Vì sao triển khai bệnh án điện tử còn chậm trễ?

Chủ Nhật, 31/03/2024, 06:22

Ứng dụng chuyển đổi số y tế để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm phiền hà cho người bệnh, giảm bớt thủ tục hành chính, đặc biệt sử dụng bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy, liên thông kết quả xét nghiệm, mang lại lợi ích to lớn cho bệnh viện và người bệnh, được dư luận đồng tình. Tuy nhiên, quá trình triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, kê đơn thuốc điện tử vẫn còn rất chậm.

PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trường Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Quốc gia, Bộ Y tế về những khó khăn, vướng mắc và biện pháp tháo gỡ những bất cập, giúp cho chuyển đổi số y tế, đặc biệt là chuyển đổi từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử được thực hiện thuận lợi, đúng mục tiêu đề ra.

4-3.jpg -0
Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Quốc gia, Bộ Y tế.

PV: Xin ông cho biết, chuyển đổi số y tế trong thời gian qua đã đạt được những kết quả gì? Điều này mang lại lợi ích nào cho người bệnh và bệnh viện?

Ông Nguyễn Trường Nam: Lần đầu tiên Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế ban hành nghị quyết riêng về chuyển đổi số y tế đến năm 2025 và 2030, điều này thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo Bộ trong công cuộc chuyển đổi số của ngành Y tế. Đến nay, các đơn vị của ngành Y tế đã tập trung cho công tác chuyển đổi số, cơ bản lãnh đạo các đơn vị đều hiểu được tác dụng, vai trò và sự cần thiết của chuyển đổi số ở đơn vị mình, nhận thức đó được chuyển tải được đến cán bộ y tế trong ngành…

Hiện 100% bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong khám, chữa bệnh, đều có ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện và ứng dụng CNTT trong một số hoạt động như: Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; tư vấn đặt lịch khám chữa bệnh từ xa và một số hoạt động khác. Hầu hết các bệnh viện khu vực đô thị đều triển khai thanh toán không dùng tiền mặt như Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và một số bệnh viện khác tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt chiếm 50% trong các giao dịch tại bệnh viện. Nhưng hiện còn một số bệnh viện lớn vẫn chưa triển khai hiệu quả do quy mô đơn vị lớn, nhiều cơ sở, thành phần nên người bệnh vẫn còn phải xếp hàng chờ đợi thanh toán chi phí khám, chữa bệnh.

PV: Cả nước có hơn 1.300 cơ sở y tế công lập, nhưng hiện mới chỉ có 59 bệnh viện (cả công lập và tư nhân) triển khai bệnh án điện tử, trong đó chỉ có vài bệnh viện công lập, chưa có bệnh viện hạng đặc biệt nào chuyển đổi. Xin ông cho biết nguyên nhân tại sao? Các bệnh viện hạng đặc biệt đang gặp phải những khó khăn nào khi triển khai bệnh án điện tử? 

Ông Nguyễn Trường Nam: Bệnh án điện tử là một trong những nội dung cốt lõi, mắt xích quan trọng của chuyển đổ số y tế. Để triển khai được bệnh án điện tử cần phải làm rất nhiều việc như: Triển khai hệ thống quản lý xét nghiệm, đồng bộ hạ tầng và an toàn thông tin, kéo theo rất nhiều hạng mục khác nữa, dẫn đến chi phí triển khai quá lớn, gây khó khăn cho các bệnh viện.

Theo tiến độ của Thông tư 46/2018, hầu hết các bệnh viện đều không hoàn thành việc triển khai bệnh án điện tử vào thời điểm 31/12/2023. Qua đánh giá có nhiều nguyên nhân khách quan, nhưng quan trọng nhất vẫn là nhiều bệnh viện đã lập đề án song không có kinh phí nên không triển khai đồng bộ mà triển khai từng phần, dẫn đến tiến độ bị chậm. Hiện các bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, hầu hết nguồn lực của bệnh viện đầu tư cho khám bệnh, chữa bệnh, không còn nhiều nguồn lực dành cho CNTT và chuyển đổi số.

Về nguyên lý, kinh phí đầu tư cho chuyển đổi số vừa xin ngân sách nhà nước, vừa sử dụng nguồn lực tại chỗ. Sau dịch COVID-19, xin kinh phí từ ngân sách Nhà nước gặp nhiều khó khăn. Nguồn lực tại chỗ chỉ một số bệnh viện lớn có kinh phí chuyển sang cho chuyển đổi số, còn bệnh viện quy mô nhỏ cấp huyện không có tiền để thực hiện. Cũng do liên quan đến kinh phí mà đến nay chưa có bệnh viện hạng đặc biệt nào chuyển đổi từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử. Bệnh viện cấp tỉnh, cấp huyện quy mô nhỏ, khi triển khai chi phí thấp nên dễ thực hiện.

