Câu chuyện vaccine: Nước chảy chỗ trũng

Thứ Tư, 26/05/2021, 15:25
Trong khi châu Âu và Mỹ đang dần cảm thấy “dễ thở” hơn thì phần lớn thế giới lại chìm trong làn sóng lây nhiễm COVID mới. “Làm thế nào để có thể trở về cuộc sống bình thường?” giờ đây không còn là câu hỏi của một vài quốc gia nữa.


Hiệu ứng thần kỳ?

Hiệu quả của vaccine cho đến lúc này khó có thể phủ định. Nước Mỹ, tuy chưa mở cửa rộng rãi với thế giới nhưng đã kéo tụt số ca lây nhiễm của mình chỉ trong vài tháng vừa qua.

Dựa vào số liệu được thu thập trong quá trình tiêm chủng, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã công bố hiệu quả của các loại vaccine chủ yếu như Pfizer hay Moderna lên đến 95%, đồng thời có tác dụng với cả những biến thể mới. Điều này khiến người dân Mỹ có thể thoải mái ra đường mà không phải đeo khẩu trang, trong khi Chính phủ Mỹ cân nhắc dỡ bỏ lệnh cấm di chuyển quốc tế. Những hiệu quả tương tự cũng được ghi nhận ở Israel và châu Âu, nơi mà tỷ lệ tiêm chủng đạt tới 60% - tức là có thể tạo ra miễn dịch cộng đồng. “Phép màu” đưa cuộc sống quay trở lại với nhịp điệu bình thường, có vẻ như cuối cùng cũng đã hiện hữu.

Những liều vaccine nhỏ bé đang trở thành niềm hy vọng của cả thế giới trong cuộc chiến chống COVID.

Thế nhưng, cùng lúc đó, một làn sóng lây nhiễm mới bùng phát tại Ấn Độ. Từ giữa tháng 4 tới nay, đã có thêm 5 triệu ca lây nhiễm mới được ghi nhận ở quốc gia Nam Á này. Số ca lây nhiễm mới liên tục đạt xấp xỉ 300 nghìn ca mỗi ngày, trong đó có những ngày vài nghìn người tử vong vì dịch bệnh.

Cơn sóng thần dịch bệnh quá lớn đã đánh sập hệ thống y tế của Ấn Độ chỉ sau vài ngày, một thảm họa thực thụ. Thật khó tin, cho đến trước khi đợt lây nhiễm thứ 4 bùng nổ, Ấn Độ là nước có số mũi tiêm vaccine COVID cao thứ 3 thế giới và đang là niềm hy vọng cho cả thế giới nhờ nguồn cung vaccine khổng lồ của mình.

Có điều, con số gần 100 triệu liều vaccine được tiêm trên tổng số dân là 1,3 tỷ người vẫn còn là quá ít để có thể đạt được một trạng thái miễn dịch cộng đồng, như những nhà dịch tễ hy vọng. Sự chủ quan của chính quyền sau đó đã khiến làn sóng lây lan bùng phát dữ dội đúng vào thời điểm những nghi lễ tôn giáo lớn được tổ chức ở đất nước khổng lồ này.

Hậu quả với người dân và đất nước Ấn Độ cho đến lúc này chưa thể thống kê hết được nhưng nguy hại hơn, nó còn đang làm chậm lại cả một nỗ lực mở cửa chung của toàn thế giới, khi nguồn cung vaccine chủ yếu cho các nước nghèo thuộc chương trình COVAX của WHO bị đình trệ, do Ấn Độ đã áp dụng khẩn cấp lệnh cấm xuất khẩu vaccine để cứu mình trước. Thêm vào đó, làn sóng lây nhiễm thứ 4 cũng đã bắt đầu lan rộng ở khắp nơi trên thế giới, từ châu Á, châu Phi đến Nam Mỹ, những nơi mà tỷ lệ tiêm chủng còn lâu mới đạt được đến ngưỡng có thể tạo ra miễn dịch cộng đồng.

Không ai có thể đứng một mình

Không thể trách được người Ấn với quyết định đóng cửa nguồn cung vaccine vào lúc này, bởi thực sự những hình ảnh và con số chết chóc mỗi ngày trên mặt báo khiến bất cứ ai cũng kinh hoàng. Trước đó, chính Ấn Độ đã đi đầu trong nỗ lực hỗ trợ các người nghèo hơn để có thể tiếp cận với 66 triệu liều vaccine ngay trong quý 1 vừa qua. Giờ trách nhiệm đó cần được tiếp sức.

Ngược lại, Mỹ, Anh, EU và Israel đã đưa ra kế hoạch mở cửa trở lại. Rút kinh nghiệm từ sai lầm của Ấn Độ, những quốc gia này đã tỏ ra thận trọng hơn. Từ ngày 23-5 tới, khách du lịch có thể quay trở lại Israel và EU nếu tuân thủ những điều kiện bắt buộc. Vấn đề là nếu chiểu theo đúng quy định đó thì cũng không có nhiều vị khách đủ điều kiện. Bởi, ngoài việc đã tiêm đúng những loại vaccine được EU công nhận, khách du lịch đó còn phải đến từ những quốc gia có số ca lây nhiễm mới dưới 25 ca trên 100 ngàn dân trong 14 ngày trước đó. Đó là những quốc gia mà theo như EU gọi là "an toàn".

Có điều, hiện trên thế giới chỉ có 7 quốc gia bên ngoài EU đạt được tiêu chí này như Israel, Australia, New Zealand, Singapore,... mà danh sách đó còn chưa bao gồm Mỹ. Tức là lời mời gọi du lịch đến châu Âu vẫn chỉ "để cho có". Cánh cửa được mở ra nhưng rất ít người có thể bước vào.

