Đưa Ca kịch “Khát vọng Dam Săn” và chương trình “Tiếng gọi Cao nguyên” đến Hà Nội

Thứ Năm, 10/04/2025, 17:24

Gần 100 nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên của Tây Nguyên sẽ biểu diễn hai chương trình mang đậm bản sắc của đồng bào Tây Nguyên vào tối 12 – 13/4, tại Nhà hát Kịch Hà Nội, phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm. Đó là Ca kịch “Khát vọng Dam Săn” và chương trình âm nhạc, nghệ thuật dân gian “Tiếng gọi Cao nguyên”.

Đây là chương trình đặc biệt do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội tổ chức.

Trao đổi tại buổi họp báo vào chiều 10/4 tại Hà Nội, ông Trần Hồng Tiến, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết, Ca kịch “Khát vọng Dam Săn” và chương trình âm nhạc, nghệ thuật dân gian “Tiếng gọi Cao nguyên” là tình cảm, tâm huyết của ngành văn hoá Đắk Lắk nói chung, nghệ sĩ nói riêng dành cho người dân và du khách tại thủ đô Hà Nội, góp phần kích cầu du lịch. Địa phương đưa khoảng 100 nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên về Hà Nội biểu diễn. 

Đưa Ca kịch “Khát vọng Dam Săn” và chương trình “Tiếng gọi Cao nguyên” đến Hà Nội -0
Đưa Ca kịch “Khát vọng Dam Săn” và chương trình “Tiếng gọi Cao Nguyên” đến Hà Nội -0
Nghệ sĩ Đắk Lắk biểu diễn tại Hà Nội ngày 10/4.

Ca kịch “Khát vọng Dăm Săn” (tác giả: Nhạc sĩ Nguyễn Cường; Biên kịch, Tổng đạo diễn: Hồng Hoa; Tổng biên đạo: NSND Y San Alio). Đáng chú ý, âm nhạc có đến 2 nhạc sĩ tài năng  là nhạc sĩ Nguyễn Cường và nhạc sĩ Minh Đạo. Ngoài diễn xuất của các diễn viên chính là NSƯT Y Joel Knul, Y Kô Niê, H’Lueng Niê, Y Moan Hmok, Hoàng Duyên, vở ca kịch có sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ đến từ Tây Nguyên.

Trên nền sử thi Dam Săn - một trong những tác phẩm tiêu biểu của đồng bào Ê Đê, Tây Nguyên, nhà biên kịch Hồng Hoa đã viết lên kịch bản “Khát vọng Dam Săn” với nhiều tình tiết mới. Ca kịch “Khát vọng Dam Săn” đã được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt đề án thực hiện với mong muốn xây dựng một tác phẩm lớn trong nền âm nhạc Việt Nam, ca ngợi khát vọng và vẻ đẹp lãng mạn nhưng cũng đầy kiêu hùng của người Êđê ở Tây Nguyên. Tác phẩm góp phần phục dựng, bảo tồn văn hóa của người Êđê qua âm nhạc và sân khấu hình ảnh, được kỳ vọng trở thành một sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc, độc đáo. Vở ca kịch sẽ được biểu diễn tại Nhà hát Kịch Hà Nội vào tối 13/4.

Đưa Ca kịch “Khát vọng Dam Săn” và chương trình “Tiếng gọi Cao nguyên” đến Hà Nội -0
Ban tổ chức trao đổi với báo chí về chương trình biểu diễn tại Hà Nội.

Vào tối 12/4, chương trình âm nhạc, nghệ thuật dân gian “Tiếng gọi Cao nguyên”sẽ được tổ chức tại Khu vực vườn hoa Đền Bà Kiệu, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trong chương trình, các nghệ sĩ biểu diễn các tiết mục mang đậm bản sắc văn hoá của các dân tộc Tây Nguyên, trong đó có cồng chiêng.

Từ năm 2005, Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và được đưa vào danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” năm 2008. Từ những làn điệu dân ca của các dân tộc Tây Nguyên vô cùng phong phú và đặc sắc hòa cùng với nhạc cụ tre, nứa, tác phẩm sẽ tái hiện những âm thanh sinh động của núi rừng đại ngàn, sự gắn kết, giao hòa giữa con người, trời đất và thần linh…

N.Hoa
.
.