Hàng rong và đô thị

Ngụ cư phố phường

Chủ Nhật, 01/05/2016, 19:57
12 giờ trưa ở con hẻm nhỏ trên đường Đặng Văn Ngữ, quận Phú Nhuận, TP HCM, có rất đông người tụ tập. Họ lấy số thứ tự để chờ đến 13 giờ thì chiếc xe đẩy của anh chàng bán xoài lắc xuất hiện. Họ hồ hởi đưa số thứ tự và lấy phần xoài lắc của mình. Dĩ nhiên, họ phải trả tiền để có được phần xoài lắc ấy.

Đó là một loại hình buôn bán đang tồn tại ở đô thị, chỉ có điều đắt khách đến độ phải phát số thứ tự như anh bán xoài lắc thì xưa nay hiếm. Có điều, một quầy bán buôn trên xe đạp, xe đẩy mà thực khách phải đợi mười hay mười lăm phút mới có thể nhận phần thức ăn của mình không phải là điều kỳ lạ lắm ở dạng đô thị như Sài Gòn.

Một bộ phận nhập cư đang hình thành nên hình thái gọi nôm na là kinh tế ngụ cư.

1. Gần góc đường Phạm Ngọc Thạch - Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP HCM, có quầy bán bánh tráng trộn rất đông khách. Ngay hồ Con Rùa là hàng loạt xe bán bò bía, mực nướng, kẹo bông gòn… Khu vực này chính là trung tâm của thành phố.

Ở công viên 30-4, ngay cạnh nhà thờ Đức Bà, người ta có thể ngồi bệt ở công viên để ăn xúc xích, cá viên chiên, uống cà phê cóc. Nếu thích, họ còn có thể dùng hàng chục món ăn khác từ các xe bán hàng di động. Thậm chí, họ có thể ăn cả cháo lòng với giá 10 nghìn/tô.

Đường Võ Văn Tần, trước trụ sở một công ty nhà nước có chị nhà quê chuyên bày bán đồ chợ. Sáng nào chị cũng điều khiển xe đạp với hàng đống thứ lỉnh kỉnh đựng đầy hai bên xe, từ một mớ rau, mấy con cá tươi, vài cân thịt, vài củ cà rốt, su hào… Người tiêu dùng của chị chính là những cán bộ công nhân viên chức của công ty đó. Chị ngồi trên vỉa hè, trải bạt nilon bày đồ bán. Hẻm 373D Nguyễn Trãi, quận 1 cũng có kiểu bán như thế này. Rất nhiều con hẻm khác, rất nhiều con đường khác cũng vậy.

Minh họa: Hữu Khoa.

Đường Phạm Thế Hiển, quận 8. Ban tối, những người miền Tây tấp ghe vào bờ, họ mang lên hành lang cầu Mật bán đủ thứ trái cây, dừa tươi, bưởi hay chuối. Họ bán đến nửa khuya lại dọn hàng xuống ghe, họ ở cả ngày trên ghe.

Quốc lộ 13, đoạn gần bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh. Người đàn bà bán bún buổi sáng, khách ngồi ăn trên chiếc đòn nhựa, thấp lè tè, không có bàn. Khách đông nghẹt, đa phần là dân lao động. Xì xụp từ 6h đến tầm 8h30 thì tan quán, thu dọn quang gánh. Buổi chiều, người đàn bà khác tiếp quản đoạn vỉa hè này để bán hủ tíu gõ, 10 nghìn/tô, khách cũng đông không kém ban sáng.

Mỗi cá nhân buôn bán như vậy là một câu chuyện rất dài, dài đến mức mà tôi tin rằng nếu ai đó từng tiếp xúc với họ sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Thế nhưng, đừng ngạc nhiên khi biết chuyện xe cháo lòng đã nuôi đến ra trường mấy ông cử nhân, quầy siêu thị bán rau di động vừa xây được cái nhà cả trăm triệu ở quê, hay mẹt bánh tráng trộn tích góp mua thêm bò cho chồng ngoài quê nuôi giữ.

