Thưởng Tết - không chỉ ở con số mà còn là sự chăm lo người lao động

Chủ Nhật, 29/12/2024, 06:12

Chỉ còn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Câu chuyện “lương, thưởng Tết cuối năm” luôn là vấn đề được hàng triệu người lao động quan tâm. Dù việc thưởng Tết không có quy định bắt buộc nhưng từ lâu đã trở thành văn hóa của các đơn vị, doanh nghiệp tại Việt Nam. Thưởng Tết cũng là một phần không thể thiếu trong các mối quan hệ nghề nghiệp, không chỉ mang lại niềm vui, sự quan tâm, còn là động lực để người lao động thêm gắn bó với nơi làm việc.

Đến thời điểm này, đã có không ít doanh nghiệp công khai phương án lương, thưởng Tết nhưng cũng có không ít doanh nghiệp chưa thể công bố bởi còn khó khăn do tình hình sản xuất kinh doanh. Xung quanh câu chuyện lương, thưởng Tết cuối năm và hài hoà quan hệ lao động, trong chuyên mục “Trò chuyện Chủ nhật” tuần này, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi cùng với bà Trần Thị Thanh Hà, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN).

PV: Theo tôi được biết, cách đây hơn 1 tháng, Tổng LĐLĐVN đã có văn bản yêu cầu các cấp công đoàn chủ động tham gia với chủ sử dụng lao động công khai phương án trả lương, thưởng Tết trước ngày nghỉ Tết ít nhất 30 ngày, đảm bảo quyền lợi thỏa đáng cho đoàn viên, người lao động tăng ca, làm thêm giờ, làm việc trong dịp Tết. Đến thời điểm hiện tại, việc này đã được thực hiện thế nào, thưa bà?

ha quan he lao dong.jpg -0
Bà Trần Thị Thanh Hà, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Bà Trần Thị Thanh Hà: Cách đây hơn 1 tháng, Tổng LĐLĐVN đã có văn bản chỉ đạo công đoàn các cấp phải lên phương án phối hợp cùng với người sử dụng lao động, các cấp chính quyền để đảm bảo câu chuyện lương, thưởng cho người lao động dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán. Cùng với đó là giữ gìn, ổn định quan hệ lao động tại địa bàn, sớm công bố tiền lương và tiền thưởng cho người lao động. Rà soát các doanh nghiệp yếu có tình hình sản xuất giảm sút mạnh, đứng trước nguy cơ phá sản, có chủ bỏ trốn để báo cáo trực tiếp lên tỉnh ủy các địa phương và phối hợp cùng với UBND tỉnh, các sở, ban, ngành chăm lo quyền lợi cho người lao động. Thêm nữa là các cấp công đoàn phải tổ chức tốt công tác đối thoại, thương lượng, tổ chức hội nghị người lao động, xây dựng các phương án tổng hợp ý kiến của người lao động về vấn đề chi trả lương tháng thứ 13 hay thưởng Tết. Tình hình chung chúng tôi nắm được qua thông tin của hệ thống các cấp công đoàn thì thưởng Tết năm nay tốt hơn năm trước.

PV: Có thể nói, với đa số người lao động thì khoản thưởng Tết không chỉ có ý nghĩa động viên về mặt tinh thần mà còn là sự trông đợi cả về mặt vật chất. Đã có những thông tin dự báo về việc thưởng Tết năm nay có thể tăng từ 6 – 8% so với năm trước. Qua nắm bắt từ phía Tổng LĐLĐVN thì cụ thể như thế nào, thưa bà?

Bà Trần Thị Thanh Hà: Trung bình chung mức thưởng Tết năm nay tăng khoảng 8%. Còn tính riêng thì có những khu vực tăng cao hơn mức này kha khá như dệt may, da giày, điện tử. Ví dụ khu vực dệt may, có những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mức thưởng Tết tăng đến 15%, khu vực từ nhân thì tăng từ 10 – 12%. Có thể nói, mức thưởng Tết ở khu vực này rất là tốt. Đơn cử như ở Đồng Nai, trên tổng hợp của 320 doanh nghiệp thì có doanh nghiệp thưởng cho bộ phận quản lý lên đến 200 triệu đồng/người, người lao động thì được thưởng từ 2 – 5 tháng lương. Tuy nhiên, cũng còn có một số ngành còn khó khăn như xây dựng hoặc chế biến gỗ.

PV: Một số ngành còn khó khăn dẫn đến thưởng Tết cho người lao động chưa được tốt, nguyên nhân ở đây là gì, thưa bà?

