Kinh phí thực hiện chính sách với người lao động trong sắp xếp bộ máy lấy từ nguồn nào?

Thứ Sáu, 03/01/2025, 18:17

Bộ Tài chính đề xuất cụ thể về nguồn kinh phí thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức; cán bộ, công chức cấp xã và người lao động; nguồn kinh phí giải quyết chính sách, chế độ đối với viên chức và người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo thông tư hướng dẫn việc xác định nguồn kinh phí và việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Theo dự thảo, đối tượng áp dụng gồm:

Cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị do sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp theo quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 2 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP;

Đối với đối tượng quy định tại điểm d, đ, e khoản 1 Điều 2 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng;

Cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và cán bộ nghỉ thôi việc theo nguyện vọng thực hiện theo quy định tại Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Kinh phí thực hiện chính sách, chế độ với người lao động trong sắp xếp tổ chức bộ máy lấy từ nguồn nào? -0
Sắp xếp tổ chức bộ máy cần nguồn kinh phí để thực hiện chính sách, chế độ đối với người lao động

Về kinh phí, nguồn kinh phí thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức; cán bộ, công chức cấp xã và người lao động (trừ người lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập) được thực hiện như sau:

Đối với cơ quan, đơn vị sử dụng nguồn dự toán ngân sách chi thường xuyên được giao hàng năm (ngoài phần kinh phí ngân sách nhà nước bố trí để thực hiện chính sách quy định tại khoản 2 phía dưới) để chi trả các chế độ gồm:

Thứ nhất là kinh phí bảo lưu mức lương chức vụ cũ hoặc phụ cấp chức vụ lãnh đạo cũ đến hết nhiệm kỳ bầu cử hoặc hết thời hạn bổ nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc được bầu cử, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thấp hơn do sắp xếp tổ chức bộ máy theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP;

Thứ 2, tiếp tục trả nguyên tiền lương hiện hưởng (bao gồm cả các khoản phụ cấp lương) theo vị trí việc làm trước khi được cơ quan, tổ chức, đơn vị cử đi tăng cường đi công tác ở cơ sở theo quy định tại điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 12 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP;

Thứ 3, chính sách nâng bậc lương quy định tại điểm d khoản 1, điểm d khoản 2 Điều 12 và khoản 1 Điều 13 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP;

Thứ 4, chi tiền thưởng cho các đối tượng theo quy định tại khoản 3 Điều 7, điểm d khoản 1, điểm d khoản 2 Điều 12; khoản 2 Điều 13 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP.

Ngân sách nhà nước bố trí một khoản kinh phí để thực hiện các chế độ còn lại (ngoài chế độ tại khoản 1 nêu trên) tại Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 11, Điều 12, Điều 14 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP theo nguyên tắc:

Đối với đối tượng cán bộ, công chức, người lao động thuộc, trực thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương (sau đây viết tắt là các bộ, cơ quan trung ương) thì ngân sách trung ương đảm bảo bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm giao cho các bộ, cơ quan trung ương;

Đối với các đối tượng cán bộ, công chức; cán bộ, công chức cấp xã và người lao động thuộc, trực thuộc các đơn vị do địa phương quản lý thì ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí thực hiện các chế độ theo quy định về phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

Riêng với các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau hợp nhất, sáp nhập thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phù hợp với vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức: Thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

Về nguồn kinh phí giải quyết chính sách, chế độ đối với viên chức và người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập, đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên theo quy định của Chính phủ: Kinh phí giải quyết chính sách, chế độ từ nguồn thu hoạt động sự nghiệp của đơn vị và nguồn thu hợp pháp khác theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 16 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên: Kinh phí giải quyết chính sách, chế độ từ nguồn thu hoạt động sự nghiệp của đơn vị, nguồn ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu hợp pháp khác. Ngân sách nhà nước sẽ bố trí kinh phí giải quyết chính sách, chế độ trên số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 16 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên: Kinh phí giải quyết chính sách, chế độ từ nguồn ngân sách nhà nước cấp theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 16 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP.

Ngân sách nhà nước bố trí kinh phí giải quyết chính sách, chế độ đối với đơn vị sự nghiệp công lập tại khoản 2 và khoản 3 này theo nguyên tắc quy định.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập sau hợp nhất, sáp nhập được phân loại là đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phù hợp với vị trí việc làm đối với viên chức: Ngoài kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức đã được bố trí hằng năm theo quy định, được ngân sách nhà nước cấp bổ sung kinh phí đào tạo, bồi dưỡng bằng 5% tổng quỹ lương cơ bản (không bao gồm phụ cấp) trong năm đầu thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

Hà An
.
.