Trách nhiệm nhiệm kỳ

Nếu không có giới hạn

Thứ Ba, 02/08/2016, 16:18
Nếu không có giới hạn được luật định bằng trách nhiệm để cảnh tỉnh hành vi, sẽ chẳng có ai biết sợ hãi mà dừng lại những điều sai trái khi đang nắm giữ quyền lực trong tay.


Chúng tôi tin rằng, phải lấy trách nhiệm nhiệm kỳ để đối chọi lại với tư duy nhiệm kỳ. Một thứ tư duy đang gây rất nhiều hệ lụy ngày càng nghiêm trọng trong hơn một thập kỷ qua.


1. Một đoạn trích trong bài báo Không còn dư địa ngân sách được in trên tờ tạp chí uy tín về kinh tế của nước ta: “Ngân sách quốc gia đang rơi vào tình cảnh khó khăn nghiêm trọng. Nghiêm trọng đến nỗi Bộ trưởng Bộ Tài chính phải thốt lên “mấy năm nay, điều hành ngân sách như kiểu đi trên dây. Năm 2016 tiếp tục đi trên dây. 

Cứ tình hình này kéo sang năm 2017, dây mà đứt thì chúng ta chết”, còn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cảm thán rằng với vẻn vẹn 45.000 tỉ đồng ngân sách còn lại sau khi trừ đi các khoản chi thường xuyên thì “không biết phải làm gì, chưa nói đến phải trả nợ. Trả nợ xong gần như không có tiền để làm gì cả”.

Những cảnh báo như vậy là hết sức cần thiết, song cần thiết hơn là phải nhanh chóng thiết lập được kỷ luật ngân sách và cải thiện hiệu quả chi tiêu. Ngân sách quốc gia hiện nay đã hết dư địa, hoàn toàn không còn chỗ cho những dự án “ngàn tỉ” nằm đắp chiếu, hay cho hàng loạt tượng đài “vung tay quá trán” và cho cả những dự án tiềm ẩn nhiều rủi ro như mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Nếu không chấm dứt tình trạng này, sự sụp đổ của nền tài khóa quốc gia là điều không thể tránh khỏi”.

Có quá nhiều thứ đang diễn ra theo chiều hướng rất xấu về ngân sách, mặc cho ai cũng hiểu một nền kinh tế có thể phát triển bền vững phụ thuộc vào ngân sách có bền vững và thu chi cân đối theo tính toán hay không. 

Những con số kiểm toán, thống kê luôn có phép thuật riêng của nó, đó là thứ phép thuật không dành cho người thiếu kiên nhẫn khi đọc. Thế nhưng, hiện thực của đời sống thì lại không hề gây ảo giác, nghĩa là có sao hiển hiện vậy, không cần đến sự kiên nhẫn hay hăng hái nhiệt thành gì cả. Nhìn sẽ thấy ngay lập tức.

Minh họa: Hữu Khoa.

2. Ngân sách cách đây gần một thập kỷ còn đang dôi dư, nếu tôi nhớ không nhầm thì thời điểm ấy rất nhiều trang báo quốc tế đã vẽ ra một cảnh tượng vô cùng tươi sáng đối với nước ta, về các chính sách ưu đãi đầu tư, môi trường cạnh tranh lành mạnh, chỉ số minh bạch...

Họ không tiếc lời gọi chúng ta với những mỹ từ như: Việt Nam sắp hóa rồng, con hồ Việt Nam đã thức giấc. Thậm chí, đã có những dự đoán tiệm cận giữa Việt Nam và Thái Lan, ngấp nghé Singapore.

Đó là những tháng ngày tươi đẹp với sự bình ổn về giá, về các mặt hàng thiết yếu, năng lượng thiết yếu, với viện phí, học phí, quỹ lương đều nằm trong ngưỡng an toàn.

