Lòng tốt, có cần động cơ?

Thứ Tư, 23/03/2016, 07:49
Không để bị rắc rối khi làm người tốt, đó là một lựa chọn khôn ngoan khi người ta đặt mọi giá trị lên bàn cân giữa “được” và “mất”. Khi đó, động cơ làm người tốt cũng không còn nữa. 


1. Đã không có bất kỳ một chiếc xe nào dừng lại để cứu người trong vụ tai nạn trên phố Ái Mộ xảy ra ngày 29-2 vừa qua. Khi đọc thông tin về vụ tai nạn này, tôi đã tưởng tượng đến cánh tay đưa lên cầu cứu trong nỗi tuyệt vọng. Đó hẳn là một điều đáng buồn trong cuộc sống hôm nay.

Nhưng, tôi không quá bi quan để cho rằng tất cả những người đã lặng lẽ đi qua phố Ái Mộ hôm đó đều vô cảm với đồng loại. Tôi có thể hình dung ra ở đâu đó những đôi mắt đầy thương cảm và chua xót trước số phận của những con người xấu số hôm ấy. Tôi tin những người đi qua con phố đó không hề vô cảm. Có chăng là cảm xúc của họ đã không thể biến họ thành một người tốt thật sự, qua một hành động cụ thể là cứu người.

Vì sao lại như vậy? Bản thân tôi đã từng nhiều lần đặt ra câu hỏi này, nhất là khi đọc những lời bình luận dưới mỗi bài viết về cái ác, cái xấu, về sự dửng dưng, vô cảm của người với người xuất hiện nhan nhản trên các trang báo. Đó là những ý kiến bày tỏ sự bất bình, phẫn nộ, lên án hành vi đó. Điều đó cho thấy xã hội ta không hề vô cảm.

Song, lương tâm đó đã ở đâu khi người ta lặng lẽ nhìn và lướt qua những nạn nhân kêu cứu trong vụ tai nạn ở phố Ái Mộ? Và, sự phẫn nộ đó đã ở đâu khi chứng kiến hàng chục người ngang nhiên xông vào cướp tiền của người đàn ông bị cướp hụt giữa phố hay đám đông đổ xô ra hôi của, hôi bia, hôi trái cây… khi chiếc xe vận chuyển gặp tai nạn giữa đường?!

Rất hiếm khi ai đó hỏi rằng, vậy chúng ta sẽ làm gì khi chứng kiến những sự việc như thế?! Thật ra cũng dễ hiểu vì không mấy ai sẵn sàng trả lời một cách thành thật câu hỏi này cả!

Minh họa: Hữu Khoa.

Tôi đã chứng kiến một anh hàng xóm dạy cậu con trai mới lớn của mình rằng, hãy tránh xa mọi rắc rối nếu muốn yên thân. Hẳn là chẳng có gì để phản đối cách dạy con này cả, nhất là khi chúng ta đang sống trong một không gian xã hội ẩn chứa quá nhiều rủi ro như hiện nay. Làm người tốt sẽ dễ gặp rắc rối. Dẫu không hề dễ chịu khi thừa nhận điều này, song dường như nó đã trở thành một bài học làm người cơ bản trong mỗi gia đình hôm nay.

Không để bị rắc rối khi làm người tốt, đó là một lựa chọn khôn ngoan khi người ta đặt mọi giá trị lên bàn cân giữa “được” và “mất”. Khi đó, động cơ làm người tốt cũng không còn nữa. Có lẽ, đó là lý do khiến nhiều người đã lẳng lặng lướt qua những cảnh thương tâm trên con đường mà họ đi qua hằng ngày.

Tất nhiên, ta không thể nhân danh đạo đức để trách bất cứ ai vì điều này, đó là quyền lựa chọn của mỗi người. Có chăng là sự xót xa khi nhận thấy rằng, giá trị của lòng tốt hiện nay được quan tâm ít dần đi trong hệ thống giá trị của con người.

