Nguồn cơn của dị đoan

Thứ Sáu, 16/03/2018, 15:58
Người ta nói, xã hội muốn phát triển thì cần phải thoát khỏi nhiều thứ, có lẽ điều cần thoát nhất lúc này đó chính là phải thoát khỏi những mê lầm và tin tưởng thảm hại!

Kỳ lạ cho đến hốt hoảng, hoang mang cho đến kinh ngạc, là những cụm từ để diễn tả niềm tin tâm linh thái quá của nhiều người khi quỳ lạy con cá chép trồi lên lặn xuống ở Nghệ An, hay dựng rạp hương hoa cúng tế hai con rắn nước bò lên ngôi mộ vô danh ở Quảng Bình…

Song song chính là hình ảnh quan chức bỏ giờ làm đi xin ấn với hy vọng thăng quan tiến chức, với kỳ vọng hoạn lộ thênh thang.

1. Một cặp rắn thuộc loài phổ biến nhất ở nông thôn xuất hiện trên một ngôi mộ vô chủ, thế là hàng ngàn người đến thắp hương cúng bái. Hẳn nhiên người ta đã cho nó là rắn linh thiêng. 

Tương tự trước đó mấy hôm, chỉ là một con cá chép đang lờ đờ trên mặt kênh, người ta cũng lũ lượt kéo đến dâng hoa quả, nhang đèn khấn vái. Thật không thể hiểu vì sao mà con người trở nên yếu đuối và dễ dàng sợ hãi đến như thế?

Nhưng thật ra là ngày nay, những câu chuyện dị đoan đã không còn là hiếm gặp, thậm chí đã trở thành một hiện tượng phổ biến, nhất là trong mùa lễ hội tháng Giêng hàng năm. Đây là thời điểm mà ta chứng kiến sự mê muội lên ngôi trong xã hội hiện đại. 

Người ta chen lấn, xô đẩy và giẫm đạp lên nhau, họ dễ dàng từ bỏ lòng tự trọng để cướp bằng được cái phết, ấn mang về với niềm tin sẽ được may mắn và thăng tiến trên con đường quan lộ.

Người ta đã biến những lễ hội văn hóa truyền thống giàu ý nghĩa như Lễ hội đền Trần, lễ hội đền Gióng,… thành những cuộc tranh cướp cái ước mơ thăng quan tiến chức, may mắn, tài lộc trong năm mới. Điều đáng nói là trong số đó có cả những trí thức, những người đã, đang và sẽ làm quan, tức là những người đã từng thuộc lòng Chủ nghĩa duy vật biện chứng.

“Con là Phó giám đốc này; con là Trưởng phòng nọ…” - những cán bộ xưng chức danh của mình giữa đình chùa, miếu mạo như thế để khấn vái, cầu nguyện đã nghĩ và tin vào điều gì? Họ tin rằng sẽ được thánh thần ban cho những thứ mà đáng ra họ phải nỗ lực lao động mới có được? 

Minh họa: Lê Phương.

Đó có thể là địa vị, là danh vọng, tiền tài. Phải chăng họ đã tin như thế nên mới dõng dạc đọc chức danh giữa chốn đông người để khấn vái mà không hề thấy ngượng với dân chúng xung quanh.

Rồi có những cán bộ ở địa phương nọ thà tập trung đến lễ phát ấn đền Trần chứ nhất quyết không tham gia lễ hội Minh Thề vì nhiều lý do. Họ mong muốn được thăng quan tiến chức, tài lộc từ lá ấn đền Trần chứ không dám thề với thánh thần về sự trong sạch của bản thân mình trong con đường làm quan? 

Với những ông quan như thế - những ông quan luôn muốn thăng quan nhưng “không hứa” về sự liêm chính của mình, đó đích thị là nỗi buồn, nếu không nói là hiểm họa của dân chúng, của đất nước tương lai!

Họ phải chăng cũng giống như những người đến lễ hội và sẵn sàng lao vào nhau như những kẻ du thủ du thực nhằm đạt được mục đích là cướp được lá ấn, phết để cầu may; tức là bất chấp con đường để đạt được mục đích. Rõ ràng là việc tin rằng lá ấn sẽ mang lại may mắn, quan lộ hanh thông là niềm tin thảm hại nhất trong xã hội hiện nay!