Ấy vậy mà, không hiểu sao chỉ trong vòng chưa đầy mười năm, khi người dân bắt đầu nghe nói và chứng kiến cụm từ “tư duy nhiệm kỳ” thì ngay lập tức gió xoay chiều. Chiếc xe kinh tế Việt Nam lao dốc mà phanh đang trục trặc nghiêm trọng.

Người dân cũng được nghe đến đại án tham nhũng, hàng nghìn tỷ thất thoát. Đến một ông không giữ quyền to chức trọng cũng thản nhiên rút hàng triệu USD để mua nhà ở nước này nước kia, sống nhất dạ đế vương. 

Hay như ông Trịnh Xuân Thanh, người bị xác định chịu trách nhiệm chính trong việc thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng ở một tổng công ty vẫn nghiễm nhiên được đề bạt làm phó chủ tịch UBND tỉnh, rồi trúng cử Đại biểu Quốc hội. May mà, lãnh đạo Trung ương đã kịp thời nhìn thấy và quyết liệt chỉ đạo xử lý.

3. Không thể tin được rằng những tỉnh nghèo còn phải nhận viện trợ từ Trung ương hồn nhiên xin phê duyệt các dự án tượng đài nghìn tỷ, cũng như không thể tin được rằng có những tượng đài nghìn tỷ bị bỏ hoang. Những cụm từ bóng bẩy đầy lạc quan như, ý nghĩa về mặt tâm linh, ý nghĩa về mặt tinh thần hóa ra chỉ là cơn cớ cho việc dễ dàng thoát qua cổng gác để xâm nhập vào ngân sách.

Bởi làm sao có chuyện các tỉnh nghèo lại nợ tiền xây dựng nông thôn mới, ít thì vài tỷ, nhiều thì vài chục tỷ. Làm sao có chuyện các công trình nghìn tỷ đắp chiếu, các nhà máy thua lỗ lũy tiến mỗi năm, mà lần thua lỗ nào cũng tính bằng trăm tỷ. Làm sao có chuyện một nhà máy được Bộ Tài chính bảo lãnh cho vay mấy nghìn tỷ chỉ để xây dựng xong rồi vứt đó vì dây chuyền sản xuất không phù hợp.

Hiện trạng này cứ như những đứa trẻ lười nhác, ù lì nhưng lại sở hữu cái dạ dày không đáy để luôn ngoác miệng cắn một miếng thật to vào miếng bánh ngân sách vốn đã đầu thừa đuôi thẹo từ rất lâu.

Ngạc nhiên hơn, những kẻ gây ra thất thoát, thiệt hại ấy lại vẫn bình an vô sự, lại vẫn có thể ký công văn này, đề nghị kia để xin thêm tiền. Họ, đích xác là những người không còn liêm sỉ.

Vì sao họ có thể trơ trơ ra đó, chắc chắn là vì không có bất cứ trách nhiệm nào được áp đặt lên những sai lầm, những quyết định không chuẩn xác của họ. Tiền là tiền ngân sách, có phải tiền của họ đâu mà họ xót.

Điển hình như ở Bộ Công thương dưới thời nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, hàng loạt quyết định luân chuyển, để bạt cán bộ rất kỳ lạ, khó hiểu (mà báo giới gần đây đã phân tích rất rõ) đều có điểm chung. Điểm chung ấy chính là nhằm hợp thức hóa cho các cán bộ gây thất thoát nghìn tỷ không phải chịu trách nhiệm, hoặc được về một nơi vốn là chỗ miếng ăn béo bở.

Thế nên, nếu không nhanh chóng xác lập một giới hạn, một biên độ để quy kết trách nhiệm thì chắc chắn sẽ không còn cơ hội để cứu vãn thực trạng đang hết sức đáng lo ngại của nền kinh tế. Mà nếu kinh tế không hồi dương, thì đừng hy vọng vào bất cứ điều gì nữa.

Ngô Nguyệt Lãng
.
.