Trách nhiệm nhiệm kỳ

Sẽ phải có những cú hạ cánh không an toàn

Thứ Năm, 04/08/2016, 19:24
Chúng ta bắt đầu nhắc lại lần nữa, nhiều hơn, với cường độ mạnh mẽ hơn, về cái gọi là tư duy nhiệm kỳ, khi chúng ta bắt gặp những sự việc mà hậu quả của nó ở thời hiện tại khó có thể quy trách nhiệm cho bất kỳ ai khác ngoài những con người đã rời nhiệm sở cũ.

Chúng tôi tin rằng, phải lấy trách nhiệm nhiệm kỳ để đối chọi lại với tư duy nhiệm kỳ. Một thứ tư duy đang gây rất nhiều hệ lụy ngày càng nghiêm trọng trong hơn một thập kỷ qua.


Điển hình là ông Võ Kim Cự, với cái mớ hỗn độn để lại mang tên Formosa. Điển hình là ông Phí Thái Bình, với những sai phạm của đường ống dẫn nước sông Đà, đường ống đã vỡ không biết bao nhiêu lần và khiến dân Thủ đô khốn đốn với những lần vỡ, hỏng liên tiếp ấy. Hai sự kiện, hậu quả nặng nề, nhưng người chịu trách nhiệm thì đã vẫy tay chào khi họ có bến đỗ mới, ở những vị trí công tác mới.

Bắt người kế tục đảm lãnh nghĩa vụ thì thực sự quá đáng bởi người kế tục phải giải quyết hậu quả thay thế đã là vất vả lắm rồi. Còn trách nhiệm trước xã hội, trước pháp luật, bằng cả danh dự lẫn các ràng buộc khác, làm sao người mới phải gánh cái gánh “đồng lần” của người cũ đây?

Minh họa: Hữu Khoa.

Xưa tới nay, ta hay nói với nhau bốn tiếng “hạ cánh an toàn” như thể một thở phào nhẹ nhõm sau khi đã phủi tay khỏi mọi nghĩa vụ với xã hội khi về hưu. Điều đó khiến tôi băn khoăn tới mức, nếu ta đặt cho nhau một câu hỏi rằng “Vậy chúng ta làm công chức để làm gì?”, liệu ta có nhận được câu trả lời thật lòng rằng “Làm ráng đợi đến ngày về hưu” không?

Nếu đó là câu trả lời thật lòng chung nhất, nó chính là bi kịch của cả một dân tộc trong thời đại này. Đơn giản, khi ta đi làm việc công không phải vì mục đích làm việc, lao động, cống hiến mà chỉ chăm chăm cho cái đich về hưu thì chúng ta quả là dã man đối với thế hệ kế tiếp mình.

Trong giang hồ, người ta hay nói bốn tiếng “rửa tay gác kiếm” nhưng dù có trọng luật giang hồ đến mấy đi nữa, có những người vẫn tầm thù bất chấp kẻ thù đã rửa tay gác kiếm. Đó chính là cái “oan có đầu, nợ có chủ”, một quy luật con người khó có thể tránh khỏi, trừ phi người ta mang sẵn Phật tính trong người.

Vậy thì khi chúng ta “hạ cánh an toàn”, điều đó cũng không có nghĩa rằng ta không còn nợ nần gì với những việc mà ta đã làm. Ta vẫn còn mang món nợ ấy, và chỉ khi ta bỏ hẳn cái gọi là danh dự, vác một khuôn mặt bạc phếch ra với đời, ta mới có thể ung dung tự tại với mấy tiếng “hạ cánh an toàn”. Bi phẫn thay, xã hội Việt Nam hôm nay lại đang đầy rẫy những gương mặt bạc phếch như thế nhưng vẫn luôn cho rằng mình đã thanh thản, ung dung tự tại, vui thú điền viên.

Trong tiếng Anh, hai chữ “nhiệm kỳ” mà chúng ta sử dụng được dùng bằng thuật ngữ “term of office” hoặc “tenure of office”. Hai thuật ngữ ấy, dịch một cách nôm na, mang hàm nghĩa nói chung là “thời hạn tại vị” (term of office) và “thời gian chiếm giữ vị trí” (tenure of office).

Nó không có bất kỳ một tiếng nào liên quan đến khái niệm “trách nhiệm” bởi người ta mặc định suy nghĩ khác người Việt mình. Họ coi chuyện trách nhiệm là tất nhiên phải gánh vác, kể cả trách nhiệm đối với những gì đã xảy ra trong quá khứ.

Nó giống như cách ông cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, trong một phát biểu gần đây, đã thừa nhận rằng mình có lỗi khi để nước Anh tham chiến ở Iraq.

Ông Blair cho rằng ông vẫn đúng, những việc ông làm không sai. Song, di chứng của cuộc tham chiến ấy vẫn còn trên gương mặt xã hội Anh hôm nay, thể hiện trên những vết đau của thương phế binh; trên ám ảnh tinh thần của những cựu binh; trên nỗi hoảng sợ của xã hội trước mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố mà cụ thể là nó dẫn đến hệ quả Brexit đình đám.

Và người thủ tướng đã từ nhiệm nhiều năm vẫn đứng ra đảm lãnh trách nhiệm ấy về mình, bất chấp cái “term of office” của ông đã chấm dứt từ lâu rồi. Giả sử, nếu người Anh cũng tư duy hạ cánh an toàn như người Việt mình, chắc họ sẽ dùng một cụm từ khác, cụm từ “term of responsibilites”, tức là thời hạn chịu trách nhiệm.

Thế mới thấy, muốn bỏ tư duy nhiệm kỳ, phải bỏ ngay chữ “nhiệm” trong cụm từ ấy. Phải coi nó chỉ là một thời hạn lao động, thời hạn phục vụ. Còn nhiệm vụ, nó phải là một thứ trọn đời bởi anh sống trong xã hội, anh phải chịu trách nhiệm đối với xã hội đến tận cùng.

Đặc biệt là khi anh đưa ra những quyết định quan trọng, ảnh hưởng tới đời sống của biết bao con người, những người cần lao thậm chí cả cuộc đời không bao giờ có cơ hội được trải qua một thời hạn phục vụ nào bởi cả đời họ phải làm việc, cả đời họ phải chịu trách nhiệm không chỉ với mỗi những gì mà họ đã làm.

Rất may là đã bắt đầu thấy những tín hiệu thay đổi tích cực. Khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố phải kiểm tra nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nếu có sai phạm và tiếp sau đó là việc Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết đang tiếp cận hồ sơ và giao cho 2 tổng cục của Bộ Công an điều tra vụ thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng của Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), chúng ta có thể tin tưởng rằng dù cái nhiệm kỳ tổng giám đốc, bộ trưởng đã đi qua nhưng sai phạm thì vẫn phải quy trách nhiệm về những người tưởng như mình đã hạ cánh an toàn.

Đúng. Đã đến lúc cần có những cú hạ cánh không an toàn, để những người tại vị hiểu rằng, trách nhiệm với nước, với dân là một trách nhiệm trọn đời.

�ng đang hết sức đáng lo ngại của nền kinh tế. Mà nếu kinh tế không hồi dương, thì đừng hy vọng vào bất cứ điều gì nữa.
Hà Quang Minh
.
.