Bữa cơm gia đình, thông tin trên báo

Trách nhiệm với thực phẩm

Thứ Sáu, 15/04/2016, 23:17
Có lẽ, chưa bao giờ chúng ta lại cảm thấy bất an với bữa cơm hằng ngày của mình như thế cả. Sự bất an đấy tạo nên nỗi sợ hãi đến mức hình thành một tâm lý rằng, không biết chừng là sau một bữa cơm nào đó, ta sẽ phải đi thẳng vào viện vì ngộ độc thực phẩm. 

Không bất an và lo sợ sao được khi mà hằng ngày mở các trang báo, ta có thể đọc được biết bao nhiêu thông tin về độc chất có thể có trong mâm cơm gia đình. Nào là thịt heo có chất tạo nạc, rau ngấm thuốc bảo vệ thực vật, trái cây tắm hóa chất, ruốc nhuộm phẩm màu… Rất nhiều những thông tin như vậy trên mặt báo, nó khiến người lạc quan nhất, cẩn thận nhất cũng nghi ngại về bữa cơm của mình.

Cũng chính vì lẽ đó mà khi ông Bộ trưởng Bộ NN&PTNT “lỡ lời” phát biểu trước Quốc hội rằng “đa số thực phẩm là an toàn nhưng nhân dân không biết nên cảm thấy tất cả không an toàn” thì lập tức ông bị phản ứng dữ dội. Làn sóng phản ứng mạnh mẽ đến mức khiến hai ngày sau đó, ông Bộ trưởng phải đưa ra lời xin lỗi nhân dân vì phát ngôn này, ông cho rằng cách diễn đạt của ông làm nhân dân hiểu lầm.

Song, nếu bình tâm mà nhìn lại thì chúng ta sẽ thấy lời phát biểu “đa số thực phẩm là an toàn…” của ông Bộ trưởng Bộ NN&PTNT là hoàn toàn đúng! Rõ ràng chúng ta không biết được thực phẩm mà chúng ta mua hằng ngày có an toàn hay không?! 

Vì chúng ta không thể nào biết, trong khi đó các phương tiện truyền thông cứ lan truyền thông tin về thực phẩm bẩn nên chúng ta cảm thấy tất cả không an toàn, dù trong đó đa số là thực phẩm an toàn. Đó là một sự thật, là bản chất của vấn đề thực phẩm bẩn rất cần được làm rõ để nỗi hoang mang về bữa cơm hằng ngày không còn đeo bám thường trực.

Có thể nói, ông Bộ trưởng đã nói ra được sự thật về quyền được biết của nhân dân không được thực thi một cách nghiêm túc bấy lâu nay. Đầu tiên, trách nhiệm thuộc về chính người chịu trách nhiệm an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Họ phải làm sao để nhân dân từ “không biết” trở thành biết và quan trọng hơn, đó chính là công tác quản lý, giám sát và xử lý của họ trong vấn đề an toàn thực phẩm. Người dân sẽ biết đâu là thực phẩm sạch nếu như nguồn gốc của thực phẩm được xác định rõ ràng, được sản xuất ra sao, phân phối như thế nào, ai chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng thực phẩm.

Tôi còn nhớ đầu những năm 2000, ngành Y tế TP HCM phát hiện trong nước tương có hàm lượng độc chất 3-MCPD rất cao. Nhưng mãi nhiều năm sau đó, người dân vẫn không biết được loại nước tương nào có chứa độc chất ấy. Dù nhiều cuộc thanh kiểm tra đã diễn ra nhưng tất cả chỉ dừng lại ở việc xử lý hành chính một cách nhẹ nhàng.

Minh họa: Hữu Khoa.

