Sốc với hàng loạt bất cập trên cao tốc dù đã chỉ tên nhưng chưa được ngành giao thông khắc phục

Thứ Ba, 19/03/2024, 10:50

Quá trình các tuyến cao tốc đưa vào khai thác, sử dụng đã bộc lộ những tồn tại, bất cập trong quy hoạch, xây dựng, quản lý, bảo trì đường cao tốc gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông (ATGT) trên đường cao tốc, dẫn đến đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây bức xúc trong dư luận.

Hiện nay, nước ta đang được khai thác, sử dụng 9 tuyến cao tốc với chiều dài 1.708 km. Trong năm 2024, dự kiến hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng 2 đoạn tuyến, có chiều dài khoảng 137 km, gồm: Diễn Châu (Nghệ An) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh) dài 36 km; Cam Lâm - Vĩnh Hảo (Bình Thuận) dài 91 km, tiến độ hoàn thiện các tuyến đường cao tốc đến năm 2026 sẽ hoàn thiện, đưa vào khai thác, sử dụng với tổng số đường bộ cao tốc tại nước ta khoảng 3.000 km (tăng 1.292 km so với hiện nay 1.708 km). Tuy nhiên, quá trình các tuyến cao tốc đưa vào khai thác, sử dụng đã bộc lộ những tồn tại, bất cập trong quy hoạch, xây dựng, quản lý, bảo trì đường cao tốc gây ảnh hưởng đến ATGT trên đường cao tốc, dẫn đến đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận thời gian vừa qua

Hàng loạt cao tốc không đạt chuẩn nhưng vẫn khai thác cao tốc

Năm 2023, qua khảo sát, kiến nghị trên các tuyến cao tốc do Cục CSGT quản lý, đã phát hiện 132 mục bất hợp lý về tổ chức giao thông trên các tuyến đường bộ cao tốc, trong đó nổi lên những bất hợp lý chưa được khắc phục dẫn đến các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vừa qua. Đến nay, qua theo dõi, ngành giao thông đã chỉ đạo khắc phục xong 77 mục; 21 mục đang thực hiện và hoàn thành trong năm 2024; 34 mục còn lại chưa thực hiện (trong đó có một số mục là nguyên nhân gây mất ATGT, TNGT thời gian qua). Đặc biệt, sau khi xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng (tuyến Cam Lộ- La Sơn, Nội Bài– Lào Cai), làm 7 người chết, 2 người bị thương, thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, Cục CSGT đã tham mưu Bộ Công an chỉ đạo rà soát lại toàn bộ các kiến nghị chưa được khắc phục và các bất hợp lý phát sinh mới. Qua kiến nghị, lực lượng chức năng đã khắc phục được 74 kiến nghị, 58 kiến nghị chưa được khắc phục và phát sinh mới 43 kiến nghị.

3.jpg -0
Cán bộ CSGT kiểm tra giấy tờ phương tiện trên cao tốc.

 Tổ chức giao thông trên các tuyến còn nhiều tồn tại. Xuất hiện tình trạng như: mở điểm mở cho phương tiện đi thẳng vào tuyến cao tốc (Hà Nội - Lào Cai), hệ thống hàng rào lưới thép còn nhiều vị trí chưa khép kín, thiếu người trực chốt, gác nên người dân vẫn có thể tự ý đi bộ, điều khiển xe môtô, xe ba gác vào tuyến cao tốc, súc vật đi trên cao tốc (tuyến Hà Nội - Thái Nguyên; Trung Lương - Mỹ Thuận; Hạ Long - Vân Đồn: km10+252, km15+250, km25+00; Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây); đã xảy ra tình trạng cắt rào, trèo lên đường cao tốc để đón xe khách (tuyến Pháp Vân - Mai Sơn, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên); một số tuyến vừa khai thác hoạt động giao thông vừa thi công, thậm chí còn tháo dỡ hộ lan để phương tiện chở vật liệu đi từ cao tốc xuống đường gom, thi công đường gom gây bụi làm cản trở, che khuất tầm nhìn của lái xe (tuyến Nha Trang - Cam Lâm) tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT. Cá biệt, tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (km 25+300 đến km25+400) bị ngập sâu do mưa ngày 29/7/2023 làm phương tiện không lưu thông được, gây ùn tắc giao thông kéo dài.

