Minh bạch thông tin để phát triển - Sẽ chẳng còn cách nào khác để tạo nên một tin tưởng ngoài sự minh bạch

Sống ra sao với quá nhiều câu hỏi

Thứ Bảy, 04/06/2016, 04:18
1. Có lẽ, không có gì khiến cuộc sống ta trở nên khó chịu bằng việc những thông tin cần biết mà không thể biết được. Mà cái sự không thể biết ấy, lắm khi không phải lỗi ở mình, lỗi là ở sự thiếu nhiệt tình, minh bạch của những người có trách nhiệm. 


Và khi mà những thông tin bức thiết liên quan đến cuộc sống mưu sinh thường nhật không thể được tỏ bày thì khi đó, người ta sẽ trở nên nghi kỵ với những thứ liên quan. Và những hệ lụy cũng từ đây mà phát sinh...

Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở dọc biển miền Trung đến nay vẫn chưa có câu trả lời xác đáng. Dễ thấy là trong thời gian đầu, giữa mênh mông biển thông tin bị nhiễu loạn từ báo chí lẫn mạng xã hội thì chính ngư dân và những người đang khai thác dịch vụ liên quan đến biển, như du lịch chẳng hạn, là những người lãnh đủ.

Cụ thể, cá chết có nghĩa là tính mạng của người dân bị đe dọa bởi nguồn thức ăn từ biển có nguy cơ độc hại. Cá chết không rõ nguyên nhân cũng khiến hàng chục vạn người dân sinh sống bằng nghề biển và dịch vụ nghề biển sẽ khó khăn; ngành kinh tế du lịch biển sẽ rơi vào khủng hoảng.

Hẳn là nhiều người đã rất xót xa khi hay tin có những chủ tàu đánh bắt cá ngoài khơi đã lặng lẽ quay về bằng thuyền không khi hay tin người dân không dám mua cá nữa! 

Trước đó, họ đã đổ hết khoang thuyền đầy ắp cá về lại với đại dương. Rồi hình ảnh những chợ cá biển đìu hiu cũng khiến bất kỳ ai chứng kiến không khỏi chạnh lòng chua xót. Có thể, những con cá ấy là những con cá an toàn. Song khi mà cả dư luận xã hội vẫn còn đang hoang mang tột độ về cá chết thì mấy ai dám tin con cá ấy là sạch hay không!?

Minh họa: Hữu Khoa.

Vì vậy, cá chết không hề là chuyện nhỏ, nguyên nhân của nó rất cần được giải tỏa một cách cấp bách để tránh những hoang mang, bất an trong dư luận xã hội, làm thiệt hại cho xã hội. Vậy mà hơn 1 tháng sau vụ cá chết hàng loạt, nguyên nhân ấy vẫn chưa được phơi bày. 

Có thể, cá chết vì một khái niệm thủy triều đỏ; cũng có thể vì độc chất từ các khu công nghiệp hay vì một nguyên nhân nào khác thì cũng rất cần có một kết luận xác đáng.

Người ta nói, sự thật đôi khi mất lòng, nhưng thà là biết sự thật còn hơn bất an trong mớ hỗn độn thông tin hằng ngày. 

Nhưng, nếu việc tìm ra nguyên nhân nào khiến cá chết hàng loạt là bất khả thi thì ít ra chính quyền và các cơ quan chức năng cũng phải nhanh chóng minh định cho dân biết về nguồn hải sản đánh về từ khơi xa, ngoài khu vực biển đang bị nghi ngờ ô nhiễm. Tất nhiên, việc này đã được làm rồi, nhưng là quá chậm...

Việc thiếu minh bạch thông tin của vụ việc kể trên đã gây ra những tác hại khủng khiếp cho xã hội. Đó là thiệt hại của ngư dân, của ngành du lịch... nhưng quan trọng hơn đó là những nghi kỵ vẫn đang tồn tại và kéo theo là những bất ổn xã hội đã diễn ra. Không minh bạch thì khó phát triển được là vậy.

2. Cũng liên quan đến vấn đề minh bạch thông tin được quan tâm gần đây, đó chính là thực phẩm bẩn. Cụ thể là thịt nhiễm chất cấm, rau tưới hóa chất, trái cây ép chín bằng độc dược... 

Hằng ngày, tin về thực phẩm độc hại xuất hiện tràn lan trên các phương tiện truyền thông, những thông tin đó đôi khi thiếu đầu thiếu cuối, thiếu những địa chỉ rõ ràng. Cơ quan chức năng loan tin về khả năng những bữa cơm có độc, song họ ít khi chỉ rõ cho dân biết rằng, độc ở đâu ra, loại nào độc, loại nào không...

Chính việc thông tin kiểu ấy về thực phẩm bẩn, khiến cho người dân hoang mang về bữa ăn của mình, nhưng đáng lưu tâm nhất là thông tin ấy khiến cho người nông phu điêu đứng trên cánh đồng vì nông sản rớt giá, không ai mua. Cái thiệt hại cuối cùng của việc thông tin thiếu minh bạch là nhằm vào những người vốn đã nghèo khó.

Nhắc tới điều này, chợt nhớ tới phát biểu gây bão của lãnh đạo một bộ vào ngày đầu tháng 4 tại hội trường Quốc hội: "Đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác tất cả không an toàn". 

Nhiều người trách cứ ông vì phát ngôn này, song phát ngôn ấy đã chỉ rõ vấn đề thiếu minh bạch thông tin về thực phẩm vốn đang tồn tại.

Nhân dân có biết thực phẩm hằng ngày họ ăn có thật sự an toàn hay không? Chắc chắn là không. Bởi nếu họ biết thì đã không còn sợ hãi vì họ sẽ biết cách chủ động chọn cho mình những thực phẩm an toàn. Nhưng vì không thể biết đâu là thực phẩm sạch, đâu là bẩn nên họ có cảm giác không an toàn với tất cả, dù trong đó có nhiều thực phẩm an toàn.

Rõ ràng, phát biểu của vị lãnh đạo kia đã nói lên điều cốt lõi, bản chất của nỗi hoang mang trong dư luận xã hội hiện tại, liên quan đến thực phẩm. Đó là vấn đề về sự "không biết" của người dân. 

Khi đó, thay vì đấu tranh để cơ quan chức năng, những người có trách nhiệm phải thực hiện nghĩa vụ cho nhân dân được biết, để nhân dân không còn cảm giác mất an toàn thì đa số đã phản ứng tiêu cực với phát ngôn ấy và ông lãnh đạo bộ kia phải đi xin lỗi vì một phát biểu... chính xác.

Thế nên cho đến bây giờ, cảm giác mất an toàn vẫn thường trực, cảm giác nghi kỵ với thực phẩm từ những cánh đồng của người nông dân vẫn cứ nặng nề đeo bám. Và khi đó, không chỉ là nông dân phải bật khóc trên cánh đồng của mình mà nhân dân nói chung cũng không thể sống an yên với hàng loạt những câu hỏi bức thiết chưa lời đáp!

Hoàng Lãm
.
.