Bà Trần Thị Thanh Hà: Nguyên chính ở đây vẫn là sự giảm sút trong sản xuất, kinh doanh. Đối với ngành Xây dựng thì các doanh nghiệp nhà thầu nhận được ít hoặc không có công trình xây dựng, hoặc có thể có công trình nhưng vẫn chưa thể quyết toán. Chế biến gỗ thì vẫn bị ảnh hưởng bởi một số tiêu chuẩn xuất hàng sang khối EU và một số khu vực thương mại khác. Mặc dù chế biến gỗ cũng đã có khởi sắc hơn năm ngoái nhưng mức thưởng chắc cũng chỉ tăng được khoảng 6%.

PV: Câu chuyện thưởng Tết cứ “đến hẹn lại lên” luôn là đề tài nóng trong những ngày Tết đến, Xuân về. Thế nhưng, khi những con số được công bố ra, vẫn có không ít tâm tư vì nhiều nơi, nhiều chỗ, mức thưởng rất thấp, thậm chí chỉ là tượng trưng. Bà nghĩ thế nào về vấn đề này?

Bà Trần Thị Thanh Hà: Có thể nói, trong điều kiện nền kinh tế đang vực dậy sau những khó khăn, mức thưởng Tết bình quân năm nay tăng khoảng 8% so với năm trước đã cho thấy những tín hiệu đáng mừng. Và nhiều nơi còn có thêm những hình thức thưởng khác để hỗ trợ, động viên, khích lệ người lao động khó khăn trong dịp Tết. Có thể nói, thưởng Tết tốt hơn không chỉ mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người lao động trong những ngày Tết đoàn viên mà còn là động lực gắn kết, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế.

Nhưng cùng với niềm vui, vẫn còn những nỗi buồn, chẳng hạn mức tiền thưởng Tết cao chủ yếu nằm ở những đơn vị, doanh nghiệp làm ăn tốt, thu nhập thường xuyên của người lao động ở những đơn vị này cũng ổn định ở mức cao và ngược lại ở những doanh nghiệp, đơn vị thu nhập bình quân của người lao động thấp thì tiền thưởng Tết cũng không được nhiều. Đâu đó vẫn có những hiện tượng thưởng Tết bằng hiện vật, hoặc thưởng Tết mà người lao động nhận rồi còn thấy buồn hơn. Tùy theo văn hóa và điều kiện cụ thể của từng đơn vị, doanh nghiệp mà mức thưởng Tết có thể nhiều hay ít. Nhưng không chỉ ở những con số về mặt tài chính, mà thưởng Tết còn đồng nghĩa với sự chăm sóc, an sinh xã hội, do đó, tổ chức Công đoàn chúng tôi luôn nhận thức rõ vai trò trở thành cầu nối giữa người lao động và doanh nghiệp để có được những quyết định thưởng phù hợp, công bằng nhất.

PV: Lâu nay, các chế độ phúc lợi đóng vai trò không nhỏ trong việc giữ ổn định tình hình quan hệ lao động, đặc biệt là ở thời điểm trước, trong và sau Tết. Bà có nhận thấy tình hình quan hệ lao động năm nay có gì biến động không?

Bà Trần Thị Thanh Hà: Quan hệ lao động năm nay khá ổn định, tuy nhiên có một số địa phương lớn vẫn xảy ra tình trạng thiếu lao động. Phía Nam thì tập trung ở Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An. Còn phía Bắc thì một số trung tâm công nghiệp lớn như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Phòng cũng xảy ra tình trạng thiếu lao động. Có thể nói, hiện nay tình trạng khan hiếm lao động đã xảy ra và điều này dẫn đến cạnh tranh trong tuyển dụng lao động. Người sử dụng lao động hiện nay đang phải thực hiện tốt các chế độ phúc lợi cho người lao động để giữ chân họ.

Đã có một số doanh nghiệp phải giữ chân người lao động bằng biện pháp chi trả trước một phần tiền thưởng Tết và tiền lương, số còn lại ra ngoài Tết mới chi trả tiếp. Riêng phương án này của doanh nghiệp đã gặp phải phản ứng ngay tức thì của người lao động và sự đấu tranh của công đoàn cơ sở. Bởi vì nếu doanh nghiệp làm điều này sẽ dẫn đến một bộ phận người lao động bỏ, ngừng việc ngay tức thì. Nói thế nào thì nói, tiền lương và tiền thưởng cuối năm là công sức người lao động đã bỏ ra. Cuối năm, chắc chắn không ít người lao động sẽ coi đó là khoản tiền họ trông chờ để về chăm sóc cho bố mẹ già, mua cho con tấm áo, manh quần mới, chi phí trong dịp Tết. Thậm chí có người sẽ coi đó là khoản tích luỹ để làm những việc lớn hơn như để cho con đi học, sửa chữa nhà cửa. Cho nên đối với những doanh nghiệp có cách giữ lao động như thế sẽ gặp phải tình trạng công nhân lao động tổ chức ngừng việc, đấu tranh của công đoàn cơ sở. Các tổ chức công đoàn cấp trên như công đoàn khu công nghiệp, liên đoàn lao động tỉnh cũng sẽ có các biện pháp để đấu tranh.