Với bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện hạng đặc biệt quy mô lớn, sự phức tạp cao, khi triển khai đòi hỏi đầu tư nguồn lực rất lớn, rất phức tạp, nên gặp nhiều khó khăn. Nhiều bệnh viện đang triển khai một số giai đoạn, ví dụ có nơi đã hoàn thành 80-90% nội dung bệnh án điện tử và trong quá trình vận hành đã ứng dụng vào khám chữa bệnh nhưng chưa công bố. Nhiều bệnh viện đang triển khai bệnh án điện tử, do chưa hoàn thành 100% nên họ chưa công bố, vì vậy, số lượng công bố còn ít.

PV: Theo một số giám đốc bệnh viện, việc chuyển đổi bệnh án giấy sang bệnh án điện tử ở bệnh viện chuyên khoa thuận lợi hơn bệnh viện đa khoa, điều này có đúng không? Một số bệnh viện đã triển khai bệnh án điện tử nhưng chưa được công bố, vậy việc công bố đó có khó khăn hay cần điều kiện gì không, thưa ông?

Ông Nguyễn Trường Nam: Việc chuyển đổi bệnh án giấy sang bệnh án điện tử ở bệnh viện chuyên khoa đúng là có thuận lợi hơn bệnh viện đa khoa nhưng không phải bệnh viện chuyên khoa hoàn toàn dễ hơn. Bệnh án điện tử phục vụ hoạt động dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh của người dân, bệnh viện chuyên khoa ít biểu mẫu, giảm bớt quy trình hơn và dễ dàng hơn, nhưng không khác biệt nhiều.

Về quy trình, sau khi triển khai bệnh án điện tử xong, bệnh viện sẽ thành lập hội đồng thẩm định, gồm các chuyên gia và BHXH thẩm định đánh giá và đạt kết quả theo quy định của Bộ Y tế thì sẽ công bố bệnh án điện tử thay bệnh án giấy. Sau đó, bệnh viện gửi kết quả về Bộ Y tế để đăng tải lên Cổng thông tin của Bộ và các trang thông tin của Bộ Y tế theo quy định. Khi bệnh viện gửi văn bản về Bộ Y tế và hồ sơ (quan trọng nhất là kết quả thẩm định của hội đồng), Bộ Y tế sẽ đăng tải thông tin rộng rãi chính thức triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy để dư luận biết.

4-4.jpg -0
Chưa triển khai bệnh án điện tử, mỗi lần đi khám, người dân phải đem theo nhiều loại giấy tờ.

PV: Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 46/2018 đề xuất lùi thời hạn 3 năm từ 2023 sang hết năm 2025 các bệnh viện từ tuyến tỉnh trở lên phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử. Với độ trễ như dự thảo, theo ông, các bệnh viện có thực hiện được đúng tiến độ hay không? Để hoàn thành mục tiêu triển khai bệnh án điện tử trên toàn quốc, cần có những giải pháp tháo gỡ khó khăn nào cho các bệnh viện? 

Ông Nguyễn Trường Nam: Dự thảo nằm trong lộ trình sửa đổi Thông tư 46, do Thông tư sửa đổi chưa được ban hành, nên tiến độ thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử vẫn thực hiện theo Thông tư 46. Qua thực tiễn đánh giá, có một số nội dung cần sửa đổi trong Thông tư 46 nhằm tạo điều kiện tháo gỡ cho các bệnh viện. Theo Thông tư 46, khi bệnh viện hoàn thành toàn bộ quy trình bệnh án điện tử thì mới được công bố.

Dự thảo thông tư sửa đổi giúp cho bệnh viện công bố từng phần, chỉ ra từng lộ trình, đáp ứng các kết quả đặt ra thì sẽ công bố. Với dự thảo thông tư sửa đổi, khi đã đưa ra các lộ trình theo mốc giai đoạn, các bệnh viện sẽ đáp ứng kịp tiến độ. Bởi trước kia phải chờ đủ kinh phí mới thực hiện, rất mất thời gian, còn làm theo lộ trình, kinh phí giảm đi, sẽ dễ dàng xin được nguồn kinh phí và bố trí nguồn lực để làm, thời gian sẽ rút ngắn. Đây là giải pháp cốt lõi để tháo gỡ cho việc thúc đẩy sớm triển khai bệnh án điện tử trên toàn quốc. 

