Tư duy chiến lược bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong kỷ nguyên mới
“Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” – chân lý ấy không chỉ là tuyên ngôn lịch sử của dân tộc Việt Nam hiện đại mà trong bài viết cùng tên nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát triển thành một luận điểm mang tầm chiến lược, kết tinh từ tư tưởng Hồ Chí Minh, bám sát thực tiễn và định hướng tương lai.
Trong toàn bộ di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, tinh thần đại đoàn kết dân tộc chiếm vị trí trung tâm. Đó không chỉ là phương châm hành động – “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” – mà là “sức mạnh vô địch”, “chìa khóa vạn năng” giúp cách mạng Việt Nam vượt qua muôn trùng thử thách. Tổng Bí thư Tô Lâm đã kế thừa tinh thần ấy bằng một hệ tư duy toàn diện: lấy đoàn kết làm nền tảng tư tưởng, đồng thời là công cụ bảo vệ tư tưởng – đặt đại đoàn kết dân tộc ở vị trí cốt lõi của chiến lược bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời đại mới.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, tinh thần hòa hợp dân tộc không triệt tiêu khác biệt, mà vượt lên khác biệt để kiến tạo đồng thuận. Người Việt Nam dù khác biệt chính kiến, lịch sử, hoàn cảnh sống vẫn chung một cội nguồn, một tiếng nói và một nỗi nhớ quê hương. Việc phát triển tư tưởng đại đoàn kết không chỉ bao hàm các tầng lớp trong nước mà đặc biệt coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc, cần được gắn kết bằng tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc và khát vọng xây dựng đất nước.
Trong bối cảnh chuyển đổi số và truyền thông đa chiều, Tổng Bí thư xác định không gian mạng là “mặt trận tư tưởng mới”. Đây không chỉ là nơi giao tiếp thông tin mà là địa bàn chiến lược, nơi các thế lực thù địch triệt để lợi dụng để chia rẽ nội bộ, xuyên tạc nền tảng tư tưởng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng.
Tư duy chiến lược trong bảo vệ nền tảng tư tưởng phải chuyển từ thế bị động sang thế chủ động. Tổng Bí thư chỉ rõ, các chủ thể có trách nhiệm trên mặt trận này không chỉ là các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội mà còn là mỗi trí thức, nhà báo, văn nghệ sĩ, doanh nhân, nhà giáo dục. Mỗi người phải trở thành một “pháo đài tinh thần”, có khả năng đề kháng và phản công trước mọi luận điệu xuyên tạc. Chống diễn biến hòa bình trên không gian số, theo Tổng Bí thư, cần song hành hai yếu tố: củng cố hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực và hiện đại hóa các công cụ lý luận – truyền thông, trong đó báo chí, giáo dục chính trị tư tưởng và văn hóa dân tộc giữ vai trò trụ cột.
Không dừng lại ở phạm vi lý luận, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ định hướng phát triển toàn diện các lĩnh vực. Trong đó, ba trụ cột then chốt được đặt ra. Một là xây dựng nền kinh tế tự lực, tự cường. Đó là xây dựng nền kinh tế không cô lập hay biệt lập mà là phát huy tối đa nội lực quốc gia – bao gồm trí tuệ, con người, tài nguyên và công nghệ. Trong bối cảnh khủng hoảng chuỗi cung ứng, địa chính trị căng thẳng, một nền kinh tế phụ thuộc sẽ dễ bị tổn thương. Việc phát triển công nghiệp lõi, đầu tư cho giáo dục, khoa học – công nghệ và chuyển đổi số chính là nền móng của tự lực – tự cường. Hai là xây dựng quốc phòng toàn dân, toàn diện và hiện đại: An ninh phi truyền thống – từ an ninh mạng đến biến đổi khí hậu – đòi hỏi quốc phòng không chỉ là vũ lực mà còn là năng lực tổng hợp. Quân đội, Công an cần tinh nhuệ, hiện đại, trong khi người dân phải là chủ thể giữ gìn an ninh, ổn định xã hội. Quốc phòng giờ đây gắn liền với công nghệ, với an toàn thông tin và cả an ninh tư tưởng. Ba là phát triển hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả. Trong xã hội hiện đại, bộ máy cồng kềnh sẽ làm giảm năng lực điều hành và sức cạnh tranh. Cải cách thể chế, loại bỏ thủ tục hành chính phiền hà, nâng cao năng lực cán bộ, chuyển từ “quản lý” sang “phục vụ” là yêu cầu cấp thiết. Tất cả nhằm mục tiêu cao nhất: vì nhân dân phục vụ.
