Cấp thiết thông qua Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử

Kỳ cuối: Khơi thông nguồn lực đưa đất nước vươn mình phát triển

Thứ Năm, 28/11/2024, 05:22

Thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham những, kinh tế là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng trong điều tra, xử lý vụ án. Việc thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử còn góp phần chống lãng phí, tạo thêm những nguồn lực to lớn giúp đất nước vươn mình vào kỷ nguyên mới.

Tỷ lệ thu hồi đạt 81%

Trao đổi với PV, Thượng tá - Thạc sĩ Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an cho biết: Nếu chỉ phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm người phạm tội mà không thu hồi được tài sản thì mục đích của việc xử lý tội phạm trong các vụ án tham nhũng, kinh tế mới chỉ đạt được một nửa, đó là mới chỉ buộc “người phạm tội phạm chịu hình phạt” mà chưa “buộc người phạm tội phạm nộp lại những tài sản mà họ đã chiếm đoạt hoặc gây thất thoát, lãng phí”, sẽ tạo tâm lý coi thường pháp luật, gây bất bình dư luận.

Thu hồi tài sản có hiệu quả càng cao sẽ làm triệt tiêu động lực của tội phạm tham nhũng, kinh tế, góp phần răn đe và phòng ngừa, ngăn chặn chung. Cùng với đó, xử lý hiệu quả vật chứng, tài sản, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử cũng là yêu cầu hết sức cấp thiết và đặc biệt quan trọng trong bối cảnh cả hệ thống chính trị quyết tâm, quyết liệt chống lãng phí như thông điệp trong bài viết “Chống lãng phí” vừa qua của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.

Kỳ cuối: Khơi thông nguồn lực đưa đất nước vươn mình phát triển -0
Một khu đất liên quan đến hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị kê biên.

Cũng theo Thượng tá - Thạc sĩ Vũ Thanh Tùng, hàng năm, Quốc hội đều giao chỉ tiêu thu hồi tài sản án tham nhũng phải đạt trên 60%. Nhận thức và quán triệt yêu cầu, chỉ tiêu của Đảng, Nhà nước, của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đối với công tác thu hồi tài sản, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát kinh tế với đầu tàu là Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã triển khai đồng bộ, linh hoạt nhiều biện pháp, giải pháp xác minh, truy tìm, thu hồi tài sản trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng và thu được kết quả tích cực với số tài sản thu hồi năm sau cao hơn năm trước và luôn đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu hồi tài sản tham nhũng trên 60%. Cụ thể, năm 2020 đạt tỷ lệ 72%, năm 2021 đạt tỷ lệ 76%, năm 2022 đạt tỷ lệ 81%.

Nhiều vụ án thu hồi tài sản với giá trị đặc biệt lớn như vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, đã thu hồi, kê biên, phong tỏa tiền, tài sản được quy đổi với tổng giá trị gần 400 nghìn tỷ đồng - lớn nhất từ trước đến nay. Nhiều vụ án đã thu hồi 100% tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, điển hình là vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, đã thu hồi 100% tài sản bị chiếm đoạt với số tiền đặc biệt lớn lên tới 8.644 tỷ đồng, phục vụ chi trả cho 6.000 bị hại, giải quyết được vấn đề ANTT và xã hội. Một bị can đã buộc phải khai nhận hành vi nhận hối lộ và thu hồi số tiền nhận hối lộ của bị can này lớn nhất từ trước đến nay lên đến 5,2 triệu USD.

Thống kê của Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an cho biết, hiện có 61.366 vụ án đã tiến hành xử lý vật chứng, tài sản bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong giai đoạn điều tra. Đặc biệt, trong đó có nhiều vụ vật chứng, tài sản có giá trị lớn được xử lý hiệu quả trong giai đoạn điều tra, không để xảy ra hư hỏng, suy giảm giá trị, lãng phí. Dẫn chứng từ vụ án buôn lậu tấm pin mặt trời được Công an tỉnh Bắc Giang khám phá cho thấy, có 7,4 triệu tấm tế bào quang điện dùng để sản xuất hệ thống năng lượng mặt trời là tang vật của vụ án. Dù đây không phải là hàng hóa mau hỏng, khó bảo quản nhưng qua xác minh các đơn vị kinh doanh xác định, điều kiện bảo quản rất khắt khe về nhiệt độ, thời hạn sử dụng. Nếu để lâu có thể làm giảm, mất đi giá trị sử dụng, tốn kém chi phí. Chính vì vậy, Cơ quan chức năng đã xin ý kiến liên ngành tư pháp Trung ương và thống nhất bán đấu giá thu được số tiền 97 tỷ đồng và nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra để đảm bảo thi hành án.

