Với cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế đã đạt được, đất nước Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ trong thế kỷ XXI, hướng đến hai mục tiêu, hai dấu mốc quan trọng: Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà XHCN Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Cải cách bộ máy chính trị đảm bảo tinh, gọn, mạnh là yêu cầu thiết yếu trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
Cuộc “cách mạng” tinh gọn bộ máy, một yêu cầu cấp thiết, khách quan
Mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nước ta từ năm 1945 đến nay cơ bản ổn định gồm 3 khối (Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội). Với cơ chế vận hành Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, tổ chức bộ máy của từng khối đã có sự điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu cách mạng của từng giai đoạn lịch sử. Từ Hội nghị Trung ương 6 khóa VI đến nay, khái niệm “hệ thống chính trị” chính thức được sử dụng đánh dấu sự phát triển tư duy, nhận thức của Đảng về yêu cầu, nhiệm vụ đối với hệ thống chính trị trong thời kỳ đổi mới.
Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xuất phát từ tầm quan trọng đặc biệt và đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn phát triển nóng bỏng của đất nước, qua nhiều kỳ đại hội, nhất là trong các đại hội gần đây, trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, XIII đều nhấn mạnh các nhiệm vụ cụ thể về tinh gọn tổ chức bộ máy hoặc nghiên cứu xây dựng mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng, hệ thống tổ chức đảng các cấp, bộ máy Nhà nước từ Trung ương tới cơ sở, tổ chức cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từng bước được đổi mới, phát huy hiệu lực, hiệu quả; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của từng tổ chức trong hệ thống chính trị được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN.
“Nhiệm vụ sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy là công việc rất khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi con người trong từng tổ chức. Do đó, đòi hỏi sự đoàn kết, quyết tâm cao, dũng cảm và cả sự hi sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung. Quá trình thực hiện cần theo dõi để phát hiện, nhân rộng những cách làm hay, hiệu quả, uốn nắn và kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh, đảm bảo việc triển khai theo đúng mục tiêu, yêu cầu và tiến độ đã đề ra”.
(Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương, tháng 11/2024).
Tuy nhiên, những tồn tại, hạn chế vẫn chậm được điều chỉnh như: Bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống hoặc một số chủ trương không được triển khai hoặc triển khai hình thức; sự chồng chéo, phân định không rõ chức năng, nhiệm vụ dẫn đến không rõ trách nhiệm, hiệu suất công tác thấp, đùn đẩy trách nhiệm, tiêu cực, cản trở phát triển; nhiều tầng nấc trung gian dẫn đến thủ tục hành chính rườm rà, gây cản trở, thậm chí tạo điểm nghẽn; chi phí vận hành hệ thống tổ chức bộ máy lớn, làm giảm nguồn lực cho đầu tư phát triển...
Thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước không còn xa, để đạt được các mục tiêu chiến lược, không chỉ đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc mà còn không cho phép chúng ta chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi. Muốn vậy, cần khẩn trương thực hiện “cách mạng” về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Trong bài viết với tựa đề “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”, Tổng Bí thư Tô Lâm trích dẫn câu nói của V.I Lênin về cải tiến bộ máy Nhà nước rằng: “Phải tuân theo quy tắc này: Thà ít mà tốt... Tôi biết rằng giữ vững quy tắc ấy và vận dụng được nó vào tình hình thực tế của chúng ta là khó khăn... Tôi biết rằng sẽ phải kháng cự một cách mãnh liệt, sẽ phải tỏ ra kiên trì phi thường... Song tôi vẫn tin chắc rằng chỉ có tiến hành công tác đó, chúng ta mới có thể xây dựng được một nước cộng hòa thật sự xứng danh là nước Cộng hòa XHCN Xô-Viết”.
Hội nghị của Chính phủ quán triệt việc tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương về tinh gọn bộ máy. Ảnh: TTXVN.
Từ việc viện dẫn câu nói trên, Tổng Bí thư khẳng định, xây dựng tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, tất cả vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, sớm sánh vai với các cường quốc năm châu.
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: “Công việc phía trước rất bộn bề, khẩn trương. Thời gian không chờ đợi chúng ta. Đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử bước vào kỷ nguyên vươn mình. Những công việc chúng ta làm hôm nay, sẽ quyết định tương lai. Chậm trễ là có lỗi với nhân dân. Tôi đề nghị các đồng chí từ Trung ương đến cơ sở có mặt tại hội nghị hôm nay phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao nhất để hoàn thành sớm việc tinh gọn tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị; góp phần tăng tốc, bứt phá vượt các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024, 2025 và cả nhiệm kỳ Đại hội XIII; chuẩn bị thật tốt đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng”.