Rồi gần đây là vấn đề thịt lợn nhiễm chất tạo nạc Salbutamol. Sabutamol là một dược chất mà ngành Y tế nhập từ nước ngoài về để bào chế thuốc điều trị hen suyễn. Việc nhập dược chất này, về mặt lý thuyết thì được quản lý khá chặt chẽ, vậy thì tại sao người nông dân lại có thể dễ dàng mua nó như mua mớ rau ngoài chợ? Trong câu chuyện này, người ta nghĩ đến những cái bắt tay trong bóng tối!

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra các trang trại nuôi heo và phát hiện vô số trang trại dùng thức ăn chứa chất cấm Salbutamol. Song rất ít khi những trang trại đó được điểm mặt chỉ tên. 

Cũng không thể hiểu được rằng, trách nhiệm của những người làm công tác kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đã ở đâu, làm gì khi mà loại thịt lợn độc ấy vẫn có thể dễ dàng đi từ chuồng nuôi ra ngoài chợ?

Rau bẩn cũng vậy, rất ít những cánh đồng bị vạch mặt dù nó sản sinh ra những loại rau mà rất có thể sẽ khiến người ta đi thẳng từ mâm cơm gia đình vào bệnh viện! Có thể hiểu rằng, ở một đất nước thuần nông thì việc viết về những cánh đồng mưu sinh của người nông dân sẽ luôn cân nhắc về cái gọi là “đạo đức báo chí”. 

Song, cũng từ đó, người ta càng có cớ để đầu độc chính cánh đồng của mình. Hẳn là chuyện người nông dân trồng hai luống rau, một để ăn, một để bán không phải là chuyện gì quá xa lạ!

Như vậy, khi người ta kiêng dè việc vạch mặt chỉ tên những cánh đồng nhiễm độc, những trang trại nuôi heo bẩn thì đó cũng chính là lúc những cánh đồng ấy, những trang trại tự giết mình. Không chỉ như vậy, sự mập mờ thông tin đó còn khiến cả xã hội hoang mang. Họ không thể nào biết được thực phẩm hằng ngày mà họ ăn có độc hay không, nhưng dù không biết thì họ vẫn phải cứ ăn chứ không còn cách nào khác.

Vậy nên, có nhiều người đã rất buồn khi ông Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chỉ rõ được vấn đề về cái sự biết hạn chế của người dân thì thay vì đặt kỳ vọng ông sẽ giải quyết nó, người ta lại khiến ông phải đi xin lỗi, một lời xin lỗi sai.

Trong vấn đề thông tin về thực phẩm bẩn tràn lan, ngoài trách nhiệm của cơ quan chức năng còn có trách nhiệm của truyền thông đại chúng. Hẳn người ta không thể nào quên vụ “ăn bưởi gây ung thư” của gần 10 năm trước. 

Nó khiến cho những người nông dân điêu đứng với vườn bưởi trĩu quả của mình trong khi sự thật thì quả bưởi có thể gây ung thư ấy, chỉ là một loại bưởi xa lạ nào đó tận bên Mỹ. Rồi truyền thông bảo rằng, thực phẩm bẩn gây ung thư trong khi đó, có hàng hà sa số tác nhân gây ung thư chứ không phải chỉ là thực phẩm bẩn.

Thông tin mập mờ, kiểu thịt bẩn, rau bẩn nhưng không biết nó được sản xuất ra từ đâu, từ ai, người đọc cũng không biết đường đi của nó như thế nào, cách nhận biết ra sao… thì khi đó, sự hoang mang, nỗi bất an về thực phẩm bẩn bao trùm lên cả xã hội là một hệ quả tất yếu. Hơn nữa, như đã nói ở trên, khi không bị chỉ mặt điểm tên thì những ông chủ của những nông trại vẫn có cái cớ để tiếp tục sản xuất rau, thịt bẩn…

Chính sự mù mờ thông tin về thực phẩm đã tạo nên một tâm trạng bất ổn của xã hội hiện tại, một vòng lẩn quẩn hình thành! Trong khi đó, để nhân dân được biết đầy đủ thông tin là điều cần thiết mà không khó để thực hiện.

Hoàng Lãm
.
.