Chúng ta có hung hãn không?

Chủ Nhật, 22/03/2015, 14:35
Là chuyện gió sớm mưa chiều, những khi rỗi rãi, những lúc nhàn hạ. Thích, thì đọc cho biết. Không thích, thì đọc cho vui. Bởi, đời sống là mấy chốc đâu. Vui được lúc nào thì vui, cười được khi nào thì cười.

Bạn có đồng ý với quan điểm của tác giả hay không, là chuyện của cá nhân bạn. Văn minh là gì? Văn minh là biết cách tôn trọng: mỗi cá nhân khác nhau, luôn có những tư duy khác nhau.

Có mấy vụ đánh nhau tập thể trong lễ hội mùa xuân, cướp phết, cướp hoa tre, cướp lộc… Lại thêm tin tổng hợp, mấy ngày Tết có gần 6 nghìn vụ đánh nhau phải nhập viện. Đánh nhau thì nguyên tắc ít nhất phải có hai người, nhiều thì năm người đánh một, hàng chục người đánh hai... Còn đánh nhau tại lễ hội thì cứ như là giáp lá cà, hỗn chiến, bạ đâu đánh đó. Túm được tay áo xanh thì đánh tay áo xanh, níu được gã áo đỏ thì đạp ngay gã áo đỏ. Chộp được kẻ mặc áo màu xanh nõn chuối, tính “múc” luôn thì giật mình bảo, “A! Hóa ra không phải đàn ông, thôi tha!”.

Nghĩa là chắc chắn phải có hơn vạn người tham gia đánh nhau. Nếu lấy dân số của nước mình tròm trèm, nhấp nhổm ở mức chín mươi triệu người thì tỉ lệ phần trăm người đánh nhau ở nước mình Ngô tính được đâu là 0,01% gì đấy.

0, 01% dân số tham gia đánh nhau vào vài ngày Tết thì có nhiều không? Chắc chắn là nhiều rồi, vì người tham gia đánh nhau toàn là người lớn.

Vậy thì, liệu chúng ta có hung hãn không?

1. Tiền nhân dạy, “Chưa đánh được người mặt đỏ như vang/ Đánh được người rồi mặt vàng như nghệ”. Rồi tiền nhân lại bảo, “Hai đánh một không chột cũng què”. Thêm cái văn hóa Nho giáo nhập vào nước ta thành, “Quân tử trả thù mười năm chưa muộn”.

Hồi còn bé, mà cho đến tận bây giờ khi đã bớt bé rồi, Ngô xem phim thấy quanh đi quẩn lại chỉ có vậy, “Mày đánh bố tao, tao chưa trả thù được nhưng tao vẫn cứ găm đấy. Khi nào tao khỏe mày yếu, tao sẽ đánh cho mày sống không được, chết không xong, dở dở ương ương, gặp ai cũng mừng gặp ai cũng chào”. Như xem phim thì thích nhất đoạn Lâm Xung sát hại Vương Thông, Võ Tòng giết chết Tây Môn Khánh…

Như vừa rồi có vụ đâm chết người ở Cần Thơ. Mấy ông ngồi uống rượu với nhau, say say, một ông hét lên, “Á, ngày trước mày có đấm tao một cái. Tao phải báo thù”. Dứt câu, kéo băng nhóm dùng tất cả những thứ có được trong tay để tấn công, hậu quả thì có nhà khóc thương người thân không may mất mạng, có nhà lỉnh kỉnh tay xách nách mang thăm người thân trong chốn lao tù.

Như có vụ còn dã man hơn xảy ra ở Đắk Nông hay Đắk Lắk gì đấy. Ông anh nhậu say vặt mít của hàng xóm nên bị hàng xóm đánh. Chuyện đã mấy năm qua, ông em trên đường về phát hiện con trai của hàng xóm đang tha thẩn chơi bèn sát hại để báo thù giúp anh.

Cái tâm lý trả thù là chuyện trọng đại đã hình thành tự sâu trong tư duy của mỗi cá nhân. Ngay cả trong chuyện luyến ái, nơi mà người ta thường ví von với những ngôn từ mỹ miều nhất kiểu “Chúc cho em có được người yêu như tôi đã từng yêu em” vẫn nảy sinh tâm lý trả thù.

