ấy, một độc giả hỏi rằng: "Tôi chỉ là người nông dân chân chất, quanh năm bám ruộng nương, vườn bãi, với ao rau muống, chẳng có dịp diện kiến Bộ trưởng. Nhưng, mai này rời chức vụ, ông liệu cũng chỉ có mong muốn như tôi cùng chiếc cần câu với đôi ba câu thơ thế sự hay không?". Chia sẻ tình cảm với người nông dân, ông Thăng bày tỏ, mai này về với vườn quê, chẳng phải ông này bà kia gì cả, "tôi cũng như ông đều mong muốn có sức khỏe, thảnh thơi cùng con cháu, mộc mạc cùng chè xanh, rau muống, chiếc cần câu...".

Những lời giao lưu hôm ấy, hẳn ông Đinh La Thăng cũng chỉ đối đáp ngẫu hứng thôi chứ đâu đã nghĩ xa đến "một mai, một cuốc, một cần câu"! Ấy vậy nhưng điều ngỡ chỉ đối đáp ngẫu hứng ấy lại đến sớm hơn nhiều và theo cách hẳn ngày đó ông không hề nghĩ. Giờ tổng 4 bản án là 30 năm tù, cái ngày vui thú thảnh thơi với ao rau muống, cần câu cá tưởng rất đời thường mà lại hóa xa xôi. Giờ viết lại câu chuyện ấy dẫu đã lùi xa hơn 10 năm trước, tôi nghĩ chẳng phải ngụ ngôn hay truyện cổ nào nghìn đời, chính con người thực, việc thực của hôm nay có ý nghĩa lay thức lòng người hơn hết thảy, lay thức mỗi bước đi, mỗi nghĩ suy và hành động của người ở chốn "nhất thời", trong mối quan hệ với "dân vạn đại"!

Mong trở về với mẹ già!
Trở về với chốn quê, bình yên như thuở thiếu thời...

Khi phải nói đến bệnh tật, nói đến tình cảnh bố mẹ già, con thơ, nói đến "neo đậu bến quê", ấy là lúc con người ta đã trở về với bản ngã của mình. Lúc trên đỉnh cao danh vọng, hẳn cái bóng của quyền lực và bổng lộc khiến nhiều quan chức đánh mất chính mình, dễ dẫn tới sự lạm dụng, khẳng định quyền uy mà coi nhẹ những điều tưởng như thân thiết, giản dị nhất. Gia đình, mẹ già, vợ và con thơ, lúc này đây, lúc sa cơ lạc bước thì chính đó là chốn con người ta cần quay về và tìm đến như một lẽ tự nhiên, như lúc còn thơ đói lòng ngả vào vòng tay của mẹ. Bởi thế, lời sau cùng của cá nhân, của từng bị cáo ở công đường mà cũng chính là lời để lại cho muôn người, muôn chốn quan trường, rằng "vật chất chỉ là phù vân", "danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất", rằng "đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận...".

(Còn nữa)

Đăng Trường
.
.