Một số tuyến đường trong quá trình khai thác, sử dụng chất lượng bị xuống cấp, mặt đường hằn lún, sập lún tại các mố của hầm, cầu, lưu thông không êm thuận, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT nhưng chậm trễ trong việc khắc phục, sửa chữa. Riêng tuyến đường Hà Nội – Lào Cai sau thời gian dài khai thác, thu phí (từ năm 2014), mặc dù lưu lượng tăng cao, xảy ra nhiều vụ tai nạn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, vẫn chưa tiến hành đầu tư mở rộng lên 4 - 6 làn xe theo đúng phê duyệt.  Đối với những đoạn, tuyến không có dải phân cách cứng ở giữa, không có làn dừng khẩn cấp luôn tiềm ẩn nguy cơ TNGT, khi xảy ra TNGT thường đặc biệt nghiêm trọng (tuyến Cam Lộ- La Sơn, đoạn tuyến Yên Bái – Lào Cai). Những tuyến không có làn dừng khẩn cấp khi xảy sự cố, TNGT thì lực lượng chức năng khó tiếp cận điểm xảy ra vụ việc để xử lý ngay, nguy cơ cao gây TNGT liên hoàn và ùn tắc kéo dài.

Đặc biệt, các tuyến cao tốc đều chưa hoàn thiện hệ thống đường gom, cầu, hầm dân sinh như tuyến Nội Bài – Lào Cai, Hà Nội – Bắc Giang – Lạng Sơn, Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Móng Cái. Điển hình nhất là đối với tất cả các tuyến trong giai đoạn phân kỳ còn lại chưa thực hiện, dẫn đến người dân sinh sống sát cao tốc không đi lại được, bắt buộc cắt hàng rào để đi vào cao tốc.

Riêng đối với một số tuyến cao tốc do CSGT địa phương đang quản lý cũng tồn tại một số những bất cập, khó khăn do điều kiện về hạ tầng và tổ chức giao thông chưa hoàn thiện. Cụ thể: tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang có 24 điểm mở đấu nối vào cao tốc, hệ thống đường gom chưa đảm bảo, không có rào chắn, dẫn đến nhiều mô tô, xe máy, người đi bộ… đi vào đường cao tốc gây mất ATGT; một số đoạn vẫn cho xe mô tô đi vào cao tốc và đi chung với làn xe ô tô và không có làn dừng khẩn cấp…

Thượng tá Lê Quang Hoà, Trưởng phòng Hướng dẫn, điều khiển giao thông và dẫn đoàn, Cục CSGT cho biết, nhiều cao tốc chưa đảm bảo an toàn nhưng đặt ra yêu cầu khai thác cao tốc. "Chúng tôi khảo sát xác định 9 tuyến chưa đảm bảo tiêu chuẩn cao tốc nhưng vẫn khai thác cao tốc, đặc biệt cao tốc Lào Cai đã khai thác thu phí 10 năm nay rồi, chỉ có 2 làn của giai đoạn 1, đến nay 2024 vẫn chưa có kế hoạch mở rộng, không biết bao giờ mới mở rộng? Cao Bồ - Mai Sơn khi có tai nạn, chúng tôi không vào được, không có đường vào để thực hiện nhiệm vụ vì không có làn dừng khẩn cấp; nhiều cao tốc mở đường cho phương tiện vào, điển hình như cao tốc Nội Bài - Lào Cai dẫn đến việc các cháu thanh, thiếu niên đi xe máy vào cao tốc dẫn đến tai nạn chết người...Nhiều cao tốc không có đường gom, không có hầm chui, đường dân sinh dẫn đến người dân không còn đường lưu thông nên đi lên cao tốc...Chúng tôi làm nhiệm vụ trên cao tốc nhưng không có chỗ làm việc, không có chỗ nghỉ ngơi" - Thượng tá Lê Quang Hoà cho biết.

Tăng cao số người chết do TNGT trên cao tốc vì chưa bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn

Theo Cục CSGT, hiện nay, đơn vị bố trí 7 đội TTKS trực tiếp phụ trách 12 đoạn tuyến cao tốc liên tỉnh (từ 2 địa phương trở lên) có tổng chiều dài 1.627 km, đi qua 28 địa phương, bố trí bảo đảm TTKS khép kín địa bàn 24/24h. Hiện nay, 4 tuyến cao tốc đã áp dụng xử lý vi phạm giao thông qua hệ thống giám sát gồm: Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP Hồ Chí Minh - Trung Lương và TP Hồ Chí Minh - Long Thành- Dầu Giây, phát huy hiệu quả trong công tác bảo đảm TTATGT trên các tuyến đường bộ cao tốc.