PV: Như thế có nghĩa là liên quan đến câu chuyện lương, thưởng Tết cuối năm cũng đã xuất hiện những bất cập. Vậy tổ chức công đoàn đã có những giải pháp gì để không để xảy ra những mâu thuẫn có thể thành “điểm nóng” trong quan hệ lao động dịp này?

Bà Trần Thị Thanh Hà: Chủ yếu mâu thuẫn giữa người lao động và chủ sử dụng lao động xảy ra dịp này sẽ tập trung vào vấn đề tiền lương và tiền thưởng. Một số cuộc ngừng việc cũng xuất phát từ chế độ phúc lợi không được thực hiện tốt, vấn đề tăng ca, cách tính tiền tăng ca, phụ cấp chuyên cần và các loại phụ cấp khác. Đa phần nó xuất phát từ việc người sử dụng lao động đã không thực hiện đúng các cam kết với người lao động trong quy chế nội quy lao động, trong quy chế trả lương, trả thưởng cho người lao động, trong thoả ước lao động tập thể, hoặc vi phạm luật lao động.

Thưởng Tết - không chỉ ở con số mà còn là sự chăm lo người lao động -0
Thưởng Tết là vấn đề đang được nhiều người lao động quan tâm.

Đối với những vụ việc thế này, khi người lao động ngừng việc tập thể, ngay lập tức tổ chức công đoàn cùng các cơ quan chức năng đã vào cuộc giải quyết. Đồng thời, công đoàn cấp trên như công đoàn các khu công nghiệp, quận huyện sẽ trực tiếp xuống tiếp thu, lắng nghe ý kiến của người lao động, sau đó sẽ đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động. Đa phần các vụ việc đó, 100% quyền lợi của người lao động đều được giải quyết. Năm nay, có thể nói là do tình trạng thiếu lao động vẫn đang diễn ra ở một số nơi nên quan hệ lao động cũng ổn định hơn. Người sử dụng lao động hiện nay đang phải giữ chân lao động là chính.

PV: Hằng năm, Tổng LĐLĐVN luôn có các chương trình, hoạt động chăm lo Tết cho người lao động và được đánh giá rất cao. Bà có thể cho biết, năm nay các chương trình này có gì mới, khác với mọi năm không?

Bà Trần Thị Thanh Hà: Chăm lo cho người lao động vào các dịp lễ, tết đã thành một truyền thống và cũng là mảng công tác được Tổng LĐLĐVN rất chú trọng. Tổng LĐLĐVN đã chỉ đạo các cấp công đoàn, xuống tận các công đoàn cơ sở để chăm lo cho người lao động dịp Tết này. Phương châm rất rõ ràng là không để người lao động nào không có Tết. Với những người quê xa, Tổng LĐLĐVN đã có một kế hoạch rất sớm gồm 2 chuyến bay miễn phí dành cho người lao động từ khu vực phía Nam về quê ở miền Trung và miền Bắc ăn Tết. Cùng với đó là hàng nghìn vé tàu hoả miễn phí cũng dành cho người lao động và gia đình đi từ khu vực miền Nam ra miền Trung và miền Bắc. Đó là chưa kể hàng chục ngàn chuyến xe được gọi là “Chuyến xe mùa Xuân”, các chuyến xe với vé 0 đồng được tổ chức để đưa lao động về quê ăn Tết, sau Tết sẽ đón người lao động từ quê trở lại nhà máy.

Cùng với đó, chúng tôi còn có các chương trình phúc lợi trích từ kinh phí công đoàn để chăm lo cho người lao động. LĐLĐ các tỉnh đều có kế hoạch để chăm lo cho người lao động cụ thể từ nguồn kinh phí công đoàn. Tổng LĐLĐVN cùng Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức các chương trình đi thăm và động viên công nhân lao động có sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Năm nay, Tổng LĐLĐVN cũng đã tổ chức một “Chợ Tết online” với tên miền là chotet.congdoan.vn cấp 200 nghìn voucher cho 200 nghìn người lao động được mua hàng với mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng. Với gần 2.000 mặt hàng phong phú, chợ Tết này, chúng tôi đã triển khai được 1 tuần rồi và người lao động rất phấn khởi, đánh giá cao. Sát ngày Tết sẽ còn nhiều chương trình mà tổ chức công đoàn sẽ triển khai như: “Tết sum vầy”, “Xuân ơn Đảng”… ở các doanh nghiệp, khu công nghiệp, ở các địa phương dành cho công nhân, người lao động.

PV: Xin cảm ơn bà!

Phan Hoạt (thực hiện)
.
.