Nhu cầu được làm một người tốt thật sự cũng không còn là đòi hỏi bức thiết trong cuộc sống hôm nay bởi có quá nhiều nhu cầu khác khiến con người ta phải mê mải chạy theo. Đó là mục đích kiếm tiền và tạo dựng quyền lực, nó khiến người ta không còn thời gian để quan tâm đến chính những người thân của mình thì nói chi đến những người xa lạ ngang đường!

Khi viết về điều này, tôi chợt nhớ đến Nam Cao, một nhà văn mà tôi vô cùng quý mến. Ông có viết trong tác phẩm Đời thừa rằng: “Không có tình thương, con người chỉ là một con vật bị sai khiến bởi lòng ích kỷ”. Tôi tin, chúng ta điều là con người cả, chỉ là tôi không biết có ai đã tự hỏi lại mình rằng, có phải ta càng ngày càng đang trở nên ích kỷ quá hay không, mà thôi!

2. Nói là vậy, nhưng bên cạnh những điều xấu, xung quanh ta cũng không thiếu những điều tốt đẹp. Dư luận đang rất bất bình khi bà Giám đốc Trung tâm phân tích ADN nọ ở Hà Nội đã thản nhiên công bố trường hợp song sinh nhưng khác cha. Người này đã không hề nghĩ đến việc công bố đó sẽ tác động xấu thế nào đến cuộc đời hai đứa trẻ vô tội. Nhưng ngược lại so với bà Giám đốc AND ấy thì cũng đã có những người cha lẳng lặng thương con mình dù biết rằng đứa con ấy chỉ trên danh nghĩa chứ không huyết thống!

Nếu như có những người đã tắm dầu nhớt cho rau muống được xanh tươi trước khi cắt ra chợ bán thì cũng có những người tự tay bắt từng con sâu, tỉ mỉ chăm cho luống rau xanh tốt bằng chính công thức của mình chứ không phải bằng những thứ độc chất. Họ biết rằng rau của họ chẳng thể có giá tốt, chẳng thể giúp họ lãi to được, song họ vui vì cần lao có được bữa rau an toàn!

Tôi vẫn luôn tin rằng, việc ta vui với niềm vui của người khác tuy là niềm vui đạm bạc nhưng nó sẽ khiến tâm hồn trở nên vô cùng sung mãn!

Hay một ông chủ đầu tư đập thủy điện nọ ở vùng Tây Nguyên đã dùng đất, đá, cát, sỏi có sẵn dưới suối để đổ đầy vào thân đập thay vì phải dùng bê tông đá hộc, vữa mác như yêu cầu của thiết kế công trình… Điều đó đã thể hiện sự vô cảm gần như chạm đáy. Song, xã hội chúng ta cũng có rất nhiều người khác ông chủ thủy điện kia, đó là những người tự tay đi mua cát đá, xi-măng về vá lại một cái ổ gà nào đó trên đường với mong muốn sẽ chẳng có ai bị tai nạn vì sụp phải cả!

Hay nếu như có đám thanh niên nào đó thường xuyên rải đinh trên một con đường nhựa ở quê tôi Long An, thì có bạn tôi, một cán bộ xã đã chế ra chiếc xe hút đinh và vá xe miễn phí.

Nếu bạn thấy có một tai nạn trên đường và người ta đều bỏ đi hết thì cũng đừng vội kết luận con người vô cảm. Bởi mới vừa rồi, cô bạn tôi làm trong lĩnh vực nghệ thuật đã đưa một ông chú nhậu say và tự gây tai nạn cho mình khá nặng vào bệnh viện, đóng viện phí cho chú ấy được thăm khám đàng hoàng rồi mới ra về…

Sẽ còn rất nhiều những điều tốt đẹp như thế trong xã hội này hôm nay. Song, có một điều đáng tiếc là thường thì những điều tốt đẹp tương tự như vậy sẽ bị chìm khuất sau những sự kiện giải trí giật gân, hay một cuộc tranh cãi về việc cô kia cô nọ lộ nội y chẳng hạn.

Có phải, những cảm xúc méo mó của con người trong đời sống hôm nay đã bắt nguồn từ xu hướng câu khách này của các trang báo mạng chăng?!

Hoàng Lãm
.
.