“Công cuộc củi lửa” và những vấn đề thời sự

Bài 3: Quyền lực và danh vọng

Thứ Hai, 27/06/2022, 09:30

Xưa, ông cha ta răn dạy, làm quan phải biết giữ liêm, giữ danh bởi quan trường là hữu hạn, dân mới là vạn đại. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc nhở "vật chất chỉ là phù vân, chết có mang theo được đâu", "danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất"!

Nay, nhiều người trên ghế quan trường, vì bản tính tham lam, vì danh lợi và sự lạm dụng quyền lực mà tìm cách bòn rút, thu vén cá nhân. Quan tham vô độ thì thời nào cũng có và thời nào cũng bị người đời mai mỉa. Nghĩ rằng, án kỷ luật hay hình sự dành cho quan tham cũng chỉ là hữu hạn, tất có ngày thụ hết án, còn án từ miệng thế thì khó gột rửa bao giờ...

Trong "công cuộc củi lửa", người đời nhận ra bao điều sâu cay, bao điều day dứt. Bây giờ, giữ chữ “liêm” có khó không? Quan thanh liêm được bao phần và quan tham có phải "chỉ là thiểu số"? Và, nếu làm "quan to" mà giữ chữ “liêm”, vẫn cuộc sống thanh đạm, không nhà cao vườn rộng, không "biệt phủ, lâu đài", liệu có khác dòng chảy, có bị cho là cổ hủ, lạc hậu? Vì sao xử lý "củi lửa" quyết liệt như vậy mà số người vi phạm vẫn nhiều, hành vi sách nhiễu, tham nhũng, lũng đoạn vẫn nhức nhối ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực?

Chúng tôi nhận thấy mấy điều:

Thứ nhất, mọi nguyên nhân dẫn tới nhũng nhiễu, vơ vét đều xuất phát từ tính tham, điều được Bác Hồ gói gọn trong mấy chữ "chủ nghĩa cá nhân".

Cách đây 75 năm, trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" (tháng 10-1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo: "Trong Đảng ta còn có những người chưa học được, chưa làm được bốn chữ "chí công vô tư", cho nên mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm". Người chỉ rõ biểu hiện những căn bệnh cụ thể: Bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ... Trong đó, về bệnh tham lam, Bác phân tích: "Những người mắc phải bệnh này thì đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, do đó mà chỉ "tự tư tự lợi", dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình. Sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi. Tiền bạc đó ở đâu ra? Không xoay của Đảng thì xoay của đồng bào. Thậm chí, làm chợ đen buôn lậu. Không sợ mất thanh danh của Đảng, không sợ mất danh giá của mình"...

Làm lãnh đạo, làm cán bộ, nếu để chủ nghĩa cá nhân chèn lấn, ngự trị, tất họ sẽ bằng cách này hay cách khác dấn vào tham nhũng, lách kẽ hở luật pháp, sách nhiễu dân, thậm chí là vô độ.

Bài 3: Quyền lực và danh vọng -0
Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII khẳng định tiếp tục đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thứ hai, giờ đây, vi phạm hiện nay không chỉ là hành vi của một số cá nhân, diễn ra trong chốc lát, một phạm vi nhỏ. Nhiều vụ sai phạm mang tính tổ chức, diễn ra trong phạm vi rộng liên quan nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, có sự cấu kết chặt chẽ với nhau, trục lợi số tiền, tài sản lớn, đặc biệt lớn, thậm chí biến việc vi phạm phải lên án trở thành lẽ thường, thực hiện như một "xu thế". Điển hình, vụ Việt Á, sau khi hàng loạt giám đốc, cán bộ CDC các tỉnh bị bắt, có người đặt câu hỏi: Giờ không phải xem giám đốc CDC nào bị bắt vì nhận hoa hồng của Việt Á nữa mà phải xem liệu có CDC nào từ chối, không nhận hoặc chưa kịp nhận? Với hơn 60 bị can đã sa lưới, còn bao nhiêu người trong cuộc thực sự "dính chàm" đã lộ diện và chưa lộ diện? Đó là những sự thật đau xót, tại sao tham nhũng, sai phạm lại diễn ra thành hệ thống như vậy, lại trong thời điểm đất nước đối mặt bộn bề thách thức với đại dịch COVID-19 mà vẫn thản nhiên trục lợi? Hay như vụ đưa, nhận hối lộ liên quan một số cán bộ ngành ngoại giao, với bình quân 2 tỷ đồng thu lợi bất chính cho một chuyến bay giải cứu trong tổng số khoảng 2.000 chuyến bay, sai phạm này cũng được thực hiện với sự câu kết chặt chẽ của nhiều người. Sự nguy hại còn ở chỗ, trong khi Nhà nước phải dốc ngân sách chi cho các chuyến bay 0 đồng để giải cứu, đưa đồng bào về nước tránh dịch, một chính sách hết sức nhân văn, nhân nghĩa thì chính sách đó lại bị những người thực hiện lợi dụng, bòn rút trục lợi cá nhân.

Lòng tham của người tham nhũng có giới hạn không? Đáy là ở đâu? Tôi nhớ câu chuyện cây khế xa xưa rằng, người anh trong câu chuyện ấy mang cả túi mười hai gang để đi hốt vàng, dù ban đầu túi ba gang đã là cả giấc mơ. Vòng xoáy cơ chế thị trường ngày nay, những "người anh" chuyện cây khế như vậy là ở đâu và sẽ mang túi bao nhiêu gang?

Thứ ba, có nên đổ lỗi cho cơ chế rồi phó mặc?