2. Khi mà người ta càng ngày càng phải dựa dẫm vào thánh thần để đi tới tương lai thì đó là một xu hướng đáng báo động về sự yếu đuối của con người. Người ta chỉ biết cầu xin thánh thần để được điều như ý, người ta tin thánh thần sẽ phù hộ họ khi gặp khó khăn thay vì bản thân phải phấn đấu để vượt qua. Và cả những niềm tin, nỗi sợ mê muội khác.

Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy câu trả lời rằng, nguyên nhân là do sự mê tín dị đoan, là niềm tin bệnh hoạn đang sôi sục thức dậy trong nhiều người. Song nguồn cơn thật sự của sự dựa dẫm thánh thần, của biểu hiện mê tín đang càng trỗi dậy. Đó mới là điều đáng để suy ngẫm.

Với những người không có tài năng, thực lực, không thể dựa dẫm vào ai thì hiển nhiên họ chỉ còn biết trông chờ vào thánh thần, vào vận may bất ngờ của cuộc đời; cho nên họ đi lễ để cầu nguyện, khấn vái ước mơ lên các đấng siêu nhiên với hy vọng có ngày sẽ được thấu. 

Với những người còn lại thì sao? Phải chăng do một số tín điều được xác lập cho xã hội này đã không còn đáng tin nữa, và họ không thể tin vào điều gì ngoài ông trời, ông Phật cùng các thánh thần?

Có dạo người ta thấy đâu đó xung quanh họ là những người có thực tài nhưng không được trọng dụng, thay vào đó là người nhà, người quen, là đủ kiểu chạy chọt. Chẳng phải có xã mà cả dòng họ làm quan trong đó hay sao. Những điều này khiến cho niềm tin vào lẽ phải, sự công bằng của một số người bị thui chột dần; họ bắt đầu tin vào sự may rủi, dựa dẫm vào đấng siêu nhiên nào đó hơn?

Kế đến, cảm giác cuộc sống xung quanh đang ngày càng có nhiều bất trắc, mong manh hơn. Người ta thấy người giết người chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong đời sống hằng ngày. Người ta thấy cha giết con, chồng vợ giết nhau, người tình giết người tình chỉ vì những lý do kiểu… không thể hiểu nổi.

Người ta cũng thấy hàng xóm mới hôm trước khỏe mạnh, hôm sau đã phát hiện ung thư, mà nguyên nhân phần lớn là do độc tố trong những bữa ăn hằng ngày! Người ta lo lắng chuyện đồng loại hại nhau qua những mớ rau nhiều thuốc bảo vệ thực vật và những thực phẩm chứa chất ung thư đang được bán tràn lan ngoài chợ…

Những bất trắc đó khiến người ta trở nên dễ dàng sợ hãi và vì thế, trời Phật hay thần linh đã trở thành cứu cánh tâm linh. Họ sắm lễ, cúng bái linh đình với mong muốn được bình an, được thoát khỏi tai ương. Mong muốn ấy không có gì bàn bởi bất kỳ ai cũng mong mình và người thân như vậy, song cách thể hiện mong cầu đó mới là vấn đề.

Mặt khác, đó là chuyện “trò hư tại sư thầy”. Vừa rồi tôi có trò chuyện với một nhà sư, sư có nói rằng, là nhà tu hành chân chính thì không ai dẫn đệ tử mình vào con đường mê tín cả. Ý sư đang nói đến việc một số sư thầy làm pháp sự, hướng dẫn học trò cúng kiếng, đốt vàng mã, dâng sao giải hạn,… trong khi tất cả những điều này không đúng với chánh Pháp của Phật.

Rất may là vừa rồi, phía Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ra văn bản đề nghị không đốt vàng mã nơi chùa chiền, cơ sở thờ tự Phật giáo. Hy vọng trong tương lai không xa nữa, các hoạt động mê tín dị đoan trong sinh hoạt Phật giáo sẽ bị loại bỏ hoàn toàn và đó cũng là cách tốt nhất để đưa con người trở về với chánh tín.

Người ta nói, xã hội muốn phát triển thì cần phải thoát khỏi nhiều thứ, có lẽ điều cần thoát nhất lúc này đó chính là phải thoát khỏi những mê lầm và tin tưởng thảm hại!

Hoàng Lãm
.
.