Người Việt có hung hãn không?

Học giả luận người Việt

Thứ Năm, 03/03/2016, 18:51
Trong số 5.121 trường hợp nhập viện vì đánh nhau này, có 13 trường hợp kém may mắn đã tử vong. Nhìn vào con số mà Bộ Y tế đưa ra dễ mường tượng đến một xã hội bất an với những công dân ưa bạo lực, chuộng đánh đấm.

Chuyên đề này, chúng tôi (Hà Quang Minh, Hoàng Lãm và Ngô Nguyệt Lãng) lạm bàn về người Việt có hung hãn không? Nhân thống kê của Bộ Y tế cho thấy có đến có 5.121 trường hợp nhập viện vì đánh nhau trong mấy ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2016. Trong số 5.121 trường hợp nhập viện vì đánh nhau này, có 13 trường hợp kém may mắn đã tử vong. Nhìn vào con số mà Bộ Y tế đưa ra dễ mường tượng đến một xã hội bất an với những công dân ưa bạo lực, chuộng đánh đấm.

Tôi có viết bình luận ngắn một cách tếu táo về vấn đề này: “Không đánh nhau thì biết làm gì?”. Thật sự khi đùa kiểu ấy, tôi cũng đau lòng. Bởi trong thẳm sâu tư duy của cá nhân, tôi vẫn tin vào những điều tốt đẹp trong bản tính của người Việt. Mặc dù, chúng ta vẫn còn nhiều tủn mủn, vụn vặt. Có điều, kiến văn của tôi không tỷ lệ thuận với tuổi tác. Những điều cần nói thì hai cộng sự đã nói rồi. Thế nên, chỉ dám trích dẫn lại ý kiến của các học giả tên tuổi để bạn đọc minh định đặc tính của người Việt mà thôi.

Còn chúng ta có hung hãn hay không? Người Việt có hung hãn hay không? Tôi nghĩ, rõ ràng chúng ta ngày càng tiệm cận với sự hung hãn, từ trong lời nói, ký tự cho đến hành động. Căn nguyên của sự buồn bã này bắt nguồn từ đâu, cần được làm rõ một cách nghiêm túc.

1. Học giả Trần Trọng Kim đưa ra nhận định: “Người Việt Nam thuộc về loài da vàng, nhưng mà người nào phải đi làm lụng dầm mưa dãi nắng lắm, thì nước da ngăm ngăm đen, người nào nhàn hạ phong lưu, ở trong nhà luôn, thì nước da trăng trắng như màu ngà cũ. 

Trạc người thì thấp nhỏ hơn người Tàu, mà lăn lẳn con người, chứ không to béo. Mặt thì xương xương, trông hơi bèn bẹt, trán thì cao và rộng, mắt thì đen và hơi xếch về đàng đuôi, hai gò má thì cao, mũi hơi tẹt, môi hơi dày, răng thì to mà lại nhuộm đen. Râu thì thưa mà ít, tóc thì nhiều và dài, đen và hơi cứng. Dáng điệu đi đứng thì nhẹ nhàng và xem ra bộ vững vàng chắc chắn.

Minh họa: Hữu Khoa.

Áo quần thì dài rộng, đàn ông thì búi tóc và quấn khăn vành rây, áo mặc dài quá đầu gối, tay áo thì chật, ống quần thì rộng. Đàn bà ở Bắc Việt và phía bắc Trung Việt thì đội khăn, mà ở chỗ thành thị thì mặc quần, còn ở nhà quê thì hay mặc váy. Ở phía nam Trung Việt và Nam Việt thì đàn bà hay mặc quần cả, và búi tóc, chứ không đội khăn bao giờ.

Về đàng trí tuệ và tính tình, thì người Việt Nam có cả các tính tốt và các tính xấu. Đại khái thì trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu, khéo chân tay, nhiều người sáng dạ, nhớ lâu, lại có tính hiếu học, trọng sự học thức, quý sự lễ phép, mến điều đạo đức: lấy sự nhân, nghĩa, lễ, trí, tín làm 5 đạo thường cho sự ăn ở. Tuy vậy vẫn hay có tính tình vặt, cũng có khi quỷ quyệt, và hay bài bác nhạo chế. Thường thì nhút nhát, hay khiếp sợ và muốn sự hòa bình, nhưng mà đã đi trận mạc thì cũng có can đảm, biết giữ kỷ luật.

Tâm địa thì nông nổi, hay làm liều, không kiên nhẫn, hay khoe khoang và ưa trương hoàng bề ngoài, hiếu danh vọng, thích chơi bời, mê cờ bạc. Hay tin ma quỷ, sùng sự lễ bái, nhưng mà vẫn không nhiệt tin tôn giáo nào cả. Kiêu ngạo và hay nói khoác, nhưng có lòng nhân, biết thương người và hay nhớ ơn.

