Lời xin lỗi của Thủ tướng

Đằng sau chuyện xe công vụ

Thứ Sáu, 02/09/2016, 08:04
Câu chuyện đoàn xe của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và câu chuyện anh chàng Phạm Lê Tuấn Nghĩa, người kinh doanh nhãn hàng cafe Phin, kiện ông Chủ tịch UBND phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM, tự dưng làm tôi suy nghĩ quá nhiều.

Chưa từng có tiền lệ trong độ một thập niên trở lại đây, lần đầu tiên một Thủ tướng Chính phủ có lời xin lỗi nhân dân vì cảm xúc tiêu cực do hành động của cấp dưới mang lại. Lời xin lỗi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chính là hy vọng cho một chính phủ kiến tạo, biết lắng nghe, biết quan tâm đến cảm xúc của nhân dân.


Trong khi Thủ tướng thẳng thắn nói lời xin lỗi người dân Hội An, thẳng thắn nhận lỗi đã không quán xuyến để đoàn xe đi vào tuyến đường đi bộ và lời xin lỗi ấy hóa giải mọi tranh luận vô bổ trên mạng xã hội thì Chủ tịch phường Bến Nghé quyết không xin lỗi anh Nghĩa về việc lập biên bản sai đối tượng, sai vị trí (mà chính ông Võ Quốc Hưng, Chủ tịch phường, đã thừa nhận và do đó ông không ban hành quyết định xử phạt hành chính) để dẫn tới anh Nghĩa sẽ tiếp tục khiếu kiện lên cấp phúc thẩm.

Hai câu chuyện khác nhau xa, chiếc xe cũng khác nhau xa. Một đằng là xe của nhà nước và một đằng là xe của dân nhưng cách xử lý hai câu chuyện ấy lại cho thấy những tồn đọng mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ thực sự đang là thực trạng nhức nhối trong bộ máy hành chính công hôm nay.

Điều gì xảy ra nếu ông Võ Quốc Hưng xin lỗi anh Nghĩa một câu khi có quyết định trả lại giấy tờ xe cho người đã bị lập biên bản sai vị trí, sai đối tượng? Sẽ không có phiên tòa nào cả. Sẽ không có ồn ào nào xoay quanh câu chuyện dân kiện chính quyền cả. Và tất nhiên, khi không có câu chuyện dân kiện chính quyền xảy ra, niềm tin của người dân vào thể chế sẽ không bị tổn thương thêm một phần như những gì đã diễn ra một cách vô cùng đáng tiếc.

"Xin chào, xin hỏi, xin cảm ơn" là ba cái "xin" mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mang ra làm dẫn chứng cho hình mẫu cán bộ gần dân. Và bằng lời xin lỗi cởi mở mà ông gửi đến người dân Hội An, ông cho thấy, để gần dân hơn, cán bộ cũng cần xin lỗi dân, kể cả khi cán bộ không mắc lỗi nhưng những việc xảy ra lại khiến người dân bị phiền toái.

Minh họa: Hữu Khoa.

Nhưng, trong những cán bộ hôm nay, có được mấy người thực sự thực hành được bốn cái xin mà Thủ tướng đã đề ra như một tiêu chuẩn hành xử? Chính Thủ tướng cũng thổ lộ: "Người ta nói với tôi rất nhiều lần rằng, anh nói rất đúng, nhưng hệ thống của anh có chuyển không, có thực sự phục vụ nhân dân tốt hơn không? Hay là ở dưới, một bộ phận cán bộ, công chức vẫn cứ nhũng nhiễu. Nếu chỉ hô ở trên, rồi đến cấp tỉnh, còn lại ở dưới không chuyển thì không được". Đó là một chia sẻ không dễ dàng gì.