Tạo niềm tin và sự đồng sức, đồng lòng toàn xã hội
Cuộc “cách mạng” tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế đang được triển khai từ Trung ương đến địa phương một cách đồng bộ, khẩn trương, quyết liệt, với quyết tâm cao nhất. Đến nay, việc thực hiện không còn là “nghiên cứu, thí điểm, từng bước” mà ấn định các mốc thời gian, tiến độ rất rõ ràng, phạm vi bao quát, đồng bộ. Hội nghị Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 56-NQ/TW ngày 25/11/2024, xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong triển khai tổng kết Nghị quyết 18; giao Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18 xem xét, quyết định sắp xếp theo thẩm quyền đối với những cơ quan, tổ chức đã có phương án chuẩn bị kỹ lưỡng.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ phát triển mới, đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Bộ Chính trị xác định, việc tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc “cách mạng” về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động. Những công việc liên quan phải hoàn thành sớm để tổ chức Hội nghị Trung ương (dự kiến cuối tháng 1/2025) và kỳ họp Quốc hội bất thường (dự kiến giữa tháng 2/2025).
“Sắp xếp, tinh gọn bộ máy song phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả, các chức năng, nhiệm vụ không bỏ, thậm chí có những nhiệm vụ phải tăng cường; giảm đầu mối, giảm khâu trung gian, giảm thủ tục, tăng cường cho cơ sở, xóa bỏ quan liêu bao cấp, tăng cường chuyển đổi số, giảm tiếp xúc trực tiếp, giảm tham nhũng vặt, giảm phiền hà sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp. Trong quá trình hoàn thiện, sắp xếp, tinh gọn bộ máy cần chống "chạy chọt", chống lợi ích cá nhân, xóa bỏ cơ chế xin cho”.
(Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 18)
Tại sao cần đề ra mốc thời gian thực hiện với tiến độ khẩn trương như vậy? Thực tế cho thấy, trong công tác sắp xếp bộ máy, nếu không rõ ràng về tiến độ, mốc thời gian thì các cấp, các ngành dễ kéo dài. Trong khi chúng ta đã có 7 năm để nghiên cứu, đánh giá, kể từ khi Nghị quyết 18 của Trung ương khoá XII được ban hành năm 2017. Đó đã là một quá trình dài, đã đến lúc không thể để chậm trễ thêm. Đặc biệt, năm 2025 sẽ diễn ra đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, điều này đòi hỏi việc sắp xếp bộ máy phải hoàn thành trước để việc đại hội thuận tiện, nhất là liên quan công tác nhân sự.
Tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là vấn đề khó, thậm chí rất khó. Khi tiến hành tinh gọn bộ máy sẽ liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, lợi ích của một số cá nhân, tổ chức. Do vậy, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, công tác này được tiến hành khách quan, thận trọng, dân chủ, khoa học, bài bản. Việc tinh gọn tổ chức bộ máy bám sát, bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc, quan điểm của Đảng, Trung ương đã thống nhất, bám sát Hiến pháp, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nguyên tắc của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ, liên thông.
Cùng với việc sắp xếp bộ máy là quan tâm giải quyết chế độ, chính sách với cán bộ dôi dư đảm bảo hợp lý, hợp tình, thể hiện tính nhân văn. Về vấn đề này, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu cần thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng do sắp xếp lại tổ chức bộ máy. Cùng với việc tổng kết và đề xuất mô hình tổ chức mới, phải chủ động rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật đảm bảo đồng bộ rà soát, sửa đổi, bổ sung các chủ trương, quy định của Đảng cho thống nhất điều chỉnh kịp thời các quy định của pháp luật, các quy trình, quy chế trong công tác trên từng lĩnh vực.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ đã tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Tinh thần của chính sách là nhân văn, công bằng, bảo đảm tương quan hợp lý giữa các đối tượng nhằm ổn định cuộc sống, bảo đảm quyền, lợi ích cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để “không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy”.
Chúng ta nhận thấy, dù công tác tinh gọn bộ máy là công việc rất khó, đụng chạm đến lợi ích của nhiều người, nhiều nhóm khác nhau song dư luận xã hội rất đồng thuận và ủng hộ Đảng, Nhà nước quyết tâm thực hiện. Theo dõi mạng xã hội, thấy rõ sự đồng thuận này, từ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý, từ công, nông, trí thức, các bậc lão thành cách mạng đến thế hệ trẻ, hầu hết đều tích cực hưởng ứng cuộc “cách mạng” lớn trong cải cách bộ máy. Có được điều đó là do cách làm bài bản, khoa học dưới sự chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm.
Tổng Bí thư đã có các bài viết, bài phát biểu quan trọng định hướng, chỉ đạo việc thực hiện, đề ra các lộ trình cụ thể, đảm bảo tính khoa học, bài bản, tập trung, tạo sự nhất quán “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. Đồng thời, Tổng Bí thư thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo, gợi mở nhiều vấn đề nhằm tháo gỡ những khó khăn, “điểm nghẽn”, đảm bảo việc thực hiện khẩn trương, mạnh mẽ, đồng bộ.
Kinh nghiệm quan trọng từ việc sắp xếp bộ máy của Bộ Công an
Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy là vấn đề phức tạp, khó khăn ở bất kỳ thời kỳ nào. Tuy nhiên, thành công của Bộ Công an trong vấn đề này cho thấy, khi có sự quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành với cách làm bài bản và khoa học thì dẫu khó cũng làm được và đáp ứng tốt yêu cầu, mục đích đặt ra. Tổ chức bộ máy Bộ Công an hiện nay được xây dựng tập trung, thống nhất, chuyên sâu theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, làm cơ sở cho việc điều chỉnh, bố trí lực lượng và thực hiện tinh giản biên chế; tập trung đầu tư cho đơn vị trực tiếp chiến đấu, hướng về cơ sở.
