Đừng để thông tin bẩn tạo thành một thứ ung thư tinh thần

Thứ Tư, 20/04/2016, 17:21
Dạo này, nghe nói về thực phẩm bẩn nhiều, đâm ra lúc nào cũng sợ. Đi ngang qua nhà đầu hẻm bán phở. Cái nhà ấy xoay mặt tiền ra đường Nguyễn Đình Chiểu, mặt hẻm thì là khu bếp với chỗ rửa tô chén, đũa bát. Thế là đâm ra chẳng dám nhìn. 


Sáng sáng cũng hay gọi nhà ấy mang phở vào cho ăn. Giờ nhìn, nhỡ thấy nó bẩn thật, lại chẳng dám ăn nữa. Mà tính tôi thì ngại đi ra ngoài buổi sáng, cơ bản cũng vì nhà có sẵn cafe hạt, loại sạch, tự rang, tự xay. Thế nên nhiều hôm có việc ra ngoài, ăn sáng bên ngoài, mất cữ cafe quen, thấy khó chịu.

Rồi lại nghĩ, thôi thì tặc lưỡi, khuất mắt cho qua. Ăn bẩn thì còn lâu mới chết. Không ăn nữa, chỉ ba ngày là há miệng ra mà chết ặc ặc ngay. Méo mó có hơn không, cứ về dặn vợ nấu cho kỹ vào chắc cũng sẽ ổn thôi.

Tự nhiên tôi nhớ, hồi còn nhỏ xíu, mới 5-6 tuổi. Hà Nội ngày ấy khan hiếm nhiều thứ lắm. Nhà nào có cái tủ lạnh, thường thì sẽ có mấy người bán nước trà chén cùng phố chạy qua hỏi mua đá. Ông hàng xóm cạnh nhà, con ông ấy cũng trạc tuổi tôi, cũng tranh thủ làm đá buổi đêm để bán. Chẳng là mùa hè, Hà Nội cúp điện từ 7h sáng đến 4h chiều. Thế nên ông ấy làm hai cữ đá. Cữ đầu bỏ vào ngăn đá lúc 4 giờ.

Đến 9-10h tối là lấy ra, ủ vào thùng xốp, phích đá và nhồi vào cữ thứ hai. Sáng dậy lúc 6 giờ là mang đá đi bán cho mấy hàng quen. Một lần, tôi sang chơi với con ông ấy, nhìn thấy cảnh ông ấy bỏ các khay đá vào chậu nước máy nhúng nhúng, gỡ đá cữ đầu ra. Rồi rửa cả tay vào trong chậu nước, nhúng cái khay đá vào múc chính nước trong cái chậu ấy ra, lấy giẻ lau lau bề ngoài cái khay, thản nhiên như không. 

Minh họa: Hữu Khoa.

Nhìn chậu nước nguyên liệu mà ông ấy làm đá nó hỗn hợp cả nước rửa tay lẫn nhúng giẻ, tôi tởn đến tận già. Từ bận ấy, cho tiền tôi cũng không uống nước nhà đó. Đang chơi với con ông ấy, khát nước cũng chạy về nhà mình, dù nhà mình chẳng có tủ lạnh.

Ngẫm cho cùng, nhiều người ác tâm. Bởi thế nhiều người sẵn sàng tống cho đồng loại ăn bất kỳ thứ gì, theo kiểu “sống chết tại bay, tiền thầy bỏ túi”. Nó giống y như một bộ truyện tranh mà tôi mới xem trên mạng, kể về hai cha con người nuôi heo, chuyên cho dùng hóa chất tăng trọng, tạo nạc. Trong khi đó, người cha lại hay ăn gà của một người khác. Cuối cùng người cha chết vì thực phẩm bẩn, còn người con nhận ngay quả báo trong đàn heo con mới đẻ của mình. Xem xong thấy rùng mình. Không lẽ ác tính đã thành phổ biến đến vậy sao?

Nhưng suy cho cùng, người nông dân cũng chỉ vì miếng cơm, manh áo. Người nông dân có giàu được đâu. Họ trồng gì, nuôi gì, cũng nghĩ đến sản lượng đầu tiên và vì cái tham sản lượng, thế là vô tình họ biến mình thành kẻ ác. Nhưng nếu họ chỉ chăm chăm trồng rau quả sạch, chăn nuôi sạch, con gà thả vườn nặng chừng hơn ký, họ bán cho ai, thu được bao nhiêu, nuôi nổi gia đình hay không?

Họ cũng trong cái vòng luẩn quẩn, khốn cùng, khốn khổ chứ được ấm thân chút nào đâu. Cũng có vài người, ý thức được chuyện trồng rau củ sạch, chăn nuôi sạch, chấp nhận bán giá cao kén người mua hơn nhưng ai giúp họ tạo kênh phân phối, xây dựng thương hiệu, cùng họ phát động cả xóm, cả thôn, cả làng chung nhau tạo nên một thương hiệu chung của địa phương chuyên thực phẩm sạch giá cao, an toàn đảm bảo? Chẳng ai giúp họ cả. Không có một ai.

Tôi nghĩ lại mình, tôi cũng thế thôi. Tôi có giúp được gì họ không, hay tôi chỉ kêu gào lên thảm thiết là: “Thực phẩm bẩn đang giết chúng ta mỗi ngày”. Và nghĩ đến đây, tôi thấy kinh hãi hơn nữa. Liệu có phải 100% nông dân đều ác đến mức bán thực phẩm bẩn hay không? Chúng ta đang chết vì ung thư nhiều hơn hay họ đang chết vì ung thư tinh thần nhiều hơn, khi những thông tin mà chúng ta lan truyền tán loạn lên đã giết chết phẩm cách của họ?

Và tôi nhận ra, hóa ra cái đang phổ biến của thời này là thông tin bẩn chứ không phải thực phẩm bẩn. Trách nhiệm nằm ở chính chúng ta, những người chỉ vì nỗi sợ mà tung tin ầm ĩ lên về thực phẩm bẩn đến mức ai cũng tưởng rằng 100% những gì ta đang ăn đều bẩn hết. 

Và trách nhiệm còn nằm ở cấp cao hơn, là những cơ quan có thẩm quyền, những cơ quan mà lẽ ra khi có một nguồn tin từ báo chí cho rằng có nơi nào đó bán thực phẩm bẩn, bán hóa chất cấm, họ sẽ phải là người xông xáo đầu tiên, để kiểm tra, để xử lý, để công khai, để minh bạch rằng “cái nào bẩn, cái nào không”. Những cơ quan ấy có khó kiếm tìm hay không? Không khó. Và những điểm nóng để họ chủ động đến kiểm tra có khó kiếm tìm hay không? Không khó. 

Họ cứ đi thẳng ra bất kỳ cái chợ nào, lao động tròn nghĩa vụ một công chức, đúng bổn phận của một người có trình độ chuyên môn, có khả năng xác tín bằng khoa học, họ sẽ có những câu trả lời để cơn hoang mang trong công luận với những thông tin bẩn không còn tạo thành một thứ ung thư tinh thần trong toàn xã hội như suốt thời gian qua.

Hà Quang Minh
.
.