Đứng trước câu hỏi đơn giản như thế, chính bản thân Thủ tướng cũng phải ưu tư nhiều? Đơn giản, tất cả chúng ta cùng hiểu rằng cán bộ nhà nước đã quá quen với nếp hành xử quan cách, xa rời nhân dân, thậm chí là trịch thượng với dân, bất chấp những quy tắc về hành xử và văn hóa cũng như những nguyên tắc ràng buộc của người công chức nhà nước.

Chúng ta từng bàn luận nhiều về việc cải cách bộ máy hành chính nhưng thực tế cho thấy rằng, những cải cách không thể nào có được kết quả mong muốn nếu như những người có nghĩa vụ thực hành cải cách không sửa đổi chính mình.

Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là "nói cải cách trời đi nữa, nhưng cán bộ là quyết định". Nếu Chính phủ kiên quyết tiến hành cải cách nhưng bộ máy ở dưới, bộ máy gần dân nhất vẫn chỉ hô hào và khẩu hiệu, sẽ chẳng có cải cách nào xảy ra cả mà thay vào đó sẽ chỉ là sự mất lòng tin bởi chính những hô hào, những khẩu hiệu kia đã bào mòn những thứ cấu thành sự tin tưởng trong lòng dân.

Chúng ta bất ngờ khi nhận được lời xin lỗi từ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhưng chúng ta chắc sẽ bất ngờ hơn nữa nếu nhận được lời xin lỗi từ các cán bộ xã, phường vì những gì họ "chưa làm được cho dân" trong thời gian tại vị của mình hoặc những sai quấy mà họ gây ra (dù có thể là vô tình). Đó mới chính là những lời xin lỗi cần thiết nhất, thiết thực nhất vì chúng sát sườn với đời sống người dân, với sinh hoạt hằng ngày của họ.

Nhưng, cũng như Thủ tướng chia sẻ rằng, "cán bộ làm gì dân cũng biết hết", lời xin lỗi phải bắt nguồn từ sự cởi mở, chân thành, chứ không phải là lời xin lỗi cho có. Trong hai tiếng "xin lỗi" đó, có một chữ "xin". Và ở đây, một cơ chế "xin - cho" đã hình thành. Cái cách "xin" có thiết tha thì người dân mới sẵn sàng cho lại lòng cảm thông và độ lượng.

Chúng ta thừa biết còn tồn tại vô số những sự việc kiểu như anh Phạm Lê Tuấn Nghĩa bức xúc với cán bộ phường, xã đang xảy ra mỗi ngày trên khắp các tỉnh thành cả nước. Và những người chịu trách nhiệm với những sự vụ như thế rõ ràng đã chưa quán xuyến hết nghĩa vụ của mình, nghĩa vụ của những người cán bộ đang tiến hành một "dịch vụ hành chính công" cho người dân. 

Đòi hỏi người cán bộ tròn vẹn nhiệm vụ là quyền lợi của dân, song người dân cũng hiểu không phải lúc nào cán bộ cũng đủ sức gánh vác tròn vẹn mọi sứ mệnh của mình.

Chắc chắn sẽ có sơ suất, chắc chắn sẽ có những rủi ro nghề nghiệp nhưng nếu thái độ của người cán bộ chân thành và cầu thị, người dân sẽ bao dung hơn bao giờ hết. 

Và người cán bộ càng phải ý thức rằng, việc bảo vệ hình ảnh của bộ máy chính quyền cũng xuất phát từ việc bảo vệ chính hình ảnh của từng người cán bộ, một hình ảnh mẫn cán, liêm chính, có trách nhiệm, có văn hóa và sẵn sàng sửa mình để nhận được sự hài lòng hơn nữa từ người dân chứ không phải bằng việc khư khư củng cố sức mạnh quyền lực của mình và mang nó ra dọa dân như một số cán bộ vẫn đang thực hành.

Nên nhớ, dân có thể không muốn gặp nỗi phiền, nhưng dứt khoát, dân không bao giờ sợ hãi quyền lực.

Hà Quang Minh
.
.