Từ tín ngưỡng đến mê tín

Một nền tảng rệu rã

Thứ Ba, 13/03/2018, 06:30
Kỳ lạ cho đến hốt hoảng, hoang mang cho đến kinh ngạc, là những cụm từ để diễn tả niềm tin tâm linh thái quá của nhiều người khi quỳ lạy con cá chép trồi lên lặn xuống ở Nghệ An, hay dựng rạp hương hoa cúng tế hai con rắn nước bò lên ngôi mộ vô danh ở Quảng Bình…

Kỳ lạ cho đến hốt hoảng, hoang mang cho đến kinh ngạc, là những cụm từ để diễn tả niềm tin tâm linh thái quá của nhiều người khi quỳ lạy con cá chép trồi lên lặn xuống ở Nghệ An, hay dựng rạp hương hoa cúng tế hai con rắn nước bò lên ngôi mộ vô danh ở Quảng Bình…

Song song chính là hình ảnh quan chức bỏ giờ làm đi xin ấn với hy vọng thăng quan tiến chức, với kỳ vọng hoạn lộ thênh thang.


Có một tín hiệu đáng mừng trong năm nay đó chính là nhờ vào sự kiên quyết của Chính phủ mà tình trạng xe biển số xanh đỏ phủ kín các đền chùa miếu mạo đã giảm hẳn, nếu không muốn nói gần như không còn nữa. Đó là một tín hiệu tích cực, xét về mặt cảm xúc của nhân dân.

Nhiều năm trước, năm nào báo giới cũng ra rả về xe công đi lễ tháng Giêng nhưng rồi đâu cũng lại vào đấy, ai nói thì nói ai đi cứ đi. Thậm chí, có người dùng xe công đi lễ còn cẩn thận phủ bạt che biển số xe, thậm thụt hệt đạo chích.

Nay thì các cơ quan đơn vị đã quán triệt điều này, ngoại trừ ông Giám đốc điện lực cấp huyện lẫn mấy ông lãnh đạo kho bạc thành phố bất chấp lệnh vẫn khói hương cúi đầu khấn bái trong giờ hành chính đã bị xử lý nghiêm khắc.

1. Niềm tin tâm linh với dị đoan có khoảng cách rất mong manh, khói nhang lòng thành tìm về thanh tịnh thì ít, nhưng khói nhang cầu xin lại rất phổ biến. Nói mình thì dễ mang điều thị phi, tuy nhiên đoán chắc là tôi chưa xin gì cho bản thân mỗi khi vào đình chùa; giả có khấn bái cũng chỉ xin sức khỏe cho người thân của mình. Tôi vẫn nghĩ, vào đình chùa là để lòng nhẹ nhàng không phải là để đau đáu một ước vọng theo lối dương phò âm trợ.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có đề nghị các cơ sở thờ tự Phật giáo hướng dẫn Phật tử, bà con bỏ tục đốt vàng mã. Đây là đề nghị rất thiết thực, tất nhiên là nếu ở nhà thì cá nhân hoàn toàn có quyền thực hiện điều mà pháp luật không nghiêm cấm.

Theo tính toán của Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường, giảng viên Trường đại học Kinh tế quốc dân và hiện là Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mêkông thì, “Vào năm 2012, bình quân mỗi hộ gia đình tại Việt Nam chi 575.000 đồng cho đồ cúng lễ. Con số này tăng lên 654.000 đồng vào năm 2016 (đã loại bỏ ảnh hưởng của lạm phát). Nếu nhân con số này với tổng số hộ cả nước của từng năm thì tổng mức chi tiêu cho cúng lễ là khoảng 13.000 tỉ đồng năm 2012 và tăng lên khoảng 16.000 tỉ đồng năm 2016.

Minh họa: Lê Phương.

Tiến sĩ Cường cho biết, khảo sát của Tổng cục Thống kê được thực hiện vào tháng 5 và không bao gồm tháng tết nên không bị ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ. Bên cạnh đó, các hộ chi tiêu quá cao cho đồ cúng lễ (gọi là giá trị ngoại lai trong thống kê) cũng đã được ông loại bỏ ra khỏi tính toán.