Anh này yêu cô này, cô này yêu một thời gian chán không yêu nữa nên kiếm một anh khác. Anh này níu kéo mấy bận không được bèn kiếm anh kia, lẳng lặng không nói rút dao đâm cho một phát vì cái tội “Dám để bạn gái cũ của tôi yêu ông?”. Còn không thì anh này sẽ rình mò cô này để “Sống không được là của nhau thì lấy cái chết hẹn thề đôi lứa”.

Cô này yêu anh này, anh này yêu một thời gian chán không yêu nữa nên kiếm một cô khác. Cô này bèn hẹn anh này đến một nơi nào đó, trước là ấp ôm cú chót cho ấm lại nghĩa xưa, sau là làm cách nào đó cho anh này nếu không chết thì cũng không thể còn là đàn ông đúng nghĩa được.

Còn giả như cả anh này lẫn cô này không trả thù theo cách Ngô vừa kể thì sẽ trả thù bằng cách tự hủy hoại mình. Kiểu, “Tôi sẽ tự tử cho anh hối hận”, “Tôi sẽ uống thuốc độc cho anh suốt kiếp ăn năn”, “Tôi sẽ thành ma để đeo bám cô cả đời”, “Tôi thành âm hồn cũng quấy phá anh”.

Đến những chuyện nhỏ nhặt như tranh nhau một chỗ ngồi, gặp nhau liếc xéo, nói xấu nhau… đều có thể trở thành một cuộc tầm thù không hề khoan nhượng.

Minh họa: Lê Phương.

Ngô có thể kể ngay lập tức hàng chục nguyên nhân dẫn đến ẩu đả gây tử vong với lý do không thể tin được… Đây là những câu chuyện Ngô đã đọc trên truyền thông: vuốt tóc bị đâm chết, không chịu rửa bát bị đâm chết, mời bia không uống bị đâm chết, nói lớn tiếng bị đâm chết, vừa đi vừa hát bị đâm chết, hỏi không đáp bị đâm chết, vào nhầm phòng karaoke bị đâm chết, dừng xe không tắt máy bị đánh chết. Tất nhiên là trước khi xảy ra chuyện tấn công thì đã có một màn đấu khẩu dữ dội, đến cao trào thì bỏ đấu khẩu chuyển sang đấu dao. Buồn vô cùng.

Hẳn, không phải tất cả đều hành xử theo lối này. Và xã hội không rối đến mức ấy, là Ngô chỉ nói đến một nhóm người chọn cách giải quyết mâu thuẫn theo hướng đơn giản và kém thông minh nhất.

Như vậy thì chúng ta có hung hãn không? Chắc chắn thưa rằng, là có.

2. Ngô nghĩ như thế này, đặc tính của người Việt là không chịu thua ai cái gì, lại thêm chẳng bao giờ chịu xét lại mình, cứ chăm chăm đổ thừa cho người khác. Sự trả thù hay hung hãn cũng từ đây mà ra. Ông Gia Long phục quốc, đánh nhau không lại anh em nhà Nguyễn, hết mượn người Xiêm sang đánh rồi rước cả người Tây vác súng giong thuyền về trả thù. Đấy là chuyện lớn, còn chuyện bé thì đánh nhau không lại hẹn đấy về rủ bạn bè đi đánh cùng. Ngày Ngô còn bé, trong xóm có vụ đánh nhau. Ông lớn đánh ông bé, ông bé về méc ông anh, ông anh chạy ra xóm rình ông lớn quay lưng bèn nhào đến đạp cho ông lớn một cái rồi bỏ chạy mất hút.

Chúng ta thường vậy.

Ví như, nhân viên công tác không tốt bị phê bình, bèn cùng nhau họp nói xấu lãnh đạo. Hai tay đang chơi với nhau thân thiết xảy ra mâu thuẫn thì không thèm hàn gắn, cứ tay này mặc sức gièm pha tay kia.