Tổng Bí thư khẳng định, phát triển không thể tách rời nhân văn. Tăng trưởng kinh tế không phải là đích đến duy nhất, mà phải song hành với một xã hội công bằng, văn hóa và an toàn. Con người là mục tiêu trung tâm và cũng là chủ thể sáng tạo của mọi chính sách phát triển.
Một điểm nhấn lý luận đặc sắc trong bài viết là sự mở rộng khái niệm “chủ quyền” – không chỉ là lãnh thổ, mà bao gồm cả chủ quyền tư tưởng. Trong kỷ nguyên số, bảo vệ nền tảng tư tưởng chính là bảo vệ chủ quyền tinh thần, bản sắc và niềm tin dân tộc. Đây là điểm chuyển hóa mạnh mẽ từ tư duy phòng thủ sang tư duy chủ công – từ thụ động bảo vệ sang chủ động kiến tạo thế trận tư tưởng. Tổng Bí thư chỉ rõ: thống nhất tư tưởng là trụ cột của thống nhất quốc gia. Nếu để phân hóa niềm tin, phân mảnh tư tưởng thì nguy cơ chia rẽ không nằm ở biên giới vật lý, mà là ở chính nội bộ. Do đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng cần được xác lập như một “thế trận quốc gia”, trong đó mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức chính trị – xã hội đều là chủ thể phòng thủ và tiến công trên mặt trận này.
Trong bài viết “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, Tổng Bí thư nhấn mạnh, mọi thành tựu của cách mạng Việt Nam đều bắt đầu từ khối đại đoàn kết dân tộc. Trong bối cảnh các thế lực thù địch thúc đẩy chiến lược chia rẽ “từ bên trong” – bằng cách kích động mâu thuẫn vùng miền, tôn giáo, dân tộc – đoàn kết dân tộc không chỉ là giá trị truyền thống mà là yêu cầu chiến lược hiện thời.
Thực tiễn đã chứng minh, vụ khủng bố tại Đắk Lắk (11/6/2023), các cuộc biểu tình sau sự cố môi trường do Formosa hay hoạt động lợi dụng tôn giáo ở Tây Nam Bộ… đều cho thấy mục tiêu xuyên suốt của các thế lực thù địch là chia rẽ khối đoàn kết toàn dân. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo kiên quyết của Đảng và lòng tin của nhân dân, mọi âm mưu đều bị đập tan. Những sự kiện này khẳng định, đoàn kết toàn dân là bức tường thành bất khả xâm phạm.
Một điểm nhấn đặc biệt là tinh thần hướng về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài – gần 6 triệu người đang sinh sống tại hơn 130 quốc gia. Tổng Bí thư khẳng định, dù sống ở đâu, người Việt đều có chung một cội nguồn và việc tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào tham gia phát triển đất nước là trách nhiệm chiến lược của Đảng, Nhà nước. Các chính sách như sửa đổi Luật Quốc tịch, miễn học phí toàn hệ thống giáo dục công lập từ năm học 2025–2026, miễn phí viện phí giai đoạn 2030–2035 hay quyết tâm xóa nhà tạm trên toàn quốc trước ngày 31/10/2025, là minh chứng cho tư tưởng “không để ai bị bỏ lại phía sau” – một định hướng phát triển lấy con người làm trung tâm.
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ là một bài chính luận nhân kỷ niệm ngày thống nhất đất nước mà còn định hình chiến lược bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời đại mới. Từ tinh thần đại đoàn kết dân tộc đến nhận thức sâu sắc về chủ quyền tư tưởng, từ tư duy về an ninh phi truyền thống đến những chính sách phát triển lấy con người làm trung tâm – tất cả tạo nên một hệ giá trị mới, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa chủ động phòng thủ và tiên phong kiến tạo.
Trong kỷ nguyên số, nền tảng tư tưởng chính là “cột mốc chủ quyền tinh thần” của quốc gia. Bảo vệ nền tảng ấy không thể chỉ trông cậy vào ý chí của một vài lực lượng mà đòi hỏi sự đồng sức đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó trí thức, văn nghệ sĩ, doanh nhân, giáo viên, nhà báo… là những “chiến sĩ” tiên phong trên mặt trận văn hóa – tư tưởng. Tư duy chiến lược của Tổng Bí thư Tô Lâm không giới hạn trong những chỉ đạo hành chính mà kết nối lịch sử với hiện tại và mở ra một tầm nhìn cho tương lai. Một tương lai mà trong đó, Việt Nam không chỉ là một dân tộc độc lập, có chủ quyền mà còn là một dân tộc đoàn kết, hùng mạnh, có bản sắc và có vị thế vững chắc giữa thế giới đầy biến động.
“Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản” - lời khẳng định bất hủ ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục được phát triển để giữ vững ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH trên nền tảng tư tưởng của Đảng, trong mọi hoàn cảnh và thách thức của thời đại.