Đề xuất bồi thường đất theo giá thị trường- Một đề xuất rất hay

Những câu chuyện dở dang

Thứ Tư, 29/08/2018, 08:19
Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thành đề án “Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 5-2017.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM vừa kiến nghị các bộ ngành Trung ương cho phép sử dụng thông tin giao dịch thị trường thực sự làm cơ sở xác định giá đất để tính bồi thường khi nhà nước thu hồi đất. Đây là một đề xuất rất hay, rất thiết thực mà nếu được thông qua chắc chắn sẽ giải tỏa được nhiều vướng mắc hiện tại liên quan đến việc thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đang gặp phải.


Trong đó có điểm quan trọng: “Về giá để tính bồi thường, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị cho phép sử dụng thông tin giao dịch thị trường thực sự làm cơ sở xác định giá đất để tính bồi thường, thuê tư vấn khảo sát giá đất để tính bồi thường tại thời điểm có chủ trương thực hiện dự án có thu hồi đất, đồng thời cho phép UBND thành phố chấp thuận giá đất dự kiến để tính bồi thường, giá tái định cư để lấy ý kiến người dân”.

1. Trên bàn làm việc của tôi nhiều năm rồi luôn có những xấp hồ sơ rất dày về khiếu kiện đất đai như ở Cần Giờ, ở quận 2, quận Bình Thạnh, quận 9… 

Không chỉ ở TP HCM, tôi còn nhận được rất nhiều điện thoại gọi là kêu cứu cũng được của nhiều người dân tại các địa phương khác, từ Quảng Ngãi cho đến Lâm Đồng. Ở đâu cũng có rất nhiều vấn đề liên quan đến bồi thường đất đai, giải phóng mặt bằng.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Mấy tuần trước, tôi sang nhà tạm cư của những hộ dân bị thu hồi đất để thực hiện một dự án Khu Công nghệ cao ở TP HCM, hàng trăm con người lưu ngụ trong những căn phòng bé xíu, nóng bức. 

Người dân nói đất của họ nằm ngoài ranh giới của Khu Công nghệ cao tại sao thu hồi, người dân bức xúc sao thu hồi đất của họ với giá rẻ mạt rồi phân lô bán nền với giá cao, người dân uất ức vì sao thu hồi đất của họ để xây chung cư mà họ không được suất mua căn hộ để ở…

Rất nhiều câu chuyện mà tôi tin rằng bất cứ ai quan tâm đến thông tin đều hơn một lần đã chứng kiến những vụ việc có thể gọi là oan khiên như vậy.

Cũng trong tuần này, một nghệ sĩ tên tuổi của làng giải trí Việt vừa livestream phản đối khi phần đất của gia đình anh bị thu hồi giao cho đơn vị khác thi công công trình mà không có bất cứ giấy tờ hay quyết định gì khác. Xa hơn là những vụ việc hết sức đáng tiếc như Đặng Văn Hiến, như Đoàn Văn Vươn, như Đặng Ngọc Viết…

2. Tiếp xúc với nhiều người dân khiếu kiện đất đai, sòng phẳng mà thừa nhận thì người dân luôn chấp nhận sự thua thiệt trong một chừng mực nào đó. 

Ví dụ như công tác thu hồi giải phóng mặt bằng bồi thường cho họ mức giá bằng 70% giá trị của thị trường thì có lẽ họ cũng đồng ý chấp nhận. 

Nhưng điều bất cập ở đây chính là giá bồi thường đất quá rẻ, rẻ đến độ vài trăm nghìn cho một mét vuông để từ đây sau khi chỉnh trang hạ tầng các doanh nghiệp sẽ bán lại cho người có nhu cầu mức giá vài mươi triệu, thậm chí là cả trăm triệu đồng/m². Thật sự là chứng kiến cảnh này, mình là người ngoài còn thấy xót huống hồ là chủ mảnh đất bị thu hồi.

Thêm một vấn đề nữa, đa phần đất thu hồi được giao cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có đất sẽ thi công dự án và bán với giá đắt. Thay vì câu chuyện doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nên thương lượng giá đền bù với người dân thì đằng này lại có sự can thiệp quá sâu của những mệnh lệnh hành chính, thậm chí là lập đoàn công tác cưỡng chế.

Trong căn phòng của khu tạm cư tại ở TP HCM mà tôi kể phía trên bài viết này, tôi đã thấy hàng trăm ký hồ sơ, là hàng trăm ký hồ sơ của một cán bộ nhà nước đã về hưu bị thu hồi trang trại tại quận này. Bất chấp, khi chỉ cho tôi cái bản đồ dự án mà ông đóng đinh ghim vào tường, phần đất của ông nằm ngoài bản đồ quy hoạch xa lơ xa lắc. 

Ông bị cưỡng chế ngay vào lúc ông không bao giờ tin mình bị cưỡng chế đất bởi không ai trả lời cho ông được câu hỏi, sao đất nằm ngoài quy hoạch lại bị thu hồi. Những chuồng trại, cây ăn trái, ao cá… bị xúc, bị san lấp biến thành đất bằng cả.

Người đàn ông này vẫn đang đi kiện khắp nơi, cuộc khiếu kiện kéo dài mười mấy năm rồi, ông đi lại Trung ương cũng rất nhiều lần rồi. Những bạn bè người quen làm to làm nhỏ ông cũng đã tìm đến hết rồi. Nhưng, kiện vẫn phải kiện.

Mà chắc rằng, người đàn ông ấy không phải là trường hợp duy nhất, chỉ có thể gọi là một điển hình khiếu kiện đất đai mà thôi.

3. Thế nên, đề xuất đền bù theo giá thị trường của Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM rất hay. Tất nhiên với những công trình phục vụ cho cộng đồng, dân sinh thì giá bồi thường có thể khác. Mặc dù giá như thế nào đi chăng nữa cũng phải đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi đất.

Trong tâm tưởng của người dân mình, đất đai luôn là tài sản quý giá nhất mà cuộc đời họ đã cố gắng chắt chiu dành dụm. Đất làm nhà, đất làm vườn, đất làm của cải để lại cho cháu con.

Vì vậy, phải đặt mình vào vị trí của người dân bị thu hồi đất mới thấy thương và thông cảm cho người dân, mới thấy xót xa cho người dân. 

Bởi bắt buộc phải rời một nơi thân thuộc chính là sự thiệt hại quá nhiều về tinh thần cũng như công việc lẫn thời gian rồi. Huống hồ, vừa phải rời cái nơi thấm đẫm ký ức ấy đi lại vừa phải nhận khoản đền bù rẻ mạt. Không nhận thì gửi khoản đền bù ấy vào rồi thực hiện cưỡng chế, thật sự rất đau lòng.

Đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM rất có ý nghĩa trong giai đoạn kiến tạo song hành cùng chống tham nhũng như hiện tại.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.