Nghịch lý hạ tầng

Củi ở đấy mà ra chứ ở đâu nữa?

Thứ Tư, 31/10/2018, 17:01
20 năm trước, vừa tốt nghiệp đại học, tôi làm việc ở một công ty nhà nước thuộc Bộ Xây dựng. Đó chính là quãng thời gian khó nói nhất trong tuổi trẻ của tôi. 

Khi mà cơn cớ dự án xe lửa trên cao Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) còn chưa vơi nỗi lo đội vốn và làm rõ trách nhiệm giám sát, thì cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi với tổng số vốn đầu tư lên đến 34.500 tỷ vừa mới thông xe đã vướng hàng loạt câu chuyện từ bong tróc ổ gà cho đến thấm nước… mà nhìn đơn giản nhất thì rõ ràng có dấu hiệu làm gian làm dối.

Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi tệ đến độ chính Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đích thân yêu cầu dừng thu phí. Đó là chưa kể đến những lùm xùm bán gói thầu, bị tố cáo tiêu cực, phát ngôn lăng nhăng của đơn vị thi công khi cho rằng đường hỏng do mưa đầu mùa rồi sau đó phải đi đính chính, giải thích từ tiếng Kinh ra tiếng Việt… Căn nguyên là do đâu?

Lãng phí không? Có. Vì ở đó tôi gần như chẳng làm gì cả. Tất cả các kiến thức được học đều xếp xó. Chủ yếu là đi “hầu rượu” các sếp vì được cái tôi uống cũng khoẻ, biết đánh bài và nói chuyện cũng xởi lởi. Có ích không? Cũng có. Vì ở đó, tôi nhận diện được cuộc đời.

Có một lần, trong cuộc rượu buổi trưa, do một anh giám đốc một xí nghiệp chiêu đãi sau khi đơn vị của anh thắng thầu một công trình. Đó là một gói thầu nhỏ: xây dựng nhà xưởng, đường nội bộ cho một nhà máy có vốn đầu tư của Nhật Bản. 

Anh T., giám đốc xí nghiệp ấy, chia sẻ đại ý rằng “gói này lấy việc cho anh em thôi chứ chẳng lời lãi là mấy. Người Nhật kỹ lắm. Họ toàn kiểm tra nghiệm thu ở những chỗ chúng ta không chuẩn bị trước”.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Rồi anh kể thêm kinh nghiệm có lần nhận thầu làm đường nội bộ cho 1 nhà máy khác cũng có vốn đầu tư của Nhật, bên anh làm cũng không kỹ, nhưng chuẩn bị sẵn một đoạn rất kỹ, đạt tiêu chuẩn. Ai dè, khi nghiệm thu, yêu cầu cắt 1 đoạn đường để kiểm tra, người Nhật dứt khoát không cho cắt đoạn mà bên xí nghiệp anh đã chuẩn bị sẵn. Họ chỉ cắt đúng chỗ họ chỉ định. Kết quả, một góc 80cm x 80cm được cắt lên cho thấy con đường ấy phải làm lại, không thể nghiệm thu.

Công ty ấy, tôi nghỉ việc sau 2 năm công tác, và vào Nam định cư và làm việc. Ổn định được 1 năm, tôi nghe tin giám đốc công ty cũ, anh H., đã bị truy tố với tội danh đưa hối lộ. Anh H. hối lộ để thắng thầu làm đường ở miền Trung. 

Và như lời những anh em vẫn hoặc đã từng công tác trong công ty kể lại thì việc đưa hối lộ của anh H. là bắt buộc. Không thắng thầu thì không có việc. Không có việc thì không có tiền trả lương anh chị em cán bộ công nhân viên trong công ty. Hơn nữa, muốn thắng thầu, đút lót là chuyện bình thường. 

Tôi chợt nhớ đến những lần phải đi mua nhiều bộ hồ sơ thầu cho một dự án. Các anh thời đấy vẫn nói với một thằng lơ ngơ mới ra trường như tôi rằng: “Phải có bộ quân xanh chứ chú”.