Hơn 70 năm trước, trong điều kiện chiến tranh kham khó, vụ án Trần Dụ Châu cảnh báo bản chất ăn chơi sa đọa của cán bộ nếu không được tu dưỡng. Vụ án Trần Dụ Châu cho thấy rằng, thói hư tật xấu của con người nếu không được rèn giũa, không được giáo dục, chỉnh đốn thì có thể nảy sinh, phát triển bất cứ lúc nào. Trong điều kiện chiến tranh gian khổ mà còn nảy sinh những kẻ sâu mọt, trác táng như vậy thì trong điều kiện đời sống vật chất, tinh thần đổi khác, con người có điều kiện sống hưởng thụ như ngày nay lại càng là môi trường để sinh sôi. Sau này, trong tài liệu có những dòng chữ Bác Hồ (biên bản họp Hội đồng Chính phủ tháng 11-1950) nói về vụ Trần Dụ Châu rằng: "Chúng ta sinh ra trong một xã hội phong kiến và thực dân, một xã hội ham danh ham lợi. Danh lợi dễ làm hư người. Danh lợi là tập quán. Bây giờ chúng ta dùng cán bộ để cải tạo xã hội mà không có chính sách, biện pháp cải tạo cán bộ đấy là khuyết điểm".

Danh lợi dễ làm hư người. Danh lợi lại là tập quán, ăn sâu vào bản tính của rất nhiều người, đâu dễ gì gột bỏ. Nhưng, nếu chúng ta phó mặc rằng, vì tập quán, vì bản tính hay vì cơ chế mà để nó diễn ra tự phát thì khác gì để nấm mọc sau mưa, để sâu mọt mặc sức sinh sôi, hậu họa vô cùng khó lường. Chính vì thế, trong quá trình phát triển, chúng ta phải vừa giáo dục, vừa xử lý răn đe để phòng ngừa chung, từng bước xây dựng nền văn hóa tiên tiến, văn minh, xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ để kiểm soát quyền lực, kiểm soát nạn tham ô, tham nhũng. Đó là nhiệm vụ quan trọng và lâu dài, hết sức khó khăn.

Thứ tư, về công cụ kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng hiện nay.

Kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền là vấn đề được nói nhiều, đề cập nhiều trong công tác cán bộ, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chỉnh đốn bộ máy nhà nước. Với Quy định số 205-QĐ/TƯ ngày 23-9-2019, đây là lần đầu tiên một văn bản của Đảng được ban hành, quy định riêng về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Khác với các chính thể "tam quyền phân lập", nước ta xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Về bản chất, quyền lực của nhà nước ta không thuộc vào cá nhân mà là của nhân dân, được nhân dân ủy quyền cho cá nhân sử dụng vào mục đích chung của xã hội, của đất nước. Tuy nhiên, vấn đề là khi trao quyền lực đó cho cá nhân thì trên thực tế quyền lực ấy bị phụ thuộc vào chính cá nhân được nhân dân ủy quyền. Nếu quyền lực được trao đúng cho người có tài năng, đạo đức thì quyền lực ấy sẽ phát huy tác dụng, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho con người, sự hưng thịnh cho đất nước, đúng nghĩa "quyền lực của nhân dân". Khi đó, quyền lợi của Nhân dân, của Tổ quốc được đặt lên trên lợi ích cá nhân, các giá trị đạo đức, nhân văn của chế độ được trân trọng, đề cao. Ngược lại, quyền lực rơi vào tay những cá nhân thiếu tài, thiếu đức, chỉ lo mưu lợi cá nhân, gia đình thì quyền lực ấy sẽ bị tha hóa, bị sử dụng để phục vụ lợi ích cá nhân, phe nhóm mà bỏ qua lợi ích quốc gia, dân tộc.

Việc kiểm soát quyền lực như thế nào trong thực thi chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan đảng, nhà nước, tổ chức chính trị xã hội là vấn đề lớn, còn phải tiếp tục nghiên cứu, làm rõ. Quy định 205 nêu rõ việc kiểm soát quyền lực đối với từng tổ chức, cá nhân, trước hết là đối với cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị. Lâu nay dư luận vô cùng bức xúc khi nhiều vị lãnh đạo tỉnh, huyện, ban, ngành can thiệp, để tình trạng "cả họ làm quan": Vợ, con trai, con rể, con gái, con dâu, chú bác, cháu chắt hai bên nội ngoại... lần lượt đảm nhận các vị trí trong "cây quyền lực". Do đó, Quy định 205 ghi rõ: Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng không được để người khác, nhất là vợ, chồng, bố, mẹ, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để thao túng, can thiệp công tác cán bộ. Trong thực tế, hiện đang xảy ra vấn đề khá nhức nhối trước sự can thiệp của "hậu cung" người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền. Không ít nơi, cán bộ cấp dưới than trời vì sự thao túng của những bà vợ đứng sau lưng chồng, tìm cách đạo diễn hầu hết vấn đề nhân sự thuộc thẩm quyền của chồng. Việc đặt ra quy định này chính là bước kiểm soát sự lạm quyền, thao túng đang diễn biến phức tạp trong công tác nhân sự ở nhiều nơi.

Ban hành quy định là bước khởi đầu cần thiết và để đưa Quy định 205 áp dụng trong thực tiễn có hiệu quả còn rất nhiều vấn đề. Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật nhà nước pháp quyền, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước theo quy định của Hiến pháp, tránh sự chồng chéo các chức năng của 3 nhánh quyền lực (lập pháp, hành pháp và tư pháp).

(Còn nữa)

Đăng Trường
.
.