Đi ra đường không may vấp phải cục đá tóe máu chân. Thay vì xét là mình đi không cẩn thận phải lưu ý vào lần sau hay lịch sự hơn thì bỏ hòn đá ra nơi khác để người tiếp sau khỏi vấp, thì lại mắng mỏ hòn đá. Mắng hòn đá xong quay sang mắng luôn người này người kia, vô phúc mà ai đi ngang lỡ nhìn một chút thì lập tức, “Thằng kia, mày nhìn cái gì? Người đi ngang nhịn được thì đi luôn, không nhịn được thì cự cãi. Cự cãi cao trào thì thành ẩu đả rồi lại dẫn đến chuyện có gì dùng nấy, hậu quả không sao mà lường hết được.

Mà cái sự hung hãn không chỉ thể hiện ở hành động mà ngay cả trong suy nghĩ, lời nói cũng biểu thị.

Nhà này ở cạnh nhà kia, thuở còn hàn vi thì hàng xóm thắm thiết, tối lửa tắt đèn có nhau. Nhà này nấu nồi cháo cá cũng múc sang cho nhà kia một tô, nhà kia nấu chè cũng bưng sang cho nhà này một bát… Ngày tháng trôi qua, một nhà gặp vận làm ăn khấm khá. Nhà kia không may ngày càng túng bấn.

Nhà gặp vận làm ăn khấm khá, xây nhà to. Nhà không may túng bấn thì tình cảnh ngày càng tồi tệ. Nhà gặp vận xây nhà to, rơi một ít xi-măng trộn, bụi cát sang nhà không may túng bần. Rơi vãi lần đầu, du di cho qua. Rơi vãi lần hai, nhà túng bấn đã bắt đầu khó chịu. Đến rơi vãi đến lần thứ ba thì đã bóng gió xa xôi. Đến rơi vãi lần thứ tư thì xắn áo xắn quần mắng ngay. Mắng xa xả, mắng đến độ chỉ muốn cho mồi lửa đốt cháy trụi cái nhà đang xây, cái nhà một thời tình thân như thủ túc với chính mình.

Nhà khấm khá ban đầu còn cố nhịn, sau vẫn cố nhịn, đến khi không nhịn được nữa thì chửi lại cho đỡ tức. “Bộ mấy người thấy tui giàu rồi mấy người ghen tị hả? Đã thế, tui tính xây cái nhà hai tầng, nay tui quyết định xây bốn tầng cho mấy người dồn cục ghen tức uất ức mà chết”.

Con tạo xoay vần, một thời gian sau nhà túng bấn trúng quy hoạch đất được bồi thường số tiền lớn. Ấy vậy là lập tức cất căn nhà hẳn sáu tầng để cho “cái nhà bố láo ấy biết thế nào là bị xi-măng rơi, thế nào là bị bụi cát vãi”.

Từ đó, nhà trúng đất hay nhà gặp vận cứ kèn cựa nhau như gà choai tập gáy. Nhà này sắm cái tivi to, nhà kia phải sắm cái to hơn. Nhà này mở nhạc lớn, nhà kia phải vặn volume hết cỡ. Gặp nhau mặt cứ lạnh tanh, nhà nào có đám tiệc thì phải suy xét xem mời nhà gặp vận thì phải bỏ nhà quy hoạch, mời nhà quy hoạch thì thôi nhà gặp vận.

Đâu mỗi chuyện nhà này nhà kia, mà ngay cả chuyện mồ mả cũng phải so bì với nhau, mang cái áo cũng so đo với nhau, sắm cái mắt kính cũng tị nạnh nhau…

3. Cụ Trần Trọng Kim cũng từng đúc kết, Ngô nhớ đại ý, người Việt tốt tính trong bần hàn, có lòng nhân ái nhưng lại hay thích khoe mẽ, phân bì, không cho ai đủ khả năng hơn mình… Thậm chí là tủn mủn.

Thế nên, chúng ta có hung hãn (Không phải ai cũng đều hung hãn) nhưng thiện tính của chúng ta thì vẫn còn nguyên vẹn. Tức là, vẫn có thể sửa đổi được.

Sửa đổi bằng cách nào, Ngô nghĩ, phải tự xét chính mình, phải biết mình là ai, phải biết thoát khỏi sự ghen tị, phải biết cách chấp nhận chuyện “ngoài trời còn có trời, ngoài núi còn có núi”. Quan trọng hơn, phải có cả sự khoan dung, vị tha.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.