Điểm đáng lưu ý, theo tiến sĩ Cường là khoản chi tiêu cho đồ cúng cao của người Việt gấp gần 8 lần chi tiêu cho đồ chơi và sách truyện cho trẻ em dưới 18 tuổi”.

Một con số khủng khiếp, nếu đặt cạnh số tiền mà người Việt chi ra để uống bia rượu trong năm thì rõ ràng bức tranh hiện thực đời sống xã hội thật sự rất đáng báo động.

Nhưng tiền chỉ là một khía cạnh, khía cạnh quan trọng nhất vẫn là nhận thức.

2. Nhiều năm nay tôi vẫn bảo lưu quan điểm các nơi dễ phát sinh tệ mê tín dị đoan thì càng ít có sự xuất hiện của lãnh đạo cao cấp bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Chứ nhìn hình ảnh các lãnh đạo địa phương đứng xếp hàng chờ nhận ấn đền Trần như vừa rồi thấy phản cảm quá.

Lễ hội vốn là món quà tinh thần mà tiền nhân để lại cho hậu sinh, ý nghĩa của lễ hội bao giờ cũng hướng đến sự tốt đẹp và mong muốn bình an, thái hòa. Tuy nhiên, sự biến tướng của lễ hội là điều có thể nhận thấy trong thời gian gần đây. Dễ dàng nhận thấy chứ không cần phải chú tâm quan sát.

Muốn trả lễ hội về lễ hội đúng nghĩa thì phải có những cá nhân làm gương, và cái gương của ông giám đốc điện lực huyện, mấy ông lãnh đạo kho bạc thành phố là cái gương cần thiết.

Thẳng thắn mà thừa nhận thì giới cán bộ công chức siêng năng cúng bái xin này xin kia từ đình chùa nhiệt tình không kém gì nhân dân trong cả nước. Nếu không muốn nói là có phần hơn hẳn; sẵn xe công, sẵn tài xế, sẵn thời gian có thể chiếm dụng được thì ngại gì chuyện đến đền chùa thắp hương xin chức vị dài lâu.

3. Càng dễ dàng mê tín, càng dễ dàng tin vào sự phò trợ của các bậc bề trên hay cõi âm, thì cũng là lúc đáng báo động về những nền tảng cốt lõi của xã hội.

Trách nhiệm này đầu tiên phải bắt nguồn từ giáo dục. Giáo dục chính là nhận thức, chính là hành trang của mỗi cá nhân trong đời sống này. Giáo dục phai nhạt thì việc lạy một con cá, cúng tế một con rắn là điều bắt buộc phải xảy ra. Đừng nghĩ đây là câu chuyện vĩ mô, đây chính là câu chuyện thực tế; chỉ tiếc một điều là những vị áo cao mũ dài có quyền quyết định thì đang bận loay hoay với nhiều thứ đâu đâu chứ không phải chú trọng vào thực tiễn đời sống.

Trách nhiệm kế đến thuộc về nhà quản lý văn hóa. Nhiều năm nay nhà quản lý văn hóa gần như buông bỏ vạn sự thuộc về lĩnh vực này. Vị tư lệnh văn hóa mờ mờ nhân ảnh, không có phát kiến nổi bật, không có mục tiêu hay hành động rõ ràng, từ du lịch cho đến xây dựng giữ gìn một bản sắc văn hóa riêng của quốc gia. Chỉ có mỗi hoa hậu với người đẹp là ngày càng phát triển một cách không ra thể thống gì.

Và nếu như vẫn không có sự khởi sắc từ giáo dục với văn hóa, thì có lẽ chúng ta đang đặt nền tảng của chính chúng ta qua một bên của đời sống, đó là một chuyện rất đáng lo lắng.

Nhưng biết làm sao được khi mà những giá trị cốt lõi không còn được xem trọng, trong lúc ai cũng nhao nhao đòi tranh giành cái hư vị trên chuyến tàu vét mà báo giới đã tốn hao rất nhiều giấy mực trong thời gian vừa qua.

Ngô Nguyệt Lãng
.
.