Đề xuất bồi thường đất theo giá thị trường- Một đề xuất rất hay

Một đề xuất hợp lòng dân

Chủ Nhật, 09/09/2018, 09:49
Suốt thời gian vừa rồi, TP HCM liên tục “nóng” về chuyện đền bù giải tỏa đất đai ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm; trong đó, vấn đề giá cả đền bù khiến nhiều người dân sinh sống nơi đây vô cùng bức xúc.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM vừa kiến nghị các bộ ngành Trung ương cho phép sử dụng thông tin giao dịch thị trường thực sự làm cơ sở xác định giá đất để tính bồi thường khi nhà nước thu hồi đất. Đây là một đề xuất rất hay, rất thiết thực mà nếu được thông qua chắc chắn sẽ giải tỏa được nhiều vướng mắc hiện tại liên quan đến việc thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đang gặp phải.


Họ được đền bù 18 triệu đồng/m² đất trong khi đó thì nhà đầu tư rao bán lại với giá 350 triệu đồng/m², tức con số chênh lệch khoảng… 20 lần! Trong một buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội TP HCM, nhiều người dân Thủ Thiêm đã nói, đền bù như thế là “ép dân quá”!

Mà mức đền bù đó dẫu thấp nhưng vẫn chưa là gì so với nhiều gia đình khác sinh sống nơi đây. Có những nhà, cả một vườn cây ăn trái chỉ được trả 3 triệu đồng, hay đất nông nghiệp thì giá được đền bù cho mỗi mét vuông chỉ bằng 3 tô phở… Có người khi mua nhà là 50 cây vàng, nhưng lúc đền bù chỉ được… 90 triệu.

Rất nhiều bức xúc, rất nhiều giọt nước mắt chua xót của người dân Thủ Thiêm, quận 2 đã rớt suốt những năm qua, và có thể nhìn thấy rõ trong những buổi tiếp xúc lãnh đạo thành phố thời gian qua. Họ mong muốn có một sự đền bù thỏa đáng và công bằng để có thể ổn định cuộc sống. Đó rõ ràng là một mong muốn không thể chính đáng hơn và chắc chắn không thể có bất cứ một lý do chính đáng nào để khước từ mong muốn đó.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Tất nhiên không chỉ có Quận 2, TP HCM mà hầu như trên khắp đất nước này, địa phương nào cũng có ít nhiều khiếu kiện liên quan đến đất đai. Có con số thống kê rằng, mỗi năm cả nước phát sinh hàng vạn vụ khiếu kiện thì 80% trong số đó liên quan đến đất đai, là việc thu hồi đất, bồi thường bất hợp lý. 

Trong đó có rất nhiều vụ khiếu kiện đông người, kéo dài hàng chục năm. Và không chỉ có khiếu kiện tại địa phương, nhiều người dân còn khăn gói ra tận Hà Nội khi mà sau nhiều năm khiếu kiện ở địa phương nhưng không thành.

Thực tế, giá bồi thường đất ở chỉ bằng từ 10 đến 20%, cao nhất cũng chỉ bằng 50% giá thị trường, còn đất nông nghiệp thì còn thấp hơn rất nhiều, mỗi mét vuông trị giá bồi thường chỉ vài trăm ngàn. 

Nhưng khi về tay các chủ đầu tư thì giá đất được rao gấp hàng chục lần/m². Sự chênh lệch khủng khiếp này chính là nguồn cơn của những bức xúc, dẫn đến khiếu kiện của những người bị thu hồi đất. Câu chuyện Khu đô thị mới Thủ Thiêm là như vậy.

Khi những nhà đầu tư thu lợi khủng khiếp trên chính mảnh đất của mình thì những người dân bị thu hồi đất gần như mất tất cả, mất nhà cửa và mất tư liệu sản xuất. Trong khi đó, số tiền bồi thường không thể giúp họ mua nổi một căn hộ tái định cư chứ chưa nói đến chuyện đầu tư cho một công việc mới để mưu sinh.