"Bài học Ấn Độ" khiến chúng ta nhận ra rằng yếu tố tốc độ tiêm chủng sẽ quyết định sự thành bại của chiến lược vaccine toàn cầu. Khi Mỹ và Israel nhanh chóng tiêm chủng cho phần lớn dân số, virus SARS-CoV-2 dễ dàng bị đánh bại. Nhưng, tỷ lệ tiêm chủng nhỏ giọt sẽ không đủ để tạo ra miễn dịch cộng đồng và thậm chí tạo điều kiện cho virus biến thể chống lại chính những loại vaccine cũ.

Việc tìm kiếm một liều vaccine đối với những người nghèo không bao giờ dễ dàng.

Làn sóng lây lan thứ 4, vì thế, đã bùng phát ở chính những quốc gia này, với những biến thể mới nguy hiểm hơn và hoàn toàn có thể tấn công lại những nước đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao. Do đó, để có thể tận gốc giải quyết được vấn đề, chính những quốc gia giàu sẽ phải đi đầu trong một nỗ lực mới, để giải cứu tình trạng khan hiếm vaccine trên toàn thế giới.

Những xung đột lợi ích

Một nhóm 13 quốc gia đã được Ngân hàng Thế giới (WB) điểm mặt là đang nắm quyền kiểm soát và phân phối vaccine toàn cầu. Trong số này, dĩ nhiên có những quốc gia lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, Nga, nhóm G7 cùng vài quốc gia châu Âu khác như Áo, Thụy Sĩ, Thụy Điển. Họ được gọi chung với một cái tên mỹ miều là "Câu lạc bộ các nước sản xuất vaccine". Câu lạc bộ này kiểm soát tới 88% lượng vaccine và 91% những công ty sản xuất vaccine trên thế giới. Trong đó, chủ yếu là các nước phát triển phương Tây.

Không có gì ngạc nhiên khi Mỹ và EU là những nơi đạt tỷ lệ tiêm chủng cao bậc nhất thế giới trong thời gian ngắn. Bất chấp những tuyên bố sẽ chia sẻ vaccine với thế giới trước đó, "chủ nghĩa dân tộc vaccine" đã thắng thế bước đầu. Họ thậm chí đã bắt đầu dư thừa lượng vaccine trong kho của mình sau 3 tháng tiêm chủng mạnh mẽ vừa qua.

Thế nên, khi đưa ra lời kêu gọi về cuộc giải cứu vacine trên thế giới, cả WHO lẫn Liên Hợp Quốc đều nhắm thẳng tới nhóm các quốc gia này. Giờ là lúc họ chìa tiếp bàn tay ra để đóng vai trò "cứu thế giới". Thế nhưng, đây cũng là lúc mà tranh cãi nổ ra gay gắt nhất.

Mỹ đã thông báo sẽ chuyển cho các nước đang phát triển 70 triệu liều vaccine của mình từ nay tới tháng 7. EU cũng sẽ đóng góp trở lại cho chương trình COVAX, sau giai đoạn tạm rút để giữ vaccine cho mình. Nhưng, ngay cả như thế, vẫn là chưa đủ. Bởi, những loại vaccine tiên tiến nhất đang được Mỹ và EU sử dụng đòi hỏi những công nghệ bảo quản vô cùng phức tạp mà không dễ để các nước nghèo hay đang phát triển đáp ứng được.

Ở châu Phi đã có hàng trăm ngàn liều vaccine bị mang đi tiêu hủy dù vẫn còn hạn sử dụng vì không thể đảm bảo được những điều kiện bảo quản trên đường đến với người sử dụng. Tình trạng này có thể sẽ còn nghiêm trọng hơn, khi số lượng vaccine của EU và Mỹ được đưa về với số lượng lớn trong thời gian tới. Còn giá thành của những loại vaccine cao cấp như Pfizer hay Moderna thì không bao giờ là rẻ, khi Pfizer - BioNtech hay Moderna áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất mà ngay cả Nga hay Trung Quốc cũng chưa tiếp cận được.

Lời kêu gọi mới đã được đưa ra, về việc các quốc gia giàu có chia sẻ bản quyền vaccine với các nước nghèo, hòng tạo ra loại vaccine phù hợp với mình. Có điều, những công nghệ tiên tiến về gen lại thuộc bản quyền của những hãng dược lớn, nơi mà họ muốn nắm giữ bí quyết không phải chỉ cho loại vaccine COVID lần này.

Chính vì thế, cuộc tranh cãi đã được chuyển từ các nhà nước sang phía người dân của các nước nghèo đang khát vaccine, với những ông chủ giàu có của các hãng dược lớn. Mất động lực nghiên cứu để tìm ra các sản phẩm mới là lý do mà những hãng dược lớn vin vào nhằm bảo vệ bằng sáng chế của mình. Trong khi đó, sự bất bình đẳng trong phân phối vaccine để lại hậu quả nghiêm trọng tới tính mạng sức khỏe của hàng trăm triệu người khác. Dẫu vậy, không dễ để cho những ông chủ giàu có kia nhượng bộ.

Chính vì thế, trước khi trông chờ vào "lòng tốt" của các hãng dược, việc cụ thể nhất mà những nước giàu có thể làm có lẽ chỉ là cố gắng san lấp sự bất bình đẳng này bằng cách trao cho những nước nghèo cơ hội tiếp cận nguồn vaccine đang bắt đầu thừa ra của họ. Cứu người nhưng thực chất cũng là tự cứu mình.
Tử Uyên
.
.