Kết quả: Năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024, trên các tuyến đường bộ cao tốc thuộc Cục CSGT quản lý, đã thực hiện kiểm soát 222.031 trường hợp, lập biên bản 32.927 trường hợp, phạt tiền 140 tỷ 559 triệu đồng; tước GPLX 16.708 trường hợp, tạm giữ 1.316 phương tiện. Các hành vi vi phạm chủ yếu là vi phạm tốc độ, nồng độ cồn, chạy xe ở làn khẩn cấp… Trong đó, thông qua hệ thống giám sát trên các tuyến cao tốc do Cục CSGT quản lý đã phát hiện 43.741 trường hợp vi phạm; dừng phương tiện, lập biên bản 1.235 trường hợp; gửi thông báo vi phạm 42.506 trường hợp. Ngoài ra, đã phát hiện 155 vụ phạm pháp hình sự, bắt giữ 133 đối tượng.

Quá nhiều bất cập về tổ chức giao thông trên cao tốc dẫn đến tai nạn chưa được khắc phục  -0
Cán bộ CSGT sử dụng thiết bị kiểm tra tải trọng lái xe vào cao tốc.

Trong năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024, trên các tuyến đường bộ cao tốc xảy ra 267 vụ TNGT, làm chết 91 người, bị thương 172 người. So với thời gian trước liền kề tăng 2 vụ, tăng 30 người chết (32,97%), tăng 56 người bị thương (32,56%). Nguyên nhân chủ yếu gây ra TNGT là do ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao, không tuân thủ nguyên tắc khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, hạ tầng giao thông và hệ thống báo hiệu trên cao tốc chưa hoàn chỉnh và đồng bộ.

Trong đó, tập trung vào các hành vi vi phạm như: đi không đúng phần đường; dừng, đỗ trên đường cao tốc; xe mô tô, người đi bộ vào đường cao tốc; chạy quá tốc độ; không đảm bảo khoảng cách an toàn... Bên cạnh đó, qua điều tra, kiểm tra đánh giá tại hiện trường và phân tích tình huống các vụ TNGT, còn cho thấy hạ tầng tổ chức giao thông trên một số tuyến cao tốc (nhất là các tuyến thực hiện đầu tư phân kỳ) còn bất cập, phần nào ảnh hưởng đến nguyên nhân xảy ra TNGT. Đặc biệt, có nhiều điểm kết thúc vượt xe có thiết kế nền đường theo kiểu “bó hẹp, thắt cổ chai”, không có làn khẩn cấp trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn.   

Quá nhiều bất cập về tổ chức giao thông trên cao tốc dẫn đến tai nạn chưa được khắc phục  -0
Lực lượng Công an làm nhiệm vụ trên cao tốc.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết TNGT, Cục CSGT cho biết, những tồn tại, bất cập trong quy hoạch, xây dựng, quản lý, bảo trì đường cao tốc gây ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo đảm TTATGT trên các tuyến đường bộ cao tốc, TNGT xảy ra nhiều, trong đó có một số vụ đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trên các đoạn, tuyến mới được đưa vào khai thác như Cao Bồ - Mai Sơn - QL45, Trung Lương - Mỹ Thuận, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Nha Trang - Cam Lâm, Hà Nội - Thái Nguyên, Cam Lộ - La Sơn, Phú Thọ - Tuyên Quang, Mỹ Thuận - Cần Thơ… do chưa bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn đường cao tốc ngay từ khi xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng. Cụ thể, như: chưa có trạm dừng nghỉ cho lái xe, không có dải phân cách cứng, không có làn dừng xe khẩn cấp hoặc có nhưng chưa bảo đảm bề rộng tiêu chuẩn, không đảm bảo hệ thống chiếu sáng ban đêm, tầm nhìn hạn chế… Mặt khác, trên một số tuyến cao tốc chưa bố trí được trụ sở làm việc, bãi tạm giữ phương tiện, nơi tiếp dân, xử lý vi phạm theo quy định,... gây khó khăn cho hoạt động của lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT.

Để đảm bảo TTATGT trong thời gian tới, Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, Nhà nước cần ưu tiên phát triển đồng bộ hơn nữa hạ tầng giao thông trên đường bộ cao tốc, đảm bảo đúng tiêu chuẩn mới đưa vào khai thác sử dụng đồng bộ. Đối với những đoạn tuyến cao tốc trong giai đoạn phân kỳ (chưa đạt chuẩn cao tốc) cần phải nhanh chóng hoàn thiện để đạt chuẩn; cần xây dựng quy định tiêu chuẩn cao tốc theo quy chuẩn. Công tác đào tạo, cấp, đổi giấy phép lái xe cần thay đổi bổ sung, nâng cao chất lượng đào tạo. Giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị quản lý hạ tầng trên đường bộ cao tốc phải chủ động khắc phục sự cố hạ tầng kỹ thuật nếu có nguy cơ mất an toàn…

Phương Thuỷ
.
.