Để triển khai được bệnh án điện tử, chuyện giải pháp kỹ thuật không khó, quan trọng nhất vẫn là kinh phí. Ở góc độ quản lý nhà nước, Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh nâng cao nhận thức và hiểu rõ về nội hàm chuyển đổi số cho các bệnh viện, khi hiểu rõ thì việc triển khai mới có hiệu quả, còn không hiểu rõ thì làm kiểu đối phó để báo cáo. Việc triển khai đã được phân cấp, phân quyền, các bệnh viện chủ động thực hiện, Bộ Y tế hướng dẫn về mặt pháp lý và kết nối liên thông dữ liệu khi các bệnh viện triển khai đồng bộ. 

PV: Khi tất cả các cơ sở y tế đều triển khai bệnh án điện tử, việc liên thông các kết quả xét nghiệm có được thực hiện ở các cơ sở y tế hay không? Xin ông cho biết về lợi ích mà người dân được hưởng khi đồng bộ dữ liệu hồ sơ sức khoẻ điện tử với tất cả các cơ sở y tế?

Ông Nguyễn Trường Nam: Liên thông kết quả xét nghiệm là kỳ vọng không riêng đối với người dân mà còn trong ngành Y tế. Vấn đề đặt ra là có kết quả xét nghiệm có thể dùng lại được, có kết quả xét nghiệm không dùng lại được, nên cần phân loại rõ rệt theo nhóm loại kết quả xét nghiệm nào dùng được, kết quả nào không được. Hiện nay khi chưa liên thông, người dân cầm kết quả xét nghiệm trước đó nếu nằm trong phạm vi dùng lại được, bác sĩ cũng không chỉ định xét nghiệm lại. Lợi ích của liên thông kết quả xét nghiệm là thuận tiện, lưu giữ thông tin trong hồ sơ của người bệnh, đặc biệt liên quan đến hồ sơ sức khoẻ của người dân.

Tới đây Bộ Y tế sẽ xây dựng nền tảng kết quả xét nghiệm, trên cơ sở đó giúp quản lý lưu giữ các kết quả xét nghiệm chung, đáp ứng được yêu cầu. Nhiều khi chất lượng kết quả xét nghiệm không kiểm định, kiểm duyệt chặt chẽ sẽ ảnh hưởng đến sai lệch kết quả. Một bác sĩ khám chẩn đoán ra y lệnh thì dựa trên kết quả khám và kết quả xét nghiệm, nếu kết quả xét nghiệm bác sĩ cảm thấy không tin cậy thì không dám sử dụng. Kết quả xét nghiệm còn phụ thuộc vào năng lực của cán bộ xét nghiệm.

Hiện năng lực xét nghiệm các tuyến không đồng đều nhau, với xét nghiệm đưa từ tuyến cơ sở lên tuyến trung ương, bác sĩ cũng rất cân nhắc. Cần thêm công tác chuẩn hóa về kết quả xét nghiệm, đảm bảo tính tin cậy để bác sĩ khi sử dụng lại các kết quả xét nghiệm của đơn vị, người ta yên tâm đưa vào quy trình chẩn đoán bệnh. Chuẩn hoá là các kết quả xét nghiệm đó phải được đánh giá đạt yêu cầu và quy trình của đơn vị xét nghiệm phải đạt tiêu chuẩn. Liên thông kết quả xét nghiệm về mặt công nghệ không khó mà khó về chuẩn hoá chuyên môn kết quả xét nghiệm.

Đồng bộ hồ sơ sức khoẻ điện tử là một trong nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Y tế, Chính phủ cũng đang đốc thúc triển khai, giúp người dân đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện trên toàn quốc kết quả được liên thông với nhau, người dân không phải sử dụng sổ khám bệnh giấy, mà bệnh án được điện tử hoá trên các ứng dụng. Hiện đang thí điểm sổ khám sức khỏe điện tử tại Hà Nội, trong đó có tích hợp và xác thực trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Khi đạt được kết quả sẽ nhân rộng ra cả nước, người dân đi khám chữa bệnh sẽ được lưu trữ thông tin theo quy định, tự tra cứu và xem kết quả khám của mình.

PV: Đến nay ngành Y tế đã cắt giảm 92 thủ tục hành chính, ứng dụng chuyển đổi số để cải cách hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh. Xin ông cho biết trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiếp tục ứng dụng chuyển đổi số để cắt giảm thủ tục hành chính như thế nào, tạo thuận lợi hơn nữa cho người bệnh?

Ông Nguyễn Trường Nam: Bộ Y tế đang chỉ đạo quyết liệt chuyển đổi số để cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh, đặc biệt liên quan đến kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ Y tế đang nỗ lực hoàn thiện sớm các thủ tục hành chính để kết nối liên thông với Chính phủ.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Trần Hằng (thực hiện)
.
.