Tự tạo ra quân xanh để quân đỏ là mình thắng thầu đã là cái bậy, cái quấy trong ngành thi công rồi nhưng cái quấy ấy cũng chưa đủ để có được 1 gói thầu. Phải có cả bôi trơn như nói ở trên, mà cái bôi trơn ấy, nó cứ ngả bài với nhau hết cả, bằng phần trăm, bằng gửi giá… Nó là một hình thức mua bán thầu chợ đen thì đúng hơn. 

Và đó là lý do tại sao chất lượng công trình ngày càng tệ hại. Thậm chí, có những công trình vừa mới nghiệm thu, khánh thành tưng bừng đấy thôi, chỉ 1 vài tháng sau đã có dấu hiệu xuống cấp rõ rệt.

Điểm nóng thông tin hôm nay đang rơi vào cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, mới vừa thông xe chưa lâu. Thực tế, đoạn đường hư hỏng chỉ có 70m, nằm giữa cây số thứ 23 và 24 nhưng việc phải thanh tra toàn diện là rất cần thiết. Cái chỗ lộ ra hư hỏng thực tế lại là cái may của chúng ta, bởi chính nó đã bóc trần một sự thật cần phải được phát lộ về chất lượng thi công công trình. 

Giả sử hai ba năm nữa nó mới hư hỏng, lúc ấy người ta có cả ngàn vạn lý do để đổ tại. Thà nó hỏng lúc này, để ta rà soát lại toàn bộ cung đường, và nếu phát hiện sai phạm, phải xử lý ngay, xử lý nghiêm bằng cả luật pháp lẫn yêu cầu bồi thường, làm lại cho đúng tiêu chuẩn mà nhà nước đã đặt hàng.

Cũng con đường điểm nóng ấy, có tới 18 nhà thầu phụ đã mua lại thầu từ nhà thầu chính để thi công. Con số ấy nói lên điều gì? 18 nhà thầu phụ cho 140km đường tương đương cứ 8km lại có 1 nhà thầu thi công nếu chia bình quân. Vậy thì tiêu chuẩn chất lượng chung có thể đạt được hay không? 

Chắc chắn là năng lực các nhà thầu có sự khác biệt nhau rồi chứ không phải 18 nhà thầu đều tăm tắp như nhau cả về năng lực con người lẫn thiết bị. Đó là còn chưa nói đến đạo đức của nhà thầu bởi đạo đức quyết định rất nhiều trong vấn đề này.

Nhưng chúng ta giả sử các nhà thầu có đạo đức đi chăng nữa thì việc mua lại gói thầu phụ chắc chắn sẽ khiến cho giá trị đầu tư thi công thực tế thấp hơn. Bản thân nhà thầu chính, để thắng thầu cả gói, đã phải bỏ giá cạnh tranh hơn đối thủ.

Rồi từ cái mức giá thấp nhất có thể mà họ dự toán là có thể thực hiện được ấy, họ bán lại với giá nhỉnh hơn để lấy lời. Khoản lợi nhuận này, bù đắp thêm khoản lợi nhuận mà nhà thầu phụ tính toán để nhận mua lại gói thầu chính là thứ làm cho giá trị đầu tư công trình thực chất bị ảnh hưởng. Mà khi giá trị đầu tư ảnh hưởng, chất lượng công trình cũng ảnh hưởng.

Còn giám sát, rõ ràng việc giám sát 18 nhà thầu sẽ khó khăn hơn việc giám sát chỉ 1 nhà thầu. Đó là còn chưa kể người thực thi công tác giám sát có đảm bảo trong sạch hay không, hay lại như câu chuyện muôn thuở tôi từng chứng kiến là ngồi với nhau bữa rượu, đưa nhau cái phong bì, xong xuôi ký tá đường ai nấy về, tội vạ đâu có nhà nước đứng ra chịu hết.

Nhìn vào câu chuyện những công trình, những cung đường của ngành xây dựng, ngành mà ba mẹ tôi đã từng là những kỹ sư nhiều hoài bão nhưng rồi phải bỏ của chạy lấy người, tôi chợt nghĩ: “Củi ở đấy mà ra chứ ở đâu?”.

Hà Quang Minh
.
.