Nghịch lý hạ tầng

Những chuyện khó tin có thật!

Thứ Ba, 30/10/2018, 11:06
1. Đường cao tốc 34.500 tỉ Đà Nẵng - Quảng Ngãi xuất hiện nhiều chỗ hư hỏng nặng khi mới đưa vào sử dụng khoảng một tháng. Và khi những ổ gà, ổ trâu mới khắc phục xong thì người ta lại phát hiện đường hầm thấm nước, chảy tràn xuống cầu chui.

Khi mà cơn cớ dự án xe lửa trên cao Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) còn chưa vơi nỗi lo đội vốn và làm rõ trách nhiệm giám sát, thì cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi với tổng số vốn đầu tư lên đến 34.500 tỷ vừa mới thông xe đã vướng hàng loạt câu chuyện từ bong tróc ổ gà cho đến thấm nước… mà nhìn đơn giản nhất thì rõ ràng có dấu hiệu làm gian làm dối.
Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi tệ đến độ chính Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đích thân yêu cầu dừng thu phí. Đó là chưa kể đến những lùm xùm bán gói thầu, bị tố cáo tiêu cực, phát ngôn lăng nhăng của đơn vị thi công khi cho rằng đường hỏng do mưa đầu mùa rồi sau đó phải đi đính chính, giải thích từ tiếng Kinh ra tiếng Việt… Căn nguyên là do đâu?


Vì sao một công trình giao thông hàng chục nghìn tỷ nhưng nhanh và dễ dàng hỏng đến như vậy?

Dù cơ quan điều tra chưa có kết luận chính thức là sai phạm của ai, nhưng qua sự việc vừa qua, người ta cũng hiểu được rằng, đó chỉ có thể là sự cẩu thả trong thi công, giám sát, nghiệm thu công trình, là tình trạng rút ruột công trình để bỏ túi riêng. 

Bởi không chỉ có cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mà từ bao lâu nay, rất nhiều công trình thậm chí mới xây xong, chưa đưa vào sử dụng thì đã hư hỏng và nguyên nhân của nó không nằm ngoài những điều trên.

Và không chỉ có những công trình giao thông, đường sá cầu cống mà cả những công trình văn hóa cũng cùng chung số phận, xây xong không sử dụng được hoặc vừa xây xong đã xuống cấp. 

Hẳn người ta chưa quên công trình Nhà hát Trần Hữu Trang hơn 100 tỷ ở TP HCM xây xong thì đắp chiếu vì sai thiết kế, không phù hợp với nhu cầu biểu diễn cũng như tiêu chí đặt ra nên không thể hoạt động được. Đây cũng là công trình đã đội vốn lên gấp 2 lần so với dự toán ban đầu.

Một công trình nhà hát cải lương được xem là hiện đại nhất TP HCM nhưng khi xây xong, nghệ sĩ bảo “Xây nhà hát nhưng lại… không giống như nhà hát” (!). Đó là một câu chuyện khó tin ở một thành phố văn minh, hiện đại như TP HCM. Khó tin nhưng nó đã xảy ra!

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến người ta phản ứng gay gắt với chủ trương xây Nhà hát giao hưởng nghìn tỷ ở Thủ Thiêm, mặc cho chính quyền thành phố có lý giải thế nào. 

Với bài học nhãn tiền đó, liệu Nhà hát có trở thành công trình biểu tượng của thành phố như mong muốn của một số người hay không hay thành phố lại có một công trình nghìn tỷ “bỏ hoang”?

Không hiểu sao, người ta lại hào hứng với chuyện xây nhà hát đến thế trong khi nhu cầu thực tế thì không có, hoặc rất ít. Đó là lý do trên đất nước này, bao nhiêu nhà hát ở các địa phương đã “đắp chiếu” vì không có khách, không có chương trình. 

Phải chăng, xây nhà hát cũng là “phong trào” như phong trào xây cổng chào, xây nhà văn hóa, xây tượng đài thật to như trước đây, cốt là để cho oai?

Chủ trương xây Nhà hát giao hưởng nghìn tỷ ở Thủ Thiêm đã được HĐND TP thông qua rồi, xong câu trả lời cho những câu hỏi về mục đích, ý nghĩa thật sự của việc xây nhà hát lúc này thì vẫn rất mơ hồ. Các ý kiến ủng hộ chỉ tập trung vào việc cho rằng, công trình Nhà hát giao hưởng này sẽ là biểu tượng của thành phố, thành phố cần có một nhà hát, một công trình xứng tầm,… là những giá trị rất mông lung!

Đó là chưa kể, dân Thủ Thiêm hay dân thành phố và cả nước liệu có hân hoan vui mừng với nhà hát nổi không khi nước mắt dân Thủ Thiêm vẫn đang chảy nóng hổi, mặn đắng liên quan đến những sai phạm đất đai chưa được giải quyết xong! Câu trả lời chắc chắn là không, ngoại trừ số ít người đã không hề để tâm đến việc đó…

2. Trở lại câu chuyện các công trình mới xây xong đã hỏng, vừa đưa vào sử dụng đã xuống cấp. Trước hết nó thể hiện năng lực, chất lượng thi công của nhà thầu; trong đây, bao gồm cả sự “rút ruột” công trình. 

Và để đảm bảo những điều này không xảy ra, đó là trách nhiệm của Ban Quản lý dự án, đội ngũ giám sát thi công với hàng loạt những quy trình kiểm tra, thẩm định chất lượng hàng ngày… Vậy mà những công trình kém chất lượng vẫn thường xuyên ra đời. Nhất là những công trình công cộng, những công trình từ tiền nhà nước.

Tâm lý “Cha chung không ai khóc”, “Tiền ngân sách là tiền… chùa”,… là có thật và đã được nhắc đến rất nhiều lần trước đây. Về mặt lý thuyết, với những quy định chặt chẽ, nghiêm ngặt về giám sát, kiểm tra chất lượng công trình thì rất khó để những sai sót, tiêu cực có cơ hội. Song, có lẽ thực tế đã không diễn ra như vậy.

Thực tế ở đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cho thấy, trước khi những hư hỏng ồn ào trên các mặt báo thì vào cuối năm 2017, đã có thư tố cáo ông Giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc này có các hành vi “vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định về quản lý dự án, vi phạm quy chế tổ chức hoạt động,…”. 

Và sau khi xác minh đơn tố cáo, người ta phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến chất lượng công trình ở các gói thầu trong dự án này!

Với những sai phạm đó, thì việc cao tốc xuất hiện “ổ trâu”, “ổ gà” và thấm nước khi mới đưa vào khai thác 1 tháng như những gì báo chí phản ánh vừa qua là chuyện dễ hiểu. Dư luận đang chờ cơ quan chức năng điều tra và có kết luận cuối cùng, bởi phải có người phải chịu trách nhiệm về những sai phạm này và phải bị xử lý thật nghiêm trước pháp luật.

Đã có nhiều những công trình mọc lên nhưng không sử dụng được, hoặc vừa sử dụng đã hỏng. Đó là một nghịch lý khủng khiếp ở thời đại này. Nó cho thấy sự thiếu trách nhiệm và vô cảm đến lạnh lùng của con người trong những công trình đó.

Nhưng vì sao người ta lại có thể thiếu trách nhiệm và vô cảm đến như vậy? Phải chăng, đó không chỉ là câu chuyện của lòng người mà sự quản lý, xử lý của chúng ta vẫn chưa thật sự nghiêm túc và đủ răn đe? Trong môi trường đó, những ý nghĩ và hành động tiêu cực được tự do phát triển!

Hoàng Lãm
.
.