Cũng đừng ngạc nhiên nếu một cô buôn bán quầy cà phê cóc trước cổng trường đại học nào đấy, tích góp chắt chiu mua được căn nhà có giá vài mươi lượng vàng cách đây đã hàng chục năm.

Gần như đây là một lực lượng tồn tại song song cùng với đô thị, không thể tách rời, không thể xóa bỏ.

2. Đối chọi với lực lượng này, chính là lực lượng giữ gìn trật tự đô thị. Điều đáng ngạc nhiên nhất chính là những vấn đề về an toàn thực phẩm, thuế hay điều gì đó đại loại liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng thường không được để ý đến. 

Gần như tất cả đều chăm chăm đến mục đích duy nhất, cố gắng làm mọi cách để loại bỏ những cá nhân buôn bán như vậy. Họ tin rằng, đó là cách để đô thị trở nên ngăn nắp, gọn gàng hơn, vỉa hè trở nên thông thoáng hơn. Và nếu A.Q chủ nghĩa thì mơ hồ "trả lại vỉa hè cho người đi bộ".

Nhiều cơ quan truyền thông tin vào một kế hoạch nếu quy tập vùng buôn bán quang gánh thì sẽ dễ quản lý, sẽ không còn nhếch nhác đô thị nữa. Điều này rất buồn cười và thiển cận, theo quan điểm của tôi. 

Vì sự nhếch nhác đô thị tiềm ẩn từ rất lâu trong việc quy hoạch đô thị một cách nông cạn, nháo nhào và có biểu hiện lợi ích. Hơn nữa, không thể tin vào câu chuyện bộ mặt đô thị đẹp đẽ khi mà bất cứ hộ kinh doanh nào cũng chiếm cứ vỉa hè để bày thêm một vài mặt hàng, làm chỗ giữ xe của khách.

Lại càng không thể quản lý những cá nhân ngụ cư ở phố này (ngoại trừ tạm trú, tạm vắng), vì quản lý đồng nghĩa với thuế, với chứng nhận độ an toàn mặt hàng kinh doanh... Đó là điều không thể thực hiện được.

3. Cho dù quyết tâm của người lãnh đạo các đô thị có cao đến đâu, cho dù cả một hệ thống chính trị cùng siết chặt tay nhau để tấn công (hay loại bỏ) những người buôn thúng bán mẹt, đẩy xe di động thì câu chuyện hàng rong trong đô thị khó có hồi kết, mãi mãi chỉ là tình trạng kiến bò miệng chén vòng quanh.

Bởi suy cho cùng, chúng ta đã mất cân bằng ngay trong việc phát triển giữa thành thị và nông thôn, cá nhân sinh ra ở nông thôn không biết mưu sinh bằng cách nào khác ngoài việc nhảy bổ vào thành thị. Họ sẽ chọn công việc trong các nhà xưởng, xí nghiệp nếu được nhận và còn đủ tuổi. Còn nếu quá tuổi, họ sẽ hòa vào dòng người kiếm tiền bằng những gánh hàng rong.

Sẽ chẳng có những thân phận ly hương nếu như họ có thể yên ổn sinh sống ấm no (hoặc tương đối đủ đầy) ngay tại mảnh đất mà họ sinh ra. Ngược lại, họ phải lên đường để kiếm cách mà chống chọi lại với cơn bí bách đang hiện hữu ở quê nhà. Có vậy thôi mà.

Mà trong hành trình đi tìm lời giải ấy, bao giờ đô thị chẳng là lựa chọn hàng đầu cũng như tối ưu nhất. Không phải từng có câu "Nhà giàu miền quê không bằng bán buôn vỉa hè đô thị" hay đơn giản hơn "Giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố" sao?

Nói thì cứ nói, bàn thì cứ bàn, thực tế vẫn cứ là thực tế.

Ngô Nguyệt Lãng
.
.