Đối với vụ buôn lậu xăng dầu tại Quảng Ngãi, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an đã thu giữ 2 ôtô, 2 tàu vận chuyển xăng, hơn 2 triệu lít xăng. Liên ngành thống nhất xin ý kiến xử lý vật chứng trong giai đoạn điều tra với lý do hết sức cấp thiết nếu để lâu sẽ giảm đi giá trị, dễ cháy nổ, tốn chi phí bảo quản. Kết quả, liên ngành đã thống nhất cho phép Cơ quan CSĐT bán đấu giá số xăng dầu trên trị giá 22,6 tỷ đồng, nộp vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan CSĐT để đảm bảo thi hành án. Riêng vụ án sắt thép của Công ty Thái Sơn, Hải Phòng, đã bán hơn 18.000 tấn thép, thu được số tiền 135,17 tỷ đồng.

Vụ án Công ty 1/5 (liên quan đến dự án khu đô thị Thanh Hà của chủ đầu tư Cienco 5), quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT đã thu hồi số tài sản 801 tỷ đồng có nguồn gốc từ Công ty 1/5 thu của 500 người dân mua nhà. Sau khi làm rõ các nội dung liên quan đến vụ án đối với số tiền này, liên ngành tư pháp đã xác định việc trả lại số tiền trên cho chủ sở hữu trong giai đoạn điều tra không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án sau này, thống nhất trả lại cho các nhà đầu tư, giúp người dân, xã hội có thêm nguồn lực phát triển, tiền không bị “chết” vì chờ kết thúc vụ án.

Tạo xung lực mới phát triển kinh tế - xã hội

Đại diện Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an cũng cho biết, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Công an qua từng giai đoạn cụ thể, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã chủ động nắm tình hình, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, lãnh đạo Bộ Công an những vấn đề chiến lược về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chủ động nhận diện những hoạt động, phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm về tham nhũng, kinh tế; những vấn đề nổi lên của tình hình tội phạm sẽ tiềm ẩn nguy cơ, thách thức đối với bảo đảm an ninh trật tự để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý.

Đồng thời, phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong cơ chế, chính sách, trong quản lý Nhà nước và các quy định của pháp luật để kịp thời tham mưu, đề xuất giúp các bộ, ban, ngành sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nhằm xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ, xuyên suốt, làm cơ sở vững chắc trong tổ chức các hoạt động đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thực hiện chủ trương của Đảng, trước tình hình thực tế tài sản đã thu giữ, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã tham mưu xây dựng “Đề án cơ chế xử lý vật chứng, tài sản bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc”. Đề án đã được Bộ Chính trị thông qua và chỉ đạo triển khai, thực hiện; tạo cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc để nâng cao hiệu quả xử lý, sớm đưa vật chứng, tài sản vào lưu thông, phục vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, tránh bị hư hỏng, thiệt hại, thất thoát, lãng phí, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Các vụ án được khởi tố, điều tra liên quan đến tội phạm về tham nhũng trong hoạt động đấu giá, đấu thầu; các lĩnh vực đất đai, ngân hàng, chứng khoán, y tế, giáo dục... đều phát huy tác dụng răn đe, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ với phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”. Một loạt các cán bộ nguyên là lãnh đạo cấp cao bị khởi tố về những hành vi liên quan đến tham nhũng, tiêu cực đã minh chứng cho sự quyết tâm của Đảng, Chính phủ và của cả hệ thống chính trị trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, làm trong sạch đội ngũ cán bộ; xử lý từ sớm, từ xa, không để các cán bộ đảng viên có sai phạm, tiêu cực được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo; từ đó củng cố niềm tin của nhân dân trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là cuộc đấu tranh “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, cho dù kẻ phạm tội là ai vẫn sẽ bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật, nhưng vẫn bảo đảm tính nhân văn để họ có cơ hội khắc phục tối đa hậu quả, thiệt hại.

Một đóng góp quan trọng nữa của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với sự nghiệp đổi mới đất nước là việc góp phần bảo đảm ANTT, kỷ cương xã hội; vừa kiên quyết loại bỏ các tổ chức, doanh nghiệp làm ăn phi pháp, coi thường pháp luật, vừa chú trọng xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh và thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Đúng như tinh thần mà đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã phát biểu tại Phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo “Không vì đẩy mạnh chống tham nhũng mà cản trở phát triển kinh tế”, qua đó, góp phần để công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế đạt được những thành tựu, kết quả quan trọng; củng cố sức mạnh về mọi mặt của đất nước, đưa vị thế của Việt Nam ngày càng nâng cao trên trường quốc tế.

Hoàng Phong
.
.