Mảnh đất của cha ông họ để lại, ngôi nhà của gia đình họ bỏ tiền ra mua, xây dựng nên bỗng chốc mất hết vì quy hoạch mà không có cơ hội để tái đầu tư xây dựng ngôi nhà mới. Trong lòng người dân không bức xúc mới là lạ!

Xót xa hơn khi có những gia đình mà mảnh vườn và ngôi nhà của họ từng là nơi nuôi quân trong kháng chiến, họ từng bám đất giữ làng trong thời chiến chống giặc ngoại xâm. Vậy mà đến hòa bình, mảnh vườn và ngôi nhà đó bị thu hồi với giá rẻ mạt, làm giàu cho các chủ đầu tư khác!

Rõ ràng, việc đền bù này đi ngược lại với chủ trương của Đảng và Nhà nước là phải làm sao cho đời sống của người dân bị thu hồi đất cao hơn lúc chưa bị thu hồi. 

Thẳng thắn mà nói, rất ít nơi nào có được điều tốt đẹp đó, bởi nếu được như vậy thì không có chuyện hàng vạn người dân phải năm này qua tháng nọ lọ mọ vác đơn đi khiếu kiện khắp nơi; trong đó có những người đã ở cái tuổi gần đất xa trời, tóc bạc lưng còng rồi vẫn không thể nguôi ngoai nỗi xót xa.

Hơn nữa, chuyện đền bù không thỏa đáng này không chỉ làm ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội, đất nước. Như, việc đền bù bất hợp lý đã khiến cho việc giải phóng mặt bằng bao nhiêu dự án gặp khó khăn, gây thiệt hại rất lớn cho ngân sách nhà nước vì dự án bị đội vốn do chậm trễ thực hiện.

Ở TP  HCM, dự án Metro đội vốn rất nhiều lần so với dự tính ban đầu là một ví dụ. Và theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, từ năm 2011 đến tháng 6-2018, TP HCM tồn đến 133 dự án chưa hoàn thành chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc chưa hoàn thành việc thu hồi đất.

Như vậy không quá để nói rằng, nếu gỡ được nút thắt bất cập trong đền bù đất đai thì đất nước cơ bản giải quyết được một đại sự.

Rất mừng là mới đây, TP HCM đã mạnh dạn tiên phong trong vấn đề này. Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM gửi văn bản kiến nghị lên Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như một số bộ, ngành liên quan. 

Trong văn bản, Sở kiến nghị cho phép sử dụng thông tin giao dịch thị trường thực tế làm cơ sở xác định giá đất để tính bồi thường tại thời điểm có chủ trương thực hiện dự án. Đồng thời kiến nghị cần cho phép UBND TP HCM chấp thuận giá đất dự kiến để tính bồi thường và dùng giá tái định cư dự kiến để lấy ý kiến người dân…

Nhiều người gọi đây là một đề xuất mang tính đột phá, sẽ làm thay đổi hoàn toàn việc quản lý, sử dụng đất đai. Khi đó, với người dân có đất bị giải tỏa sẽ có sự công bằng hơn, còn về phần Nhà nước khi thu hồi đất của dân đi đấu giá sẽ thu lại được khoản tiền không nhỏ, đủ bù đắp lại khoản tiền tăng lên khi bồi thường đất cho dân theo giá thị trường.

Hiện tại thì vẫn chưa biết chính xác kiến nghị này của TP HCM có được chấp thuận hay không. Nhưng rõ ràng, đây là đề xuất rất cần được ủng hộ.

Nó là mong mỏi, là hy vọng, là niềm vui của bao nhiêu người dân lam lũ đã mất đi nhà cửa, đất đai canh tác vì giải tỏa. Và như đã nói, đó sẽ còn là bước tiến vượt bậc của xã hội nếu được chấp thuận và nhân rộng áp dụng ra khắp cả nước.

Xin dành một lời hoan hô cho TP HCM với đề xuất này. Và tin rằng, nó sẽ sớm trở thành một chính sách đúng đắn, hợp lòng dân!

Hoàng Lãm
.
.