Trong nỗ lực đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, Bộ Công an đã cắt giảm 6 tổng cục, gần 60 đơn vị cấp cục và gần 300 đơn vị cấp phòng. Ở cấp địa phương, 20 Sở Cảnh sát PCCC được sáp nhập vào Công an tỉnh, thành phố và tinh gọn tổ chức Công an cấp tỉnh, cấp huyện; giảm hơn 500 đơn vị cấp phòng, hơn 1.000 đơn vị cấp đội. Ngày 10/7/2023, Bộ Công an đã ban hành Đề án số 19/ĐA-BCA nhằm tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong của Công an các đơn vị, địa phương tinh, gọn, mạnh. Theo đó, tiếp tục giảm 279 đơn vị cấp phòng, 1.237 đơn vị cấp đội.
Các đơn vị cấp cục được sắp xếp lại theo nguyên tắc các đơn vị tương đồng về chức năng nhiệm vụ, các đơn vị không rõ nhiệm vụ, đối tượng công tác hoặc có chức năng, nhiệm vụ liên quan chặt chẽ với nhau mà trong quá trình hoạt động bắt buộc phải có sự phối hợp thì sáp nhập, hợp nhất, bảo đảm một cơ quan đơn vị có thể thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan, đơn vị chủ trì chịu trách nhiệm chính. Đây được coi là “một cuộc cách mạng lớn”, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an. Đồng thời, thể hiện tính tích cực, chủ động, gương mẫu đi đầu của Bộ Công an trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính trị.
“Chúng ta cần tiếp tục suy nghĩ làm sao đánh giá cán bộ cho đúng, loại bỏ được người lười biếng trong bộ máy, thu hút người tài cho nền hành chính công. Bởi vì bộ máy có khoa học bao nhiêu, tinh gọn hợp lý bao nhiêu thì hiệu lực, hiệu quả của bộ máy phải do con người quyết định. Làm sao kết hợp với tinh gọn nhưng sắp lại đội hình, lựa chọn được tinh hoa, những người thực sự tâm huyết, thực sự có đóng góp, có kinh nghiệm, bản lĩnh”.
(Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành Nội vụ năm 2024).
Khi Bộ Công an chủ động thực hiện Đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận cũng như tướng lĩnh, sĩ quan, cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng CAND. Quán triệt và gương mẫu đi đầu trong thực hiện Nghị quyết 18, Bộ Công an đã đề xuất với Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 22/2018 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tháng 8/2018, Bộ Công an công bố bỏ 6 tổng cục gồm: Tổng cục An ninh (Tổng cục 1), Tổng cục Cảnh sát (Tổng cục 2), Tổng cục Chính trị (Tổng cục 3), Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật (Tổng cục 4), Tổng cục Tình báo (Tổng cục 5), Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục 8). Sau đó, sắp xếp thêm Bộ Tư lệnh Cảnh vệ và Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động chuyển thành đơn vị tương đương cấp cục.
Khi đó, chia sẻ với báo chí về việc thực hiện bỏ cấp tổng cục, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an (nay là Tổng Bí thư) cho biết, để bắt tay vào việc, dù đa số ý kiến đồng ý nhưng cũng có những ý kiến còn băn khoăn. Đặc biệt, một số cán bộ hưu trí, cán bộ lão thành có những người cả cuộc đời gắn bó với tổng cục, có rất nhiều tình cảm, kỷ niệm, khi nghe không còn tổng cục nữa cũng băn khoăn.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 11/2024 xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện tinh gọn bộ máy. Ảnh: TTXVN.
“Vì vậy, chúng tôi tổ chức những “hội nghị Diên Hồng” để lấy ý kiến đóng góp, phân tích, đồng thời có điều kiện để giải thích, nói rõ những quan điểm, chủ trương để tạo sự đồng tình. Đặc biệt Đảng uỷ Công an Trung ương khi bỏ phiếu, phát biểu ý kiến đều rất thống nhất, tập trung, từ đó lan toả đến cán bộ, chiến sĩ. Cán bộ, chiến sĩ đều nhận thấy đây là việc làm đúng đắn và thiết thực, hiệu quả nên rất đồng tình ủng hộ” – Đại tướng Tô Lâm kể lại và nêu rõ, đây là cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của lực lượng Công an. Tổ chức bộ máy được đổi mới theo hướng tinh gọn, đồng bộ, bảo đảm hoạt động nhịp nhàng, ổn định, giảm tầng nấc trung gian trong điều hành, tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đối với Công an các đơn vị, địa phương trên các mặt công tác.
Thành công, hiệu quả, cách làm bài bản, khoa học trong công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của Bộ Công an chính là thực tiễn sinh động, là kinh nghiệm bổ ích, quan trọng với các ban, bộ, ngành, địa phương trong công tác “then chốt của then chốt” này.