Đàn bà thì hay làm lụng và đảm đang, khéo chân, khéo tay, làm được đủ mọi việc mà lại biết lấy việc gia đạo làm trọng, hết lòng chiều chồng, nuôi con, thường giữ được các đức tính rất quý là: tiết, nghĩa, cần, kiệm.

Người Việt Nam từ Bắc chí Nam, đều theo một phong tục, nói một thứ tiếng (tuy rằng mỗi nơi có một ít tiếng thổ âm riêng và cái giọng nói nặng nhẹ khác nhau, nhưng đại để thì vẫn là một thứ tiếng mà thôi) cùng giữ một kỷ niệm, thật là cái tính đồng nhất của một dân tộc từ đầu nước đến cuối nước” (Việt Nam Sử lược).

2. Các nhà truyền giáo phương Tây thời nhà Nguyễn nhận định: “Xuôi miền đồng bằng gồm cả xứ Đông Kinh, là một miền rất đông đúc, đời sống người dân nghèo nàn cơ cực vì đất không nuôi đủ được người. Ngoài ra có nhiều kẻ ăn hại chỉ có độc một nghề là đi cướp phá mùa màng, dùng vũ lực hay dùng mưu mẹo để trộm cắp ở các nhà, vu cáo để gây ra chuyện kiện tụng và làm cho người khác phải tán gia bại sản.

Ở xứ này, giàu có nhiều tiền lắm bạc là một tội to. Ai cũng sẵn sàng sinh sự và hãm hại người giàu mãi cho tới lúc họ bị rơi vào cảnh nghèo nàn” (Thư của các giáo sĩ thừa sai).

Quyển sách Thư của các giáo sĩ thừa sai từng được xuất bản bằng tiếng Pháp năm 1821. Nguyễn Minh Hoàng đã tiến hành dịch lại bằng tiếng Việt do NXB Văn học và Trung tâm Quốc học xuất bản năm 2013. Đây là một quyển tư liệu tập hợp những bức thư của các giáo sĩ thừa sai của Hội thừa sai Paris trong quá trình truyền đạo ở Việt Nam từ năm 1766 đến 1786. Quyển sách gồm 2 phần. Phần đầu là giới thiệu sơ lược về nước Việt Nam xưa còn phần sau là tập hợp 57 bức thư của các giáo sĩ thừa sai gửi về Pháp hay Ma Cao cho người thân hay các cha bề trên trong Hội Thừa sai Paris”.

3. Giáo sư, Nhà văn hóa học Trần Ngọc Thêm - một trí thức mà tôi rất ngưỡng mộ, nhận định: “Nền văn hóa âm tính như nước ta có nhiều ưu điểm, nhưng nó cũng có những hạn chế. Ví dụ, tính cộng đồng làng xã buộc tất cả mọi người phải giống nhau. Ai mà trồi lên thì sẽ bị kéo xuống, tất cả đều được cào bằng. Vì vậy, mỗi người luôn khao khát có một vị trí trong làng và vì vậy ai cũng thích hơn người khác một chút. Vì sao lại hơn một chút? Vì hơn nhiều là sẽ bị để ý, sẽ bị kéo xuống ngay. Thậm chí là bị đánh hội đồng. Cho nên ai cũng thích hơn người khác một chút thôi, hơn người được một chút là thích lắm, là sung sướng lắm. Y như trong thành phố bây giờ, bạn cứ thấy nhà nào sửa nhà thì ngay lập tức sẽ cố xây vỉa hè phố trước nhà mình cao hơn vỉa hè nhà bên cạnh một chút, bất chấp việc vỉa hè phố không thuộc sở hữu của mình.

Tính cộng đồng còn làm nảy sinh thêm một tật xấu khác là tật thích “tám”, thích nổ, thích khoe. Tám chuyện, buôn dưa lê là đặc tính rất rõ của văn hóa âm tính. Đó là biểu hiện của những người thừa thời gian, rỗi việc cho nên hay la cà buôn chuyện. Cho nên người Việt Nam không chỉ phụ nữ, mà ngay cả đàn ông cũng thích tám. Phụ nữ thì ngồi với nhau để tám, còn đàn ông thì buôn chuyện ở quán nhậu, quán cà phê.

Cộng với cái tính thích chém gió, thích nổ, thích khoe, thích khẳng định mình một chút thì mạng xã hội facebook là mảnh đất màu mỡ để phục vụ cho những đặc tính này.

Tật buôn chuyện, thói a dua, bệnh chém gió… đều là những hậu quả của văn hóa âm tính”.

4. Thừa nhận tất cả đặc tính của chính mình để giữ lại điều hay, sửa đổi điều chưa được, răn mình khuyên người cũng là điều nên làm lắm thay.

Ngô Nguyệt Lãng
.
.