Minh bạch thông tin để phát triển - Sẽ chẳng còn cách nào khác để tạo nên một tin tưởng ngoài sự minh bạch

Dưới ánh mặt trời

Thứ Bảy, 28/05/2016, 16:15
Mọi thứ đều diễn ra và được nhận biết dưới ánh mặt trời, vấn đề chỉ là thời gian và có thể là hoặc tự minh bạch hoặc bị phát hiện.

1. Trong cuộc tiếp xúc cử tri mới đây tại khu vực huyện Hóc Môn, TP.HCM, đồng chí Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã gắt Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường của huyện này như sau: "Tôi hỏi ông, bản thân nhà máy này không đúng quy hoạch, vì đây là đất dân sinh sống thì nó không được nằm ở đó chứ chẳng cần đo đạc gì cả. Tại sao lại có những cán bộ như thế, không đặt mình vào vị trí người dân gì cả. Anh ngồi xuống đi".

Câu chuyện được bắt đầu từ một nhà máy sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư, mặc dù dân đã kêu rất nhiều năm nhưng cuối cùng đâu lại vào đấy. Khi đồng chí Bí thư yêu cầu báo cáo câu hỏi trọng tâm: "Tôi hỏi khu vực này được quy hoạch là khu dân cư hay khu công nghiệp?". Ông Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện trả lời: "Đây là khu vực quy hoạch khu dân cư". Thế nhưng, ông này lại cho rằng công ty gây ô nhiễm được cấp phép hoạt động.

Tại sao khu quy hoạch dân cư mà một công ty gây ô nhiễm môi trường lại được cấp phép hoạt động? Ông Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường của huyện đã không trả lời được câu hỏi này, thay vào đó, ông trả lời lòng vòng về nhiều thứ khác. Ông trả lời quanh co đến độ, đồng chí Bí thư phải ngắt lời và yêu cầu Bí thư cùng Chủ tịch huyện Hóc Môn "phải cho nghỉ, cách chức Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường".

Đây là một trong những lần hiếm hoi thông qua truyền thông, người dân tại TP HCM cũng như cả nước chứng kiến sự minh bạch thông qua phản ứng cần thiết của lãnh đạo thành phố.

Minh bạch thông tin là gì? Chính là bản chất của thông tin, bản chất thật sự của vụ việc đó như thế nào, thực trạng ra sao, đúng hay sai, phù hợp hay không, luật có cho phép hay ngăn chặn. Ngoài ra, không còn gì khác.

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng khiến người dân nức lòng, hoan hỉ không phải vì những vấn đề có tính vĩ mô, mà chính là thái độ sâu sát với từng công việc cụ thể, đây là thái độ mà tôi cho rằng đã tiệm cận đến gần hơn với sự minh bạch về thông tin.

Minh họa: Hữu Khoa.

2. Cách đây vài tháng, Thanh tra hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM báo cáo có một điểm trùng nhau. Đó chính là không phát hiện ra tham nhũng, hoặc nếu có thì chỉ là tham nhũng vặt.

Điều này hết sức vô lý khi mà tình trạng tham nhũng hiện tại là đáng báo động. Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từng thừa nhận: "Hiện tham nhũng không còn đứng riêng lẻ, mà đã trở thành bè cánh, bao che cho nhau. Nhưng nếu Đảng, Nhà nước kiên trì, bền bỉ, làm ngày càng quyết liệt thì chắc chắn nạn tham nhũng sẽ ngày càng đỡ hơn".

Trong buổi trả lời phỏng vấn trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói về các mục tiêu trọng tâm với mục tiêu lớn là "Quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí".

Vậy thì tại sao hai đơn vị Thanh tra tại hai thành phố lớn lại không thể phát hiện ra tham nhũng? Do năng lực hạn chế hay do tình trạng mà nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nêu rõ: "Tham nhũng không còn đứng riêng lẻ mà đã trở thành bè cánh, bao che cho nhau".

Thêm một thông tin đáng buồn đang được dư luận hết sức quan tâm, đó chính là: "Trong 20 năm trở lại đây, chưa bao giờ bức tranh ngân sách xấu như bây giờ. Chi thường xuyên tăng nhanh bất thường, đặc biệt trong giai đoạn 2010-2012, khiến toàn bộ thu ngân sách hầu như chỉ vừa đủ cho chi thường xuyên. Điều này cũng có nghĩa là để đầu tư phát triển buộc phải đi vay, và kết quả tất yếu là thâm hụt ngân sách triền miên, cả nợ chính phủ và nợ công đều đã vượt trần".

Đó là chưa kể đến những thảm họa về môi trường lần đầu tiên xảy ra như cá chết, nhiễm mặn diện rộng, hạn hán nghiêm trọng...

3. Trong bối cảnh hết sức khó khăn này, vấn đề minh bạch thông tin lại càng cần thiết và nhất định phải được quan tâm hơn bao giờ hết. Bởi vĩnh viễn chúng ta sẽ không có phương hướng thoát khỏi thực trạng ấy, nếu như cứ lảng tránh, đổ lỗi hoặc tự suy ra những lý do để bao biện.

Không cần nhìn đâu xa, chỉ cần nhìn trong khu vực Đông Nam Á, bài học của Chính phủ Indonesia và Chính phủ Malaysia cách đây vài năm đã cho thấy hiệu quả của sự minh bạch thông tin thông qua chính sách công khai thông tin để hướng đến mục tiêu "thắt lưng buộc bụng". Và chính sách này đã giúp nền kinh tế của họ vượt qua được giai đoạn khủng hoảng để hướng đến sự phát triển.

Vì sao minh bạch thông tin lại đóng vai trò then chốt giúp một nền kinh tế vượt qua khủng hoảng? Tất cả không có gì khác ngoài hai cụm từ "niềm tin" và "tin tưởng".

Phải có niềm tin và sự tin tưởng thì toàn dân mới đồng lòng cùng Chính phủ vượt qua những thời điểm khó khăn, mà muốn có điều này thì không cách nào khác hơn là thừa nhận những tồn đọng, khuyết điểm, yếu kém đang diễn ra trong thực tế. Đầu tiên, là tránh sự hoang mang cho người dân. Kế đến, là tạo nên một cơ hội để tập trung sức mạnh của nhân dân dưới sự lãnh đạo hiệu quả của Chính phủ.

Như câu chuyện huy động 500 tấn vàng trong dân theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế vừa qua, đó là một chính sách đúng. Bởi tiền phải được lưu thông trên thị trường thì mới tạo ra các giá trị để thúc đẩy sự phát triển. Tuy nhiên, chính sách này lại không nhận được những tín hiệu phản hồi tích cực từ đám đông.

Tại sao một chính sách đúng lại rơi vào thờ ơ? Hỏi nghĩa là đã trả lời rồi, vì chúng ta đều đã biết.

Vấn đề hiện tại chính là, lựa chọn cách tổ chức và chỉ đạo như thế nào mà thôi.

Ngô Nguyệt Lãng
.
.