Trong ký ức của tôi
Thời gian này rảnh việc, tôi ngồi xem lại bộ phim truyền hình Sóng ở đáy sông dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Lê Lựu, bỗng đâu những thân phận ở đáy thời cũ, những gánh hàng rong gắn với tuổi thơ hiển hiện trước mắt.
Có lẽ hiếm hoi ở Hà Nội còn lại một con ngõ phố như Hàng Hương, ồn ào hàng quán, dân nhậu nhồm nhoàm thịt chó nhưng tuyệt nhiên yên lành đoàn kết, ngay các hộ kinh doanh cũng đoàn kết đến kỳ lạ. Nhà này bán bia thì bên cạnh bán mực nướng, họ hồ hởi cả khách lẫn hàng xóm. Hàng Hương sau giờ trưa bỗng yên ắng kỳ lạ, dân trong ngõ dọn hàng ăn xong thì mặt ngõ cũng sạch bóng như sân đình.
Cũng giờ ấy, các mẹ các chị hàng rong thúng mẹt quang gánh từ đâu túa về, họ thênh thang yên bình nằm đủ tư thế úp nón lên đầu gác chân lên nhau ngủ la liệt bên dưới những vệt nắng vàng loang lổ trên tường đã có màu thời gian.
Có lần tôi ngồi quán nước trà mạn cuối ngõ thấy một anh chủ nhà đi về thảng thốt buột miệng thở dài: "Thôi chết rồi". Anh đứng im tần ngần nhìn những cô hàng rong ngủ ngon lành trước cửa nhà rồi nhẹ nhàng dựng xe một góc, ra ngồi quán nước trầm ngâm điếu thuốc đợi cho đến lúc những quang gánh uể oải thức giấc rồi vắt vẻo trên vai tỏa ra đường mưu sinh thì mới trở về dắt xe vào nhà.
Anh không nỡ đánh thức, làm vỡ một giấc mơ đẹp nào đó của những con người vất vả. Đã quá lâu tôi mới thấy một hình ảnh bình dị và nét văn hóa đẹp đến vậy.
Tôi sinh ra và lớn lên góc phố Hàng Bông - Phùng Hưng, nơi ấy thời bao cấp vất vả có bến tàu điện dài cả khúc phố dưới hàng cây bàng lừng lững trơ cành mùa đông, buồn thê thảm. Chỉ có mỗi buổi sáng, ngày mới ảm đạm bắt đầu là lao xao tiếng các mẹ các chị quần áo sờn mông sờn gối rong ruổi quang gánh hàng quê xanh thẫm trên vai đổ về từ các vùng quê lân cận rồi vội vã túa đi khắp ngõ ngách Hà Nội.
Minh họa: Hữu Khoa. |
Hàng rong trong ký ức tôi luôn ám ảnh, tại sao họ toàn là đàn bà mang gương mặt cũ nhàu lam lũ? Cậu bé thành thị còi cọc là tôi cầm nắm xôi quà sáng đứng ngắm họ từ xa khắc khoải, mơ hồ lẫn sợ hãi sự nhem nhuốc và bắt đầu hình thành những hoài nghi đầu tiên về cuộc sống.
Phía bên dưới một gia đình công nhân, tài sản lớn nhất là chiếc xe đạp thì hóa ra còn có những số phận thảm thương, nghèo mạt hơn nữa. Tôi từng tự hỏi không biết các chị có thích ăn xôi lạc mỗi sáng như tôi không, có ai bất chợt quẩy gánh ngang qua thằng bé láo liên chột dạ mà giấu biến nắm xôi ra sau lưng.
Chếch cửa tôi là nhà bà Minh, nhà có xe đạp Peugeot màu đồng, có tivi màu, mỗi tối cả phố ngồi kín vỉa hè xem nhờ. Mỗi sáng bà hay mặc áo hở cổ có dây chuyền vàng ngồi trước cửa, hàng rong nào đi qua, bà Minh cũng í ới gọi vào rồi thọc bàn tay mũm mĩm bới tung gánh hàng hoa, gánh rau, móc từ dưới móc lên lỏng chỏng từng mớ, bóp bóp nặn nặn từng quả na đầu mùa...
Bà hiếm khi mua hàng, người bán rong nhẽ như một thú vui để bà được khuây khỏa, trả giá rẻ mạt không ai bán nổi như tiêu khiển. Tôi nhớ có đận một chị bán cam bị gọi vào, vừa đon đả dứt lời nói giá thì bà Minh hét lên "Mày lại đây" rồi túm tóc dìm đầu chúi xuống đất tát bôm bốp, chửi không ngớt lời "Con lừa đảo nói thách không biết ngượng mồm".
Thời ấy gánh rong chưa bị xua đuổi khỏi vỉa hè, họ ngồi đó để nở những nụ cười bán hàng, rôm rả trên trời trong bếp cùng các bà nội trợ tằn tiện, có khi đen lắm mới gặp một bà Minh nào đó. Tiếng rao bánh mỳ hay hạ gánh nghỉ ngơi dưới gốc bàng phố cổ như một thứ văn hóa đáng yêu.
Rất tiếc, ngày nay siêu thị và cả một vài chiến dịch truyền thông thực phẩm bẩn được tài trợ bởi những tập đoàn lương thực đang đẩy gánh hàng rong vào ngõ hẹp. Xa lạ và đáng ngờ. Tôi bỗng nhớ đến chương trình thời sự nói những người thổ dân châu Mỹ béo phì, bất tài, bế tắc và bắt đầu có xu hướng túc tắc tự sát khi quá nhàm chán với cuộc sống "đền bù" và làm cảnh cho khách du lịch hiếu kỳ.
Hàng rong chẳng bao giờ là ký ức, bất chấp đang phải đối đầu với sự tuyên chiến mỗi ngày bằng rất nhiều câu chuyện nửa hoang mang, nhoẻn miệng cười ngờ nghệch, nửa đắng cay bật khóc tủi phận bèo trôi.